DỰ ÁN “BÓNG CỦA THẾ GIỚI” – MỘT SỰ “PHẢN KHÁNG” CỦA NGHỆ SỸ ZHANG DA LI VỚI NHIẾP ẢNH TRONG THỜI ĐẠI KỸ THUẬT SỐ

Trong loạt bài viết nghiên cứu về nhiếp ảnh nghệ thuật đương đại Trung Quốc, tôi muốn giới thiệu một gương mặt nghệ sĩ khá độc đáo, đó là nghệ sĩ Zhang Da Li.

Zhang-Dali, “Boy and girl on bicycle”

Với dự án World shadow’s (Bóng của thế giới) được bắt đầu thể nghiệm từ năm 2009 đến nay, Zhang Da Li đã mang đến một cách nhìn mới, một quan niệm mới cho một hình thức nhiếp ảnh cổ xưa nhất được phát minh từ khoảng 150 năm trước – kỹ thuật nhiếp ảnh phơi sáng màu xanh lam đơn sắc (cyanotypes). Dự án nhiếp ảnh này có thể coi là một thái độ phản kháng của nghệ sĩ trước những hình ảnh phổ biến được tạo ra ồ ạt trong thời đại kỹ thuật số, khi mà sự lạm dụng photoshop đã làm cho chúng ta không thể phân biệt được ranh giới giữa thực và ảo.

Với hàng chục tác phẩm nhiếp ảnh độc bản trong triển lãm World shadow’s diễn ra tại Gallery Pekin Fine Art vào tháng 10 năm 2011, nghệ sĩ Zhang Da Li đã mở ra cho công chúng một khái niệm nhiếp ảnh mới được nghệ sĩ nghiên cứu trong vòng hơn 3 năm. Những tác phẩm của Zhang Da Li luôn nhấn mạnh vào những trải nghiệm và những thách thức phải đối mặt trong những vấn đề liên quan đến công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc. Chủ đề bao trùm trong các tác phẩm của Zhang Da Li là khai thác những khía cạnh hết sức thực tế của đời sống hàng ngày hay có thể nói như Zhang Da Li: “Tôi cố gắng ghi lại những hình bóng của thực tại”.

Zhang Da Li đã sử dụng một kỹ thuật nhiếp ảnh cổ điển gần như một kỹ thuật nguyên thủy của nguyên lý nhiếp ảnh, đó là thủ pháp photograms (nhiếp ảnh không dùng máy ảnh) và cyanotypes (in ảnh màu xanh đơn sắc). Thay vì dùng giấy ảnh tráng phủ bạc để in ảnh trong buồng tối thì Zhang Da Li sử dụng những tấm toan khổ lớn được tráng phủ một dung dịch chất cảm quang theo một công thức hóa chất truyền thống. Sau khi tấm toan đó đã phủ chất hiện ảnh được phơi khô, các hình ảnh được tạo ra bằng cách đặt đồ vật lên phía trên bề mặt toan, sau đó sẽ được phơi sáng vài phút dưới ánh mặt trời, trong quá trình này các hình ảnh của vật thể sẽ dần dần để lại hình thù dưới dạng bóng âm bản. Các khu vực trên tấm toan được đồ vật che phủ tùy vào mức độ che phủ sẽ để lại những khoảng hình màu trắng, còn lại phần nền khi bị ánh sáng mặt trời đốt trực tiếp sẽ tạo thành các cấp độ màu xanh khác nhau.

Với cách thực hành nghệ thuật này, Zhang Da Li có thể ghi lại hình ảnh được rất nhiều hình ảnh các đồ vật với các chất liệu khác nhau, và hiệu quả hình bóng thu được nhiều khi rất bất ngờ tùy vào sự tương tác của chất liệu với ánh sáng mặt trời. Dường như Zhang Da Li muốn lưu giữ lại những gì thuộc về phần hồn của các đồ vật đời thường trong thế giới thực tại.

Những hình bóng đó có thể chứng minh sự tồn tại của các vật thể, bản thân những cái bóng đã mang giá trị nội tại và giá trị tồn tại của chúng. Chúng hoàn toàn không phải là một bản sao của thế giới vật chất, mà chúng mang một khái niệm đánh dấu không gian đối tượng vật chất chiếm hữu dưới ánh sáng mặt trời. Thế giới vật chất vừa cấu trúc vừa kiểm soát hệ thần kinh của chúng ta, nó có thể làm cho chúng ta cảm thấy bị kích động và gặp không ít rắc rối, song khi biết trấn tĩnh và im lặng, chúng ta sẽ nhận thấy thế giới mà chúng ta đang nắm bắt thực chất chỉ là một phần rất nhỏ bé của cả vũ trụ. Những cái bóng trong các tác phẩm của Zhang Da Li thực chất chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc rất ngắn, nhưng bằng kỹ thuật nhiếp ảnh photograms, tác giả đã lưu giữ được những hình bóng đó trong một khoảng thời gian dài hơn để ta có thể ngắm nhìn được lâu hơn.

Qua những lời tự bạch của Zhang Da Li trình bày về dự án Bóng của thế giới, có thể thấy được mấy lý do vì sao nghệ sĩ đã sử dụng phương pháp nhiếp ảnh độc đáo này cho dự án của mình. Dự án ảnh này là một phản ứng của nghệ sĩ về thời đại công nghệ kỹ thuật số và photoshop, khi mà tính khả tín của một hình ảnh trong thế giới hiện đại được đưa ra nhiều khi khó đảm bảo tính chân thực nguyên bản của hiện tượng. Với phương pháp sáng tác nhiếp ảnh cổ điển tôn trọng tính chân thực của chủ nghĩa tự nhiên, nó đã cho phép tác giả tiến gần tới vẻ đẹp của chân lý hơn. Nói cách khác Zhang Da Li muốn tạo ra những hình ảnh độc bản và không thể chỉnh sửa được. Tác phẩm của ông như một tuyên ngôn phản kháng lại cách mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh thời nay càng ngày càng lạm dụng với kỹ thuật số, tạo ra những tác phẩm ngày càng xa rời thực tế và hiện thực đời sống. Zhang Da Li nói sẽ tiếp tục khám phá những kỹ thuật in ấn nhiếp ảnh độc đáo không sử dụng kỹ thuật số, đó cũng là cách nghệ sĩ có thể tương tác với những ký ức cũng như những môi trường xung quanh mình ở thành phố Bắc Kinh.

Zhang Dali và tác phẩm của ông

Nói qua về lịch sử nguồn gốc của phương pháp in ảnh đơn sắc xanh (cyanotype):

Năm 1842, tức là chỉ 3 năm sau khi nhiếp ảnh được phát minh ra đời, John Herschel đã tìm ra kỹ thuật để sửa lỗi hình ảnh bị ám xanh trong một thời gian dài, ông là người đầu tiên thử nghiệm kỹ thuật nhiếp ảnh sử dụng clorua chứa thành phần sắt mà không phải là clorua bạc như trước đó. Năm 1843, bà Anna Atkins là một nhà thực vật học người Anh và là một nhiếp ảnh gia, người đã xuất bản cuốn sách Tảo Anh, đã sử dụng hình ảnh minh họa hàng trăm mẫu tảo biển phơi khô đặt trực tiếp lên giấy ảnh. Atkins đã sử dụng kỹ thuật in ảnh đơn sắc xanh từ một người bạn của gia đình- ông John Herschel. Chỉ có 13 bản in của cuốn sách đó còn lưu giữ trong bảo tàng cho đến ngày nay. Có thể nói rằng Atkins chính là nhiếp ảnh gia đầu tiên trên thế giới sử dụng kỹ thuật in ảnh trên nền tảng sắt.

Chính vì thế, từ trước tới nay có lẽ Zhang Da Li là nghệ sĩ đầu tiên sử dụng đồ vật và vật thể sống đặt trực tiếp lên những tấm toan khổ lớn như vậy. Đối tượng trong các tác phẩm in ảnh đơn sắc xanh của Zhang Da Li hoàn toàn không đơn thuần là những vật thể tĩnh mà còn có cả những con chim con bướm và cả con người đang chuyển động. Zhang Da Li đã làm sống dậy một kỹ thuật cổ điển của nhiếp ảnh bị bỏ quên hơn 100 năm qua, thổi vào nó một tinh thần thực hành thử nghiệm của nghệ thuật đương đại, làm cho nó trở nên sống động lạ kỳ, chứa chất những suy tưởng băn khoăn của con người đương đại, vừa hết sức gần gũi với đời sống hiện thực nhưng cũng đầy biến ảo mang đậm chất nhân văn. Tác phẩm nhiếp ảnh của Zhang Da Li luôn đề cập đến sự mất mát của những ký ức trong quá khứ, nó hiện lên trong trẻo như những giấc mơ, như những ám ảnh của con người.

Ảnh của Anna Atkins

Ngoài dự án nhiếp ảnh Bóng của thế giới này, Zhang Da Li là một nghệ sĩ thị giác rất có ảnh hưởng trong nền nghệ thuật đương đại của Trung Quốc. Từ rất sớm, Zhang Da Li đã được biết đến như một trong số các nghệ sĩ thị giác thực hành nghệ thuật thử nghiệm năng động ở Trung Quốc. cuối những năm 80, Zhang Da Li được biết đến qua dự án nhiếp ảnh Phá dỡ khi tác giả đã khắc họa lại chân dung của mình bằng nghệ thuật graffity lên những bức tường ở khu phố cổ bị phá dỡ để chuẩn bị cho việc xây dựng những cao ốc và trung tâm thương mại ở Bắc Kinh, sau đó chụp lại quá trình đó như những bước đi đầu tiên cho quá trình thực hành nghệ thuật ý niệm.

Một tác phẩm của Zhang Dali trong dự án nhiếp ảnh “Phá dỡ”.

 

Zhang-Dali và tác phẩm “Phá dỡ”

Zhang Da Li còn được biết đến với rất nhiều dự án nhiếp ảnh sau đó (dự án Lịch sử thứ hai),

Chủ tịch Mao ở sân bay Tứ Xuyên tháng 3 năm 1949.

Mao Trạch Đông trên máy bay đến Trùng Khánh để đàm phán vào ngày 27 tháng 8 năm 1945.

cũng như được biết đến với các tác phẩm sơn dầu khổ lớn chủ đề AK47, gần đây Zhang Da Li còn gây sự chú ý với những tác phẩm sắp đặt điêu khắc rất lớn.

Một tác phẩm trong series “AK47″ – Mao Trạch Đông

Qua sự đa dạng trong các sáng tác của Zhang Da Li, đặc biệt là qua dự án nhiếp ảnh đơn sắc xanh Bóng của thế giới, có thể nói dù với bất kỳ phương tiện nào thì Zhang Da Li cũng luôn hướng cái nhìn đầy nhân văn của mình tới cuộc sống xung quanh với con mắt quan sát sắc sảo và tinh tế. Dự án Bóng của thế giới là một lời tuyên ngôn về vẻ đẹp thuần khiết không hề bị can thiệp hay chỉnh sửa trong thời đại kỹ thuật số, thời đại mà mọi hình ảnh truyền thông đều khó có thể đạt sự khả tín về tính nguyên bản và chân thực. Tác phẩm của Zhang Da Li là một tiếng nói độc đáo góp phần vào sự phát triển phong phú về chất liệu và quan niệm của nghệ thuật đương đại Trung Quốc những năm gần đây.

Nguyễn Thế Sơn

Tháng 3/2013

Comments are closed.