Từ học viện ra thị trường

Bảo tàng Mỹ thuật trong Học viện Trung ương (CAFA)

Cùng với sự nở rộ của các loại hình nghệ thuật đương đại Trung quốc, hàng ngàn gallery lớn nhỏ, hàng chục bảo tàng nghệ thuật đương đại đã được mở ra trên khắp các thành phố lớn ở Trung quốc. Một thị trường với môi trường thúc đẩy mạnh mẽ cho nghệ thuật đương đại phát triển như vậy, câu hỏi đặt ra là đằng sau sự phát triển rầm rộ đó, vai trò của hệ thống giáo dục, đào tạo nghệ thuật đương đại đó ra sao? Sự hình thành, phát triển và xu hướng hoạt động của nó liên quan thế nào đối với môi trường nghệ thuật đương đại Trung Quốc ngoài xã hội? Nói cách khác, con đường để nghệ thuật đương đại đi vào học viện và từ đó bước ra ngoài xã hội đóng góp vào thị trường nghệ thuật là như thế nào?

Phạm vi khảo sát: Học viện mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh (CAFA)

Để đi tìm câu trả lời về vấn đề nghệ thuật đương đại Trung quốc đã vào học viện thế nào, tôi chọn Học viện Mỹ thuật Trung ương làm tâm điểm cho việc khảo sát nghiên cứu của mình. Trung Quốc có 8 học viện mỹ thuật lớn, nổi tiếng nhất là Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh. Ngoài Học viện Mỹ thuật Trung ương (Bắc Kinh), 7 học viện còn lại phân bố đều tại các khu vực là Học viện Mỹ thuật Trung Quốc (Triết Giang), Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn (Thẩm Dương, Đại Liên), Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên, Học viện Mỹ thuật Quảng Châu, Học viện Mỹ thuật Thiên Tân, Học viện Mỹ thuật Hồ Bắc, Học viện Tây An. Trong bài viết này, tôi lấy dẫn chứng khảo sát ở học viện mỹ thuật Trung ương (CAFA) – một cái nôi quan trọng nhất trong việc hình thành, hoạt động và đóng góp cho nền nghệ thuật đương đại Trung quốc những năm gần đây.

Như chúng ta đã biết, nghệ thuật đương đại Trung Quốc cứ mỗi 10 năm lại có những thay đổi lớn về cả cấu trúc và xu hướng. Qui luật trên tôi đã rút ra được qua những khảo sát và ghi nhận trong những bài nghiên cứu trước. Có thể tạm chia thành 3 thời kỳ phát triển: 1979-1989, 1989-1999, 1999-2009

Trong khảo sát về vấn đề nghệ thuật đương đại Trung Quốc đã vào học viện thế nào, tôi lấy mốc năm 2000 làm năm bản lề cho hành trình đó.

Tác phẩm tốt nghiệp của khoa Điêu khắc khóa 2009, CAFA

Tại sao lấy mốc năm 2000 ?

 

Ngược dòng thời gian, trở lại thời kỳ những năm sau cách mạng văn hóa, Trung quốc đã từng cố gắng duy trì cấu trúc chính quyền truyền thống, từng bước có những cải cách theo hướng thị trường trong nhiều năm từ sau 1978 nhưng họ đã không thành công. Kết quả là cuộc khủng khoảng chính trị vào năm 1989. Cả hệ thống đã rung động và rơi vào khủng hoảng thực sự nghiêm trọng. Hai cuộc khủng hoảng to lớn khác lần này đến từ bên ngoài, là sự kiện Liên Xô sụp đổ và khủng hoảng tài chính Châu Á. Ở thời điểm nhạy cảm đó, lãnh đạo Trung quốc đã đưa ra một quyết sách hết sức quan trọng, đó là đoạn tuyệt với cách làm cũ, nghĩa là thay vì cố gắng bảo vệ các nguyên lý cố hữu của chủ nghĩa xã hội thì giờ đây phải thực sự xem xét lại các nguyên lý này để cứu nền kinh tế, cứu cả hệ thống chính trị. Điều đó có nghĩa là phải đảo lộn cả đất nước để viết lại các qui tắc kinh tế cơ bản cho phù hợp với bên ngoài; “bên ngoài ” ở đây có nghĩa là WTO.

Chính những qui tắc bên ngoài và sự phụ thuộc vào các qui tắc đó buộc Trung quốc phỉa mở cửa để thu hút nhân tài. Những nhân tài này có thể là những người trong nước được đào tạo ở Mỹ, châu Âu hay cũng có thể được đào tạo trong nước, nhưng điểm chung là đều nằm ngoài hệ thống. Đến những năm cuối thập kỷ 90 đặc biệt là từ năm 2000, các cơ quan nhà nước, công ty quốc doanh, các trường đại học đã mở rộng cửa chào đón họ. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình thực hiện chính sách sử dụng nhân tài. Sự mở cửa này hoàn toàn không diễn ra một cách tự phát, mà từ cấp lãnh đạo cao nhất, những người nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung quốc cần có những tài năng và họ đảm bảo rằng các tài năng ấy khi trở về đại lục sẽ có thu nhập ngang tầm thế giới. Điều này có nghĩa là người tài sẽ về khi thấy có phần đóng góp trong sự phát triển của đất nước.

Chính vì những thay đổi cơ bản trong đường lối chính sách đó, có thể thấy được tầm quan trọng của mốc thời gian năm 2000 trong việc chính thức hóa sự xuất hiện các loại hình nghệ thuật thử nghiệm, đa phương tiện trong môi trường học viện những năm sau 2000. Cụ thể những thay đổi đó ra sao chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau. Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại quá trình manh nha xuất hiện của các loại hình nghệ thuật thực nghiệm, đa phương tiện, chúng đã tác động như thế nào đến môi trường học viện những năm trước 2000.

Phố Wal, tác phẩm của Chen Wen Ling tại khu nghệ thuật 798, Bắc Kinh

 

Sự xuất hiện và ảnh hưởng của nghệ thuật đương đại với môi trường học viện

 

Năm 2000 trở về trước, nghệ thuật đương đại Trung quốc bùng nổ về mọi mặt hình thức để biểu đạt những thể nghiệm của nghệ sỹ, một loạt các hình thức nghệ thuật mới ra đời như: sắp đặt, trình diễn, video art, nhiếp ảnh, nghệ thuật khái niệm… nhưng dường như tất cả những thể nghiệm mang tính chất đương đại này đều mang tính bộc phát cá nhân hay nhóm nhỏ có yếu tố tự giáo dục, tự thực hành, thông qua cập nhật các kênh thông tin đa chiều của nghệ thuật đương đại thế giới cùng với xu hướng mở của của nền kinh tế.

Trong giai đoạn này, tất cả các thực hành nghệ thuật thử nghiệm trên mọi loại hình của các nghệ sỹ gần như đều bị coi là đi ngược lại với những trường phái của học viện (hay còn gọi là xu hướng nghệ thuật phản học viện, phản truyền thống). Bắt đầu từ phong trào thực hiện hành vi mang đốt những tranh sơn dầu vẽ theo lối kinh viện của các nghệ sỹ Hạ môn, Phúc kiến trong “phong trào 85” (phản học viện), cho đến những dạng thực hành nghệ thuật hành vi của các nghệ sỹ tầm cỡ như Ngải Vị Vị (Ai Wei Wei) bằng cách đập vỡ các bình cổ đời nhà Hán trong seri ảnh Thả xuống một chiếc bình đời Hán (phản truyền thống).

Sự nở rộ hàng loạt các dạng triển lãm thực hành khái niệm nghệ thuật mới lúc đó (giai đoạn cuối những năm 80 đầu những năm 90) đã như gáo nước lạnh dội thẳng vào nền tảng giáo dục nghệ thuật của học viện vốn được coi là cái nôi của nghệ thuật kinh viện Trung quốc. Làn sóng đó đã âm thầm tác động vào tư tưởng, vào tư duy sáng tạo của những người trẻ tuổi, khao khát sự thay đổi trong môi trường học viện. Và sau đó xuất hiện một đại diện tiêu biểu là giáo sư Từ Băng.

Cuối những năm 80, khi đang là giảng viên của khoa Đồ họa, ông đã âm thầm khắc những chữ triện vô nghĩa trong suốt 4 năm trời, dùng các bộ thủ trong chữ Hán khắc ra những Hán tự vô nghĩa mà không người Trung quốc nào đọc hiểu. Để rồi sau đó ông cho ra đời tác phẩm sắp đặt hoành tráng “Sách trời ” Khái niệm ông đưa ra là sự hoài nghi về giá trị của văn tự. Đứng trước tác phẩm của ông, mọi người đều bình đẳng, đều không thể hiểu được ý nghĩa của những con chữ đó.

Thiên Thư của Từ Băng (Xu Bing)

Cách thực hành nghệ thuật khái niệm của Từ Băng thời bấy giờ đã làm thất vọng bao giáo sư cao niên trong học viện, vốn trông chờ một con đường hoạt động nghệ thuật tạo hình kinh viện ở một con người tài hoa đầy triển vọng như ông. Tác phẩm của ông như một sự phản kháng lại hệ thống đào tạo nghệ thuật gò bó của học viện thời bấy giờ. Đương nhiên lúc đó tác phẩm của ông chưa được ghi nhận đúng giá trị của nó, cũng như rất nhiều nghệ sỹ trẻ có khát vọng thay đổi đã phải tiếp tục tìm tòi, thực hành những dạng nghệ thuật đó ở những nước phương Tây. Chính sự kiếm tìm và thành công của các nghệ sỹ như Từ Băng, Sài Quốc Cường, Ngải Vị Vị, Trương Đại Lực… ở nước ngoài là những tiền đề và những nhân tố hết sức quan trọng trong việc hình thành và chính thức hóa công nhận sự hiện diện của các loại hình thử nghiệm mới trong môi trường học viện những năm sau 2000.

Thời gian sau năm 1989, sau một loạt các phong trào thực hành nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, happening… rầm rộ ở những nơi công cộng trước đó, tình hình hoạt động nghệ thuật đã trở nên yên ắng hơn, đi vào chiều sâu hơn. Các nhóm hoạt động nghệ thuật thực nghiệm xuất phát từ trào lưu 85 ở Hàng Châu, Hạ Môn trước đó, sau một thời gian tạm lắng sau sự kiện triển lãm nghệ thuật đương đại Trung quốc “không quay đầu lại ”(No return), các nghệ sỹ đã dần dần về tập trung thành những nhóm hoạt động với nhau lập nên những làng nghệ thuật, khu nghệ thuật đầu tiên ở Bắc Kinh như Viên Minh Viên (YUAN MING YUAN), sau đó là khu nghệ thuật Tống Trang (SONG ZHUANG) vào giữa những năm 90. Để rồi từ đó hình thành lên một loạt những tên tuổi tiên phong cho nghệ thuật đương đại Trung quốc, bắt đầu xuất hiện những cái tên Nhạc Mẫn Quân (Yue Min Jun), Trương Hiểu Cương (Zhang Xiao Gang), Phương Lực Quân (Fang Li Jun), Vương Quảng Nghị (Wang Guang Yi), bốn người này hình thành nên nhóm “Tứ đại Thiên Vương ” của nghệ thuật đương đại Trung quốc. Tiếng tăm của họ nổi như cồn trong các cuộc triển lãm, các bộ sưu tập trong các bảo tàng nghệ thuật và các nhà đấu giá nổi tiếng trong và ngoài nước.

Tranh của Phương Lực Quân

Những hoạt động sôi nổi ở “bên ngoài” thời điểm đó đã tác động không nhỏ đến tâm thế của môi trường học viện, làm tiền đề tạo nên những chuyển biến từ bên trong học viện mấy năm sau đó. Chính vào lúc khu nghệ thuật Tống Trang (Song Zhuang) ra đời và đi vào hoạt động mạnh mẽ cũng là lúc Học viện nghệ thuật Trung ương ở địa điểm Vương Phủ Tỉnh với quy mô hạ tầng hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu đạo tạo mới, đã xin chuyển địa điểm đến chỗ rộng rãi hơn ở khu Wang Jing. Trong thời gian quá độ 6 năm qui hoạch thiết kế lại ngôi trường mới, cũng chính là lúc các khoa nhỏ trong Học viện tạo hình bắt đầu thử nghiệm thêm những mô hình đào tạo mới, tái cơ cấu xáp nhập trường, mở thêm học viện thiết kế, mở thêm xưởng số 5 trong khoa sơn dầu chuyên thực hiện chất liệu tổng hợp, mở thêm xưởng nhiếp ảnh trong khoa đồ họa. Những sự thí điểm đó là bước đi ban đầu trong quá trình định hình khoa nhiếp ảnh đa phương tiện (photography and new media) và khoa nghệ thuật thực nghiệm (experimental art) sau này.

Khủng Long Đỏ, tác phẩm của giáo sư Sui Jian Guo (Tùy Kiến Quốc), trong khu nghệ thuật 798, Bắc Kinh

Hành trình sau năm 2000

Sự công nhận chính thức của nhà nước đối với sự tồn tại và đóng góp của các hình thức nghệ thuật thử nghiệm, đa phương tiện… đối với nghệ thuật đương đại Trung quốc. Hành trình này được thể hiện ở 3 thay đổi sau:

1. Sự trở về và xuất hiện của một số nghệ sỹ nổi tiếng như Từ Băng (Xu Bing) – Phó viện trưởng CAFA, Diệu Hiểu Xuân (Miao Xiao Chun) – giáo sư khoa Nhiếp ảnh và Đa phương tiện, Lã Thắng Trung (Lu Sheng Zhong ) – Phó chủ nhiệm Khoa Nghệ thuật thực nghiệm, Tùy Kiến Quốc (Sui Jian Guo) – Viện trưởng Học viện Điêu khắc, Mã Cương (Ma Gang) – Viện trưởng Học viện Thiết kế… là những yếu tố quan trọng về nhân lực góp phần hình thành nên những khoa mới, chuyên ngành mới như Nhiếp ảnh, đa phương tiện, nghệ thuật thử nghiệm giai đoạn này.

2. Sự ra đời của những khoa mới, chuyên ngành mới kéo theo sự xuất hiện những hình thức như Video art, sắp đặt, trình diễn, hoạt hình, nghệ thuật phương án… những thứ mà chỉ hơn 10 năm trước là điều không tưởng, giờ đã được chính thức công nhận là những hình thức chất liệu chuyên ngành chính thống trong học viện. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc hình thành các khoa mới mà quan trọng hơn là tất cả các khoa khác, chuyên ngành khác từ sơn dầu, bích họa, đồ họa, điêu khắc, thiết kế… đều được tháo bỏ những rào cản về ngôn ngữ biểu đạt trong sáng tạo, đưa lịch sử phát triển của đào tạo nghệ thuật trong học viện bước sang một trang mới – một trang của sự hội nhập với những xu hướng nghệ thuật quốc tế một cách sâu rộng hơn.

Bài tốt nghiệp của sinh viên CAFA

Số lượng lưu học sinh nước ngoài học tập và trao đổi tại trường ngày một gia tăng, làm kích thích thêm sự đa dạng hóa trong học thuật và sáng tác. Liên tục xuất hiện các tác phẩm, triển lãm, workshop, thực hành các dạng nghệ thuật thử nghiệm đa phương tiện trong môi trường học viện. Các bài tốt nghiệp xuất hiện vào các cuộc triển lãm “Ánh sáng học viện ” hàng năm trở nên hết sức đa dạng, mới mẻ và sáng tạo từ ý tưởng đến hình thức thể hiện chứ không còn giới hạn với vài chất liệu và hình thức truyền thống như trước kia nữa. Sự giao thoa giữa các khoa chính là nguyên nhân tạo ra sự thay đổi ấy. Các sáng tác của sinh viên cho thấy rõ sự trưởng thành về nhận thức và tư duy sáng tạo bắt kịp với những xu hướng mới, có cái nhìn bám sát sự đổi thay của xã hội. Nhiều tác phẩm của sinh viên đã có mặt trong các cuộc triển lãm và các bộ sưu tập của các bảo tàng nghệ thuật đương đại trong và ngoài nước. Có được kết quả bước đầu này là do sự đổi mới về tư duy đào tạo nghệ thuật của học viện cộng với sự ảnh hưởng khích lệ từ những tấm gương lớn – những giáo sư nghệ sỹ đầy tài năng và tâm huyết. Hơn nữa một thị trường nghệ thuật đương đại với các gallery, bảo tàng nghệ thuật đang nảy nở từng ngày ở Trung quốc càng thúc đẩy sức làm việc và năng lực sáng tác của sinh viên.

3.  Sự hình thành khu nghệ thuật 798: Từ sân sau của học viện, cụ thể là của khoa điêu khắc trong thời kỳ quá độ xây dựng trường, khu xưởng công nghiệp cũ 798 đã trở thành điểm đến của các nghệ sỹ và dần trở thành một khu công viên nghệ thuật được nhà nước qui hoạch, chỉ đạo phát triển. Nhà nước đã chính thức hóa ủng hộ sự phát triển của mỹ thuật đương đai Trung quốc. Trước năm 2000, các làng nghệ thuật gần như hình thành tự phát thì từ sau năm 2000 chính quyền đã xuất đầu lộ diện ủng hộ sự hình thành chuỗi các khu nghệ thuật như 798, Cao Chang Di, Song Zhuang, Yi Hao Di… để trở thành những địa chỉ văn hóa của Bắc Kinh. Các bảo tàng nghệ thuật đương đại cũng liên tục mọc lên như Bảo tàng Mỹ thuật ngày nay, bảo tàng nghệ thuật đương đại Bắc kinh… Sự hoạt động qui mô và có tổ chức một cách chuyên nghiệp, có tầm cỡ quốc tế đó đã tạo ra một sân chơi lớn, thu hút, khích lệ động viên sự sáng tạo và dấn thân của các nghệ sỹ trẻ Trung quốc, đặc biệt là đối với sinh viên nghệ thuật trong Học viện – nơi mà họ được chính thức đào tạo và có cơ hội thực hành nghệ thuật mới, nghệ thuật thử nghiệm ngay từ trong ghế nhà trường.

Khu Caochangdi

Với ba yếu tố con người (các giáo sư là những nghệ sỹ nổi tiếng tầm cỡ thế giới), cơ sở vật chất (studio, máy móc thiết bị hiện đại chuyên nghiệp) và môi trường phụ trợ (các khu nghệ thuật triển lãm, các bảo tàng nghệ thuật đương đại phát triển rầm rộ) được hội tụ và tương hỗ nhau như vậy thì quả thật diện mạo của sự nghiệp đào tạo nghệ thuật trong học viện đã vươn lên ở tầm vóc mới. Không còn ở tư thế bị động như trước kia mà rõ ràng đã bước đầu đóng vai trò chủ động trong thúc đẩy, định hướng sáng tạo cho nền nghệ thuật đương đại Trung quốc. Giáo dục nói chung và giáo dục nghệ thuật nói riêng luôn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và nâng cao văn hóa xã hội. Các khu nghệ thuật như 798 giờ đây không chỉ còn là điểm đến của những người hoạt động trong giới nghệ thuật nữa mà nó đã trở thành công viên nghệ thuật- một điểm vui chơi của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, nhất là bộ phận thanh niên sinh viên học sinh và những người yêu thích nghệ thuật. Rõ ràng là dù vô thức hay có ý thức, các khu nghệ thuật kiểu như vậy đã thực hiện chức năng giáo dục và nâng cao dân trí, trình độ hiểu biết về văn hóa nghệ thuật cho người dân. Đó chính là lợi nhuận lớn nhất mà nghệ thuật mang lại cho xã hội.

Khu 798
Bên trong khu 798

Như vậy có thể thấy rõ nếu coi nghệ thuật đương đại Trung Quốc là một “nồi cơm”, thì “nồi cơm” đó đã được đặt trên một cái kiềng ba chân hết sức chắc chắn. Cái chân kiềng thứ nhất có tên gọi là Học viện nghệ thuật, cái chân kiềng thứ hai có tên gọi là nghệ sĩ “giang hồ”, và chân kiềng thứ ba có tên là gallery, bảo tàng nghệ thuật. Ba cái chân kiềng này trước đây có thể không cùng một hướng, nhưng giờ đây sau những thay đổi của lịch sử, chúng đã hội tụ lại với nhau, phát triển về cùng một hướng, cùng nhau thổi một nồi cơm chung, và đương nhiên ai cũng có phần. Nó phù hợp với xu thế phát triển nghệ thuật chung trên thế giới.

Nhìn lại một chút thì thấy điều này dường như chưa có dấu hiện xuất hiện ở Việt nam, ba cái chân kiềng kia vẫn như mỗi người một hướng, dường như tồn tại và phát triển mà chẳng cần liên quan gì đến nhau. Đến bao giờ thì ba cái chân kiềng đó mới hội tụ lại với nhau? Chỉ khi nào gallery đúng là gallery nghệ thuật – nơi triển lãm, sưu tập các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật độc đáo bất kể hình thức gì, khi nào các Học viện Mỹ thuật đúng là nơi tập trung thu hút nhân tài – nơi có đầy đủ điều kiện nhất để nghiên cứu, thử nghiệm sáng tạo ra những cái mới, khi nào các nghệ sỹ “giang hồ” thôi không còn phải tranh cãi là chính thống hay không chính thống, lúc đó ắt hẳn cái thế kiềng ba chân cho nghệ thuật đương đại Việt nam sẽ dần hình thành và phát triển. Vấn đề lại phải quay trở về câu chuyện “chiếc chìa khóa vàng” cơ chế chính sách và làm sao thu hút được nhân tài để mở khóa…


Comments are closed.