Cuộc đối thoại giữa truyền thống và đương đại- VNCA

https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cuoc-doi-thoai-giua-truyen-thong-va-duong-dai-i676327/?fbclid=IwAR2otCwQyB8MRggLOCId6NJ6QrTQxJ3bxhLs7AA7tB9KBKxxEV7IlX3bdgg

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 diễn ra vào cuối tháng 11 là một bức tranh đa sắc màu, cho thấy sự sáng tạo, mới mẻ của các nghệ sĩ dựa trên các giá trị truyền thống. Có thể nói, đó là một cuộc đối thọai thú vị giữa truyền thống, di sản và đương đại, để tạo ra những giá trị mới. Điều đó một lần nữa khẳng định, di sản thực sự có giá trị khi nó kết nối với sáng tạo đương đại.

Hành trình không mệt mỏi

Tại tòa đàm từ “Di sản đến Thiết kế – Nghệ thuật” diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế, sáng tạo, có nhiều tiếng nói, đóng góp của các nghệ sĩ, cho thấy hành trình không mệt mỏi của họ đối với di sản và sáng tạo.

không gian trưng bày tại 22 hàng buồm với nhiều dự án độc đáo, mới mẻ.jpg -0
Không gian trưng bày tại 22 Hàng Buồm với nhiều dự án độc đáo, mới mẻ.

Họa sĩ – giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn chia sẻ về dự án nghệ thuật cá nhân và giáo dục của mình. Anh có 20 năm thực hành nghệ thuật với rất nhiều dự án như “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” là sự phóng chiếu và ấn tượng về những sự thay đổi trong diện mạo của những không gian cộng đồng khắp nơi tại Hà Nội; “Nhà Tây biến hình”; dự án nghệ thuật trong không gian đường hầm nhà Quốc hội; Không gian nghệ thuật 22 Hàng Buồm tại Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021,… và dự án giáo dục – nghệ thuật “Tiên – Rồng”.

Còn Nguyễn Quốc Hoàng Anh – Giám đốc sáng tạo của dự án “Lên ngàn” thuyết phục công chúng bởi những sản phẩm sáng tạo của người trẻ yêu truyền thống. Vở tuồng “Sơn hậu” kết hợp tuồng và âm nhạc đương đại trình diễn tại những sân khấu ngoài trời gây ấn tượng với công chúng về cách làm mới bộ môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị lãng quên. Hoàng Anh, với câu chuyện “Bản sắc thuộc về tương lai” luôn tâm niệm, dân gian truyền thống có đời sống của nó, luôn luôn thay đổi theo thời gian, nói nôm na, thời Lý có kiểu của thời Lý, thời Nguyễn có kiểu của thời Nguyễn,… Vậy tại sao mình không “chơi” kiểu của mình trên nền tảng những di sản đã có? Anh khẳng định: “Khi ta ra nước ngoài, tiếp xúc với nền văn hóa khác, điều gì khiến ta khác với họ? Đó là văn hóa, tinh thần, nguồn gốc của chúng ta”. Anh cho rằng: “Con đường tìm thấy tương lai từ quá khứ. Bản sắc Việt Nam nói chung được định chế hóa, kiến tạo từ thời điểm này đến thời điểm khác khác, việc cần làm là xây dựng bản sắc mới được tiếp tục từ quá khứ.” Hoàng Anh và các nghệ sĩ trẻ tại LENNGAN là những người đã và đang làm điều đó.

Họa sĩ trẻ Xuân Lam với sắp đặt “Cuộc gặp gỡ Xưa – Nay” tại 22 Hàng Buồm cho rằng: “Anh làm nghệ thuật vì bản thân, phóng chiếu những thể nghiệm của bản thân qua từng tác phẩm”. Chia sẻ về công cuộc hoàn thiện tác phẩm, Xuân Lam tìm về nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống lẫn tranh dân gian Đông Hồ, chỉ ra điểm khác biệt rồi sửa lại theo quan điểm cá nhân để hai dòng tranh không có quá nhiều sự cách biệt. Anh đã thực hiện nhiều dự án nghệ thuật trước đó, như dự án tại phố Phùng Hưng, phố Phúc Tân, nơi anh đem đến diện mạo mới cho những nhân vật trong tranh dân gian bằng những món đồ hiệu, tạo nên “sự tương phản lố bịch” để đem nghệ thuật gần hơn với công chúng.

Còn nghệ nhân diều Lê Thanh Bình gây ấn tượng về hành trình “chơi diều”, từ một đam mê biến thành một thể nghiệm mới mẻ. Lê Thanh Bình cũng nói qua về sự khác biệt của diều Việt Nam với các loại diều của các nước trong khu vực, thể hiện sự tự hào về đặc điểm riêng của những cánh diều Việt: diều sáo với cánh cung đặc sắc. Những người sành sỏi về diều có thể dành đến 10 năm cho một bộ sáo hay. Từ lời thách đố cũng như động viên từ giám tuyển Thế Sơn, Lê Thanh Bình nhận lời làm cánh diều để trưng bày tại triển lãm số 22 Hàng Buồm. Lê Thanh Bình đảm nhận vai trò thiết kế, còn nghệ nhân Quan Hằng Cao là người tỉ mẩn ghép từng mảnh vải để làm nên thân diều.

Nối dài đời sống của di sản

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh khẳng định: “Chúng ta quan tâm đến quá khứ không phải vì tò mò. Chúng ta tìm kiếm sự hấp dẫn của lịch sử không phải từ những khái niệm hay lí thuyết tiếp cận phức tạp, mà chúng ta tìm kiếm những câu chuyện về số phận con người, về cách thức thế hệ trước đã thành công hay gục ngã ra sao trước thách thức của thời đại. Đây chính là cách ngắn nhất để kết nối quá khứ với trái tim của công chúng”. Đó cũng là con đường mà nhiều nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đang đi, để kể câu chuyện về đời sống hôm nay trong sự kết nối với quá khứ.

 Dự án “Tiên – Rồng” là một điểm nhấn thú vị của tuần lễ sáng tạo. Với nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, dự án này là bước tiếp theo của của dự án “Từ truyền thống đến truyền thống” tại đình Nam Hương. Dự án được giới thiệu ngay dịp ra mắt cuốn sách “Hình tượng tiên nữ” của nhóm tác giả Yên Thế, là dự án được hoàn thành gấp rút trong chưa tới hai tháng, với 25 người tham gia, bao gồm nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, nghệ sĩ trẻ lẫn sinh viên mới tốt nghiệp đại học chuyên ngành Mỹ thuật.

một góc trưng bày của dự án tiên- rồng.jpg -0
Một góc trưng bày của dự án “Tiên – Rồng”.

Nói về “Tiên – Rồng”, Nguyễn Thế Sơn cũng chia sẻ về phương thức giảng dạy bằng dự án – phương thức giảng dạy mới mẻ, tích hợp các quan sát thực tế, không gian có tác phẩm để trải nghiệm. Để hoàn thiện “Tiên – Rồng”, anh đã xin phép Ban quản lí phố cổ để “biến” số 22 Hàng Buồm thành một nhà xưởng, chế tác các sản phẩm lụa, sơn mài, giấy dó. Nhóm dự án được ăn, ngủ, sống cùng các tác phẩm nghệ thuật. Không chỉ thế, nhóm tác giả cũng được tham gia trải nghiệm các cuộc điền dã (ví dụ như điền dã Thổ Hà, Bắc Giang) cùng workshop để truyền đạt và học hỏi kinh nghiệm. Nghệ sĩ Thế Sơn chia sẻ, trong năm sau, có thể sẽ có dự án nối dài “Tiên- Rồng” của năm nay.

Còn với nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, đi sâu nghiên cứu biểu tượng tiên nữ – vốn dĩ đã ngủ quên từ lâu trong nghệ thuật, chỉ còn sót lại qua câu ca, khẩu hiệu. Dự án không nhắc lại lịch sử mà chiếu vào nó những cái nhìn mới về vấn đề bình đẳng giới, tính cộng đồng, biểu tượng, mở ra nhiều chiều kích của hành trình sáng tạo.

Vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là sáng tạo đến đâu? Và có công thức nào để văn hóa dân gian pha trộn với cuộc sống đương dại? Nghệ nhân Lê Thanh Bình cho rằng, không có một công thức riêng, nhưng điều quan trọng là phải luôn tôn trọng bản gốc của di sản vật thể, cùng với đó, phải chú ý để đem đến sự sáng tạo cho tác phẩm. Đối với họa sĩ trẻ Xuân Lam thì những tác phẩm của anh là sự sáng tạo khi sử dụng những tạo hình ngày xưa, biến hóa để phù hợp với quan điểm của bản thân, thổi vào những câu chuyện của riêng mình.

Với nghệ sĩ Thế Sơn thì không có một khái niệm cố định của di sản và cũng không nên bị định kiến vào một điểm nhìn nhất định. Trong quá trình thực hành nghệ thuật suốt 20 năm qua, anh luôn tâm niệm phải giải định kiến về nghệ thuật và những khái niệm nghệ thuật. Ví như nhiếp ảnh từng bị coi là lĩnh vực ngoài lề ở Việt Nam, không có bảo tàng nghệ thuật, triển lãm nhiếp ảnh, giới thiệu nhiếp ảnh, Thế Sơn là một trong những người đầu tiên giải định kiến về nhiếp ảnh, khiến nhiếp ảnh nghệ thuật ngang hàng với ngành nghệ thuật khác.

Linh nguyen

Comments are closed.