LƯƠNG THẠC: Khi không bị cấm

Trong trào lưu sáng tác nghệ thuật đương đại của Trung Quốc, có thể nói một đặc điểm chung và nổi bật trong các hình thức sáng tác là tính phản ánh cao. Người nghệ sỹ đã phản ánh những gì? Họ phản ánh đời sống xã hội, chính trị, văn hóa… và đưa ra những quan điểm, thái độ của mình, bộc lộ cái tôi trong từng tác phẩm. Bất luận là người nghệ sỹ sử dụng chất liệu gì hay phương thức biểu đạt nào thì thái độ cá nhân luôn là một yếu tố được đòi hỏi hàng đầu.

Chính vì vậy ta có thể nhận ra rất rõ điều này trong một loạt các khuynh hướng nghệ thuật ở Trung Quốc, từ hội họa giá vẽ, điêu khắc đương đại, cho đến sắp đặt, trình diễn, video art, nhiếp ảnh… rất nhiều tác giả đã khẳng định được tên tuổi và dấu ấn cá nhân của mình. Trong số đó phải kể đến
Lương Thạc (Liang Shuo), một gương mặt trẻ trong làng điêu khắc gia Trung Quốc.

Sinh năm 1976, tốt nghiệp khoa điêu khắc học viện Mỹ thuật Trung ương năm 2000, hiện đang giảng dạy tại học viện Mỹ thuật Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, anh đã có nhiều triển lãm với các tác phẩm điêu khắc đặc sắc, mang đậm chất phản ánh. Anh được coi là một nghệ sỹ tiêu biểu cho điêu khắc đương đại, những sáng tác của anh đã kết hợp nhuần nhuyễn hai ngôn ngữ Pop art và cực thực.

Vượt khỏi những khuôn mẫu truyền thống về điêu khắc ngoài trời, ngay từ khi ở học viện Mỹ thuật Trung ương, Lương Thạc đã làm bài tốt nghiệp bằng một nhóm tượng những người nông dân lên thành phố làm việc có tên là Nhà quê ra tỉnh. Tác phẩm này có chủ đề về những người công nhân di cư, họ bị cuốn theo guồng máy công nghiệp hóa, đô thị hóa và dòng người lên thành phố mưu sinh ngày một dài thêm. Lúc đó, cả Trung Quốc như một đại công trường, công cuộc xây dựng diễn ra ở mọi nơi, nhu cầu về nhân công rất lớn vì thế một lượng lớn nông dân đã lên thành phố để làm việc.

Nhà quê ra tỉnh – nhóm tượng của Lương Thạc

Lương Thạc đã từng thổ lộ: “Đối với tôi, những người công nhân di cư không chỉ có nghĩa là một nhóm người, mà hơn thế nữa họ còn là một tầng lớp cụ thể với sự nhận thức rất hỗn độn”. Trong tác phẩm này, Lương Thạc sử dụng thủ pháp cực thực để lột tả cái dáng vẻ nhà quê, lam lũ của những con người lao động. Tác phẩm như một bức ảnh mà trong đó tất cả đều phủ một màu đất, họ đang đứng ngồi chờ việc, từ trẻ đến già, thanh niên, phụ nữ đều mang một vẻ hốc hác, ngơ ngác đến tội nghiệp.

 

 

Xê-ri tượng của Lương Thạc đã phản ánh rất sinh động một thực trạng xã hội Trung Quốc đương đại, một mặt khác của đất nước rộng lớn này, không phải là một Trung Quốc khiến cả thế giới choáng ngợp với những kiến trúc đồ sộ, không phải là một Trung Quốc của phồn hoa đô thị mà là một Trung Quốc với những đời sống thực nơi những góc khuất hết sức trần trụi được phơi bày. Đội ngũ lao động phổ thông ngoại tỉnh là một nhân tố không thể thiếu trong quá trình đô thị hóa ở các thành phố lớn. Việc qui hoạch đô thị, phá dỡ những khu chung cư cũ để xây dựng những khu chung cư mới hiện đại hơn đã làm nảy sinh nhu cầu chuyển nhà, từ đó dịch vụ chuyển nhà ra đời cùng với sự xuất hiện của những nhân công ngoại tỉnh. Lương Thạc đã khéo léo kết hợp điêu khắc truyền thống với hình thức ready-made (tượng cùng với tivi, xô-pha) trong tác phẩm Đội chuyển nhà, thể hiện một cách chân thực đời sống xã hội hàng ngày, khắc họa nên hình ảnh những công việc bình thường mà người ta rất dễ bắt gặp nhưng cũng dễ bỏ qua này.

 

Đến năm 2002-2003, Lương Thạc tiếp tục khai thác chủ đề những người nông dân này ở mức sâu hơn, dõi theo số phận của họ với những diễn biến, những thay đổi về lối sống cũng như diện mạo. Tác phẩm 8 anh em họ Vương đã diễn tả được rõ nét điều này. Nhóm tượng này gồm 8 bức cao bằng người thật, mỗi người một vẻ, trang phục và cử chỉ được Lương Thạc thể hiện rất tinh tế, chất liệu sử dụng cũng phong phú hơn, ngôn ngữ cực thực được nâng cao hơn. 8 bức tượng là 8 chân dung được khắc họa nên như những con người thật, họ xuất thân cùng là nông dân nhưng sau khi lên thành phố tìm cơ hội việc làm thì họ đã có những con đường đi khác nhau, anh cả Wang Fu Guo làm nghề xây dựng, anh hai Wang Fu Tai buôn bán nhỏ, anh ba Wang Fu Min công nhân bốc vác, anh tư Wang Fu An đạp xe ba gác, anh năm Wang Fu Cai làm nghề môi giới, anh sáu Wang Fu Yuan nhân viên bàn giấy, anh bảy Wang Fu Guang làm bảo vệ, còn cậu út Wang Fu Jin tay ôm tấm biển “Thế giới vật liệu xây dựng Phú Hoa” để tiếp thị. Cái dáng vẻ lấm lem, hốc hác của những con người “nhà quê lên tỉnh” trong xê-ri trước giờ đã trở nên màu mè và sành điệu hơn hẳn trong xê-ri này.

Tám anh em nhà Vương – nhóm tượng của Lương Thạc

 

Rõ ràng là trong quá trình đô thị hóa phải nói rằng người lao động ngoại tỉnh đổ về thành phố làm việc đã đóng góp một phần không nhỏ vào phong trào “nông thôn tiến kịp thành thị, thành thị tiến kịp thủ đô, thủ đô tiến kịp châu âu và Mỹ”. Họ cũng nhiễm dần lối sống thị dân, thay đổi vẻ ngoài cho thời thượng, từ kiểu tóc, màu tóc, áo phông, giày da đến kính râm, comlê. Nhưng những thứ đó cũng không thể che giấu nổi cái vẻ “nhà quê” của họ, từ chi tiết chiếc quần rằn ri thắt lưng bằng dây thừng, phecmơtuya chưa kéo hết, áo phông in chữ Chicago Bulls của bác cả Wang Fu Guo đến mái tóc kiểu cách, áo da bóng lộn, quần hộp cắm ủng da và kính râm “chất nghệ” của chú năm Wang Fu Cai. Tất cả được khai thác một cách vừa thú vị, hài hước vừa đả kích, châm biếm, xây dựng nên hình tượng những người nông dân nơi thành thị rất mới mẻ nhưng cũng rất gần gũi thân quen. Họ chưa hẳn là người thành phố nhưng cũng không còn là người nông dân chất phác nữa.

 

Anh tư nhà Vương đạp xe ba gác
Cậu út nhà Vương làm nghề tiếp thị

Thú vị hơn là sau đó Lương Thạc đã mang nhóm tượng 8 anh em họ Vương này ra ngoài đường phố, những nơi công cộng như công trường xây dựng, khu siêu thị… sắp đặt và chụp ảnh lại. Những bức ảnh như vậy được coi như tác giả đang thực hiện nghệ thuật ảnh dàn dựng. Đến lúc này thì dường như khó có thể phân biệt được đâu là tượng đâu là người thật. Nghệ thuật điêu khắc của Lương Thạc đã phản ánh xã hội rồi sau đó đi vào đời sống xã hội một cách thật tự nhiên.

Tiếp theo thành công của 8 anh em họ Vương tại Biennale Bắc Kinh năm 2003, một đại diện trong “nhà họ Vương” là anh cả Wang Fu Guo đã được mời tham dự Biennale Busan Hàn Quốc năm 2004, nhưng với một tầm vóc to cao hơn nhiều. Bức tượng trưng bày tại Busan lần này có kích thước của một tượng đài cao 3,1m, lừng lững một thông điệp về cái được và cái mất của sự văn minh và phát triển, đưa lại những giá trị về lối sống và nhân cách trong xã hội hiện đại.

Tượng của Lương Thạc đặt nơi công cộng. “Anh cả” đội mũ xây dựng là đại diện cho cả gia đình nhóm tượng đi nước ngoài.

 

Tóm lại, qua những tác phẩm điêu khắc của Lương Thạc từ Nhà quê ra tỉnh đến Đội chuyển nhà rồi 8 anh em họ Vương, có thể thấy hiện thực cuộc sống trong xã hội Trung Quốc đương đại được khắc họa rõ nét, sinh động bằng sự kết hợp giữa thủ pháp cực thực và popart. Điều đáng nói ở đây là những sáng tạo của người nghệ sỹ đã được xã hội và các ban ngành quản lý văn hóa ghi nhận và đánh giá đúng mức. Cả phía người nghệ sỹ và phía cơ quan quản lý đều không ngần ngại hay tạo ra rào cản đối với sáng tác nghệ thuật phản ánh những vấn đề nhạy cảm của đời sống xã hội. Họ không sợ khi phản ánh cái xấu vì mục đích cuối cùng là để hướng tới những điều tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Họ không hề phải né tránh hay tô hồng lên những yếu kém và lạc hậu của mình. Qua một thời gian dài phải trả giá họ đã nhận ra rằng mở cửa kinh tế phải đi đôi với mở cửa văn hóa và tư tưởng, cái gì hay dở tự nó sẽ đào thải. Những quan niệm tích cực như vậy đã tạo nên một không khí sáng tác nghệ thuật tự do, cởi mở, bình đẳng, và chính nó đã đem lại cho nghệ thuật đương đại Trung Quốc nói chung cũng như điêu khắc nói riêng những thành quả vô cùng to lớn.

Comments are closed.