Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013 ← Back to the portfolio

  • In →
  • Photo

“Nhà Tây” biến hình

          Không biết từ khi nào “Nhà Tây”trong quan niệm của người Việt nam đã trở thành một trong ba thước đo giá trị về sự “sung sướng” của con người. Tất nhiên luôn có rất nhiều ý kiến trái ngược về những quan điểm của các giá trị này, song nếu đặt nó trong bối cảnh của nước Việt xưa, khi đa số người dân đều chỉ có một cuộc sống đạm bạc thì có thể hiểu được những ước mơ, hay đơn giản là quan niệm của họ về những tiêu chuẩn của cái ăn, cái ở … trong cuộc sống hàng ngày. Từ “Tây” hay đầy đủ là “Tây Dương” có lẽ bắt nguồn từ trong cách gọi của người Trung Hoa khi người ta dùng để gọi những cái gì to tát, đẹp đẽ, mới lạ được du nhập từ bên ngoài vào, như cách người Việt vẫn thường gọi “hành Tây, khoai Tây, gà Tây…”. Cụm từ “Nhà Tây” chỉ những ngôi nhà cao to, hai, ba tầng, trần cao, cửa rộng, có ban công thoáng mát nhìn ra đường, bên ngoài thì được trang trí cột kèo hoa văn hoạ tiết đẹp mắt, bên trong thì rộng rãi cao ráo, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông, dễ dàng chống chọi với thời tiết nắng mưa khắc nghiệt ở xứ nhiệt đới này. Lịch sử xuất hiện của những ngôi “Nhà Tây” ở Việt nam gắn liền với phong cách kiến trúc của người Pháp, sau này dần hình thành một chuẩn mực khi xây nhà cho tầng lớp trung lưu, công chức, thương gia … ở Việt nam. Sự hài hoà của văn hoá phương Đông và sự tiện nghi văn minh của phương Tây đã tạo nên một vẻ đẹp hết sức quyến rũ cho kiến trúc đô thị ở nơi này. Cho đến nay có lẽ không ai có thể phủ nhận được giá trị đích thực của nguồn Di sản Văn hoá này. Song câu chuyện “Nhà Tây” ở Việt nam lại là một câu chuyện hết sức thăng trầm giống như lịch sử của chính mảnh đất này diễn ra trong suốt hơn một thế kỷ qua.

          Với dự án nghệ thuật “Nhà Tây” biến hình, tôi muốn tiếp tục mở rộng một dự án lớn nghiên cứu về “Sự biến đổi của cảnh quan đô thị” mà tôi đã tiến hành gần 10 năm nay thông qua các dự án cá nhân của mình. Với thủ pháp “nhiếp ảnh phù điêu” tôi cố gắng tiếp tục thử nghiệm khái niệm “chụp cắt lớp” kiến trúc, bóc tách các lớp lịch sử đã hình thành và chồng đè liên tiếp lên nhau trong suốt 100 năm qua. Nó tựa như một phương pháp chụp X-quang xuyên thời gian, để qua đó cố gắng đọc hiểu và lắng nghe tiếng thở than của những ngôi nhà hay nói đúng hơn là số phận của những ngôi nhà, số phận của những gia đình trải qua những trắc trở biến thiên của thời cuộc.

Nguyễn Thế Sơn

Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013
Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013
Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013
Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013
Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013
Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013
Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013
Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013
Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013
Dự án “Nhà Tây biến hình”- 2013

Contact

×