Bảo tàng phố của Nguyễn Thế Sơn-Tạp chí kiến trúc và đời sống

45 tác phẩm Nhà Mặt Phố được chụp, tái tạo 3D công phu trên các chất liệu tổng hợp như nhựa, nhôm, kính… tạo nên hình ảnh sống động như một khu phố thật, sừng sững trong khán phòng triển lãm, như những chiếc mặt nạ lớn. Những lát cắt độc đáo, cô đọng về đô thị Hà Nội – Sài Gòn ấy là kết quả của hai năm khảo sát và thực hiện công phu của hoạ sĩ, thạc sĩ nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn.

 

Sau hai năm khảo sát như một nghiên cứu viên về lịch sử kiến trúc, Nguyễn Thế Sơn đã có trong tay hồ sơ chi tiết của hàng trăm ngôi nhà, để lần lại từng dấu mốc lịch sử: Từ giai đoạn nhà hình ống cổ thân thiện với thiên nhiên đầu thế kỷ 20, cho đến thời của những bancông – một đặc sản của Hà Nội thời thuộc địa; chiến tranh đã biến toàn bộ bức tranh nhà phố cổ ở Hà Nội trở thành những bức ảnh đen trắng nhợt nhạt u ám; và thời hậu chiến là giai đoạn của cơi nới, phá vỡ công năng; cuối cùng là đến thời mở cửa, kinh tế thị trường với sự bùng phát của xu hướng bịt mặt của các ngôi nhà mặt phố.

“Quá trình mở cửa đã tạo nên sự sôi động cho thành phố, các tấm bảng quảng cáo thương mại là nhiệt kế cho sự năng động của thành phố. Nhưng quá trình mở này lại nhanh chóng bịt lại những ô cửa sổ, những tầm nhìn lãng mạn ở các bancông, chốt những ngôi nhà mặt phố từ bên trong lẫn bên ngoài. Nó làm trầm trọng hơn nữa những căn nhà hình ống cao ngất ngưởng. Nói cách khác nó là sự chấm hết của kiến trúc. Một diện mạo mới của thành phố dần được hình thành, những khuôn mặt thành phố bị mù loà bởi chính những đôi mắt mỹ nhân mở to đầy gợi cảm trên các tấm bảng quảng cáo, chán nản với những thông điệp và những thương hiệu nhan nhản khắp nơi. Để đến khi màn đêm buông xuống thay vì những ánh đèn hắt ra từ các ô cửa sổ, các con phố lại trở nên kỳ ảo với những hệ thống đèn LED chạy lên chạy xuống, dọc ngang của các tấm bảng nhà hàng, karaoke đủ loại. Mải miết vật lộn, chen lấn vượt lên trên, chúng tôi ai cũng cố gắng để tự toả sáng như những hạt kim cương. Có điều là những hạt kim cương nhỏ bé lại không thể kết dính nổi với nhau thành một khối. Diện mạo của xã hội Việt Nam đương đại chẳng giống nơi nào mà tôi đã từng đi qua, ngồn ngộn mà vô cùng trống rỗng” – Nguyễn Thế Sơn nhận định.

Tiếp theo là giai đoạn thực hiện tác phẩm: Các tấm ảnh nhà mặt phố sau khi được chụp thẳng đứng bằng phương pháp chụp ảnh kiến trúc đã được phân mảnh thành các chi tiết nhỏ bằng công nghệ cắt lazer. Những người thợ chuyên làm bảng quảng cáo chuyên nghiệp đã được mời về trực tiếp thi công lắp ghép tái cấu trúc lại các chi tiết đó thành những bức ảnh nổi (phù điêu ảnh) bằng kỹ thuật làm “chữ hộp” của bảng quảng cáo. Sau đó ảnh những nhân vật thật trên đường phố sẽ được cắt trổ, gắn vào sau cùng tạo nên bức tranh “văn hoá giao thông” náo nhiệt, đồng bộ với “văn hoá mặt tiền” của các tấm bảng quảng cáo.

Ở đây, về phương diện nghệ thuật, trên nền tảng của chủ nghĩa giải cấu trúc, Nguyễn Thế Sơn đưa ra một khái niệm hoàn toàn mới: nhiếp ảnh phù điêu, phá bỏ ranh giới giữa hai loại hình này, tận dụng chúng để tái tạo một hiện thực sinh động, đủ sức chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ và hàm súc.

Tác phẩm của Sơn, đúng như anh nói, là câu chuyện nhỏ về quyền lực và sự tha hoá, quyền lực của đồng tiền và sự sùng bái chủ nghĩa vật chất.

Nhà mặt phố là một tấm gương soi để chúng ta nhận biết diện mạo đô thị Hà Nội – Sài Gòn đã được hoá trang đến mức biến dạng ra sao.

Không chỉ là một nghệ sĩ, Nguyễn Thế Sơn đã kiêm cả vai trò của một người biên sử cho thời đại mà anh đang sống, thông qua cách kể chuyện sinh động, bằng những tấm phù điêu hoàn toàn chân thật.

Sau những con phố buồn thiu xiêu vẹo của phái thập niên 70 của thế kỷ trước là một bảo tàng Phố của Nguyễn Thế Sơn thế kỷ 21: loè loẹt, hớn hở, trăm hoa đua nở như những chiếc mặt nạ, để ẩn giấu bên trong một sự cuồng loạn và nghẹt thở, như đang chờ cuộc đại phẫu sau một lộ trình tha hoá?

 

Bài và ảnh: Phạm Tường Vân

Nguyễn Thế Sơn hiện là giảng viên đại học Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp cao học tại học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh.

Triển lãm “Nhà mặt phố” là một dự án nghệ thuật đồng thời cũng là một dự án khảo sát tín hiệu thị giác của đô thị, khảo sát xã hội. Triển lãm đã được tổ chức tại bốn thành phố: Bắc Kinh, Hồng Kông, Hà Nội và TP.HCM, được trao giải thưởng tác phẩm và đề tài nghiên cứu xuất sắc năm 2012 của học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh.

Lần thứ tư tại Cactus Gallerry TP.HCM, là sự kết hợp một serie nhà mặt phố phiên bản Sài Gòn vừa được hoàn thành trong tháng 10.

Triển lãm nhà mặt phố do Viện Goethe tổ chức, diễn ra tại Cactus Gallerry (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, phường 6, quận Bình Thạnh, TP.HCM) từ 10.11 – 10.12.2012.

 

Comments are closed.