Cảm xúc về Hà Nội sau 10 năm hợp nhất: Sống dậy những không gian nhân văn- LĐTĐ
Hà Nội là thành phố có một lịch sử hình thành và phát triển rất lâu đời. Đối với tôi, Hà Nội giống như một bảo tàng sống, luôn thay hình đổi dạng qua suốt hành trình biến thiên của thời cuộc. Những thứ làm nên ‘hồn cốt’ của Hà Nội này, tuy có thăng trầm theo thời gian nhưng đang dần ‘sống dậy’ thông qua những dự án nghệ thuật đương đại.
Hà Nội đã thay đổi như thế nào?
Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã trải nghiệm qua những năm tháng bao cấp khốn khó cũng như chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội, vì thế chủ đề “Hà Nội đã thay đổi như thế nào?” luôn trở thành một tâm điểm trong các sáng tác nghệ thuật của tôi. Hà Nội là một đô thị lớn với những đô thị nhỏ hơn ở bên trong nó. Nó là những thành phố chồng lấp dần lên nhau qua năm tháng, cái sau che khuất cái trước, che khuất những đô thị đã mất hút trong quá khứ, mất hút vào nỗi nhớ, vào những con đường, con phố, khu chợ… mà người ta đã đổi tên. Những ký ức của đô thị cứ nhạt nhòa dần theo năm tháng, theo những dòng người mới nhập cư không biết mệt mỏi vào thành phố này.
Hà Nội ngày càng trở nên cồng kềnh hơn, đặc biệt là 10 năm trở lại đây sau khi được sát nhập. Nhìn lại lịch sử một chút cho đến tận ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội chỉ có một diện tích thật bé nhỏ so với ngày hôm nay. Chỉ vẻn vẹn loanh quanh khu phố cổ, khu phố Tây và khu Hoàng thành cũ. Quá một chút qua phố Huế, xuống dưới Ô Cầu Dền đã là đất của tỉnh Hà Đông. Tỉnh Hà Nội là cách gọi của Hà Nội thời nhà Nguyễn, thời mà khu Kẻ chợ 36 phố phường trở nên nhộn nhịp, thành đầu mối cửa ngõ buôn bán trên bến dưới thuyền.
Ký ức của những phường nghề tứ xứ tụ hội quanh những mái đình tổ nghề thờ vọng trải khắp khu Kẻ Chợ. Đến thời kỳ Pháp thuộc, từ quy mô một tỉnh, Hà Nội đã được quy hoạch kiến trúc xây dựng trở thành thủ phủ của Đông Dương. Hà Nội lúc đó đã mang dáng dấp của một đô thị phương Tây xen lẫn hài hòa với những công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Từ đó trở đi từ những người dân đi guốc đi đất đã biết đi thêm giầy Tây, mặc đồ Tây, và trở thành những lớp thị dân của thành phố.
Và rồi từ sau năm 54, Hà Nội dần bước vào một thời kỳ thay đổi một cách khốc liệt. Những thay đổi về chính trị và một cuộc chiến kéo dài đã làm cho một đô thị tươi đẹp và duyên dáng lúc đó bỗng chốc trở nên xác xơ và tàn tạ nhanh chóng. Những ngôi nhà ống, mái ngói đỏ trên phố cổ, những ngôi nhà Tây, nhà biệt thự trên các phố lớn nhanh chóng trở thành những ngôi nhà tập thể chia sẻ không gian cho những lớp người mới nhập cư vào thành phố. Rồi trong các thập niên tiếp theo đó, hàng loạt các khu nhà tập thể theo mô hình các nước xã hội chủ nghĩa đã được mọc lên nhanh chóng khắp các quận mới mở của Hà Nội đáp ứng cho một lượng lớn công nhân, viên chức nhập cư vào thành phố.
Nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.
Đặc biệt là sau những năm 90, từ khi mở cửa nền kinh tế thị trường, quá trình bê tông hóa nhà ống, cộng với những làn sóng nhập cư mới không biết mệt mỏi vào thành phố đã làm cho Hà Nội ngày càng trở nên chật chội, nhu cầu gom thêm, lấy thêm đất đã biến những cánh đồng ven đô nhanh chóng trở thành những khu đô thị mới. Cảnh quan đô thị của Hà Nội đã thay đổi một cách chóng mặt trong suốt một thế kỷ qua cùng với những đợt nhập cư lớn như vậy. Và cứ sau mỗi lần như vậy ký ức của một Hà Nội cổ xa xưa hay thậm chí một ký ức về Hà Nội khốn khó thời bao cấp ngay gần trước đây cũng dần bị phai mờ đi nhanh chóng, đồng thời những lớp người nhập cư mới lại tiếp tục tạo dựng những ký ức mới cho Hà Nội.
Nhiều khoảng không gian nghệ thuật công cộng
Có một thực tế trong kiến trúc và quy hoạch của Hà Nội, càng đô thị hóa và bê tông hóa nhanh, không gian “xanh” của đô thị ngày càng trở nên thiếu thốn. Đô thị càng ngày càng lớn, đường càng ngày càng to dần để đáp ứng những tốc độ di chuyển mới của thời đại, và vỉa hè thì càng ngày càng dần xa nhau. Những tỉ lệ phi nhân văn xuất hiện ngày một nhiều, đẩy con người ra xa nhau hơn.
Để tăng sự kết nối “xanh” cho Hà Nội, những không gian công cộng ngày càng đóng vai trò trở nên quan trọng đóng góp vào việc tạo dựng, dành lại những không gian “nhân văn” cho đô thị. Cuộc sống càng công nghiệp hiện đại, xã hội con người càng cần những khoảng lặng để cân bằng và kết nối với cộng đồng.
Một trong các giải pháp tối ưu được các đô thị văn minh trên thế giới áp dụng triệt để đó là tạo ra nhiều khoảng không gian nghệ thuật công cộng để kết nối và chia sẻ ký ức. Các tác phẩm nghệ thuật công cộng sẽ như những chất xúc tác kéo con người hiện đại khỏi cuộc sống bộn bề của thực tại để nhìn ngắm lại những điều thú vị của cuộc sống được ẩn dấu trong nghệ thuật.
Tỉ lệ nhân văn của đô thị có lẽ được đo bằng những bước chân của con người, của những bóng râm trong những không gian công cộng, kéo con người xích lại gần nhau, giao lưu với nhau nhiều hơn. Hà Nội đã từng có những tỉ lệ hoàn hảo của một đô thị nhân văn như thế, nhưng nhiều năm trở lại đây quy hoạch của đô thị đang theo đuổi một hướng đi ngày càng tạo ra nhiều hơn những khối bê tông vô hồn, phá vỡ dần những tỉ lệ nhân văn vốn có. Và hơn thế nữa phá vỡ dần những không gian ký ức của đô thị.
Để tăng sự kết nối “xanh” cho Hà Nội, những không gian công cộng ngày càng đóng vai trò trở nên quan trọng đóng góp vào việc tạo dựng, dành lại những không gian “nhân văn” cho đô thị. Cuộc sống càng công nghiệp hiện đại, xã hội con người càng cần những khoảng lặng để cân bằng và kết nối với cộng đồng. Một trong các giải pháp tối ưu được các đô thị văn minh trên thế giới áp dụng triệt để đó là tạo ra nhiều khoảng không gian nghệ thuật công cộng để kết nối và chia sẻ ký ức. Các tác phẩm nghệ thuật công cộng sẽ như những chất xúc tác kéo con người hiện đại khỏi cuộc sống bộn bề của thực tại để nhìn ngắm lại những điều thú vị của cuộc sống được ẩn dấu trong nghệ thuật.
Dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng tôi đã làm gần đây cũng là một nỗ lực của tôi và các nghệ sĩ và sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cố gắng làm sống lại một di tích lịch sử vòm cầu đá dẫn lên cầu Long Biên bằng một dự án nghệ thuật đương đại. Các tác phẩm như những mảnh ký ức tương tác với lịch sử của chính phố Phùng Hưng, chính nơi chốn này cũng như của chính lịch sử khu phố cổ Hà Nội. Qua gần 1 năm đi vào hoạt động từ khi ra mắt, hàng triệu lượt khách từ khắp Hà Nội, từ các tỉnh thành khác và các du khách quốc tế đã coi đây như một địa điểm tham quan trải nghiệm không thể thiếu khi đến thăm khu phố cổ Hà Nội.
Bằng những dự án nghệ thuật công cộng như thế này, cộng với sáng kiến mở rộng các tuyến Phố đi bộ quanh Hồ Gươm của quận Hoàn Kiếm đã làm sống dậy những không gian “nhân văn” vốn có của Hà Nội, làm cho Hà Nội ngày càng trở nên một đô thị đáng sống hơn.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Sơn