Vai trò của nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị- Tạp chí kiến trúc 07

https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/vai-tro-cua-nghe-thuat-cong-cong-trong-khong-gian-do-thi.html?fbclid=IwAR3zxIHhg_uvmeSxBlNU9Wrek2iy8QpBBa796qwq38hIg2yT8M9C1yKPz-I

Trong mấy năm gần đây, các dự án nghệ thuật công cộng đã được xuất hiện ngày một nhiều hơn, không những ở những thành phố (TP) lớn mà còn ở những vùng nông thôn, thị xã xa xôi. Chưa bàn nhiều đến chất lượng của các dự án, nhưng có thể thấy rõ ràng nhu cầu thưởng thức, hay tối thiểu là nhu cầu xuất hiện của những dự án nghệ thuật công cộng trong những không gian công cộng là một xu thế của đời sống xã hội đương đại lan toả từ văn hoá toàn cầu và làn sóng đô thị hóa trên toàn thế giới. Trong phạm vi bài viết này, dưới vai trò là giám tuyển và nghệ sỹ trực tiếp tham gia một số những dự án nghệ thuật công cộng trong khu vực phố cổ ở Hà nội, người viết xin có một vài chia sẻ từ phía người trong cuộc.

Tác phẩm “Thuyền” của Họa sĩ Vũ Xuân Đông được sắp đặt từ hơn 10.000 chai nhựa phế thải.
Gợi lại ký ức thuyền tấp nập buôn bán ở Phúc Tân 100 năm trước.

1. Nghệ thuật công cộng là một loại hình nghệ thuật gắn với đô thị, với những không gian công cộng ngoài trời. Nó là sản phẩm đặc trưng của những đô thị có mối quan tâm và sự đầu tư vào những giá trị văn hoá chung, khơi gợi nên những cảm thức tự hào về nơi chốn cho cộng đồng trong một TP. Nó là cách mà cộng đồng cư dân ở TP đấy muốn cho thấy tâm hồn của cộng đồng đó được nhìn thấy như thế nào. Chính vì bao phủ phạm vi một không gian rộng lớn cả về ý nghĩa không gian vật chất hữu hình cũng như không gian văn hoá trừu tượng nên một dự án nghệ thuật công cộng không đơn giản là sự sáng tạo của cá nhân một nghệ sỹ, mà nó là tổng hòa của nhiều yếu tố từ chính quyền địa phương, KTS cảnh quan, giám tuyển và các nghệ sỹ.
Nghệ thuật công cộng trong một không gian đòi hỏi nhiều yếu tố tương tác với ngữ cảnh và địa hình cụ thể, vì vậy, để một dự án hoặc một tác phẩm thực sự trở nên hay và có ý nghĩa, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các thành tố kể trên, cộng với sự nhạy cảm, khả năng đọc và tạo nghĩa thêm cho không gian đó thông qua sự sáng tạo trong tác phẩm của người nghệ sỹ. Tính chất sáng tạo đó rất gần với thực hành của những nghệ sỹ theo đuổi các xu hướng của nghệ thuật đương đại, hướng tới tác phẩm đa nghĩa, khơi gợi nhiều lớp ý nghĩa thông qua cách người xem có thể tương tác với tác phẩm, hay trong cách tác phẩm đó đối thoại với không gian.

Phân tích một chút như vậy để có thể thấy: Muốn có những dự án nghệ thuật công cộng có chất lượng không đơn giản chỉ là cách đa số người Việt quan niệm cứ vẽ hay trang trí lên tường là thành nghệ thuật công cộng. Điều này cũng không khó hiểu khi đến nay giáo dục liên ngành ở trong các cơ cở đào tạo Đại học ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, trong các trường Mỹ thuật, trường Kiến trúc việc đào tạo hay trang bị những kiến thức về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật công cộng gần như là rất hạn chế. Các họa sỹ, nhà thiết kế, hay KTS… khi tốt nghiệp thường cũng chỉ quen làm việc trong ngành hẹp của mình, và hơn tất cả một cơ chế vận hành chuyên biệt của chính quyền cho những dự án nghệ thuật công cộng là chưa có. Chính vì thế, cho đến nay, các dự án nghệ thuật công cộng cứ diễn ra một cách khá manh mún, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp đồng bộ. Có những dự án nhiều lúc cả chính quyền địa phương và nghệ sỹ đều lúng túng không biết phải giải quyết tiếp ra sao.

Các bé mẫu giáo chụp ảnh với tác phẩm “Nhà số 63 phố Phùng Hưng” của Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế

2. Với một TP giàu yếu tố văn hoá lịch sử, những công trình và không gian cảnh quan sẵn có như Hà Nội, việc kết hợp triển khai các dự án nghệ thuật công cộng để đánh thức tiềm năng của TP cũng như sự tự hào của cộng đồng cư dân là một hướng đi cần thiết. Trong mấy năm gần đây, sự “kích hoạt” đầu tiên từ phía chính quyền Quận Hoàn Kiếm khởi động Dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng với sự hợp tác phối hợp của Hội KTS Hà Nội, Korean Foundation, UN Habitat và các nghệ sỹ tình nguyện. Cho đến nay, dự án đã diễn ra được hơn 4 năm với vô vàn những khó khăn ban đầu, tưởng chừng như không thể đi tiếp, dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng ra mắt vào dịp đầu Xuân 2018. Quyết tâm của cả nghệ sỹ và chính quyền quận Hoàn Kiếm đã được đền đáp bằng sự đón nhận nhiệt tình của hàng trăm nghìn người người dân Thủ đô và du khách mùa Tết năm đó, cũng như tổng số hàng triệu lượt khách ghé xem và tương tác trong suốt hơn 3 năm qua. Dự án đã làm biến đổi và bừng tỉnh, đem lại một sức sống hoàn toàn mới cho một đoạn phố khá nhếch nhác và ô nhiễm trước đó. Đối với dự án này, Hội đồng kiểm duyệt của Sở Văn hoá hoàn toàn không có kinh nghiệm trong việc cấp phép, cũng không thể lường hết được sự ảnh hưởng tới đời sống văn hoá và diện mạo của khu phố cổ sau đó. Với kinh nghiệm từ những dự án trang trí theo lối một chiều, không có yếu tố tương tác (như dự án con đường gốm sứ hay những dự án tượng điêu khắc ngoài trời…), những tác phẩm giàu tính tương tác và và gợi mở sự suy tư hay sáng tạo tiếp cho khán giả của các nghệ sỹ Việt Nam trong Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng cũng khiến cho Hội đồng nghệ thuật lúng túng và khá duy ý chí trong cách xử lý vấn đề. Những tác phẩm của các nghệ sỹ Việt Nam tác động thẳng tới ký ức của chính khu phố Phùng Hưng, tới ký ức tập thể của cộng đồng cư dân Phố cổ thông qua cách tiếp cận đa dạng về chất liệu và cách thức sáng tạo tác phẩm. Nhiều tác phẩm mang xu hướng vật thể 3D và có khả năng tương tác rất mạnh với người xem như tác phẩm “Kim vàng giọt lệ” của hoạ sỹ Dương Mạnh Quyết nhắc nhớ chợ xe máy Phùng Hưng đầu tiên ở miền Bắc những năm mới mở cửa kinh tế. Người xem có thể trải nghiệm trò chơi “leo núi” thông qua việc chinh phục từng bộ phận chiếc xe máy cup Honda được gắn trên tường. Hay tác phẩm “Máy nước thời gian” và “những người chở” của Nguyễn Thế Sơn, khơi gợi một ký ức khốn khó thời bao cấp xung quanh máy nước công cộng. Người xem có thể trải nghiệm nước chảy ra từ vòi nước và xếp hàng lấy nước như nửa thế kỷ trước trên vỉa hè Hà nội… Bậc thềm và cánh cửa sổ thật ngôi nhà Tây 63 phố Phùng Hưng cũng tái hiện và gọi mời biết bao lượt khách bước vào một miền ký ức mênh mang của Hà Nội cổ với những số phận những con người phía sau. Hay bức tranh gốm sứ “Phảng phất Cửa Đông” của nghệ sỹ Phạm Khắc Quang đã khiến bao người hồi tưởng lại ký ức về cổng thành Cửa Đông của thành Hoàng Thành xưa kia qua sự ma mị biến ảo của ngôn ngữ đồ họa điểm ảnh… Quả thật để mang được những tác phẩm nghệ thuật mang đậm xu hướng nghệ thuật đương đại ra phố ở thời điểm đó là một sự dũng cảm và dấn thân của nhiều bên. Và, người được hưởng lợi trực tiếp chính là cộng đồng người dân khu phố với sự sạch sẽ khang trang cũng như lợi ích kinh tế đi kèm. Hà Nội thêm một điểm đến văn hoá, một đoạn phố nghệ thuật độc đáo không thể bỏ qua của các đoàn tour khi ghé thăm Hà Nội suốt mấy năm qua. Rõ ràng là cần lắm một cơ chế cởi mở trong quản lý văn hoá nghệ thuật của các Sở ban ngành. Cần chuyển từ tâm thế kiểm soát sang tâm thế đồng hành và chia sẻ với những dự án sáng tạo mang lại lợi ích cho cộng đồng. Trong xu hướng hội nhập và thúc đẩy phát triển về ngành công nghiệp văn hoá sáng tạo, dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng năm 2019 đã được đưa vào như một điểm nhấn để ứng cử vào đề xuất UNESCO công nhận Hà Nội vào chuỗi các TP sáng tạo trên thế giới.

Hiện trạng ô nhiễm ở bãi Phúc Tân bên cầu Long Biên – Hè 2019
Tác phẩm “Con Rồng Long Biên” của nhà thiết kế thời trang Diego người Tây Ban Nha
Tác phẩm “Emoji” của Họa sĩ Nguyễn Thị Hoài Giang
Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế đang hoàn thiện tác phẩm “Bức tường danh vọng” ở Phúc Tân

3. Trên xu hướng đó, Quận Hoàn Kiếm năm 2019 tiếp tục đề xuất với nhóm nghệ sỹ tình nguyện thực hiện Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân nhằm cải tạo và đánh thức không gian của khu vực bờ ven sông Hồng khu vực phường Phúc Tân. Tiếp tục với vai trò giám tuyển và nghệ sỹ trực tiếp tham gia, tôi đã mời thêm 15 nghệ sỹ, hội tụ khá đầy đủ các nghệ sỹ nổi bật về thực hành nghệ thuật đương đại từ Huế, Sài gòn, Hà Nội và 2 nghệ sỹ nước ngoài sinh sống ở Hà Nội nhiều năm. Đặc điểm của dự án nghệ thuật công cộng là không có dự án nào giống nhau, tuỳ thuộc vào tính chất địa hình và cộng đồng cư dân sống chung quanh khu vực đó. Khu xóm bờ sông Phúc Tân là một khu vực hết sức phức tạp và ngổn ngang, cả từ địa hình tới cộng đồng cư dân khu biệt. Nhưng chính sự thô ráp xù xì khá nguyên sơ gần gũi với thiên nhiên nơi bãi bồi sông Hồng cùng với cây cầu Long Biên lịch sử đã cuốn hút và thách thức chúng tôi muốn thực hiện 1 dự án nghệ thuật công cộng tại đây. Với một khu vực vốn bị coi là phía sau của TP, vệ sinh môi trường và cộng đồng cư dân khá thiệt thòi, là những vấn đề chúng tôi đặt ra cần lưu tâm đặc biệt trong dự án lần này. Ngay sau đó, trong thiết kế tổng thể dự án chúng tôi đã quyết định đưa yếu tố “tái chế” và yếu tố “cộng đồng” trở thành một đặc điểm mấu chốt của dự án. Muốn kêu gọi sự nhận thức và chung tay của cộng đồng nơi đây, chúng tôi đã quyết định tiến hành dự án theo cách “từ dưới đi lên”. Sẽ chỉ tiến hành thi công và làm tác phẩm khi có được sự chia sẻ và cảm nhận đầy đủ từ phía người dân và chính quyền địa phương. Với cách tiếp cận đó, chúng tôi đã tiến hành những buổi chia sẻ và giải thích ý nghĩa tổng thể cũng như từng tác phẩm của từng nghệ sỹ tới người dân ở đây. Sự cởi mở và chân thành của chúng tôi đã được đáp lại bằng sự hồ hởi và nhất trí cao của cộng đồng, cam kết hỗ trợ chung tay thu gom phế thải và bảo vệ trông coi tác phẩm sau khi dự án hoàn thành. Một dự án nghệ thuật công cộng giờ đã được mở rộng thêm ý nghĩa của một dự án cộng đồng, khi người dân được cảm thấy sự đóng góp và cảm nhận được lợi ích từ nó. Chỉ trong vòng 1,2 tháng từ sau khi nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng từ phía người dân chúng tôi đã khẩn trương thực hiện hoàn thành và lắp đặt toàn bộ các tác phẩm tương tác với các phần còn lại của bức tường lịch sử kéo dài gần 500m. 16 tác phẩm sắp đặt của 16 nghệ sỹ trong và ngoài nước, tương tác trực tiếp với ký ức lịch sử của khu vực bãi sông Hồng cũng như của cộng đồng cư dân hình thành nơi đây, trở nên lung linh huyền ảo vào mỗi tối đã khiến cuộc sống của người dân thay đổi từng ngày. Những bãi rác tạm bợ, thói quen không vệ sinh của người dân ở khu vực phường Phúc Tân và khu vực lân cận đã dần biến mất, những thói quen mới những sinh hoạt mới của người dân địa phương từ trẻ con tới người lớn đã dần làm cho khu vực xóm ven sông trở nên sinh động và đầy sức sống hòa quyện vào thiên nhiên trong lành và không khí ánh sáng của những tác phẩm nghệ thuật. Người dân đã dần quen với sự xuất hiện của các tác phẩm như một phần cuộc sống của họ, mang lại lợi ích về môi trường cảnh quan cũng như tiềm năng sinh kế khi khu vực này dần thu hút thêm khách thăm quan.

Tương lai viễn cảnh về một công viên sinh thái và nghệ thuật ven sông cũng bắt đầu được nhen nhóm quyết tâm cho người dân và chính quyền địa phương chung tay gắng sức bảo vệ môi trường cũng như trông nom các tác phẩm nghệ thuật. Có thể cảm nhận quá trình thay đổi nhận thức của người dân về môi trường cũng như nghệ thuật một cách khá rõ rệt thông qua dự án này khi thăm quan dự án. Ý tưởng về một “bảo tàng” nghệ thuật ngoài trời mở cửa ngày đêm cho bất cứ ai quan tâm yêu quý đã trở thành sự thực. Nhận thức là cả một quá trình, và có lẽ đã đến lúc cần có một sự đồng bộ từ chính sách cho đến quy chế hoạt động cho những dự án nghệ thuật công cộng để những nghệ sỹ có thể đóng góp được sự sáng tạo của mình một cách đàng hoàng cho những vùng đất còn bị bỏ quên.

Tác phẩm “Gánh hàng rong” của giám tuyển, Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn – Tương tác với ký ức “bên sông” của những người Phụ nữ Hà Nội đầu thế kỷ ở thương cảng nơi này
Tác phẩm “Nhà nổi” được làm từ thùng phi tái chế của Họa sĩ Lê Đăng Ninh

4. Nghệ thuật công cộng có khả năng kết nối và đánh thức tâm hồn của một TP, cũng như là liều thuốc cân bằng lại cuộc sống tinh thần và tâm lý của con người. Hi vọng những dự án nghệ thuật công cộng như Phùng Hưng hay Phúc Tân sẽ trở thành cú hích khiến cho cả chính quyền và các nghệ sỹ cùng với người dân nhận thức được vai trò của nghệ thuật trong đời sống, nó có khả năng cải tạo và thay đổi môi trường sống của con người.

Họa sỹ Nguyễn Thế Sơn

Comments are closed.