Hà Nội – Huế – Sài gòn – Hầm nhà quốc hội – 2018 ← Back to the portfolio

  • In →
  • Photo
  • “1901 – 1911”

1901 – 1911 là quãng thời gian 10 năm Nhà hát lớn được xây dựng tại Hà nội. Cũng giống như hàng loạt các công trình kiến trúc khác được xây dựng vào thời kỳ đó, Nhà hát lớn đã đóng góp một mảnh ghép quan trọng vào ký ức về đô thị của Hà nội. Vượt qua thời gian hơn một thế kỷ, Nhà hát lớn đã trở thành một biểu tượng về văn hoá nghệ thuật của Hà nội ngày hôm nay. Dù pha trộn nhiều phong cách kiến trúc khi lấy hình mẫu từ Nhà hát lớn Garnier ở Paris, Nhà hát lớn Hà nội vẫn mang đậm dáng vẻ Tân cổ điển Pháp hết sức đặc trưng. Không những chỉ đóng vai trò như một trong những trung tâm văn hoá quan trọng, Nhà hát lớn còn là nơi mang đậm những dấu ấn lịch sử, là nơi đã chứng kiến biết bao lần trong thế kỷ qua, lịch sử của dân tộc lật sang những trang mới. Trong suốt quãng thời gian từ khi hoàn thành xây dựng cho đến nay trải qua hơn một thế kỷ, nhà hát đã đón nhận không biết bao nhiêu lượt người ra vào cũng như dừng chân hay lướt qua. Với thủ pháp nhiếp ảnh phù điêu thực hiện trong suốt nhiều năm nay về chủ đề ký ức đô thị, tôi đã cố gắng dựng lên một tác phẩm, một sân khấu lớn của cuộc đời, của những con người có thể từng đi ngang qua hay dừng lại trước cánh cửa nhà hát suốt hơn 100 năm qua.

“1886 – 1891”

Bưu điện trung tâm thành phố – một “chứng nhân lịch sử” đi cùng năm tháng, cùng sự hình thành và phát triển của Sài Gòn, đồng thời là một công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố. Từ năm 1886 đến năm 1891 là khoảng thời gian công trình được thiết kế và xây dựng bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Gustave Eiffel. Đây quả thật là một trong những công trình kiến trúc lâu đời nhất của Sài Gòn, một công trình vắt qua ba thế kỷ nổi bật với vẻ đẹp lãng mạn, hài hoà giữa phong cách hiện đại của phương Tây kết hợp với cách bài trí của người phương Đông. Ngoài những hoa văn phù điêu đắp nổi tinh tế và hết sức công phu, mặt tiền của bưu điện cũng rất độc đáo khi khắc ghi tên những nhà khoa học đã đóng góp cho nền văn minh nhân loại trong lĩnh vực điện và điện tín. Không thể tính hết nổi bao nhiêu lượt người đã ra vào để gửi những lá thư hay gọi một cuộc điện thoại từ đây. Bưu điện giống như một biểu tượng của sự kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa những con người. Với thủ pháp nhiếp ảnh phù điêu tôi đã cố gắng lột tả vẻ đẹp kiến trúc của toà nhà lịch sử này cũng như diễn tả những lớp người xuyên thời gian cùng xuất hiện, khắc hoạ nên những biến động của thành phố của con người trong suốt dòng chảy của lịch sử.

“1805 – 1832”

Ngọ Môn – một biểu tượng của Kinh thành Huế, một triều đại phong kiến cuối cùng đã tồn tại trong suốt 143 năm. 1805 – 1832 là quãng thời gian gần 30 năm Kinh thành Huế được khởi công xây dựng dưới thời vua Gia Long và hoàn chỉnh vào năm 1933 dưới thời vua Minh Mạng. Nằm ở một vị trí đắc địa bên bờ bắc sông Hương, lại được xây dựng theo kiểu kiến trúc Vauban nổi tiếng ở Pháp và châu Âu, kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất trong lịch sử Việt nam thời cận đại với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với khối lượng công việc khổng lồ, đào hào, lấp sông, dời mộ, đắp thành… kéo dài suốt gần 30 năm dưới hai triều vua. Ngọ Môn (cổng Tí Ngọ) là cổng lớn nhất trong bốn cổng chính của Hoàng thành Huế. Hướng của Ngọ Môn quay về phía nam, hướng dành cho các bậc vua Chúa để “nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị” (hướng về ánh sáng để nghe thiên hạ và cai trị thiên hạ một cách sáng sủa). Ngọ Môn cũng là nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử. Xưa kia Ngọ môn chỉ dành riêng cho vua đi lại hoặc dùng khi tiếp đón các sứ thần. Đây cũng là nơi thường diễn ra các buổi lễ quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Ban sóc (ban lịch mới), Truyền Lô (đọc tên tiến sĩ tân khoa). Đây cũng là nơi chứng kiến tuyên ngôn thoái vị của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt nam. Với thủ pháp nhiếp ảnh phù điêu tôi cố gắng dựng lại hình ảnh Ngọ Môn kinh thành Huế như một chứng nhân lịch sử viết tiếp câu chuyện của những con người từ khắp muôn nơi tìm đến cố đô Huế để trải nghiệm nét đẹp của một di sản văn hoá thế giới vẫn còn sừng sững với thời gian.

Hà Nội – Huế – Sài gòn – Hầm nhà quốc hội – 2018
Hà Nội – Huế – Sài gòn – Hầm nhà quốc hội – 2018
Hà Nội – Huế – Sài gòn – Hầm nhà quốc hội – 2018
Hà Nội – Huế – Sài gòn – Hầm nhà quốc hội – 2018
Hà Nội – Huế – Sài gòn – Hầm nhà quốc hội – 2018
Hà Nội – Huế – Sài gòn – Hầm nhà quốc hội – 2018
Hà Nội – Huế – Sài gòn – Hầm nhà quốc hội – 2018
Hà Nội – Huế – Sài gòn – Hầm nhà quốc hội – 2018

Contact

×