“Đô thị và ký ức” – Nguyễn Thế Sơn: Một dự báo về mất kết nối?- LAO ĐỘNG

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/do-thi-va-ky-uc-nguyen-the-son-mot-du-bao-ve-mat-ket-noi-593958.ldo

Sau gần 10 năm thể nghiệm riêng một lối đi là nhiếp ảnh phù điêu, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã tổng hợp những chặng nhỏ trên con đường nghệ thuật của mình bằng triển lãm mới nhất “Đô thị và ký ức” tại AGOhub, Hòa Mã, Hà Nội.

Với khoảng 40 tác phẩm trưng bày (bao gồm ảnh trên toan, phù điêu ảnh, tranh màu bột và lụa, video art), trước tiên anh thể hiện một cảm giác cá nhân của mình về đời sống đô thị, trong đó kiến trúc đã và đang có những thay đổi nhanh chóng.

Chiếm hơn một nửa số tác phẩm trong triển lãm là các phù điêu ảnh (ảnh nổi 3D). Một số tác phẩm, người xem đã từng được thưởng lãm ở những dự án nghệ thuật thị giác trước như: Nhà mặt phố, nhà Tây biến hình và nhà tập thể, tuy nhiên một số khác lần đầu tiên lộ diện trước người xem, dù đều nằm trong đề tài chung về đô thị mà Nguyễn Thế Sơn theo đuổi.

“Đô thị và ký ức” là một cách mô tả đô thị bằng nghệ thuật tạo hình của Thế Sơn. Theo diễn ngôn bằng từ ngữ, họa sĩ nói rằng, ký ức ở đây có thể được hiểu là chính ký ức mà anh đi tìm, một người thuộc thế hệ 7X. Từ những thôi thúc cá nhân trong gia đình, khi mà vào thời ông bà nội anh từng có 4 ngôi nhà trong cả phố cổ và phố cũ, Thế Sơn làm các dự án nghệ thuật cũng là “đi tìm cái lịch sử một phần bị mất của gia đình”.

Anh hoàn toàn chủ ý khi lựa chọn những ngôi nhà theo thời gian đã thay hình đổi dạng, hoặc thay chủ, đổi tên, đặc biệt là những địa chỉ có nhiều gia đình sinh sống. Khu tập thể Bộ Nội thương (346 Kim Ngưu) hay khu tập thể Trại Găng (Thanh Nhàn) là những dẫn chứng thường thấy khi đường phố được mở rộng, kéo theo những khu tập thể đổi tên theo tên đường mà chúng tọa lạc. Với tạo hình từ ảnh, họa sĩ có cách tiếp cận đề tài sâu hơn qua nhiều tư liệu thực tế thu thập, khiến cho những tác phẩm trở nên dễ tiếp cận với người xem, có thể tác động trở lại đời sống.

Ở những dự án ảnh phù điêu Thế Sơn thực hiện, có ý kiến cho rằng nó đã đặt ra vấn đề lớn hơn về quy hoạch đô thị trong hiện tại và tương lai. Một vấn đề tương đối phức tạp hiện nay và dường như chưa có lời giải đích xác. Mặc dù chính họa sĩ cho rằng, “những mặt tiền của ngôi nhà giống như lớp vỏ não của đô thị, nó có ký ức và ký ức này bị nhạt phai dần qua năm tháng” nhưng với anh “nghệ thuật không phải để chỉ trích hay đặt ra giải pháp, nó là cảm giác cá nhân của người nghệ sĩ”. Điều anh muốn nói ở “Đô thị và ký ức” hay những triển lãm khác anh làm về Hà Nội, là “Hà Nội đã thay đổi quá nhanh”.

Sự thay đổi là minh chứng cho lịch sử phát triển đô thị theo thời gian, nhưng cũng có thể xóa mất dấu ấn lịch sử trên kiến trúc của chính đô thị đó. Kiến trúc đô thị Hà Nội qua cảm nhận của Nguyễn Thế Sơn chứa đựng nhiều lớp lang thời gian, những thay đổi mới chồng lên kiến trúc cũ, cùng tồn tại trong không gian đô thị. Xem các tác phẩm của anh, những cơi nới chằng chịt, tạm bợ (chuồng cọp, dây diện, biển quảng cáo…) không phải quá tương phản với công trình kiến trúc cũ nó đã mượn để thay đổi, biến hình. Những tác phẩm, không phải là ký ức của ký ức, mà là ký ức của hiện tại. Người xem thấy đời sống hàng ngày hiện hữu trước mắt với sự sinh động và vẻ đẹp vẫn còn có.

Điều này có căn cứ thông qua tạo hình nhiều lớp, với màu sắc bắt mắt và độ phong phú về chi tiết trong tác phẩm, đặc biệt là những phù điêu ảnh. Chính sự “sống động bởi nhiều lớp ký ức” đã cho tác phẩm vẻ đẹp dưới cái nhìn của người làm nghệ thuật khi đứng trước hiện thực, mặc dù trên thực tế chúng chứa đầy những đối nghịch, bất cập về thẩm mĩ cũng như sự hài hòa.

Điều gì xảy ra khi những ngôi nhà Tây ở Hà Nội hoàn toàn biến mất, những ngôi nhà tập thể biến mất và thậm chí cả những ngôi nhà Tây biến hình, những khu tập thể biến hình… cũng biến mất? Thành phố có thể phát triển với quy hoạch kiến trúc đô thị hiện đại hơn, năng động hơn, tiện nghi hơn nhưng rõ ràng lịch sử đô thị bằng hình ảnh thực tế các công trình kiến trúc sẽ trở nên nghèo nàn khi mất hẳn kết nối với quá khứ.

Triển lãm diễn ra tại AGOhub, 12 Hòa Mã, Hà Nội, từ 23.2 – 31.3.2018.

HẢI AN

Comments are closed.