8m2 tạo nên nghệ thuật trong văn hóa đại chúng bình dân- Văn hóa

Những sản phẩm văn hóa do người lao động bình dân tạo ra thường không nhận được sự quan tâm của công chúng, cũng như bị các viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật “lạnh nhạt”. Thế nhưng, những sản phẩm tưởng chừng rẻ tiền phục vụ đại chúng nói chung ấy lại có tiếng nói sống động và mang vẻ đẹp nhân văn, phản ánh một phần cuộc sống chân thực trong mỗi thời kỳ. Triển lãm sắp đặt ảnh 8m2 của nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn đã mang đến cho người xem một góc nhìn thực tế và sâu sắc về cuộc sống của những người lao động nghèo, họ cũng đã tạo ra nghệ thuật Pop Art.

Tham gia triển lãm gồm có nghệ sỹ – giảng viên ĐH Mỹ thuật Nguyễn Thế Sơn, nhà báo Mỹ Linh và nghệ sỹ Trần Lương. Theo chia sẻ của nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn, buổi triển lãm được lấy cảm hứng khi anh gia nhập đoàn khảo sát dự án Hành trình Việt Nam xanh, đi tới những khu công nghiệp phía Nam để được sống thử cuộc sống của những người nông dân bỏ ruộng đồng để tìm giấc mơ đổi đời.
Anh đã bị ấn tượng mạnh mẽ bởi khi đến nơi ở của công nhân những khu công nghiệp. Mỗi căn phòng chỉ vỏn vẻn 8m2, thế nhưng không chỉ một mà có khi lên đến 8 người sống cùng nhau trong căn phòng chật hẹp ấy, họ phân ca đi làm và cũng luân phiên “thay ca” trong chính căn nhà của mình. Khi sống và trải nghiệm trong những căn nhà thuộc khu công nghiệp nghèo nàn ấy, nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn mong muốn ghi lại những hình ảnh chân thực để có thể chỉ ra cho người xem thấy được thực trạng tại những khu công nghiệp.
Chia sẻ về triển lãm của mình, anh cho biết: “Buổi triển lãm thể hiện không gian sống của những người công nhân đi đầu trong vấn đề công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất  nước. Mặc dù là những người góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước, nhưng họ phải sống trong một không gian nhỏ bé. Tuy nhiên, họ vẫn lạc quan, yêu đời”. Những căn phòng 8m2 nhỏ được những người lao động trang trí một cách đáng yêu với những tờ báo, poster và lịch đã tạo ra một “không gian nội thất” với những hình ảnh sống động. Người nghệ sĩ chỉ có thể chụp lại đúng tỷ lệ 1:1 và chia sẻ với mọi người những gì mình trải nghiệm.
Buổi triển lãm như một hình nhân thế mạng được nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn thổi khung xương vào, người xem có thể bước vào và tương tác cùng những câu chuyện đời sống cá nhân của người lao động. Những ngôi nhà vỏn vẹn 8m2 với tỷ lệ 1:1 như thật được lắp ghép từ những bức phù điêu, nhiếp ảnh và sắp đặt cùng với âm thanh sống động của tiếng vòi nước chảy, tiếng ngủ ngáy của những giấc mơ nhọc nhằn tạo nên, bóng đèn leo lắt trong căn phòng tạo ra một không gian đa chiều, giúp người xem cảm nhận buổi triển lãm bằng nhiều giác quan. Khán giả sẽ dùng những kinh nghiệm của cá nhân để tưởng tượng và cảm nhận sự thật cuộc sống đang diễn ra. Những hình ảnh sẽ trò chuyện với người xem hay chính họ sẽ nói chuyện với những căn nhà “biết nói” này.
Nhà báo Mỹ Linh – người tổ chức thiết kế chương trình Hành trình Việt Nam xanh cho biết, nghệ thuật với ngôn ngữ đa chiều có thể lấp đầy cho những người làm báo. Có khi những bài báo không thể hiện hết được tính chất câu chuyện, lúc ấy nghệ thuật sẽ lên tiếng và khỏa lấp để có thể truyền tải được nội dung vấn đề.
Với tư cách cá nhân, nghệ sỹ, giám tuyển Trần Lương chia sẻ, anh nhận thấy trong các sản phẩm do người lao động tạo ra hàm chứa một vẻ đẹp nhân văn đương đại. Thông thường khi nghĩ tới văn hóa đại chúng, người ta thường liên tưởng tới những gì dành cho người nghèo, rất cải lương  rẻ tiền và không nhận được sự quan tâm từ các viện văn hóa. Tuy nhiên, sau nhiều năm, những đồ tái chế, những sản phẩm ấy sẽ trở thành nghệ thuật. Mỗi căn nhà của người công nhân trong khu chế xuất được tái hiện qua triển lãm là một tông màu khác nhau và là một thứ nghệ thuật “sống”.
Buổi triển lãm thể hiện hình ảnh nơi ăn chốn ở của những người công nhân nghèo, có chút gì đó vừa là cái nhìn về cuộc sống một cách hóm hỉnh, vừa khiến người xem nhói đau. Khán giả đến với triển lãm để bước vào cuộc sống của người lao động, để cảm nhận hiện thực bằng hơi thở, âm thanh, hình ảnh ngoài cuộc sống đô thị và biết rằng nghệ thuật đương đại đâu chỉ nằm trong những bức hình bất động trong bảo tàng.

Comments are closed.