Đối thoại về dự án nghệ thuật Tiên Rồng-GDTĐ

https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/doi-thoai-ve-du-an-nghe-thuat-tien-rong-18357.html?fbclid=IwAR0CI5LJIDqFFRxCq_lVGAtTLlcT5j7xYYFFc2EzHhCvV_8Li09jBbzXH_E

Đối thoại về dự án nghệ thuật Tiên Rồng sẽ diễn ra vào ngày 18/11 tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm – Hà Nội).

Diễn giả Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế cùng hai nghệ sĩ trẻ Đặng Mỹ Linh và Phạm Ngọc Hà sẽ đại diện cho nhóm nghệ sĩ tham gia dự án nghệ thuật Tiên Rồng.

Dự án nghệ thuật Tiên Rồng là điểm nhấn quan trọng tại không gian 22 Hàng Buồm (Hà Nội). Trọng tâm của buổi toạ đàm là những chia sẻ về dự án nghiên cứu hình tượng cô tiên cưỡi rồng rất phổ biến trong chạm khắc đình làng Bắc Bộ.

Trong văn hóa người Việt, hình tượng tiên nữ đã từ lâu thấm sâu vào trong vô thức cộng đồng. Tiên có trong tên đất, tên người, ngọn núi, ngọn đồi, hồ ao. Người Việt từ bao đời lớn lên nhờ hạt lúa củ khoai, từ lời ru của mẹ, câu chuyện của bà và hầu như ai cũng biết huyền thoại Rồng Tiên.

Đối thoại về dự án nghệ thuật Tiên Rồng ảnh 1
Đối thoại về dự án Tiên Rồng sẽ diễn ra tại không gian 22 Hàng Buồm vào ngày 18/11.

Tiên mẫu Âu Cơ là bà mẹ xứ sở, chiếm vị trí tối thượng trong tâm hồn. Dù là chuyện cổ tích của người Kinh, người Mường, người Tày, người Nùng, người Thái, người Giarai, Ê Đê, Chăm hay Kmer thì những nàng tiên luôn xinh đẹp, là những người vợ dịu hiền, những người mẹ nhân từ, phúc hậu.

Từ nghiên cứu, các nghệ sĩ cùng nhau xây dựng những ý tưởng sáng tác các tác phẩm hội hoạ, sắp đặt chủ yếu từ chất liệu hội hoạ truyền thống của Việt Nam như chất liệu lụa, sơn mài, giấy dó… kết hợp thêm với những chất liệu đa phương tiện để tương tác cùng không gian di sản của Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật.

Dự án như một nỗ lực mở rộng những thực hành nghệ thuật đối thoại với những di sản văn hoá truyền thống Việt Nam của thế hệ những nghệ sĩ trẻ. Đồng thời mong muốn mở rộng những giới hạn trong thực hành chất liệu mỹ thuật truyền thống theo hướng liên ngành, gắn với bối cảnh và nơi chốn thực tế. 

Dự án cũng mong muốn nâng cao sự hiểu biết và khả năng hợp tác phối hợp giữa các thế hệ hoạ sĩ để giải quyết những vấn đề tổng hoà và bổ sung cho nhau trong một dự án mang tính liên ngành.

Đối thoại về dự án nghệ thuật Tiên Rồng ảnh 2
Không gian văn hoá tại 22 Hàng Buồm.

Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế học chuyên ngành Mỹ thuật so sánh, Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, Nghệ thuật đương đại. Năm 2016 ông bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật. Luận án tập trung vào nghệ thuật trang trí cổ truyền người Việt trong mối quan hệ giao lưu và tiếp biến văn hóa. 

Một số công trình nghiên cứu của ông có thể kể đến như: Dịch đồ – Cách tiếp cận từ thị giác (Nxb Giáo dục – 1999), Quản lý Mỹ thuật (Nxb Đại học Quốc gia – 2009), Đồ án trang trí đền vua Đinh vua Lê (Nxb Thế giới – 2012), Song xưa phố cũ và những ghi chép bên lề (Nxb Thế giới – 2013), Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long (Nxb Hà Nội – 2020), gần đây nhất là cuốn sách “Hình tượng Tiên nữ” (Nxb Giáo dục – 2022).

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn là hoạ sĩ, giảng viên, nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia và là giám tuyển cho các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại số 22 Hàng Buồm của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022. Anh tốt nghiệp khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật và Nghệ thuật thực nghiệm tại Học viện Mỹ thuật Trung Ương Trung Quốc, Bắc Kinh (CAFA).

Các tác phẩm của anh thường mang đậm tính chất nghiên cứu xã hội học, chất vấn và suy tư về ký ức và những giá trị nhân văn bị đổ vỡ và mất mát trong quá trình xung đột giá trị của xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển đổi.

Đối thoại về dự án nghệ thuật Tiên Rồng ảnh 3
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn thuyết trình về một dự án nghệ thuật.

Anh đã có gần 20 triển lãm cá nhân và các triển lãm nhóm được trưng bày triển lãm ở Việt nam và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Hàn Quốc… Tác phẩm của anh đã được sưu tập tại một số bảo tàng như Worcester Art Museum, Đại học RMIT, bảo tàng nghệ thuật CAFA… 

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cũng là người mở hướng kết nối nghệ thuật đương đại với các không gian công cộng thông qua các dự án như “Nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng”, “Không gian nghệ thuật trong hầm nhà Quốc hội”, “Nghệ thuật công cộng Phúc Tân”, “Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021” và gần đây nhất là “Các phương án triển lãm nghệ thuật và trình diễn trong Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 tại 22 Hàng Buồm”, cũng là không gian triển lãm trưng bày lần này.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đặt trọng tâm vào chủ đề Thiết kế và Công nghệ, với trên 40 hoạt động, sự kiện diễn ra ở các địa điểm khác nhau trong khu phố cổ Hà Nội, khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố trong thời gian Tuần lễ diễn ra từ 11/11 đến 20/11/2022. 

Một số hoạt động trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 2/2023.

Comments are closed.