BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT CAFA – MỘT “GẠCH NỐI” QUAN TRỌNG

Trong hệ thống 8 Học viện Mỹ thuật lớn nhất Trung quốc có thể nói Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc kinh (CAFA) là Học viện có sự phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng rõ rệt nhất trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. (Ngoài Học viện Mỹ thuật Trung ương (Bắc Kinh), 7 học viện còn lại phân bố đều tại các khu vực là Học viện Mỹ thuật Trung Quốc (Triết Giang), Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn (Thẩm Dương,Đại Liên), Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên, Học viện Mỹ thuật Quảng Châu, Học viện Mỹ thuật Thiên Tân, Học viện Mỹ thuật Hồ Bắc, Học viện Tây An). Ngoài cấu trúc tổng hợp bao gồm 5 Học viện nhỏ , Học viện Mỹ thuật CAFA còn rất nổi tiếng vì sở hữu ngay một Bảo tàng nghệ thuật đương đại hiện đại bậc nhất Trung quốc ngay trong trường. Bảo tàng CAFA được thành lập từ tháng 3 năm 2008 với diện tích bao phủ gần 15.000m2, không gian trưng bày tác phẩm khoảng 6000m2, có những khu vực phòng lớn trần cao tới 11m, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật ARATA ISOZAKI (ông là người chuyên thiết kế bảo tàng, tổng cộng đã thiết kế 12 bảo tàng trên khắp thế giới)

Từ khi thành lập đến nay đã hơn 4 năm, Bảo tàng đã sưu tập được một số lượng lớn các kiệt tác nghệ thuật, bao gồm 13 nghìn tác phẩm từ đời nhà Thanh cho đến các tác phẩm của các nghệ sỹ đương đại, cũng như một số lượng lớn các tác phẩm xuất sắc của sinh viên của trường. Danh sách bộ sưu tập bao gồm tất cả các thể loại từ tranh Trung quốc họa, tranh sơn dầu, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt , nhiếp ảnh  đa phương tiện…Kho bảo quản tác phẩm sưu tập nghệ thuật với diện tích 1240m2 được trang bị những thiết bị thuộc loại hiện đại nhất thế giới.

–         Phòng hội thảo quốc tế rộng 600m2 chứa 383 chỗ ngồi thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, nói chuyện, chiếu phim, gặp gỡ nghệ sĩ, curator của Trung Quốc và thế giới. (Jeff Koons, Hilla Becher, Hiroshi Sugimoto, David LaChapelle, Tony Cragg….) Các Viện trưởng và các giáo sư trong trường luôn cố gắng sử dụng uy tín quốc tế cá nhân của mình để mời gọi được những nghệ sĩ , curator , các học giả ,nhà phê bình nổi tiếng thế giới về nói chuyện giao lưu , tổ chức workshop ngay trong Học viện .Chính điều này đã nâng cao uy tín của Học viện cũng như tạo ra những cơ hội quý báu cho sinh viên được mở rộng tầm mắt.

–         Một bảo tàng nhỏ được xây dựng từ năm 2000 ( có tên là Shi gao guan) nơi sưu tập các bản copy gốc các tác phẩm điêu khắc thạch cao kinh điển của thế giới được mua bản quyền từ bảo tàng Louvre, là một phòng trưng bày vừa có chức năng học tập nghiên cứu trực tiếp của sinh viên đồng thời cho công chúng yêu nghệ thuật đến thăm quan và tìm hiểu.

–         Bảo tàng đã tổ chức được khoảng gần 100 cuộc triển lãm trong vòng 4 năm, hàng chục buổi nói chuyện với các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Hội trường của bảo tàng đã trở thành địa chỉ có uy tín về học thuật đối với giới nghệ thuật ở Bắc Kinh.

–         Bảo tàng còn có nhiều triển lãm chuyên đề, từ các bộ sưu tập quý giá của các danh hoạ Từ bi Hồng , Tề Bạch Thạch … thậm chí các tác phẩm gốc mượn từ bảo tàng Louvre, cho đến hàng loạt các triển lãm quy mô lớn tầm cỡ như những triển lãm nghệ thuật đương đại đa phương tiện …

Có những triển lãm quan trọng đã trở thành niềm tự hào của Học viện như : Triển lãm “ Tạo hình” của các giáo sư Học viện Tạo hình , gồm các tác phẩm mới nhất của hàng chục giáo sư nghệ sĩ nổi danh Pan Gong Kai ( Viện trưởng Học viện Nghệ thuật CAFA), Xu Bing (Viện phó Học viện nghệ thuật CAFA) , Lv Sheng Zhong (Phó trưởng khoa Nghệ thuật thực nghiệm), Sui Jian Guo (Trưởng khoa Điêu khắc), Liu Xiao Dong (giáo sư khoa Sơn dầu Học viện tạo hình), Yu Hong (giáo sư khoa Sơn dầu Học viện tạo hình), Zhan Wang (giáo sư khoa điêu khắc), Kang Jian Fei (giáo sư khoa Đồ hoạ) …, Triển lãm “ 60 năm Hình hoạ Trung quốc” và Hội thảo khoa học “ Vai trò của Hình hoạ trong nghệ thuật đương đại” cũng đã gây một tiếng vang lớn, sau đó còn được một Bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Anh mời mang sang triển lãm. Triển lãm “ Nhiếp ảnh đương đại – mười năm phơi sáng” tập hợp hơn 40 nghệ sĩ tạo nên 1 triển lãm hoành tráng , một cuộc duyệt binh của nhiếp ảnh đa phương tiện Trung quốc gồm toàn những tác giả quan trọng hàng đầu Trung quốc như Zhang Da Li , Qiu Zhi Jie, Wang Qing Song, Miao Xiao Chun, Yao Lu, Yang Fu Dong, Liu Zheng, Liu Wei … đến những tác giả rất trẻ nhưng đã rất thành công như Chen Man, Chi Peng, Liu Ren… Hàng chục các triển lãm quan trọng của thầy và trò Học viện Mỹ thuật CAFA liên tục diễn ra suốt 4 năm qua đã mang đến cho đời sống hoạt động nghệ thuật đương đại ở Bắc kinh những bữa tiệc thị giác đúng nghĩa.

“Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ”- một chuyến đi dài luôn bắt đầu bằng những bước chân nhỏ bé đầu tiên. Lấy tứ đầu câu nói của Lão Tử, triển lãm “Thiên lý chi hành” qua hành trình 4 năm đã đạt được những uy tín nhất định trong giới chuyên nghiệp của Trung Quốc. Triển lãm là tập hợp các tác phẩm tốt nghiệp xuất sắc đoạt giải thưởng từ các học viện trong trường (có tổng cộng 5 học viện trong Học viện Mỹ thuật Trung Ương: Học viện Trung Quốc họa, Học viện Tạo hình, Học viện Thiết kế, Học viện Kiến trúc, Học viện Thiết kế đô thị, Học viện Nhân văn). Những tác phẩm được lựa chọn để trao giải trong khuôn khổ của triển lãm này đã trải qua sự thẩm định kỹ lưỡng từ các giáo sư trong trường. Triển lãm chính là một điểm nhấn quan trọng cho thành tựu của quá trình đào tạo nghệ thuật mà học viện CAFA đạt được.

Triển lãm mang đến cho công chúng một cái nhìn rõ nét cụ thể hơn về hiện trạng giáo dục đào tạo nghệ thuật đương đại ở Trung Quốc, để công chúng có thể hiểu hơn về phương pháp học tập nghiên cứu và giảng dạy của môi trường học viện – cái nôi đào tạo ra những gương mặt trí thức cho nghệ thuật đương đại trong kỷ nguyên mới.

Triển lãm “Thiên lý chi hành” được giới thiệu như là một nỗ lực tìm kiếm và khám phá khả năng kết hợp giữa giáo dục của môi trường Học viện với sự phát triển của nghệ thuật đương đại. Các tác phẩm của triển lãm đều là những thử nghiệm trong quá trình nghiên cứu khảo sát văn hóa xã hội gắn kết với ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại đã tạo nên một sự khác biệt của môi trường giáo dục nghệ thuật của Học viện. Mỗi tác phẩm là kết quả của một quá trình các sinh viên nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của các giáo sư đã xâm nhập thực tế đời sống xã hội, kèm theo mỗi tác phẩm là một đề tài luận văn hơn một vạn chữ có cùng chủ đề thống nhất( ví dụ :Tác phẩm của tôi có tên là “Nhà mặt phố” và đề tài luận văn có tên là “Nhà mặt phố – phong cảnh nhân tạo của đô thị Việt nam thời kỳ chuyển đổi”). Chính điều này đã tạo ra một nét riêng biệt về cơ sở học thuật của các tác phẩm, tạo nên thương hiệu cho triển lãm.

Việc đặt Bảo tàng nghệ thuật ngay trong Học viện vừa hoạt động cùng trường vừa có chức năng độc lập với quyền tự quyết của giám đốc bảo tàng và các giám tuyển nghệ thuật là hết sức quan trọng đối với một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp. (Giám đốc Bảo tàng CAFA là ông Wang Huang Sheng lấy bằng tiến sĩ về Lịch sử Nghệ thuật tại Học viện Nghệ thuật Nam kinh năm 2006, ông đồng thời là giáo sư của học viện nghệ thuật Quảng Châu, đồng thời là giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Quảng Đông, phó chủ tịch Hội nghệ sĩ Quảng Đông ). Bảo tàng nằm trong khuôn viên Học viện đã tạo nên sức mạnh to lớn cho cả Học viện và Bảo tàng. Sinh viên, giáo viên, giáo sư đều được miễn vé vào cửa, thoả thích tham quan, học tập, hình dung ra con đường mà người làm nghệ thuật phải đi, quan trọng nhất là tạo ra cho sinh viên một ý thức về cách làm việc, vừa học hỏi các tác phẩm nguyên bản có giá trị vừa được tiếp cận với những nghệ sĩ thành danh. Để rồi sau đó các sinh viên sẽ được trực tiếp tham gia triển lãm với một tiêu chuẩn chuyên nghiệp và mở ra những cầu nối với các gallery, nhà sưu tập, bảo tàng có uy tín trong thị trường nghệ thuật luôn săn tìm “hàng độc”.

Với một bài toán đặt Bảo tàng nghệ thuật hiện đại và chuyên nghiệp nhất Trung Quốc vào ngay trong khuôn viên của Học viện Mỹ thuật Trung Ương thì có thể khẳng định một lần nữa là ranh giới giữa học viện và thị trường, giữa nghệ sĩ xuất thân từ môi trường học viện hay từ nguồn đào tạo khác đều gần như bị xóa bỏ. Chỉ còn lại một tiêu chuẩn duy nhất đó là sự chuyên nghiệp và sự chuyên nghiệp đó phải được chứng minh đảm bảo bằng một quá trình làm việc nghiên cứu có cơ sở học thuật với phương pháp luận rõ ràng. Tất cả những sự bốc đồng duy ý chí, không bài bản của nghệ thuật dần dần sẽ bị sàng lọc và loại bỏ.  Tóm lại sẽ không còn có chỗ cho những loại nghệ thuật kiểu “vàng thau lẫn lộn” với khẩu hiệu làm nghệ thuật đương đại đao to búa lớn như thời kỳ ban đầu.

Chính vì vậy tôi thấy vai trò của Bảo tàng trong Học viện có một ý nghĩa rất đặc biệt , nó là một cầu nối quan trọng để những sáng tạo trong môi trường Học viện bước ra thị trường nghệ thuật rộng lớn hay bước ra thế giới là điều không quá xa vời. Bảo tàng chính là nơi sưu tập tác phẩm xuất sắc của sinh viên nhiều nhất, bản thân các sinh viên cũng rất tự hào khi tác phẩm của mình được nằm trong bộ sưu tập vĩnh viễn của Bảo tàng. Các tác phẩm đó sẽ được lựa chọn để tham gia những triển lãm chuyên đề mang đi nhiều nơi khác trên thế giới.

Chính Bảo tàng đã làm được việc cho sinh viên từ khi chưa bước chân vào trường, còn trong quá trình luyện thi cũng có thể tìm hiểu và biết được nếu mình chọn con đường này thì sẽ đi đến đâu, việc này tạo được một định hướng cho sự lựa chọn của thế hệ trẻ tương đối rõ rệt.

Với một quy trình đào tạo giáo dục, nghiên cứu, trao đổi, giới thiệu, sưu tập như vậy sẽ là cánh cửa mở ra để sinh viên bước tiếp trên con đường sự nghiệp của mình, vấn đề còn lại chỉ là sự nỗ lực cố gắng và sức sáng tạo của mỗi cá nhân.

Với tư duy hoạch định chính sách của Chính phủ và những người lãnh đạo trong ngành văn hóa của Trung Quốc thì việc đầu tư cho những người làm nghệ thuật trẻ tuổi mới chập chững bước vào một nền nghệ thuật rộng lớn có cơ hội được thử sức ngay trong một bảo tàng chuyên nghiệp nhất thì quả là một chiến lược hết sức khôn khéo . Nó cho phép rút ngắn khoảng cách mò mẫm tìm đường, tìm hướng cho sinh viên một cách hiệu quả. Khi sinh viên ý thức được việc tác phẩm của mình sẽ được trưng bày trong bảo tàng cùng với những nghệ sĩ nổi tiếng đã thành danh của thế giới và Trung Quốc thì tự khắc thái độ làm việc, phương pháp nghiên cứu, tất cả mọi thứ đều phải đẩy lên một cơ chế nỗ lực tối đa.

Cứ mỗi 10 năm, nghệ thuật đương đại của Trung Quốc lại có những bước thay đổi to lớn. Sau một chuỗi những thay đổi về chính sách và phương hướng phát triển, nghệ thuật đương đại Trung Quốc đã phát triển gần như từ không đến có trong vòng khoảng 30 năm song hành cùng những chính sách mở cửa cải cách kinh tế. Có thể thấy nghệ thuật đương đại Trung Quốc đang dần hình thành một xu hướng trong giai đoạn mới, đó là tiến thêm một bước trong quá trình chuyên nghiệp hoá nghệ thuật đương đại, gắn kết một cách bài bản những xu hướng chủ đạo của hoạt động sáng tạo nghệ thuật đương đại với môi trường nghiên cứu học tập trong Học viện. Nói cách khác là từng bước tiêu chuẩn hoá, dùng môi trường đào tạo nghệ thuật trong Học viện làm bàn đạp, làm trọng tâm cho những phát triển có tính chất đột phá trong tư tưởng cũng như trong phương pháp thực hành nghệ thuật đương đại. Tất nhiên còn quá sớm để đưa ra một khái quát cho một giai đoạn mới còn đang ở phía trước, nhưng chí ít với những biểu hiện coi trọng tập trung cho chất lượng đào tạo, chất lượng tác phẩm sáng tác của sinh viên, gắn kết với một bảo tàng nghệ thuật tầm cỡ ngay trong trường, ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy chủ trương cũng như khát vọng đột phá của Chính phủ Trung quốc cũng như của các nghệ sỹ cùng tâm huyết cho một nền nghệ thuật đương đại lành mạnh, có nội lực của Trung Quốc. Đó cũng là một con đường khôn ngoan nhất để Trung quốc tạo nên sức mạnh mềm thực sự trong tương lai khi biết lấy văn hoá tri thức làm nền tảng.

Nguyễn Thế Sơn

Tháng 7/2012

 

Comments are closed.