Đi tìm nét thơ của những khu nhà tập thể chốn thị thành Hà Nội-Tuổi trẻ Thủ đô
(TTTĐ) – Dẫu bị “tha hóa”, các Khu tập thể ngày nay vẫn là một không gian sống đặc biệt, một di sản kiến trúc của Hà Nội và là nơi lưu giữ một phong cách sống đang dần biến mất của người thành thị. Và hai nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế đã ghi lại những nét thơ của những khu nhà tập thể này trước khi chúng có nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn để làm lên triển lãm đặc sắc có tên “Thay hình đổi mặt”.
Đông đảo khách tham quan Triển lãm tối 23/9.
Từng là biểu tượng cho không gian xã hội mới, nhà tập thể là một trang quan trọng trong lịch sử nhà ở của Việt Nam. Nhưng những khu nhà tập thể đã không còn giữ được diện mạo ban đầu của nó với thiết kế ưu tiên không gian công cộng, đón hướng nắng và gió rất tốt. Trong một giai đoạn rất khó khăn về nhu cầu nhà ở của người Hà Nội, không gian sống ở các khu tập thể đã bị chính những người dân trong các tòa nhà này làm biến dạng nghiêm trọng với những chiếc lồng chim mọc ra từ tứ phía.
Những biến tấu của nhà tập thể bột phát từ người cư ngụ nhằm đáp ứng nhu cầu của mình là minh chứng của “cái khó ló cái khôn” của người Việt. Nó là kỳ tích của khả năng thích ứng và xoay sở của người Việt. Nhưng rõ ràng “kỳ tích” này cũng mang nhiều hệ lụy khiến cho các nhà tập thể bị biến dạng, nhanh chóng bị xuống cấp, sụt lún. Không gian sống bị tận dụng tới mức thực dụng đã biến những không gian sống “đáng mơ ước” của một thời trở nên nhem nhuốc và thậm chí bức bối.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, một trong hai tác giả của Triển lãm này thì không ngần ngại gọi cái khả năng thích ứng và xoay sở của người dân tại các Khu tập thể chính là một hành động làm “tha hóa” Khu tập thể. “ Đúng là “Cái khó ló cái khôn”, nhưng “cái khôn” ở đây rõ ràng là cái khôn lỏi đã khiến các Khu tập thể trở nên tha hóa trầm trọng” – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói.
Nhưng dẫu bị “tha hóa”, các Khu tập thể ngày nay vẫn là một không gian sống đặc biệt, một di sản kiến trúc của Hà Nội và là nơi lưu giữ một phong cách sống tập thể đang dần biến mất của người thành thị. Và hai nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế đã ghi lại những nét thơ của những khu nhà tập thể này trước khi chúng có nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn để làm lên triển lãm đặc sắc có tên “Thay hình đổi mặt”.
Với “Thay hình đổi mặt”, hai nghệ nghĩ vốn là giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã mang đến cho khán giả thủ đô một Hà Nội “giống như một bảo tàng sống, lưu trữ đầy đủ cả ký ức của quá khứ và nhịp sống của hiện tại”.
“Dự án lần này giống như một sự trở về của một mô hình mà có thể nói là nó đã được xuất phát từ nước Pháp từ những năm đầu thế kỷ 20 gọi là “nhà công cộng” và nó đã đến Việt Nam bắt đầu từ những năm 1950 và từng là biểu tượng cho không gian xã hội mới, là niềm mơ ước của nhiều người dân Việt Nam một thời” – nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Triển lãm gồm những tác phẩm “nhiếp ảnh phù điêu” độc đáo của Nguyễn Thế Sơn về các khu nhà tập thể đặc trưng nhất của Hà Nội. Các lớp ảnh đã tạo ra một cấu trúc ba chiều, thể hiện trực tiếp những lớp cắt chuyển đổi mà các khu nhà tạp thể đã phải chịu qua năm tháng.
Và trong khi mang đến những hình ảnh sống động về những khu nhà tập thể bị thay đổi và chuyển biến để phù hợp với nhu cầu của người dân sống trong đó, hai nghệ sĩ đồng thời cũng kể một câu chuyện về đời sống xã hội, bởi chính sự biến đổi của những khu nhà tập thể đã giống như một tấm gương phản chiếu xã hội và những thay đổi của cảnh quan đô thị về cả vật chất và tinh thần.
Bên cạnh những bức ảnh phù điêu của Nguyễn Thế Sơn là những bản vẽ kiến trúc thể hiện thiết kế nguyên thủy của những khu nhà tập thể này của Trần Hậu Yên Thế kèm những thông tin về năm xây dựng, tình trạng hiện nay của những khu nhà tập thể được trưng bày…
Người khiếm thị cũng có thể xem triển lãm bằng bản vẽ nổi của Trần Hậu Yên Thế.
Điều đặc biệt, nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế đã rất kỳ công thể hiện 10 bản vẽ kiến trúc của 10 khu nhà tập thể trong Triển lãm bằng “ngôn ngữ” dành cho những người khiếm thị. Khá đông những người khiếm thị đã đến với buổi khai mạc triển lãm hôm nay.
Triển lãm cũng trưng bày hai cửa sổ khá nát được nghệ sĩ Thế Sơn đưa về từ khu tập thể Văn Chương. Ngoài ra, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn còn dựng lên một “Bảng tin ký ức tập thể” với chiếc bảng đen quen thuộc tại các khu tập thể và trên đó treo những bức ảnh gia đình hạnh phúc đã cũ của những người dân sống trong các khu tập thể mà nghệ sĩ đã xin được.
Cảnh cửa sổ cũ nát của một căn hộ trong Khu tập thể Văn Chương được trưng bày tại Triển lãm.
“Bản tin ký ức tập thể” tại Triển lãm.
Một bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thế Thiện – chính là bố của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn – có tên “Đón xuân trong ngôi nhà mới” vẽ năm 1978, thể hiện cuộc sống hạnh phúc đáng mơ ước trong một căn nhà tập thể của người dân Hà Nội một thời cũng được treo tại Triển lãm này.
Có thể nói, Triển lãm không chỉ lưu lại như một tài liệu về nơi ở mà còn đem đến cho người xem câu chuyện về một phong cách sống đang dần biến mất của người thành thị.
Bức tranh “Đón xuân trong ngôi nhà mới” thể hiện niêm mơ ước về những mái ấm hạnh phúc trong những căn hộ tập thể của người dân Hà Nội một thời.
Triển lãm kéo dài đến ngày 5/11, mở cửa tự do.
Hoàng Hương