Luận văn tốt nghiệp thạc sỹ nghệ thuật khoa nhiếp ảnh Học viện Mỹ thuật Trung Ương Bắc Kinh 2012

Đề tài: Nhà mặt phố – Phong cảnh nhân tạo

của đô thị Việt Nam thời kỳ chuyển đổi

 I.  Lý do chọn đề tài:

  1. Giới thiệu bối cảnh xã hội Việt nam đương đại:

1.1 Xã hội VN trước thời kỳ mở cửa: Từ nền kinh tế cộng sản thời chiến chuyển sang nền kinh tế tập trung bao cấp rồi chuyển sang thời kỳ mở cửa từ 1986, xã hội Việt nam đã có những chuyển biến to lớn.

1.2 Xã hội VN sau thời kỳ mở cửa: Trong một vài năm trở lại đây đặc biệt là từ sau năm 2006 Việt nam gia nhập WTO, kinh tế đã có nhiều chuyển biến và thay đổi khốc liệt. Một nền kinh tế thị trường sơ khai đang chuyển mình nhanh chóng trong quá trình hội nhập toàn cầu hóa. Chính điều đó đã kéo theo rất nhiều thay đổi khác về xã hội, các mối quan hệ trong xã hội, các giá trị trong xã hội… Trong bối cảnh chuyển mình liên tục đó, các tín hiệu thị giác, các tín hiệu cuộc sống cứ xuất hiện rồi biến mất hay chống đè lên nhau dường như không có điểm dừng.

2. Khái niệm “Nhà Mặt Phố”:

2.1 Giải thích khái niệm Nhà Mặt Phố: Bản thân cụm từ MENSHILOU là 1 từ gần như không có trong tiếng Hán, ở Trung Quốc chỉ có khái niệm MENSHIFANG hay LOUFANG vì vậy khi chuyển ngữ tôi phải kết hợp hai từ này vào thành MENSHILOU để diễn tả khái niệm một ngôi nhà ở mặt trước của 1 con phố và phát triển theo chiều cao, xây nhiều tầng chồng lên nhau.

2.2 Diễn biến các dạng thức của Nhà Mặt Phố: Qua khảo sát nghiên cứu tài liệu và thực tế, tôi tạm chia diễn biến của Nhà Mặt Phố thành 4 giai đoạn nổi bật: giai đoạn đầu khi Hà nội chỉ tập trung ở 36 phố phường là các làng nghề và cấu trúc điển hình là nhà hình ống, giai đoạn thứ hai khi Hà nội được xây dựng lại theo quy hoạch của Pháp thì cấu trúc điển hình là nhà biệt thự ít tầng với những dấu ấn cá nhân được xuất hiện, giai đoạn thứ ba khi nền kinh tế chuyển sang thời kỳ bao cấp, cấu trúc của nhà phố bị phá vỡ, chỉ tồn tại mô hình sở hữu nhà nước, giai đoạn thứ tư sau mở cửa, kinh tế tư nhân phát triển, các dự án quy hoạch thành phố được mỏ rộng liên tục, hình thành nên rất nhiều tuyến đường mới, bùng nổ phong trào xây dựng Nhà Mặt Phố nhiều tầng.

2.2.1 Giai đoạn nhà hình ống cổ: Trước khi có khái niệm “Nhà Mặt Phố” ở các đô thị lớn, chúng tôi có khái niệm Nhà ống hay nhà hình ống để miêu tả những ngôi nhà dài và hẹp đã trở thành bản sắc văn hóa của người Việt nam. Nhà hình ống xuất phát từ nhà ống trong phố cổ có từ đầu thế kỷ, song nhà hình ống mới ngày nay hoàn toàn khác về cấu trúc, chức năng so với nhà ống trước kia, chỉ giống nhau về hình dáng diện tích đất, thường là 3-5m mặt tiền, sâu 10-20m. Nhà hình ống cổ diện tích khoảng 30-50m2, thường chỉ có 1 tầng hoặc đôi khi 2 tầng. Đặc trưng của nhà này là dù chật hẹp nhưng không khí vẫn lưu thông, kiến trúc trong nhà cổ được thiết kế khéo léo, hài hòa thân thiện với thiên nhiên. Mái dốc, lợp ngói rất mát mẻ. Người Hà nôi xưa luôn tận dụng mọi khoảng không gian để đưa thiên nhiên vào nhà, giữa các gian nhà thường có 1 đến 2 khoảng sân tạo không gian thở. Thời gian trôi qua cùng với những thay đổi của lịch sử đặc biệt là sau khi Việt nam du nhập chủ nghĩa cộng sản, đến nay cơ cấu một ngôi nhà ống cổ với 1 gia đình sinh sống hầu như không còn tồn tại. Nhiều gia đình thậm chí hàng chục gia đình trú ngụ trong 1 ngôi nhà ống, phá dỡ toàn bộ cấu trúc làm cho điều kiện sống trở nên cực kỳ bức bối.

Đó là vài nét sơ qua về nhà ống cổ (có thể gọi là Nhà mặt phố cổ). Mô hình Nhà Mặt Phố mới mà tôi đề cập đến hoàn toàn khác biệt về quan niệm cũng như cấu trúc so với nhà ống cổ. Vào khoảng giữa thâp niên 90, khi nền kinh tế thị trường bắt đầu định hình rõ rệt, cùng với đó là sự quay lại của nền thương mại tư nhân kinh doanh buôn bán nhỏ đã làm biến động thị trường bất động sản tại Hà nội cũng như ở các thành phố lớn khác.

2.2.2 Giai đoạn quy hoạch theo kiến trúc Pháp: Nửa đầu thế kỷ 20, kiến trúc nhà ống cổ ở Việt nam đã có được những tiến bộ vượt bậc trong việc tạo dựng nên dấu ấn của những phong cách kiến trúc, tiêu biểu nhất là phong cách kiến trúc Đông Dương. Có được những tiến bộ này là do quá trình quy hoạch của Pháp. Với Việt nam, ban công là món quà của nền dân chủ phương Tây, nó mang cho người Việt nam 1 giá trị mới, giá trị cá nhân, giá trị của con người thị dân. Chưa bao giờ người Việt được đứng ở 1 tầm cao như vậy để nhìn xuống người đi đường. Trong thời phong kiến, thân phận của thị dân ở Việt nam đặc biệt thấp. Những ngôi nhà ở mặt phố trước kia không bao giờ được phép có tầm nhìn cao hơn giá kiệu của vua. Cho nên nếu có tầng 2 nhất định không được mở cửa sổ, càng không thể có ban công. Những ngôi nhà hồi đầu thế kỷ xây theo lối Tây cũng chưa dám làm ban công nhô ra ngoài. Ban công là 1 không gian kiến trúc thiên về tính hưởng thụ tinh thần, là khoảng không gian lãng mạn nhất trong 1 ngôi nhà. Đây là phần không gian cho phép chủ nhân hòa nhập với tự nhiên trăng sao đất trời. Ban công có 2 dạng: một là sử dụng con sơn đưa phần không gian nhô ra ngoài, loại này rất phổ biến ở Hà nội dù là khu phố Tây hay khu phố cổ, loại này gọi là Lộ đài, loại thứ hai là phần không gian của ban công vẫn nằm trong mái hiên nhà, chủ nhân muốn nhìn sang hai bên thì phải thò đầu ra ngoài cửa, gọi là dương đài. Kiểu thức này khá phổ biến ở Trung Quốc. Ban công dương đài xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Tống, trong thơ của Tô đông pha đã nhắc đến không gian kiến trúc này. Tuy nhiên, khi xem kỹ trong bức tranh Thanh Minh thượng hà đồ vẽ Phủ Khai Phong đời Tống ta cũng chưa thấy xuất hiện dạng ban công này. Kiến trúc Trung Hoa thường dành cho việc thưởng lãm trăng sao ở trên lầu các. Hà nội có rất nhiều ngôi nhà mang kiến trúc của miền Nam nước Pháp với đặc điểm thanh thoát, tinh tế, gắn bó với thiên nhiên. Và ban công chính là nơi gặp gỡ của con người với đất trời. Có thể nói ban công là 1 đặc sản của Hà nội thời thuộc địa. Trên chiếc ban công những năm đầu thế kỷ 20 là một phần của vũ đài lịch sử, nơi chúng ta thấy được sự lên ngôi của các giá trị cá nhân, sự giải phóng phụ nữ, giải phóng khỏi những quan niệm Nho giáo hà khắc. Sự nở rộ của kiến trúc ban công đã mang đến cho Hà nội một hệ thống phong phú các họa tiết trên ban công. Những họa tiết này không chỉ nói lên thẩm mỹ của ngôi nhà mà còn thể hiện phong cách và địa vị xã hội của gia chủ. Dấu ấn cá nhân trước mặt ngôi nhà thường được đặc biệt coi trọng. Trong xã hội Việt nam thời phong kiến truyền thống, danh gia vọng tộc có thứ bậc trong xã hội sống trong các dinh phủ. Hà nội thời tiền Lê tới thời Nguyễn vẫn là như vậy. Dân phố đa phần là thương nhân, thợ thủ công theo xếp hạng Sỹ-Nông-Công-Thương thì thương nhân là hạng thấp nhất. Qua các bức ảnh chụp phố phường Hà nội cuối thế kỷ 19, ta có thể thấy Hà nội lam lũ và lụp xụp. Trong thời phong kiến các vua chúa giành quyền buôn bán với nước ngoài, 36 phố phường của Hà nội thực chất là những phố nghề làm ra những sản phẩm thủ công đơn giản như đồ gia dụng, các công cụ nhỏ. Tình cảnh như vậy thì họ chắc chắn không có quyền thế gì và tiền thì cũng chẳng có bao nhiêu. Chỉ khi Pháp tới chiếm Hà nội, quy hoạch lại thành phố, một thế hệ công chức mới ra đời. Trên rất nhiều trán nhà, trên các cánh cổng vào, trên cửa chính ngôi nhà công chức bắt đầu xuất hiện những cái tên của gia chủ. Truyền thống này cũng bắt nguồn từ phương Tây.

Trước đây khi đi ra phố, ngước lên ngắm nhìn những hàng ban công, chúng ta thường hay bắt gặp hình ảnh người đang đứng ngoài ban công ngắm đưòng phố. Giờ đây, rất nhiều ban công đã bị cải tạo thành 1 phần nhà ở hay bếp thậm chí là cả toilet. Thời kinh tế thị trường, tấc đất là tấc vàng, người ta cố cơi nới, lấn chiếm chút không gian nhỏ nhoi đó để phục vụ cho những nhu cầu kinh tế, mặt tiền trở thành tiền mặt, lẫn trong tiếng ồn, khói bụi và những tấm biển quảng cáo, những búi dây điện, những chiếc ban công không còn thơ mộng nữa.  Như vậy có thể thấy Nhà Mặt Phố từ thời đầu thế kỷ phổ biến dưới dạng nhà ống cổ cho đến kiến trúc về sau của nhà phố cổ đều có cấu trúc mặt tiền coi trọng yếu tố tự nhiên, gắn kết được không gian cá nhân với không gian công cộng 1 cách hài hòa. Đặc biệt là thời kỳ kiến trúc Đông Dương đã tạo nên một dấu ấn cá nhân mạnh mẽ lên mặt tiền của các ngôi nhà.

 2.2.3 Giai đoạn nhà phố bị phá vỡ cấu trúc: Đến khi chuyển sang nền kinh tế cộng sản hậu chiến, sau một thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, hầu như tất cả các nhà phố từ khu nhà ống phố cổ đến các khu nhà kiến trúc kiểu Pháp đều bị quản lý chia nhỏ và hàng chục gia đình cùng vào chung sống, phá tan không gian vốn có của nó, thay vào đó là sự phân tách theo nhu cầu của hàng chục hàng trăm con người. Đối với kiến trúc đô thị, đây là một thời kỳ bế tắc dài, toàn bộ các khoảng không gian từ trong nhà lẫn mặt tiền đều được tận dụng để tăng thêm diện tích sinh hoạt, vì vậy thời kỳ này dấu ấn cá nhân của các ngôi Nhà Mặt Phố hoàn toàn bị biến mất.

2.2.4 Giai đoạn bùng nổ xây dựng Nhà Mặt Phố nhiều tầng: Trước kia, trong nền kinh tế bao cấp, có ở Nhà Mặt Phố cũng không được phép kinh doanh gì hết, nhưng nay thời thế đã khác, những ngôi Nhà Mặt Phố trước kia không phải sự lựa chọn thứ nhất thì nay đã trở nên vô cùng đắt giá. Đây là sự bắt đầu của 1 thời kỳ bùng nổ xây dựng nhà cửa. Các nhà máy xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng cũng bùng nổ theo tiếp sức cho 1 hành trình bê tông hóa đô thị.

Sau nhiều năm sống trong điều kiện chật chội, nhiều thế hệ trước kia phải chia sẻ không gian trong những căn hộ tập thể cũ kỹ hoặc chui rúc trong các nhà ống cổ nên đến khi có điều kiện xây dựng, các gia đình đã xây nhiều nhất có thể, xây càng cao càng tốt, càng nhiều phòng càng tốt. Điều đó giải quyết vấn đề tâm lý hơn là vấn đề sử dụng, vì thực tế có rất nhiều nhà bị bỏ không hoặc không được sử dụng đến. và một điều nguy hiểm là khoảng sân thông gió trong nhà cũng bị xóa bỏ để tăng diện tích sử dụng. Sự tăng chiều cao nhanh chóng của các ngôi Nhà Mặt Phố đã làm thay đổi đáng kể không gian đô thị. Bên cạnh đó, các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, buôn bán từ nhỏ lẻ cũng đều bám lấy mặt tiền nếu muốn có cơ hội phát triển làm cho diện tích của vỉa hè trước mỗi căn nhà cũng nhỏ dần thêm, không gian của vỉa hè bị lạm dụng khiến cho phần đường công cộng để đi bộ ngày càng trở nên chật chội, nhiều lúc mọi người phải đi bộ xuống cả lòng đường. Chúng ta không còn cảm giác an toàn khi đi bộ trong thành phố nữa.

2.3 Sự xuất hiện xu thế bịt mặt các ngôi Nhà Mặt Phố bởi các tấm biển quảng cáo: Chuyển sang nền kinh tế thị trường, khi mới mở của cũng là thời kỳ manh nha, kinh tế còn khó khăn, các tấm biển quảng cáo còn rất nhỏ, treo ngay trên cửa ra vào, nội dung thường đơn giản, nhiều biển còn được vẽ bằng tay, một số biển bắt đầu cắt chữ dán vào bìa foocmech, dần dần làm rộ lên phong trào cắt chữ đềcan. Các máy móc, vật liệu phục vụ cho quảng cáo như máy in phun khổ lớn, máy cắt chữ laser, lô giấy đềcan ùn ùn được nhập về và hình thành những con phố chuyên làm biển quảng cáo. Lý do các biển quảng cáo thời kỳ đầu này kích thước nhỏ, nằm ngang thường là do hạn chế về kỹ thuật, kinh phí nhưng chủ yếu là còn vì mặt đường tầng 1 kinh doanh, nhưng trên tầng 2 lại là hộ gia đình khác nên không thể làm biển quảng cáo to che tầm nhìn của nhà trên đầu được. Dần dần cùng với sự phát triển kinh tế, xây dựng quy hoạch đường xá mới, nhiều con phố được mở ra và ngày càng nhiều căn Nhà Mặt Phố được xây lên. Nhiều căn nhà ở phía trong sau một chỉ thị bỗng chốc trở thành Nhà Mặt Phố và rồi công cuộc chạy đua xây dựng thêm nhiều tầng cao bắt đầu bùng nổ. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, hàng trăm con đường được mở, hàng ngàn ngôi nhà trở thành Nhà Mặt Phố, cứ như vậy các căn nhà nhỏ hẹp cao vút đua nhau chiếm lĩnh tầm cao mới. Rồi bỗng chốc những tấm biển foocmech dán chữ đềcan được thay thế bằng những tấm pano in phun cỡ lớn, công nghệ quảng cáo đã dần đáp ứng được nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng. Hàng loạt thiết kế bắt mắt, màu sắc đa dạng, phông chữ Tây ta, hoa văn được in thật to nhằm thu hút sự chú ý của người đi đường. Các chất liệu mới, các hình thức nổi bật, các loại đèn led cũng được áp dụng. Mặt tiền của các ngôi Nhà Mặt Phố sau khi trút bỏ những tấm bạt xây dựng sau 1 thời gian thi công hoàn thiện lại sẵn sàng khoác lớp vỏ mới hiện đại, hào nhoáng là những tấm biển quảng cáo nhiều màu sắc.

Qua quá trình khảo sát mặt tiền của Nhà Mặt Phố từ đầu thế kỷ ở Việt nam có thể thấy được diễn biến của văn hóa biển quảng cáo đã xuất hiện và biến đổi về diện mạo như thế nào. Khởi đầu với cấu trúc nhà hình ống và nhà phố theo kiến trúc Đông Dương, chủ nhà của những ngôi Nhà Mặt Phố thường cho đắp nổi bằng xi măng tên của mình cũng như năm xây dựng trên trán nhà với kiểu chữ thanh mảnh, chiếm 1 diện tích vừa phải và rất ăn nhập với kiến trúc tổng thể của ngôi nhà. Những dấu vết còn lại của những chữ đó đến giờ vẫn là dấu tích văn hóa còn sót lại, rất có giá trị về nhiều mặt, những tấm biển vẽ bằng sơn cũng rất nhã nhặn, tô điểm thêm cho kiến trúc của ngôi nhà. Cái ý nghĩa mặt tiền là tiền mặt từ đây được ý thức một cách rõ nét. Các cửa hàng mặt phố viết thẳng lên trên tường, trên trán nhà không chỉ tên tuổi mình mà còn có nội dung quảng cáo các mặt hàng kinh doanh, dịch vụ. Đây là điều mà chỉ vài trăm năm trước người Việt không thể hình dung nổi.

Nhưng sự thăng hoa trong kiến trúc cũng như văn hóa quảng cáo mặt tiền đó cũng chẳng tồn tại được bao lâu. Chiến tranh và sự du nhập của những tư tưởng chính trị đã biến toàn bộ bức tranh nhà phố cổ ở Hà nội trở thành những bức ảnh đen trắng nhợt nhạt và u ám. Suốt một thời kỳ dài không còn dấu hiệu gì của dấu ấn cá nhân hay văn hóa mặt tiền, tất cả các ngôi nhà ống cổ hay nhà biệt thự kiểu Pháp đều bị mỏ xẻ và nhồi nhét hàng chục gia đình từ nông thôn và các địa phương khác tràn lên thành phố, theo qui định mỗi người được 8m2. Không 1 yếu tố gì gắn đến khái niệm cá nhân, tư hữu, không 1 cửa hàng doanh nghiệp nào được phép tồn tại và đương nhiên sẽ không có bất kỳ một dấu hiệu quảng cáo dịch vụ sản phẩm nào. Tất cả các nhu cầu sản xuất sinh hoạt của toàn xã hội đều do nhà nước quản lý và bao cấp. Có lẽ người ta chỉ nhớ đến một thứ ám ảnh nhất của thời kỳ đó là hình ảnh chiếc tem phiếu nhỏ xíu quyết định toàn bộ sự sống của con người và mặt tiền trên các con phố tràn ngập những tranh cổ động và biểu ngữ với khẩu hiệu của Đảng về một xã hội văn minh giầu đẹp. Những bức tranh cổ động và biểu ngữ đó đã tô điểm cho thành phố, trên các con phố có thể đọc được những dòng chữ đại loại như “…thắng lợi mới…”, “… dân giàu nước mạnh…”, “…vì một xã hội phồn vinh…” Và dường như với những ý tưởng đó, các tranh cổ động đã vạch rõ một cơ hội biến chuyển mà ai ai cũng nên góp sức kiến thiết. Mỗi người dân đều mong muốn làm được 1 việc gì đó có hiệu quả. Và điều gì cần đến đã đến, năm 1986, thuật ngữ “đổi mới” ra đời, sau hơn 10 năm cố gắng dập khuôn mô hình bao cấp Nhà nước, chính sách cải cách kinh tế ở Việt nam mới mở ra, đồng thời chính thức công nhận một xã hội được định hướng thị trường. Công cuộc cải cách vĩ đại ấy hiện diện ở khắp nơi trên Việt nam luôn đi kèm một khẩu hiệu tập thể: “Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng văn minh” Ai đọc câu khẩu hiệu đó cũng hiểu ngay được ý nghĩa của nó, ý nghĩa với gia đình mình, ý nghĩa với chính mình. Và với mặt tiền hướng ra phố, nhà nhà mở của hàng, người người buôn bán. Lúc này, người ta luôn nhận ra một điều là việc xây nhà riêng gắn liền với kinh doanh hứa hẹn đem lại nhiều lời lãi. Một mặt các ý tưởng kinh doanh do các nhà đầu tư mang đến, mặt khác thì các ý tưởng ấy cũng phong phú như ước nguyện của con người, mà những ước nguyện đó cách đây 1 thời gian không quá xa đều bị ngăn trở, bóp méo, suy diễn theo một chiều hướng khác hẳn, ví dụ về thời trang trong thời bao cấp là phải giống nhau, phải theo 1 khuôn mẫu nhất định, nếu chỉ cần khác người hoặc đặc biệt hơn thì sẽ bị kỷ luật. vì vậy mọi người luôn phải ép mình thành những thứ không có cá tính.

Sự bùng phát của xu hướng bịt mặt của các ngôi Nhà Mặt Phố cho thấy sự bành trướng của các thế lực thương mại hay nói cách khác là sự trống rỗng và sức mạnh tàn nhẫn của nhu cầu xã hội tư bản, nó đã phơi bày hiện tượng dị hóa cảnh quan đường phố, mà thủ đô Hà nội là 1 tiêu biểu. Khái niệm dị hóa xuất phát từ tiếng Đức, khởi nguồn từ Karl Marx thông qua cuốn sách “quan niệm của Karl marx về dị hóa và ý nghĩa của quan niệm đó”. Dị hóa có nghĩa là thay đổi bản chất nguyên gốc ban đầu, nhiều khi thay đổi với lớp vỏ bọc mới rất mỹ miều và khả ái. Dị hóa không giống với lão hóa, chẳng hạn những công trình kiến trúc khoác một màu thời gian rêu phong cổ kính, có thể có 1 số kết cấu bị mối mọt, lung lay, đó là hiện tượng lão hóa tự nhiên cuả một công trình. Nhưng một ngôi nhà vừa mới xây xong với đầy đủ ban công, cửa sổ bỗng một ngày bị bịt lại kín mít và biến thành cột quảng cáo tân kỳ, hiện đại để mặc cho phía sau sự tối tăm, oi bức thì đó là quá trình biến đổi công năng bản chất của ngôi nhà- đó chính là sự dị hóa. Karl Marx là người đầu tiên nhận ra và phân tích sự dị hóa của con người trước sự cám dỗ của đồng tiền, của sự sùng bái vật chất.

Quá trình mở cửa đã tạo nên sự sôi động cho thành phố, các tấm biển quảng cáo thương mại là nhiệt kế cho sự năng động của thành phố. Nhưng quá trình mở này lại nhanh chóng bịt lại những ô cửa sổ, những tầm nhìn lãng mạn ở các ban công, chốt những ngôi Nhà Mặt Phố từ bên trong lẫn bên ngoài. Nó làm trầm trọng hơn nữa những căn nhà hình ống cao ngất ngưởng. Nói cách khác nó là sự chấm hết của kiến trúc. Một diện mạo mới của thành phố dần được hình thành, những khuôn mặt thành phố bị mù lòa bởi chính những đôi mắt mỹ nhân mở to đầy gợi cảm trên các tấm biển quảng cáo, chán nản với những thông điệp và những thương hiệu nhan nhản khắp nơi. Để đến khi màn đêm buông xuống thay vì những ánh đèn hắt ra từ các ô cửa sổ, các con phố lại trở nên kỳ ảo với những hệ thống đèn led chạy lên chạy xuống, dọc ngang của các tấm biển nhà hàng karaoke đủ loại.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2006 khi Việt nam chính thức gia nhập WTO, tham gia vào sân chơi chung của kinh tế toàn cầu hóa, cùng với sự bùng nổ của công nghệ quảng cáo thì cũng là lúc phát triển rầm rộ xu hướng “bịt mặt” các “Nhà Mặt Phố” bằng những tấm biển quảng cáo quá cỡ. Mỗi ngày cả thành phố lại xuất hiện thêm hàng trăm tấm biển quảng cáo mới, cái sau to hơn cái trước, cái sau cao hơn cái trước, hiện đại hơn, bắt mắt hơn. Tất cả các công nghệ quảng cáo mới nhất được du nhập với 1 tốc độ chóng mặt. Mặt tiền ngôi nhà là mặt duy nhất để ánh sáng và gió tự nhiên đi vào thì luôn bị đóng chặt cửa hoặc bị bọc kín bởi các tấm biển quảng cáo cỡ lớn. Lý do được đưa ra là vì đường phố quá bụi và ồn ào, đồng thời là vì lợi ích kinh tế nên cần phải quảng cáo, phải thu hút càng nhiều sự chú ý càng tốt. Cảnh phố phường Hà Nội với những ngôi nhà và ban công thoáng đãng từ lâu đã nhường chỗ cho một  khung cảnh tấp nập, ồn ào cùng với đó là những tấm quảng cáo lớn, đầy màu sắc đang che lấp đi những gì là tự nhiên để nhường chỗ cho một bộ mặt mới hào nhoáng hơn.

Và dần dần không gian riêng tư của mỗi gia đình biến thành không gian công cộng từ lúc nào không biết. Những cánh cửa sổ vốn là đôi mắt của ngôi nhà, mà đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thì nay những đôi mắt ấy bị bịt kín lại, bị hy sinh cho những mục đích khác thực dụng hơn. Hiện tượng điển hình này của “Nhà Mặt Phố” mới ở Việt nam đã là một hiện tượng được mã hóa, hàm chứa rât nhiều mối quan hệ chồng chéo, phức tạp về chính trị, xã hội, kinh tế… Để giải mã được nó là vấn đề không hề đơn giản. Nếu dùng tư duy logic của chủ nghĩa hiện đại để quy nạp hóa, điển hình hóa nó rồi vội vã đưa ra kết luận chắc chắn khó có thể bao quát được hết. Chính vì vậy tôi đã tiến hành theo quan điểm tư duy của chủ nghĩa hậu hiện đại khi chuyển sự lý giải cho người xem, người xem sẽ có quyền quyết định, họ sẽ hoàn thiện nốt tác phẩm. Vai trò của người nghệ sỹ lúc này chỉ là đưa ra một câu chuyện, một hiện tượng thị giác nhằm thúc đẩy sự giải mã của người xem.

3 Quan điểm cá nhân:

Tôi là một người trẻ trong xã hội Việt nam hiện đại, là thế hệ chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới, bản thân tôi chỉ còn dính líu chút ít ký ức tuổi thơ với những thứ của thời bao cấp trước đổi mới. Với một sự phát triển không ngừng nghỉ, va chạm các giá trị trong sự hòa nhập với thế giới là điều khó tránh khỏi. Các giá trị mới luôn xuất hiện với tần xuất chóng mặt. Tội nghiệp cho những con người Việt nam chúng tôi, vừa nhấp nhổm thoát được cảnh đói nghèo của thời bao cấp, còn chưa kịp quen với những giá trị mới này đã vội phải thay đổi theo những giá trị khác thời thượng hơn.

Mải miết vật lộn, chen lấn vượt lên trên, chúng tôi ai cũng cố gắng để tự tỏa sáng như những hạt kim cương. Có điều là những hạt kim cương nhỏ bé lại không thể kết dính nổi với nhau thành 1 khối. Diện mạo của xã hội Việt nam đương đại chẳng giống nơi nào mà tôi đã từng đi qua, ngồn ngộn mà vô cùng trống rỗng. Mọi thứ đều được che đậy, tô vẽ bởi rất nhiều lớp vỏ bọc. Cố gắng giải mã cho những giá trị thật bị che phủ sau những giá trị phù phiếm bấy lâu nay là con đường cũng như trách nhiệm của những người làm nghệ thuật thế hệ trẻ chúng tôi ngày hôm nay. Đó chính là lý do giải thích cho sự ra đời của dự án “Nhà Mặt Phố”. Đây là một quá trình khảo sát thực tế, sau đó tôi thể hiện nó như 1 hiện thực khách quan để từ đó khái quát nó như một câu chuyện để rút ra những chiêm nghiệm cho chính mình, có thể coi nó là một văn bản mở, có thể đọc và lý giải theo cách của mỗi người.

Mỹ học theo quan điểm của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại:

Mỹ học của chủ nghĩa hiện đại sử dụng hình thức ấn tượng và nêu bật vai trò chủ thể. Quan điểm mỹ học hậu hiện đại lại mang các đặc điểm như xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày; phá bỏ những giai tầng văn hóa quý phái và văn hóa đại chúng; phủ nhận tính chất nguyên thủy của một tác phẩm nghệ thuật và cho rằng nghệ thuật cũng chỉ là một hiện tượng lặp lại; nhấn mạnh đến tính chất kết dính nhiều mảng kết cấu khác nhau trong cùng một tác phẩm.

Nghệ thuật hậu hiện đại cũng có nhiều quan điểm tương đồng với quan điểm mỹ học hiện đại như soi rọi nội tâm, ý thức bản ngã, cách đoạn và không liên tục… Nhưng ngược lại thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại trong mỹ học là phi cấu trúc, phi tuyến tính và từ chối vai trò chủ thể của con người, một sự tiếp nhận, mô tả hiện tượng không suy diễn, không chú ý đến chiều sâu, không diễn dịch bản chất sự vật theo chủ quan tác giả, thay vào đó, tác giả cũng tham gia vào trò chơi ngoại biến tạo ra những đối kháng để người xem tự tìm thấy trong tác phẩm và nếu cần tác giả sẽ chủ động lôi kéo người xem vào trò chơi đó.

Quan điểm mỹ học hiện đại vẫn còn mang tính đại tự sự, khi nhiều công trình nghệ thuật mang một thông điệp rằng nghệ thuật hiện đại có khả năng tạo ra những tác phẩm có sự đồng nhất và kết cấu chặt chẽ. Nghệ thuật hiện đại tự cho rằng nó có một vai trò lịch sử to lớn để tái tạo lại những gì mà các thế chế khác của nhân loại đã bó tay. Nói chung, nền mỹ thuật hiện đại vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi niềm tin vào khả năng vô hạn của con người. Chủ nghĩa hậu hiện đại trái lại xem mỹ học cũng như một vật thể giả tạo khác mà hiện thực hoàn toàn bị khuất lấp sau những hiện tượng. Càng nhiều hiện tượng thì hiện thực càng đầy thêm và vai trò của nghệ thuật chỉ thuần túy là tham gia vào trò chơi giữa các vật thể hỗn loạn ấy, và việc có tin tưởng vào hiện thực biểu hiện hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của người xem, tùy thuộc vào nền văn hóa mà họ đang sống, đồng thời tùy thuộc vào khả năng phản ánh hiện thực thông qua hành động giải trình ngôn ngữ, cứ như thế mỹ học hậu hiện đại cứ kéo dài sự diễn dịch ra ngoài mọi biên giới để tiến về nơi bất tận.

Tinh thần của chủ nghĩa hậu hiện đại nêu trên cũng trùng khớp với quan điểm và tư duy sáng tác nghệ thuật của tôi.

II.               Quá trình sáng tác của cá nhân:

Kinh nghiệm sáng tác và quá trình thử nghiệm các chất liệu:

*Bắt đầu từ năm 2003, khi tôi tiến hành dự án “ Câu chuyện của nước”, tôi đi khảo sát tất cả các sông hồ chính trong khu vực nội thành Hà nội. Sử dụng phương tiện nhiếp ảnh, tôi chụp lại hàng trăm tấm ảnh mặt nước bị ô nhiễm. Sau quá trình 2 tháng đi điền dã thực tế, tôi đã thu thập được 1 số lượng ảnh để chuẩn bị cho tác phẩm sắp đặt. Trong khuôn khổ phòng triển lãm, tôi dựng 1 bục gỗ vuông có thiết kế 1 vòi nước chảy tuần hoàn vào 1 chậu nước, sau đó tôi bỏ hàng trăm tấm ảnh đã chụp được vào phủ kín bề mặt chậu nước. Các tấm ảnh nổi lên, nước chảy xuống. Cứ như vậy 1 tuần, khi hết thời gian triển lãm, toàn bộ các bức ảnh bị tróc ra, chậu nước trở nên đen ngòm, bẩn thỉu, mùi rất khó chịu, giống y như nước cống thật. Thông qua tác phẩm sắp đặt này, khái niệm tôi muốn đưa ra là: mọi thứ khi bẩn ta thường lấy nước để rửa, vậy khi nước bẩn ta lấy gì để rửa, và nước sạch có rửa được nước bẩn hay không?

*Đến năm 2005, tôi tiếp tục phiên bản 2 với dự án Nước khi tiến hành làm tác phẩm sắp đặt ảnh “Head wash”. Tôi sử dụng lại cấu trúc hộp gỗ và nước tuần hoàn cùng chậu rửa. Thay vì những tấm ảnh chụp nước bẩn, tôi đã chụp rất nhiều chân dung từ phía sau gáy của mọi người. Tôi tiến hành gặp gỡ đủ các thành phần trong xã hội, từ tầng lớp lao động chân tay như công nhân, nông dân đến trí thức như giáo viên, bác sỹ và xin chụp mỗi người 1 tấm chân dung nhưng không phải từ chính diện mà là từ phía sau. Tôi cũng làm thành các tấm pano, phông ảnh, ghế ngồi như 1 cửa hàng gội đầu, mời mọi người tham gia vào tác phẩm, chụp 1 tấm ảnh “chân dung” rồi tự tay thả vào chậu nước. Thông qua tác phẩm, người xem có dịp trải nghiệm ngắm được phía sau của chính mình – một hành vi gội đầu mang ý nghĩa biểu trưng.

*Năm 2005, tôi tiếp tục thực hiện 1 dự án nhiếp ảnh có tên là “Bóng lá”. Trong vòng vài tháng tôi đi lang thang trên những con phố ở Hà nội, vào những buổi tối khi đèn đường là ánh sáng chính trên vỉa hè, tôi quan sát được hình thù biến đổi của các bóng lá cây in xuống nền đường. Tôi chụp lại tất cả những hình ảnh thú vị đó, sau đó in trên giấy xuyến chỉ, cắt thành những hình tròn. Tôi thực hiện tác phẩm sắp đặt cùng với 1 nghệ sỹ khác, tác phẩm mang tên “Phía trong bức tường”. Dưới sàn nhà của phòng triển lãm tại Viện Gớt, tôi đặt những bức in bóng lá hình tròn dưới những cây thang (cây thang cột dây thừng là tác phẩm của nghệ sỹ Yên Thế). Trên tường tôi dán những tấm ảnh bóng lá liên tiếp bao quanh căn phòng tạo thành biểu tượng 1 bức tường, trong tiếng Hán chữ Mộc ở trong hình vuông tạo thành chữ Khốn. Trong không gian đó, dưới ánh sáng của đèn chiếu, bóng của những chữ Khốn trên cây thang hòa với bóng người xem và bóng lá trên nền nhà, trên 4 bức tường.

*Đến năm 2007 tôi cho ra mắt triển lãm sắp đặt ảnh chủ đề “Trên cao” là kết quả sau 1 năm thực hiện dự án vinatree. Trong suốt 1 năm, vào các buổi tối tôi lại len lỏi vào từng góc phố Hà nội thực hiện khảo sát sự cộng hưởng của 2 hệ thống cây cùng tồn tại song song với nhau: cây xanh và cây cột điện. Hình ảnh cây xanh tượng trưng cho sự phát triển của tự nhiên còn hình ảnh cây cột điện và dây điện chằng chịt tượng trưng cho một hệ thống chính trị xã hội phức tạp. Tôi muốn tìm hiểu mối quan hệ giữa chúng là gì, chúng có thể chung sống trong hòa bình hay trong mâu thuẫn? Tôi đã cố gắng ghi lại những hình ảnh này trong cả bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, tôi dùng cả chân máy ảnh mới có thể chụp lại sự giao thoa của chúng. Sau đó tôi chọn lọc ra 50 tấm ảnh in trên phim xuyên sáng treo vào những chiếc hộp gỗ bên trong có bóng đèn, tạo cảm giác như xem phim Xquang, để người xem được nhìn xuyên thấu thành phố qua những bức hình đặc biệt.

*Từ năm 2006 đến 2008, cùng với những dự án nhiếp ảnh, tôi đã thực hiện sêri tranh lụa có tên “Siêu truyền dẫn”. Sử dụng chất liệu truyền thống và màu tự nhiên để khắc họa hình ảnh những cây cột điện vốn rất phổ biến ở Việt Nam, ngày càng được tận dụng triệt để chức năng, không chỉ mắc dây điện mà còn trở thành nơi mắc tất cả các loại từ dây dẫn tín hiệu cáp truyền hình, cáp điện thoại, internet… đến băng rôn, khẩu hiệu, loa phát thanh, lốp xe máy, lồng chim… Những cây cột điện đã trở thành vật siêu truyền dẫn từ lúc nào không biết.

*Năm 2008 tôi tham gia triển lãm ở Lespace với tác phẩm “Nhóm”. Dự án nhiếp ảnh này là quá trình khảo sát hành vi thành lập nhóm của con người tương ứng với những trạng thái tâm lý cụ thể. Tôi tạm chia thành 3 nhóm: Nhóm âu lo- chỉ những người luôn phải vật lộn với cuộc sống, nhóm hưng phấn- chỉ những người sốc nổi dễ bị lôi kéo theo đám đông, nhóm bàng quan- chỉ những người vô lo. Với dự án này tôi đã chụp những người lao động chờ việc đại diện cho nhóm âu lo, tiếp đó là chụp cảnh đua xe máy đại diện cho nhóm hưng phấn, và cuối cùng tôi chụp 1 đoàn đi du lịch đại diện cho nhóm bàng quan.

*Năm 2009, tiếp tục quan sát những biến đổi mạnh mẽ về diện mạo của đô thị thời kỳ bùng nổ xây dựng, tôi đã cho ra đời sêri tranh lụa “Tầm cao mới” với 1 triển lãm cá nhân ở Artvietnam Gallery. Các tác phẩm phản ánh những ngôi nhà hình ống đang được xây cao chồng tầng, bọc bạt dứa tạo thành hình ảnh đặc trưng cho quá trình bê tông hóa đô thị.

*Đến năm 2010, tôi tiến thêm 1 bước khảo sát sự biến đổi về diện mạo của đô thị qua đối tượng Nhà Mặt Phố. Với cấu trúc hình ống hẹp ngang và cao vút ngày càng trở nên phổ biến cùng với sự phát triển về công nghệ quảng cáo, các ngôi Nhà Mặt Phố bị kín bưng sau những tấm pano cỡ lớn, mất đi không gian sống thoáng đãng mà thay vào đó là những mục đích kinh doanh.

*Vẫn năm 2010, trong một festival nghệ thuật tổ chức tại Thành phố Huế, tôi đã mang seri Vinatree vào tham dự là một tác phẩm sắp đặt ngoài trời. Tôi dùng chất liệu là những hộp đèn quảng cáo bày khắp nơi trên vỉa hè lòng đường ngay tại địa phương, sau đó in giấy xuyên sáng và ghép vào 2 mặt của hộp, bên trong lắp đèn neon. Đây là 1 quá trình thử nghiệm khi đưa chính những không gian thiên nhiên trở lại đúng vị trí của nó (cây xanh và cột điện sắp đặt cạnh vỉa hè). Buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, hàng chục hộp đèn vinatree đó được bật sáng lên thu hút ánh mắt quan tâm của người đi xem, họ ngỡ ngàng khi thấy vẻ đẹp của những bức ảnh. Một sự mâu thuẫn về thị giác khi kết hợp những thứ gọi là “rác trời” với 1 diện mạo lấp lánh của những hộp đèn quảng cáo về đêm.

Lấy chất liệu từ những vấn đề của đời sống đương đại, những tác phẩm của tôi thường là chuỗi các dự án khảo sát các hiện tượng trong xã hội, chất liệu và ngôn ngữ tùy biến vào điều kiện, hoàn cảnh và tính chất của từng vấn đề trong mỗi dự án, lúc thì là nhiếp ảnh, lúc thì là tranh lụa truyền thống, lúc lại là sắp đặt hoặc video art, lúc lại là tổng hợp các phương thức tiến hành khác nhau. Tôi thích sử dụng những chất liệu và cách làm phổ biển để tạo nên những hình ảnh, những sản phẩm trái với quy luật thông thường của thị giác. Môi trường làm việc ảnh hưởng rất nhiều đến tư duy của tôi. Hàng ngày được tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp, có kế hoạch, tỉ mỉ và quan trọng là luôn tùy biến. Chính vì vậy tôi phải luôn ở trong quá trình vận động, không ngừng hoàn thiện.

Vai trò của người nghệ sỹ trong 1 tác phẩm hậu hiện đại gần như biến mất, người nghệ sỹ không phải là người có chức năng phán xét, càng không nên làm chức năng đó. Kinh nghiệm cá nhân của người xem mới là phần còn lại của tác phẩm, khi đó họ sẽ hoàn thiện nốt tác phẩm theo phương án của mỗi người. Nói cách khác trung tâm của quá trình sáng tạo được đặt về phía người xem, người nghệ sỹ lúc này chỉ như một người đạo diễn tạo dựng nên một game show,  còn người xem là người tham gia cuộc chơi, có quyền lựa chọn và tự chịu trách nhiệm trước những lựa chọn, đánh giá của mình, vì tất cả các quyết định của người xem đều có giá trị và được tôn trọng như nhau, dù nhỏ tuổi hay lớn tuổi đều không quan trọng, tât cả đều bình đẳng trong 1 game show.

Trong chuỗi thử nghiệm đó, sau khi hoàn thành dự án “Nhà Mặt Phố”, tôi tiếp tục thực hiện dự án “Làm cách nào để trả chiếc Honda về Nhật bản” khi phát triển những mô hình người đi xe máy từng xuất hiện trong seri Nhà Mặt Phố. Tôi phóng to theo tỷ lệ thật những mô hình người đang đi trên những chiếc xe máy (ở Việt Nam mọi người vẫn quen gọi là chiếc Honda) rồi mang sang các thành phố ở Nhật, đặt trên bối cảnh đường phố và chụp lại những hình ảnh đó, tạo nên những khoảnh khắc người Việt nam tham gia giao thông cùng với người Nhật trên đường phố. Tác phẩm sẽ có phần tương tác với người xem thông qua việc chụp ảnh làm thành mô hình phù điêu.

Xu hướng chuyển dịch của trào lưu hậu hiện đại đi sâu vào tác phẩm nghệ thuật đương đại ngày càng phát huy tác dụng, quá trình chuyển đổi đó không đơn thuần là những vận động nọi tại của nghệ thuật đương đại mà nó còn chịu ảnh hưởng và tác động qua lại của môi trường, bối cảnh chính trị, kinh tế toàn cầu. Ngay từ trong chính trị và kinh tế, xu hướng của thế giới cũng chuyển dần sang đa phương và đa cực. Mọi cơ chế minh bạch mà các thành phần tham gia đều bình đẳng, tự chịu trách nhiệm và phụ thuộc lẫn nhau.

Một đặc điểm của tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại mà tôi rất tâm huyết đó là người nghệ sỹ chỉ đề cập đến hiện tượng, không bàn đến bản chất. Rất nhiều hiện tượng chồng đè lên nhau sẽ làm cho hiện thực dần được sáng tỏ, hay nói cách khác một tác phẩm hậu hiện đại có tính trung tính, không thiên vị, không cảm tính, không cố gắng tô hồng hay bôi đen một hiện tượng nào. Bởi nghệ sỹ khi đã làm nghệ thuật cần có 1 trái tim nóng nhưng phải có 1 cái đầu lạnh. Cũng chính vì vậy mà trong nửa thế kỷ trở lại đây, nhiếp ảnh đã dần trở nên có 1 vị trí xứng đáng trong các bảo tàng nghệ thuật đương đại, cũng như trở thành 1 chất liệu, phương tiện khá phổ biến cho các nghệ sỹ sử dụng. Đặc tính tái hiện trung thực hiện tượng đã làm nhiếp ảnh có 1 ưu thế nổi trội hơn các phương tiện truyền tải khác. Nhà Mặt Phố chính là 1 hiện tượng được tập hợp từ rất nhiều lớp hiện tượng chồng đè, nó phản ánh 1 hiện thực khách quan như những thước phim lịch sử của thời đại mới. Dự án “Nhà Mặt Phố” là sự kết hợp trực tiếp giữa 2 seri “văn hóa mặt tiền” và “văn hóa giao thông” của Việt nam. Hai seri với 2 hiện tượng phổ biến này được tiến hành khảo sát, ghi lại ở rất nhiều thời điểm khác nhau nhưng khi ghép lại trong cùng 1 tác phẩm thì nó giống như 1 khoảnh khắc phố phường được đông cứng, 1 bức tranh tái hiện mô hình cuộc sống thu nhỏ.

III. Quá trình thực hiện tác phẩm:

  1. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu:

Phạm vi khảo sát của tôi là thủ đô Hà nội, đối tượng nghiên cứu là những ngôi Nhà Mặt Phố cùng với những tấm biển quảng cáo cỡ lớn và sự biến đổi của cảnh quan đô thị. Ngoài đối tượng chính là Nhà Mặt Phố, văn hóa mặt tiền, hiện tượng bịt mặt, xu hướng bọc kín bởi các tấm biển quảng cáo, tôi còn hướng vào những người đi trên đường phố, những con người nhỏ bé của đủ các thành phần trong xã hội đi lại trước mặt tiền, dưới bóng râm của những ngôi Nhà Mặt Phố. Có thể là người đi bộ, người bán hàng rong, học sinh tan trường, công nhân quét rác, người cưỡi xe máy, người chở hàng, vợ chồng con cái đi chơi, người nước ngoài… Đối với đối tượng Nhà Mặt Phố tôi chia làm 2 dạng, ban ngày và ban đêm.

2 Phương pháp nghiên cứu:

Khảo sát điền dã, sử dụng thiết bị máy ảnh chuyên dụng từ máy ảnh chụp kiến trúc đến máy kỹ thuật số có độ phân giải lớn để quét chi tiết những hình ảnh trên các tấm biển quảng cáo, đồng thời chụp với tốc độ cao để bắt đứng hình của những người đi đường. Sau đó tôi xử lý hậu kỳ bằng máy tính. Tôi dùng chính công nghệ làm biển quảng cáo đang thịnh hành để thử nghiệm. Ngoài phần nhiếp ảnh, tôi mời thêm 3 bạn chuyên làm việc trong lĩnh vực quảng cáo nhiều năm tham gia thực hiện dự án với tôi. Tôi chia làm 3 giai đoạn tiến hành sản xuất mô hình “Nhà Mặt Phố” theo tỷ lệ . Một người phụ trách đồ nét những chi tiết trong bức ảnh, sau đó mang đi cắt laser, 2 người phụ trách bồi ảnh vào phooc-mếch, sau đó dùng dao trổ cắt tất cả các chi tiết kiến trúc trong bức ảnh ra. Cuối cùng, tôi chỉ đạo và điều chỉnh độ cao thấp của các chi tiết để dựng lại thành một bức phù điêu giả lập những ngôi Nhà Mặt Phố.

3 Mục tiêu nghiên cứu:

Mục đích chính của tác phẩm này là khảo sát sự biến đổi cảnh quan đô thị, cụ thể là sự biến đổi từ công năng ở sang công năng quảng cáo ở các ngôi Nhà Mặt Phố nhằm tạo ra một mô hình cuộc sống thu nhỏ. Việc dựng nên những tấm phù điêu Nhà Mặt Phố giống như công việc tạo dựng nên những phim trường khác nhau. Không giống như quá trình làm mô hình kiến trúc thông thường, tôi muốn tạo ra một trò chơi về thị giác, một thử nghiệm giữa cái thật và cái giả thông qua việc làm mô hình Nhà Mặt Phố, giúp người xem có 1 khoảng cách đủ xa, 1 không gian đủ tĩnh để có 1 cái nhìn toàn cảnh hơn, rõ nét hơn, đánh giá sâu sắc hơn những cái được, cái mất của quá trình công nghiệp hóa, thương mại hóa cũng như suy ngẫm về giá trị của những đổi thay ngày hôm nay.

4 Tình hình thực tế:

Từ sau dự án tranh lụa “Tầm cao mới” năm 2007, tôi vẫn có quan sát về hình ảnh đô thị biến đổi và lên kế hoạch thực hiện những dự án nhiếp ảnh tiếp theo. Trong quá trình đó tôi được cử sang Bắc Kinh học tập, sau những lần đi đi về về tôi chợt nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng của hiện tượng các tấm pano quảng cáo cỡ lớn xuất hiện ngày một nhiều, ngày càng to cao và có xu hướng chiếm lĩnh không gian công cộng. Hiện tượng này trước đây không phải là không có, song chỉ là cá biệt, khoảng 2-3 năm trở lại đây nó đã trở thành một xu hướng phổ cập và trở nên hết sức bình thường trước mắt mọi người.

Nguyên bản mô hình gốc của “Nhà Mặt Phố” đương đại chính là nhà ống cổ nhưng giờ đây nó đã hoàn toàn biến đổi về hình dáng và cấu trúc. Phải khẳng định là trước năm 1986, khi Việt nam chưa mở cửa thì hiện tượng này cũng chưa xuất hiện. Thời bao cấp, toàn bộ nền kinh tế phụ thuộc vào nhà nước thì có Nhà Mặt Phố cũng chẳng ai quan tâm. Chỉ từ khi kinh tế tư nhân được phát triển thì Nhà Mặt Phố mới trở nên có giá trị. 10 năm trước, công nghệ quảng cáo chưa thịnh hành, Nhà Mặt Phố chỉ treo những tấm biển rất nhỏ, không gây chú ý nhiều. Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp quảng cáo, các tấm pano ngày càng trở nên hiện đại, cầu kỳ và là bộ mặt để thể hiện đẳng cấp, tiềm lực của doanh nghiệp. Đặc biệt là từ sau năm 2006, Việt nam gia nhập WTO, thì xu hướng hiện đại hoá mặt tiền bằng các tấm biển quảng cáo công nghệ cao ngày càng được định hình. Nhà Mặt Phố giờ đây thực sự được coi là tấc đất tấc vàng. Cùng với đó, giá cho thuê của Nhà Mặt Phố làm nơi kinh doanh buôn bán cũng tăng lên không ngừng. Với mô hình kinh tế Việt nam phát triển dựa trên các thương hiệu nhỏ lẻ thì các ngôi Nhà Mặt Phố dù giá thuê rất đắt nhưng cũng gần như nắm ưu thế tuyệt đối và không có sự lựa chọn nào khác. Đó chính là lý do Nhà Mặt Phố luôn là sự đảm bảo cho giá trị thặng dư. Chẳng thế mà trong dân gian 20 năm trước đã xuất hiện câu nói “Nhà Mặt Phố, bố làm to” ám chỉ việc sở hữu một ngôi Nhà Mặt Phố thì chẳng khác nào có một ông bố làm quan. Và vì giá trị rất lớn của ngôi Nhà Mặt Phố nên chủ sở hữu nó luôn có xu hướng ưu tiên khai thác lợi ích kinh tế từ nó. Người ta bằng mọi cách tận dụng tối đa ưu thế về vị trí của nó, biến nó thành những ngọn hải đăng hút mắt của người đi đường càng nhiều càng tốt. Trong vô vàn biển quảng cáo cỡ lớn như thế, nhiệm vụ đặt ra là làm cách nào phải cao hơn, độc đáo hơn, hấp dẫn hơn và thế là cuộc đua cho những tấm biển quảng cáo diễn ra không ngừng nghỉ.

Gần như tất cả các ngành nghề dịch vụ, kinh doanh, làm ăn từ những nhu cầu tối thiểu cho đến những nhu cầu cao cấp đều xuất hiện trên những tấm biển quảng cáo của các ngôi Nhà Mặt Phố. Từ của hàng ăn uống, mát xa đến những ngân hàng, trung tâm điện máy, thời trang… đều bám lấy mặt đường. (vẫn là tâm lý nhất cận thị nhị cận giang khi xưa) Tất cả các biển quảng cáo đều có xu hướng chiếm lĩnh không gian công cộng bắt đầu từ tầng hai. Bề ngang của một ngôi nhà chỉ khoảng từ 3-5m nhưng chiều cao thì có thể thoả sức theo khả năng của chủ nhà, thường thì chiều cao của tấm biển quảng cáo có thể ngang bằng hoặc có thể che lấp vượt quá chiều cao thực tế của ngôi nhà. Giờ đây các ngôi Nhà Mặt Phố trở thành những ốc đảo khép kín được tô vẽ cho bắt mắt nhất có thể. Các ký hiệu, biểu tượng, logo, chữ cái càng to càng nổi càng ấn tượng càng tốt, mục đích là làm sao để toả sáng, lấn át được xung quanh, biến mình thành nổi bật nhất. Những hình ảnh người mẫu, siêu sao, những tiện nghi sang trọng, hiện đại đi kèm những lời văn, câu slogen đầy hấp dẫn chính là sự mong mỏi, ước mơ về sự hoàn mỹ tuyệt đối của con người. Tất cả các con số, ký tự, hình ảnh đều được cố gắng làm nổi ra hết cỡ, hình thành xu hướng 3D hoá biển quảng cáo. Trong cơn lốc của kinh tế hội nhập toàn cầu hoá, kinh doanh phải dựa vào quảng cáo là một điều hiển nhiên, tiêu dùng thực dụng chiếm phần lớn thị trường. Rất ít ngôi Nhà Mặt Phố không được tận dụng để kinh doanh và treo biển quảng cáo cỡ lớn. Các yếu tố cá nhân phải nhường chỗ cho những lợi ích kinh tế, thay vì được đón ánh sáng và không khí thoáng đãng của tự nhiên thì con người hiện đại phải đánh đổi bằng ánh đèn của nêon và gió của điều hoà.

Trên nền bối cảnh đó, sau hơn 2 năm thực hiện khảo sát, ghi chép lại hình ảnh những ngôi Nhà Mặt Phố độc đáo ở Hà nội, tôi đã quyết định tiến thêm một công đoạn nữa là biến tất cả những tấm ảnh tôi chụp lại thành những tấm ảnh 3D (tạm gọi là phù điêu nhiếp ảnh).

Tôi đã dùng chính công nghệ trong làm biển quảng cáo và những người thợ trong ngành quảng cáo trực tiếp thi công mô hình cho tôi. Sau khi hoàn thành, dự án “Nhà Mặt Phố” sẽ được triển lãm tại viện Gothe. Một điều thú vị nữa là viện Gothe lại nằm ngay trên con phố được mệnh danh là phố quảng cáo của Hà nội-phố Nguyễn Thái Học tập trung hàng trăm cửa hàng lớn nhỏ chuyên cung cấp các dịch vụ về biển quảng cáo. Có lẽ cũng rất nhiều tấm biển quảng cáo có mặt trong tác phẩm của tôi trước kia đã từng được thiết kế và sản xuất từ con phố này. Ý nghĩa ngữ cảnh của triển lãm chính là ở đó. Viện Gothe bản thân là một không gian nằm trên mặt phố, vì vậy ngày khai mạc triển lãm, tôi sẽ cho khai trương showroom giới thiệu “Nhà Mặt Phố” đương đại của Việt nam. Trong triển lãm tôi dùng chính những slogen có trên những tấm biển quảng cáo để đặt tên cho từng tác phẩm. Tôi cố gắng tái tạo một hiện tượng của xã hội Việt nam đương đại như một câu chuyện tự sự kể về quá trình xuất hiện nhà hình ống trong lịch sử phát triển đô thị của Việt nam một cách trung thực nhất, để qua đó phần nào giải mã được những ẩn chứa đằng sau lớp vỏ bọc hào nhoáng kia.

5 Khai mạc triển lãm “Nhà Mặt Phố”:

Với dự án này tôi muốn thực nghiệm tinh thần hậu hiện đai khi thực hiện khảo sát hiện tượng Nhà Mặt Phố như một hiện thực khách quan. Tác phẩm là sự chồng đè của nhiều hiện tượng như hiện tượng biển quảng cáo cỡ lớn, hiện tượng văn hóa giao thông, hiện tượng thương mại hóa hình ảnh phụ nữ, hiện tượng chuông hình ảnh mỹ nữ nước ngoài (hoàn toàn không xuất hiện hình ảnh phụ nữ Việt nam), hiện tượng những câu slogen khoa trương, hiện tượng tràn ngập karaoke và dịch vụ mát xa trá hình về đêm… Tất cả các hiện tượng đó chồng đè lên nhau, tạo nên 1 văn hóa đường phố, một cuộc sống thu nhỏ của đô thị Việt nam ngày và đêm. Tôi không cố diễn giải nội dung hay bản chất những hiện tượng đó, tôi chỉ tái tạo hiện tượng 1 cách trung thực, khách quan và sinh động nhất có thể, chủ động lôi kéo người xem vào 1 trò chơi thị giác, nội dung lý giải ý nghĩa cho tác phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người xem. Tôi muốn tạo ra 1 sản phẩm nghệ thuật dễ tiếp cận, mọi lứa tuổi, mọi trình độ nhận thức đều không bị trở ngại khi xem, ví dụ khi một đứa trẻ con xem thì với nhận thức của nó, Nhà Mặt Phố giống như những mô hình đồ chơi. Hay khi một người nước ngoài xem thì nó đơn thuần chỉ như một hiện tượng biển quảng cáo hỗn độn, nhưng với người Việt nam thì khác, Nhà Mặt Phố chắc chắn phải gắn liền với khái niệm Bố làm to như 1 vế nối vô hình được khắc sâu vào trong khái niệm của mỗi con người sống qua thời kỳ đó. Nó phản ánh một bức tranh khác phía sau những mặt tiền kia. Tác phẩm của tôi có kích thước hẹp và cao tượng trưng cho sự vươn lên, ngoài ra tôi còn muốn tạo ra một sản phẩm nghệ thuật thật dễ tiếp cận, không chán khi xem.

Và thực tế khi triển lãm khai mạc, mọi người đến xem rất đông, họ muốn tận mắt đến xem một hình thức nghệ thuật mới- nhiếp ảnh phù điêu. Với cách sắp đặt các tác phẩm phù điêu đơn lẻ thành một mảng phù điêu lớn trông tác phẩm như những dãy phố dài được nối liên tiếp nhau bởi các căn Nhà Mặt Phố tạo nên một hiệu ứng thị giác mạnh khiến người xem như có cảm giác được sự ồn ào náo nhiệt hỗn loạn của đường phố thật.

Mọi người có thể bắt gặp hình ảnh quen thuộc trên đường phố ngay trong tác phẩm. Điều đặc biệt là nhiều người khi vừa bước vào phòng triển lãm đã bật ra câu nói “Nhà Mặt Phố, bố làm to”. Dường như một khái niệm sẵn có được hình thành từ lâu trong đầu họ, khi có điều kiện thì bật ra như một phản ứng tự nhiên. Đây chính là kết quả của quá trình thử nghiệm nghệ thuật của tôi. Không có 1 từ ngữ nào, một hình ảnh nào đề cập trực tiếp đến hình tượng bố làm to trong tác phẩm của tôi, nhưng nó lại năm ngay trong đầu những người xem. Có lẽ lúc này tính liên văn bản trong tác phẩm đã phát huy tác dụng khi coi “Nhà Mặt Phố” là một văn bản mở thì chính người xem sẽ hoàn thiện tác phẩm nôt cho tác phẩm. Lúc này vai trò đạo diễn của tôi đã hoàn thành.

Người xem phải mất rất nhiều thời gian để đọc hết các biểu ngữ trên các tấm biển quảng cáo. Tôi cũng sử dụng những câu biểu ngữ đó để đặt tên cho từng tác phẩm. “Khẳng định cá tính”, “100 năm vẫn phát triển”, “mỗi ngày một khuôn mặt mới”, “vể đẹp thuần khiết”, “Mùa hè là giấc mơ”, “Phong cách châu Âu”, “chúng tôi tin vào dáng chứ không phải kích cỡ”… Các khẩu hiệu quảng cáo xuất hiện liên tiếp nhau như 1 bài thơ không có hồi kết trong dòng chảy của cuộc sống đương đại. Bài thơ ảo tưởng đó cũng giống như những ước vọng của con người mong muốn có được vẻ đẹp vĩnh cửu. Cho dù luôn cảm thấy bị chúng lừa dối nhưng nói cho cùng chúng ta vẫn muốn tin đó là sự thật. Ai cũng muốn tin vào tuổi thanh xuân vĩnh cửu của một xã hội công bằng và chính mình là nhạc sỹ sáng tạo.

IV.            Phần kết:

Qua bài luận văn này tôi muốn đưa ra 1 hiện tượng xã hội ở Việt nam. Đây là 1 câu chuyên liên quan đến ông tôi, bố tôi và những người Việt nam. Thông qua việc lý giải hiện tượng này cũng là 1 cách giúp tôi giải quyết vấn đề nhận thức của tôi. Tôi sử dụng tác phẩm của mình là đối tượng nghiên cứu chính, cấu trúc của bài luận tôi cũng đưa ra theo cấu trúc phân mảnh.

Nhà Mặt Phố là một câu chuyện có tính chất của hậu hiện đại, nó là một câu chuyện cá nhân, một tiểu tự sự, vừa mang tính thời sự, tính tài liệu vừa là quá trình thực hành một dạng nghệ thuật thử nghiệm khi lai tạp, pha trộn các chất liệu tạo ra một sản phẩm chứa đựng nhiều ký hiệu, biểu trưng cho cuộc sống đương đại. Tôi muốn tạo nên một trò chơi về thị giác để kích thích sự giải mã từ phía người xem.

Tác phẩm này mang ý nghĩa tự thân khi ở trong 1 không gian cụ thể, khi đặt tại viện Gớt – con phố chuyên thiết kế thi công sản xuất biển quảng cáo ở Hà nội, tác phẩm như 1 cuộc trở về có tính biểu tượng của những tấm biển quảng cáo – trở về chính nơi nó đã xuất xưởng. Khi đặt toàn bộ sắp đặt sang 1 không gian khác, ý nghĩa ngữ cảnh của nó sẽ không còn. Nó đơn thuần chỉ là 1 câu chuyện nhỏ về quyền lực và sự tha hoá, quyền lực của đồng tiền và sự sùng bái chủ nghĩa vật chất. Ý nghĩa này trong mỗi bối cảnh văn hoá xã hội, chính trị cụ thể có thể tiếp tục được phát triển và được đọc hiểu theo 1 cách riêng. Lúc này câu chuyện Nhà Mặt Phố ở Việt nam không còn là câu chuyện của riêng Việt nam nữa mà nó là một câu chuyện chung của con người hay của xã hội con người.

Tôi không có kết luận mà chỉ đưa ra một hiện tượng. Tôi không cố gắng giải thích nội dung, tôi chỉ đóng vai trò của một người biên sử cho thời đại mà tôi đang sống thông qua cách kể chuyện sinh động hơn bằng những mô hình.

Comments are closed.