Đặc sắc triển lãm ảnh 8m² của Nguyễn Thế Sơn- Thời báo Việt
Với sắp đặt ảnh 8m², nghệ sỹ Nguyễn Thế Sơn đề cập tới những hậu quả cá nhân của nền công nghiệp hóa thời bao cấp ở Việt Nam. Người ta rời bỏ ruộng đồng lên thành phố để tìm kiếm việc làm và sống hàng năm trời trong không gian chật hẹp với điều kiện sống khó khăn.
Triển lãm ảnh 8m² của họa sỹ Nguyễn Thế Sơn được khai mạc tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) vào lúc 18h ngày 13-8.
Triển lãm 8m² là một tác phẩm nghệ thuật gợi lại một thời để nhớ và nói lên cuộc sống của một bộ phận người dân hiện nay, (Ảnh: Do Phạm).
Tới tham dự khai mạc triển lãm có rất đông các bạn trẻ, những người nước ngoài. Đặc biệt còn có nhà báo Mỹ Linh và nghệ sĩ Trần Lương cùng một số nhà báo khác.
Nhà báo Mỹ Linh và nghệ sĩ Trần Lương trong buổi khai mạc triển lãm, (Ảnh: Do Phạm).
Theo họa sĩ 8m² là một tiêu chuẩn, một chỉ tiêu tối thiểu về không gian của một người được chính quyền quy định những ngày còn bao cấp., khi phân phối nhà ở cho công nhân viên chức Nhà nước, hay lâu hơn nữa nó là một con số được áp dụng triệt để trong chiến dịch “cải tạo nhà cửa” từ sau năm 54. Giờ đây gần nửa thế kỉ vật lộn vẫn còn nhiều mảnh đời quay quắt trong 8m², nhưng không phải 8m² cho một đầu người mà có khi cho cả 8 đầu người…
Ấn tượng ban đầu của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn về cuộc sống của con người ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân – Bình Chánh – TP. Hồ Chí Minh là những căn phòng chật hẹp có hai ba thế hệ sống với nhau, nguồn nước bị ô nhiễm khủng khiếp, mỗi gia đình phải mua một bình nước riêng để sử dụng. Hàng đêm các nhà máy xả trộm khí thải, khiến bầu không khí bị ô nhiễm trầm trọng. Và đặc biệt hơn vào buổi sáng ngồi trong căn phòng 8m² nghệ sĩ cảm thấy như đang ngồi trong lò vi sóng, nhiệt độ trong phòng mà tới 45 °C. Ấy vậy mà những con người này có thể sống ở đây 7 – 8 năm.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn trong buổi khai mạc triển lãm, (Ảnh: Do Phạm).
Họ đã khắc phục hoàn cảnh sống bằng cách trang trí cho căn phòng một cách tươi tắn, sặc sỡ, cố gắng tìm cách để căn nhà của họ đỡ u ám, xám xịt với những sắc màu rất địa phương. Những tờ lịch, tờ quảng cáo, những cô gái… điều này được tác giả đã khắc họa lại một cách chi tiết trong tác phẩm của mình cho chúng ta thấy được ước mơ, nguồn gốc, văn hóa của họ trong lúc họ trang trí nhà. Theo nghệ sĩ Sơn đó là nghệ thuật.
Nghệ sĩ cúng chia sẻ thêm: “Một vài người trong số họ không biết Sài Gòn là gì, sống như bị mắc kẹt, tuổi tác không cho họ lên thành phố để kiếm sống với một nghề khác. Về quê họ không còn đất đai vì đã bán để có tiền đi làm ăn, người còn đất thì đã bị nước biển xâm thực. Những người lớn tuổi chỉ làm công việc quét rác, làm bảo vệ cho các khu công nghiệp với thu nhập thấp và ở những căn phòng chật chội, môi trường ô nhiễm”.
Chính vì cuộc sống của người dân nơi đây đã thôi thúc nghệ sĩ vào trong khu công nghiệp tới 3 lần để sáng tạo nên tác phẩm. Ông đã tới đây ăn, ở với như những người dân, cùng trải nghiệm. Lần đầu vào ngày 30/4/2013, lần 2 khi có chất liệu cụ thể ông đã đi vào chụp lại tháng 7/2014, và lần 3 vào tháng 5/2015 anh đã vào ghi âm và thêm những hình ảnh còn thiếu.
Khi vào đây ông gặp rất nhiều thay đổi, có nhiều người chuyển đi, cũng có người ở lại. Ai chuyển đi cũng có thể họ tới một khu mới có cuộc sống tốt hơn, nhưng có người vì kinh tế khó khăn lại chuyển tới khu khác với căn nhà nhỏ hơn. Những khu trọ này thường có giá từ 600 ngàn đồng – 1 triệu đồng.
Tác phẩm lần đầu tiên được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm “Hành trình Việt Nam xanh” diễn ra tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Và nay Viện Goethe lại hân hạnh giới thiệu tác phẩm này trong một triển lãm cá nhân với phiên bản mở rộng.
Hình ảnh căn phòng 8m² có đầy đủ tiện nghi của hai vợ chồng người Thanh Hóa được tác giả khắc họa lại chi tiết, (Ảnh: Do Phạm).
Trong triển lãm lần này có sự khác biệt khi nghệ sĩ Sơn tạo nên hai căn phòng cạnh nhau nhưng điều kiện, cuộc sống có khác nhau. Một bên là căn phòng của hai vợ chồng và hai đứa con người Thanh Hóa vào nam sinh sống và làm việc, căn phòng của họ đậm chất của người miền Bắc với sự chắt chiu gia đình đã có những trang thiết bị hiện đại hơn như tủ lạnh, ti vi, treo ảnh Bác Hồ.
Căn phòng bên cạnh là của gia đình 8 người miền Tây, với sự đơn giản, nghèo túng và ít quan tâm tới chính trị.
Đây là căn phòng chỉ có 8m² mà có tới 8 người ở mà tác giả đã khổ công khắc họa lại, (Ảnh: Do Phạm).
Tới dự buổi khai mạc vào 18h ngày 13/8 bà Hồng chia sẻ: “Triển lãm đã gợi lại cho chúng tôi nhớ lại những thời kì gian khổ của mấy chục năm về trước, khiến chũng tôi như sống lại trong lịch sử. Mặc dù trước kia trong cuộc sống của chúng tôi không có quạt, bếp điện… Từ đây tôi tự so sánh với cuộc sống của những người thành phố và thấy xã hội này còn rất nhiều người nghèo khổ, họ cần sự cảm thông và chia sẻ”.