Đào tạo mỹ thuật cho sinh viên: Khi những người thầy lựa chọn sự thay đổi
“Tôi mong muốn triển lãm sẽ trở thành hoạt động định kỳ mỗi năm, nhằm khích lệ và nuôi dưỡng tình yêu nghề cho những sinh viên đã lựa chọn con đường đầy chông gai nhưng cũng rất ngọt ngào này” – Ông Triệu Khắc Tiến, Phó Trưởng khoa Hội họa – trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.
58 sáng tác của sinh viên khoa Hội họa (trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) đã được trưng bày trong một triển lãm kéo dài từ ngày 16/04 đến ngày 25/04/2021 tại 42, Yết Kiêu, Hà Nội. Đây là triển lãm đầu tiên giới thiệu những học phần sáng tác trong chương trình chuyên ngành của cả ba chất liệu: lụa, sơn mài, sơn dầu được chọn lựa trong 3 năm học trở lại đây.
Triển lãm do chính các sinh viên thực hiện dưới sự hướng dẫn của những giảng viên trong khoa, được tổ chức chỉn chu từ những chi tiết nhỏ như: gửi tranh, làm tranh, đặt bàn tiệc, giới thiệu ra mắt…Các tác phẩm cũng được định ra các mức giá khác nhau, từ 600 tới 4000$, nhằm phục vụ các khách tham quan có nhu cầu sở hữu chúng.
“Trong 2,3 năm gần đây, khi chuyên ngành bắt đầu ra đời, các triển lãm như thế này đã thu hút đông đảo sự quan tâm của những người yêu hội họa. Không ít tác phẩm đã được bán ngay sau khi trưng bày tại các triển lãm sinh viên này. Quan trọng hơn, sinh viên của chúng tôi tự tin khi các tác phẩm của mình tiếp cận tới công chúng”.
Khi những người thầy quyết tâm thay đổi
Đào tạo đại học tại Việt Nam từ lâu vốn thường rơi vào bi kịch “Chuồn chuồn đạp nước”. Việc tiếp cận quá nhiều lý thuyết, ít thực hành và xác định đúng mục tiêu đã khiến nhiều sinh viên hoang mang về những gì mình làm sau khi tốt nghiệp. Không ít chương trình học không có sự chuyên sâu, dẫn tới việc các tân cử nhân “cái gì cũng biết nhưng lại chẳng thể làm gì”.
Những thầy cô tại khoa Hội họa của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã quyết định không đi theo lối mòn đó. Ngoài việc chú trọng vào việc thực hành, từ năm 2007, khoa còn quyết định phân chia sinh viên ra thành 3 chuyên ngành là lụa, sơn mài, sơn dầu ngay sau khi kết thúc năm học thứ hai.
Giảng viên Nguyễn Thế Sơn (chuyên khoa Lụa, Đại học Mỹ thuật Hà Nội) khẳng định, chỉ có thay đổi này mới tạo ra cho sinh viên giải pháp: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Chỉ có cách giúp các sinh viên đi sâu vào chất liệu mình yêu thích mới phát triển các hướng sáng tạo, nhờ đó tạo ra những nghệ sĩ thực thụ.
Chúng tôi quyết định thay đổi bởi nhìn thấy một thực trạng rằng, nhiều thế hệ sinh viên ra trường và đang rất bơ vơ, họ không được trang bị kĩ năng để chiến đấu. Không ít trường học đổ ra những cái khuôn, và rồi các bạn phải tự đi học lại ngoài xã hội.
Chúng tôi quyết định “lấy sinh viên làm trung tâm”, đây là cách làm khó và vất vả lại không có công thức nào. Mỗi sinh viên đều có cá tính riêng, có những bạn là người khiếm thính, thế nhưng ở đây, trong môi trường khoa Hội họa, các bạn ấy đều bình đẳng và phát huy tối đa cái tôi của mình”, thầy Sơn chia sẻ!
Trao đổi với PV Dân Việt, ban An Nguyễn (sinh viên năm cuối khoa Lụa) cho biết, hiện tại em và các bạn đã quen với việc tham dự cũng như tổ chức một triển lãm: “Chính sự phân chia chuyên ngành đã khiến chúng em hiểu rõ về chất liệu mình đang làm, tương lai công việc mình sẽ theo đuổi.
Nếu như trước kia, nhiều người đánh giá thấp về tương lai và triển vọng của sinh viên hội họa, cho rằng khi ra trường chúng em khó theo đuổi ngành nghề mình đã theo học thì hiện giờ chúng em có thể nhìn rõ hơn, tìm thấy những cơ hội phát triển nghề nghiệp của bản thân, vững tin theo đuổi đam mê của mình”.
Thầy Triệu Khắc Tiến cho biết, bên cạnh việc tổ chức các triển lãm, khoa Hội họa còn tăng cường, giới thiệu và kết nối với các đối tác bên ngoài, các trung tâm văn hóa, từ đó tạo đường link cho sinh viên đến nhà tuyển dụng, mở ra cơ hội công việc cho các họa sĩ tương lai sau khi ra trường.
“Chúng em may mắn khi được là sinh viên của các thầy, thật sự đấy chị ạ” – An Nguyễn chia sẻ.