Hà Nội nhìn từ mặt tiền- Tia sáng

Bài và ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Các tấm pa-nô quảng cáo cỡ lớn xuất hiện ngày một nhiều trên mặt tiền nhà mặt phố và có xu hướng chiếm lĩnh không gian công cộng.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn viết về những biến đổi của cảnh quan đô thị Hà Nội trong hơn 100 năm qua mà anh cố gắng ghi lại qua một số dự án nghệ thuật thị giác của mình.
Những ngôi nhà “bịt mặt”

Từ năm 1986 đến nay, cùng với sự chuyển mình của nền kinh tế là sự xuất hiện của khái niệm “nhà mặt phố” ở các đô thị lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội.

Nguyên bản mô hình gốc của “nhà mặt phố” đương đại chính là nhà ống cổ với đặc trưng là dù chật hẹp nhưng không khí vẫn lưu thông, kiến trúc được thiết kế khéo léo, hài hòa thân thiện với thiên nhiên. Mái dốc, lợp ngói rất mát mẻ. Người Hà Nội xưa luôn tận dụng mọi khoảng không gian để đưa thiên nhiên vào nhà, giữa các gian nhà thường có một đến hai khoảng sân tạo không gian thở.

Trong khi đó, nhà mặt phố đương đại đã hoàn toàn biến đổi về hình dáng và cấu trúc. Phổ biến tràn lan là những ngôi nhà hình ố́ng, mặt tiền nhỏ hẹp, đua nhau xây cao để tận dụng không gian và hút ánh mắt người đi đường bởi rất hiếm nhà mặt phố không được tận dụng để kinh doanh và treo biển quảng cáo. Sự bùng nổ của nhu cầu quảng cáo kéo theo một xu hướng đáng ngại là “bịt mặt” các nhà mặt phố bằng những tấm biển quảng cáo cỡ lớn với hình ảnh những người mẫu, siêu sao, tiện nghi sang trọng, hiện đại đi kèm những câu slogan phô trương. Mở cửa nền kinh tế vì thế còn đồng nghĩa với việc nhiều ô cửa sổ và ban công đã phải đóng lại. Không gian riêng tư của những gia đình sống ở mặt phố dần dần biến thành không gian công cộng từ lúc nào không biết.

Dự án “Nhà mặt phố” của tôi được hình thành trong bối cảnh đó. Trong quá trình khảo sát và thực hiện dự án, tôi đã cố́ gắng thử nghiệm một khái niệm mới – “nhiếp ảnh phù điêu” khi sử dụng chính công nghệ làm biển quảng cáo đang thịnh hành và mời chính những người thợ trong ngành quảng cáo trực tiếp tham gia vào quá trình thi công tạ̣o nên tác phẩm. “Nhà mặt phố” là một quá trình thực hành nghệ thuật thử nghiệm khi lai tạp, pha trộn các chất liệu, các phương thức tiến hành khác nhau để tạo ra một sản phẩm chứa đựng nhiều ký hiệu biểu trưng cho cuộc sống của con người đương đại vốn đa hướng và khó nắm bắt. Qua đó, tôi muốn tạo nên một mô hình cuộc sống thu nhỏ, một trò chơi thị giác nhằm kích thích sự giải mã từ phía người xem.

Khối địa tầng lộn ngược

Tiếp sau dự án “Nhà mặt phố”, với dự án “Nhà Tây biến hình”, tôi muốn tiếp tục mở rộng nghiên cứu của mình về sự biến đổi của cảnh quan đô thị Hà Nội. Cũng bằng thủ pháp “nhiếp ảnh phù điêu”, tôi tiếp tục thử nghiệm khái niệm “chụp cắt lớp” kiến trúc, bóc tách các lớp lịch sử đã hình thành và chồng đè liên tiếp lên nhau trong suốt 100 năm qua. Nó tựa như phương pháp chụp X-quang xuyên thời gian, để qua đó cố gắng đọc hiểu số phận của những ngôi nhà, số phận của những gia đình trải qua những trắc trở biến thiên của thời cuộc.


Trên trán các ngôi nhà Tây thường xuất hiện những dòng chữ đắp nổi
tên gia chủ, hay tên của ngôi nhà được gia chủ đặt với cả niềm tự hào
và hãnh diện, có khi bằng cả ba thứ tiếng Pháp, Việt, Hoa,
ví dụ như ngôi nhà ở 68 Đào Duy Từ có tên là Maison Yến Mỹ của
ông Nguyễn Đình Phẩm (trong ảnh).

Trước khi xuất hiện những ngôi nhà Tây, chưa bao giờ người Việt được đứng ở một tầm cao như vậy để nhìn xuống người đi đường. Hà Nội thời đó có rất nhiều ngôi nhà mang kiến trúc kiểu miền Nam nước Pháp với đặc điểm thanh thoát, tinh tế, gắn bó với thiên nhiên. Và ban công chính là nơi gặp gỡ của con người với đất trời. Có thể nói, ban công là một đặc sản của Hà Nội thời thuộc địa.

Cùng với đó, trên trán nhà thường xuất hiện những dòng chữ đắp nổi tên gia chủ, hay tên của ngôi nhà được gia chủ đặt với cả niềm tự hào và hãnh diện, có khi bằng cả ba thứ tiếng Pháp, Việt, Hoa (ví dụ như ngôi nhà ở 68 Đào Duy Từ có tên là Maison Yến Mỹ của ông Nguyễn Đình Phẩm hay tiệm bán đồ vàng bạc trang sức Thành Mỹ ở số 18 phố Cửa Nam…). Nhưng sự thăng hoa trong kiến trúc cũng như văn hóa mặt tiền đó cũng chẳng tồn tại được bao lâu.


Từ một ngôi biệt thự của cụ cự Lãnh – một chủ thầu khoán,
sau năm 1954, căn nhà 65 Nguyễn Thái Học trở thành
nhà tập thể cho nhiều văn nghệ sĩ các thế hệ như:
Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm,
Mai Văn Hiến, Văn Giáo, Trần Đông Lương, Huỳnh Văn Gấm,
Song Văn, Huỳnh Văn Lý, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam…

Suốt một thời kỳ dài trong và sau chiến tranh, vô số ngôi nhà Tây ở khắp Hà Nội bị chia nhỏ thành những khoảng không gian chật hẹp để nhồi nhét hàng chục gia đình từ các địa phương khác tràn lên thành phố, theo qui định mỗi người được vài mét vuông. Hầu như toàn bộ khối nhà Tây trở thành những khu tập thể bất đắc dĩ, những ban công lãng mạn ngày nào giờ bỗng trở thành cái toa-lét, cái bếp, hay phòng ngủ tạm bợ. Rồi trên trán nhà, những con chữ đầy kiêu hãnh tự hào của gia chủ ngày nào giờ vội vàng bị đục bỏ, tẩy xóa… Thời đó, tất cả các nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của toàn xã hội đều do Nhà nước quản lý và bao cấp nên những yếu tố gắn với khái niệm cá nhân, tư hữu, hay quảng cáo dịch vụ sản phẩm trên mặt tiền ngôi nhà không được hoan nghênh. Mặt tiền nhiều ngôi nhà Tây được treo biển hợp tác xã, cửa chính ngôi nhà giờ không còn cần đến khóa vì nó đã trở thành cái cổng ngõ chung.

Thế rồi bước vào thời mở cửa, nhà Tây lại tiếp tục “biến hình” một lần nữa. Từng mét vuông mặt tiền giờ đều thành tiền mặt, nên nó được đục, phá, khoan cắt bê tông, và tiếp tục lên tầng… Những dấu vết biến thiên đó còn lưu lại trên mặt tiền nhiều ngôi nhà. Lấy nhà số 10 Lý Quốc Sư làm thí dụ: ngay trên tấm biển hiệu Phở 10 nổi tiếng, ta đọc được hàng chữ nhỏ “Hợp tác xã Mùa Thu”, nhưng ngước một chút lên phần trán nhà, ta còn thấy dòng chữ đắp nổi tên ông chủ hiệu ảnh nổi tiếng hồi đầu thế kỷ Nghiêm Xuân Thức – La Photo.


Nhà số 10 Lý Quốc Sư ngày nay trong sự so sánh
với bản vẽ phục dựng ngôi nhà nguyên thủy của Trần Hậu Yên Thế
tại Triển lãm Nhà Tây biến hình cùng với nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn.

Có thể nói, những ngôi nhà Tây ngày nay sau bao biến động, đảo lộn của lịch sử trông chẳng khác gì những khối trầm tích, nhưng bị lộn ngược. Lớp địa tầng lịch sử thứ nhất nằm ngay ở nơi sát mặt đường, lố nhố những cửa hàng, ki-ốt, biển quảng cáo chen nhau từng mét vuông, phản ảnh lớp thời gian gần đây, sau khi Việt Nam mở cửa, chấp nhận nền kinh tế tư nhân. Lớp địa tầng lịch sử thứ hai nằm cao hơn một chút trên những ban công với hoa sắt xưa bị biến thành chuồng cọp với những khung nhôm kính quây tạm thành phòng vệ sinh hay gian bếp, bên ngoài treo lủng lẳng cục điều hòa, phản ảnh một thời bao cấp với chính sách “cải tạo nhà cửa” và “phân phối nhà ở” cho cán bộ công nhân viên. Lớp địa tầng thứ ba nằm trên các trán nhà với tên gia chủ và hoa văn kiến trúc còn sót lại, phảng phất dấu vết của ngôi nhà nguyên thủy thời đầu thế kỷ.

Gần đây, tôi lại khởi động một dự án nhằm nghiên cứu những tín hiệu thị giác trên mặt tiền những khu tập thể xuất hiện từ thời bao cấp. Hy vọng đó sẽ là mảnh ghép bổ sung nốt vào chuỗi các tác phẩm nghiên cứu về sự biến đổi của cảnh quan đô thị Hà Nội trong thời kỳ chuyển đổi mà tôi đã tiến hành được hơn 10 năm nay. Lịch sử có thể xáo trộn, biến đổi cảnh quan, nhưng với tôi, mặt tiền của đô thị chính là một bảo tàng sống lưu trữ ký ức rất đầy đủ.


Một số tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu tại triển lãm “Nhà mặt phố”
của Nguyễn Thế Sơn.


Khái niệm nhiếp ảnh phù điêu có thể hiểu là ảnh 3D, quá trình thực hiện nó tương tự quá trình làm biển quảng cáo chữ hộp của thợ quảng cáo ở Hà Nội: cắt rời các chi tiết trên một tấm ảnh bằng kỹ thuật cắt laser, sau đó nhân lớp để tạo nên các độ cao thấp, nông sâu khác nhau, giống như hiệu quả của những tấm phù điêu ở đình làng. Tuy nhiên nếu phù điêu làm bằng gỗ, đá… thì ở đây là ảnh bồi lên chất liệu nhựa tổng hợp chuyên dùng trong ngành công nhiệp làm mô hình quảng cáo và mô hình kiến trúc. 

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=9075

Comments are closed.