Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019 ← Back to the portfolio

  • In →
  • Photo

“Núi liền núi, sông liền sông”
“Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông, mối tình hữu nghị sáng như rạng đông. Bên sông, tắm cùng một dòng, tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây, sáng sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng. A…ha…nhân dân ta, chung một ý, chung một lòng, đường ta đi hồng màu cờ thắng lợi. A…ha… nhân dân ta ca muôn năm: Hồ Chí Minh – Mao Trạch Đông…”
Đó là câu mở đầu cho bài hát được sử dụng như biểu tượng cho mối quan hệ nồng ấm giữa 2 nhà nước cộng sản Việt nam – Trung Hoa khoảng đầu những năm 60. Lúc đó trên hệ thống phát thanh công cộng và các chương trình văn nghệ cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư thường xuyên cho phát và trình diễn bài hát này. Tất cả các tác phẩm văn học nghệ thuật khác cũng trên tinh thần ngợi ca mối quan hệ nồng ấm “môi hở răng lạnh” này. Ở các trường học ở miền Bắc học sinh buộc phải học thuộc và hát bài hát này trước khi vào lớp.
Tuy nhiên số phận của bài hát bắt đầu thay đổi khi mối quan hệ quốc tế thay đổi. Mâu thuẫn nảy sinh giữa 2 nước cộng sản đàn anh Liên Xô và Trung Quốc cuối những năm 60 đã buộc Việt Nam phải lựa chọn. Do Việt nam không muốn tham gia vào liên minh chống lại Liên Xô, nên quan hệ Việt – Trung bắt đầu xấu đi, dẫn đến nhiều cuộc tấn công liên tiếp từ biên phía Tây Nam của quân Kh’mer đỏ (Cộng sản Campuchia do Mao Trach Đông và Chu Ân Lai hậu thuẫn) từ năm 75 đến năm 78, rồi tiếp đó là cuộc tấn công “dạy cho Việt Nam một bài học” vào năm 79 của Trung Quốc bắt đầu mở màn cho 1 thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc dai dẳng kéo dài 10 năm đến tận năm 1988.
Trong giai đoạn này, những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật kiểu như bài hát “Việt Nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” không còn phù hợp với thực tế quan hệ Việt – Trung, nên không được dùng nữa. Thay vào đó là những vở kịch, bộ phim, truyện ngắn, bài thơ, bài hát lên án sự xâm lược, tội ác của Trung Quốc, kêu gọi người Việt, đặc biệt là thanh niên tham gia bảo vệ tổ quốc.
Nhưng tình hình chính trị thế giới lại 1 lần nữa thay đổi vào cuối những năm 80 khi chiến tranh lạnh kết thúc, Liên Xô tan rã và sụp đổ. Việt nam không còn điểm tựa đã dần tiến tới việc phải bình thường hoá quan hệ ngoại giao với với Trung Quốc. Từ năm 1992 trở đi, sau khi chính thức “bình thường hoá”, những vở kịch, bộ phim, truyện ngắn, bài thơ, bài hát…lên án sự xâm lược, tội ác của Trung Quốc, kêu gọi người Việt, đặc biệt là thanh niên tham gia bảo vệ tổ quốc không được dùng nữa. Giới lãnh đạo Việt Nam bắt đầu nhắc đi, nhắc lại “phương châm 16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt”, và bài hát “Việt nam – Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông” lại bắt đầu được hát trở lại trên các phương tiện truyền thông.
Từ năm 2012, tôi đã bắt đầu thực hiện dự án “Phong cảnh sông nước đang biến đổi”, đi khảo sát thực tế con sông Hồng từ vùng đồng bằng sông Hồng tới huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai nơi con sông nối liền biên giới 2 nước đã được nhắc đến trong bài hát, để nhìn tận mắt hình ảnh con sông trong thực tế đã biến đổi thế nào từ khi được nhắc tới như là một kết nối định mệnh với đất nước Trung Hoa. Một bộ ảnh đen trắng chụp bằng phương pháp thủ công truyền thống đã ra đời như là 1 vế đối phản chiếu lại những hình ảnh được tưởng tượng và tô vẽ trong bài hát ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ.

Và dòng sông định mệnh kết nối trong quá khứ giữa 2 nước đã được hiện lên với bộ hình ảnh 6 chiếc mặt bàn “sơn mài” kết hợp giữa nhiếp ảnh và “thư pháp” cùng kỹ thuật phủ sơn mài truyền thống Việt nam. Sắp đặt này giống như 1 vế đối gợi mở và chất vấn cho người xem về một mối liên hệ và tương quan vừa mơ hồ vừa cụ thể giữa quá khứ và hiện tại.
Nguyễn Thế Sơn

Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019
Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019
Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019
Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019
Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019
Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019
Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019
Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019
Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019
Triển lãm “Núi liền núi, sông liền sông” – Hongkong 2019

Contact

×