“Đánh thức” viên ngọc ngủ yên giữa lòng phố cổ Hà Nội- Người đô thị
Có một không gian với diện tích lên tới 1.800 m2, ví như một viên ngọc giấu kín nằm ngay giữa lòng phố cổ, gần đây đã được tái phát hiện và đứng trước cơ hội được “đánh thức” những tiềm năng mới mẻ của mình.
Hà Nội 36 phố phường, cứ ngỡ thông thuộc thân quen là thế, ấy vậy mà lại đem đến những khám phá bất ngờ. Và thậm chí, những sự khám phá này, chưa hẳn là mới, chỉ đơn giản là tìm lại một vẻ đẹp thần bí bị giấu kín sau bức màn lịch sử, khuất lấp giữa tầng tầng lớp lớp bê tông của một mê cung đô thị đương đại…
‘Viên ngọc’ bị lãng quên
Hơn 40 năm qua, khi đi qua địa chỉ 22 Hàng Buồm, không chỉ khách vãng lai, ngay cả nhiều người dân Hà Nội chỉ biết nơi đây là trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, quận Hoàn Kiếm nhưng ít ai biết đến rằng, đằng sau chiếc cổng nhà trẻ với những bích họa sặc sỡ đủ màu sắc, là cả một quần thể kiến trúc cổ kính độc đáo đã tồn tại hơn một trăm năm, mang tên Hội quán Quảng Đông.
Hội quán Quảng Đông ở Thăng Long xưa (ảnh tư liệu Pháp).
Hội quán Quảng Đông là một trong hai hội quán còn lại tồn tại trong khu phố cổ Hà Nội, cùng với Hội quán Phúc Kiến tại 40 Lãn Ông. Hội quán được hình thành do cộng đồng người Quảng Đông, sau khi nhà Thanh thôn tính nhà Minh, lưu vong sang xứ Nam và được triều đình Lê – Trịnh cho phép định cư tại phường Hà Khẩu (còn gọi là Giang Khẩu), tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương (khu vực phố Hàng Ngang, Hàng Buồm, Lãn Ông hiện nay).
Trong tâm thức người Hoa kiều, hội quán trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng quan trọng, nơi thờ Quan Công và Thiên Hậu, điểm giao dịch thỏa thuận buôn bán và còn là nơi phân xử tranh chấp thương mại giữa các thương nhân Hoa kiều, giống như trọng tài kinh tế bây giờ.
Sau 1975, không gian Hội quán Quảng Đông được trưng dụng để làm trường mẫu giáo (vào năm 1978). Về sau ít ai còn biết đến sự hiện diện của nó. Thậm chí, từng có cả những giai thoại truyền miệng mang tính chất thêu dệt về địa danh này, rằng đây từng là một nơi thi hành án, vất vưởng nhiều… ma?! Chỉ biết rằng, những cánh cửa sơn son thếp vàng chạm trổ rất tinh xảo từ Quảng Đông đưa sang đã bị phủ lên một lớp sơn Đại Bàng thô thiển, gian thờ Quan Công và Thiên Hậu giấu kín bưng sau một tấm màn lớn, những tấm bia chất liệu xi măng giả đá khắc chữ bằng một kỹ thuật tài tình chưa được lý giải bị đục khoét để lắp đặt công tắc điện. Một không gian đặc sắc về lịch sử, văn hóa và kiến trúc chìm khuất và mờ nhòa sau tiếng cười của trẻ thơ.
Mặt tiền Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm.
Ngày 23 tháng 10 năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 4790/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ được chuyển về số 88 Hàng Buồm, trả lại mặt bằng cho hoạt động tu bổ tôn tạo.
Dự án tôn tạo di tích Hội quán Quảng Đông, theo văn bản nêu trên, bao gồm các hạng mục nội dung: Tu bổ Tiền đường, phương đình, Trung đường và Hậu cung (khu 1); Tu bổ cung Thiên Hậu và tôn tạo phòng trưng bày, giới thiệu di tích (khu 2); Tu bổ Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn, tôn tạo nhà Ban quản lý di tích (khu 3); Phục dựng giếng nước và xây dựng mới nhà vệ sinh (khu 4); Tu bổ 6 cổng phụ (các cổng 01, 02, 03, 04, 05, 06) và tôn tạo cổng, tường rào mặt trước (phố Hàng Buồm); cổng, tường rào mặt sau (phố Nguyễn Siêu), tôn tạo sân, lối đi trong di tích (khu 5)… và lắp đặt hệ thống chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy tại di tích.
Cho tới nay, sau hơn hai năm thực hiện, dự án đã mang lại những kết quả khích lệ khởi sắc, khi phần lớn các hạng mục đã được phục dựng và tôn tạo đưa trở về với nguyên trạng. Hội quán Quảng Đông tại 22 Hàng Buồm đã có một diện mạo mới, hay đúng hơn, được trả về với đúng kiến trúc ban đầu của nó.
‘Ngã ba’ hội ngộ Đông – Tây
Hà Nội cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX trở thành một trung tâm đô thị nhộn nhịp. Về mặt địa lý, Hà Nội vừa có tính chất của một trung tâm mạng lưới đường thủy sông Hồng với khả năng thông thương thuyền bè trao đổi hàng hóa với sông Đáy và sông Nhuệ, vừa có vai trò là trung tâm chợ – thương mại (Kẻ Chợ) với hệ thống chợ nội đô cùng với mạng lưới các chợ ven đô. Còn về mặt văn hóa, Hà Nội là điểm nút của bước ngoặt chuyển đổi, từ/giữa Đông – Tây, Nam – Pháp, truyền thống – hiện đại.
Khám thờ Hội quán Quảng Đông.
Quảng Đông hội quán, đặc biệt hơn ở chỗ, không chỉ là một giao lộ tiếp điểm đơn thuần giữa hai dòng văn hóa, mà còn là một ngã ba tiếp xúc giữa ba văn hóa Việt – Hoa – Pháp. Có vị trí đắc địa trên phố Hàng Buồm, nơi tập trung rất nhiều người Hoa đến sinh sống và buôn bán, hội quán gần như đóng vai trò là một địa điểm mang tính chất hành chính thương mại lẫn tín ngưỡng tâm linh, chi phối đời sống của người Hoa kiều.
Cộng đồng Hoa kiều, từ chỗ khách trú, đã dần hòa nhập vào đời sống văn hóa bản địa Việt. Cho đến thời Pháp thuộc, khi phố Hàng Buồm lúc này mang tên Rue des Voiles, các lái buôn người Hoa mở rộng giao thương với các lái buôn Pháp, nhờ vậy Hội quán Quảng Đông được người Pháp bảo hộ trong thời gian đầu thế kỷ XX.
Hội quán còn gắn liền với một nhân vật lịch sử quan trọng. Tôn Trung Sơn, trong quá trình hoạt động cách mạng và chuẩn bị cho Cách mạng Tân Hợi năm 1911, đã từng có thời gian lưu trú tại Hội quán Quảng Đông vào giai đoạn năm 1903 – 1904. Trong quãng thời gian hơn tám tháng ở Hà Nội này, Tôn Trung Sơn chủ yếu hoạt động trong giới Hoa kiều và tìm cách liên hệ với các tổ chức yêu nước chống Pháp của Việt Nam. Tại Hội quán Quảng Đông vẫn còn lưu giữ tấm bảng đá khắc ghi nhận sự có mặt của Tôn Trung Sơn tại đây.
Phù điêu Hội quán Quảng Đông.
Sự hòa quyện giao thoa văn hóa Đông – Tây tại Hội quán Quảng Đông được thể hiện rõ nét nhất trong kiến trúc. Hội quán vẫn giữ nguyên lối kiến trúc điển hình phổ biến của các hội quán nói chung, với bốn dãy nhà bố cục hợp thành chữ “Khẩu” (口) với thiên tĩnh ở giữa để lấy thoáng, lưu thông không khí và ánh sáng.
Các đơn nguyên kiến trúc được bố trí theo quy luật truyền thống từ trước ra sau, từ tiền đường, phương đình, trung đường đến hậu cung. Ngoài ra, Hội quán còn tiêu biểu cho kiến trúc Quảng Đông với kiểu mái có đầu hồi và đầu đao vuông bằng, sắc cạnh. Những phù điêu gốm nhiều màu sắc trên tường tiền đường được thực hiện vào lần trùng tu năm 1920, mang motip tái hiện các câu chuyện trong Tam quốc diễn nghĩa và Tây du ký, có nét tương đồng kỳ lạ với gốm Biên Hòa – một sản phẩm của người Minh Hương ở Nam bộ.
Một số yếu tố kiến trúc ảnh hưởng phương Tây của Hội quán.
Khi bước vào, kiến trúc sảnh chính của Hội quán gợi cho người xem cảm giác như bước vào một nhà thờ chính tòa phương Tây với gian giữa rộng kéo dài cùng với hai chái. Thậm chí, yếu tố ảnh hưởng kiến trúc phương Tây còn thể hiện đậm nét hơn ở hai gian nhà Đông – Tây với phù điêu mô phỏng thức cột Doric và biểu tượng vòng nguyệt quế. Bên cạnh đó là hệ thống cửa sổ “trong kính ngoài chớp” đặc trưng cho kiến trúc thuộc địa Pháp thường thấy tại các biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội cũng xuất hiện ở Hội quán.
Sự kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc, do đó, góp phần tạo nên cảnh quan không gian yên tĩnh, trầm mặc, cổ kính nhưng không kém phần trang nghiêm và thanh tao ngay giữa lòng phố xá sầm uất tấp nập.
Phù điêu mái Hội quán Quảng Đông.
Gợi mở một không gian sáng tạo mới
Việc tôn tạo và phục dựng Hội quán Quảng Đông đã là một dấu ấn thành công trong nỗ lực bảo tồn di tích văn hóa và gìn giữ những dấu tích lịch sử có giá trị quan trọng của Hà Nội. Tuy nhiên, song hành với bảo tồn luôn hiện hữu vấn đề phát triển. Phát triển ở đây phải gắn liền với bền vững, bởi nếu tôn tạo chỉ nhằm mục đích giữ nguyên hiện trạng sẽ khiến công chúng xa rời và lãng quên, hoặc nếu chuyển đổi sang một mục đích sử dụng khác thì Hội quán sẽ lại một lần nữa đánh mất ý nghĩa của nó. Câu hỏi tồn tại hay không tồn tại (to be or not to be) lại trở thành một vấn đề nan giải cần câu trả lời.
Phù điêu Hội quán Quảng Đông.
Một hướng đi khả thi nhằm trả lời câu hỏi trên đã được cụ thể hóa. Đó là gắn liền Hội quán Quảng Đông với hoạt động sáng tạo nghệ thuật của thành phố Hà Nội, biến nó trở thành một không gian sáng tạo của Hà Nội. Ở không gian này, người nghệ sĩ được gặp gỡ với công chúng, và chính Hội quán cũng được đặt trong mối quan hệ tương tác giữa nghệ sĩ và công chúng, để tạo ra một bối cảnh đối thoại đa văn hóa, đặc biệt giành cho giới trẻ, đối tượng cần được tiếp xúc với truyền thống.
Bởi lý do trên, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Kiến trúc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc UNESCO tại Hà Nội, Uỷ ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo” tại Hội quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm vào cuối năm 2021, với mục đích biến sự kiện này trở thành một sự kiện thường niên, cũng như Hội quán Quảng Đông trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với cộng đồng sáng tạo của thành phố.
Đây là một phần trong chiến lược nâng cao vị thế Hà Nội với tư cách là Thành phố Sáng tạo trong Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO, đồng thời là hoạt động đầu tiên diễn ra tại Hội quán Quảng Đông sau khi được trùng tu hoàn tất.
Tiền điện của Hội quán.
Trong sự kiến lập một không gian sáng tạo mới này, có đóng góp không nhỏ của họa sĩ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn – một nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại gắn liền với nơi chốn. Anh từng rất thành công với các dự án tương tác với nơi chốn như Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (Hà Nội, 2020), Triển lãm nghệ thuật ECO-SUS tại trung tâm ICISE (Quy Nhơn, 2021). Mối quan hệ với nơi chốn ở đây, không có nghĩa đơn thuần là nghệ thuật tương tác với khuôn viên cụ thể, mà còn tương tác với cả bối cảnh văn hóa – lịch sử phía sau nó.
Tất cả các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được lồng ghép trình bày trong một địa điểm giàu văn hóa, trở thành một thành tố của chỉnh thể văn hóa, lưu giữ ký ức và phát triển truyền thống. Trong một quần thể như thế bản sắc xưa vẫn thấm đượm trong những gì còn giữ gìn được, đồng thời hoà lẫn một cách tự nhiên vào nhịp sống của đương đại để có một hơi thở mới.
Tuần lễ “Khơi nguồn sáng tạo” là một chương trình nghệ thuật phức hợp với hơn 20 sự kiện tích hợp, bao gồm không gian triển lãm và trình diễn thiết kế thời trang, nghệ thuật thư pháp, âm nhạc thử nghiệm, sắp đặt trình diễn video art, hòa nhạc video, trình diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống thử nghiệm…
Thiên tĩnh của Hội quán.
Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến trình diễn thư pháp chữ Nôm trên lụa nhung, hòa nhạc của nhóm Đàn Đó, trưng bày hiện vật ký ức của Hội quán, triển lãm các tác phẩm của hai nhóm Urban Sketchers Hà Nội và “Hà Nội là…”. Chưa kể đến trong chương trình còn rất nhiều các buổi workshop, tọa đàm chia sẻ của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, chuyên gia về các chủ đề liên quan đến sáng tạo lấy cảm hứng từ các giá trị di sản truyền thống và bản địa trong bối cảnh đương đại và sự phát triển của công nghệ.
Phần nào đó đây cũng chính là minh chứng cho tuyên ngôn nghệ thuật và nơi chốn của Nguyễn Thế Sơn, khi mọi tác phẩm nghệ thuật đều hướng đến làm giàu thêm giá trị văn hóa cho bối cảnh nơi chốn. Cái mới trong sáng tạo nghệ thuật không làm phai nhạt đi truyền thống, trái lại, củng cố và mở rộng truyền thống.
Và cũng nhờ nghệ thuật đương đại, những “viên ngọc” đô thị từng bị lãng quên như Hội quán Quảng Đông mới được tái phát hiện, đánh thức tiềm năng và phát triển rực sáng.
Tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 31.12.2021 tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật địa chỉ 22 Hàng Buồm – Hoàn Kiếm – Hà Nội.
Thông tin chi tiết về chuỗi sự kiện sáng tạo – nghệ thuật trong tuần lễ Khơi nguồn Sáng tạo 2021 sẽ được liên tục cập nhật qua trang Facebook chính thức của chương trình: https://www.facebook.com/khoinguonsangtaohn
Phạm Minh Quân