“Đối thoại” với những ngôi đình trong phố-hanoimoi
https://hanoimoi.vn/doi-thoai-voi-nhung-ngoi-dinh-trong-pho-653265.html
Những tác phẩm ảnh, các loại tranh sơn mài, lụa, sắp đặt, màu nước, ký họa… được trưng bày trong không gian đình thờ tổ nghề, tạo nên cuộc “đối thoại” giữa quá khứ và hiện tại.
Dự án “Chuyện đình trong phố” góp phần đưa nghệ thuật đến với những ngôi đình trong khu phố cổ Hà Nội, nối dài nguồn cảm hứng sáng tạo của những người nghệ nhân xưa.
Những câu chuyện sáng tạo
Trong không gian đình Tú Thị (số 2 Yên Thái), họa sĩ Trần Thị Hội đứng lặng bên hai giếng trời, tuy nhỏ nhưng có lẽ đủ tạo cảm giác về sự giao hòa giữa ngôi đình với bầu trời rộng lớn. Ý tưởng về một tác phẩm tranh lụa nhờ kỹ thuật thêu tay của nghệ nhân lóe lên trong đầu chị, với mong muốn tìm ra ngôn ngữ kết nối nghề thêu truyền thống với hội họa, với sắp đặt. Và thế là hai tác phẩm sắp đặt “Giao hòa 1” và “Giao hòa 2” ra đời. Nếu như “Giao hòa 1” là những bức tranh thêu nhỏ xíu hình tròn – tượng trưng cho trời, với hình cỏ cây, hoa lá, chim muông, được treo lơ lửng một cách có dụng ý, thì “Giao hòa 2” tái hiện hình ảnh những đôi bàn tay, vật dụng của nghề thêu, in trên tấm mica vuông như những tấm gương trong suốt, phản ánh vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của người lao động. Từ triển lãm sắp đặt này, nữ họa sĩ trẻ nung nấu ý tưởng mở những workshop nhỏ cho mọi người trải nghiệm về nghề thêu.
“Gốc của những ngôi đình là nơi giao lưu văn hóa. Ngày xưa, mọi công to việc lớn của làng đều được đưa ra đình bàn bạc. Nơi đây gắn liền với sinh hoạt văn hóa. Trong bối cảnh đô thị hóa, nhiều ngôi đình bị lấn chiếm, thậm chí bị xóa sổ. Dự án góp phần lan tỏa, khơi dậy tình yêu nghề truyền thống, quảng bá những câu chuyện văn hóa của Thủ đô” – họa sĩ Trần Thị Hội nói.
Tại ngôi đình cổ Nam Hương (số 75 Hàng Trống), trong 3 năm nay, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cùng với các học trò của mình đã tổ chức nhiều triển lãm: “Từ truyền thống tới truyền thống”, “Tranh Hàng Trống”, “Hổ dạo phố”, “Cõi tiên”. Trong đó, đáng lưu ý, dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” là một nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu khác nhau như sơn mài và lụa, với những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống.
Tiếp đó, triển lãm “Cõi tiên” cho thấy nét đẹp văn hóa dân gian Việt Nam qua các tác phẩm được thể hiện trên chất liệu truyền thống như lụa, sơn mài, giấy dó… cũng như chất liệu và hình thức mới như digital art, video art, sắp đặt… Các dự án đối thoại văn hóa trong ngôi đình đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng về di sản cũng như khả năng sáng tạo nghệ thuật của thế hệ nghệ sĩ trẻ.
Tiếp nối ý tưởng nói trên, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và các học trò mở rộng triển khai câu chuyện đối thoại tại một loạt ngôi đình mới được trùng tu trong những năm gần đây, cụ thể là đình Hà Vĩ (số 11 Hàng Hòm), đình Tú Thị và đình Trung Yên (số 10 ngõ Trung Yên, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm).
Tại ba ngôi đình này, các họa sĩ trẻ trưng bày tranh sơn mài, lụa, màu nước, tác phẩm sắp đặt, nhiếp ảnh, ký họa, collage art…, qua đó kể những câu chuyện về chính các ngôi đình, về sự độc đáo của nghề truyền thống như nghề sơn, nghề thêu… Triển lãm mang tới những giá trị mới cho đời sống của người dân nơi đây, góp phần tạo nên câu chuyện về phố nghề của Hà Nội 36 phố phường.
“Những tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ trẻ sẽ nối dài nguồn cảm hứng sáng tạo của những nghệ nhân xưa kia, tạo sự kết nối với người dân và du khách thập phương, góp phần dần hình thành một bản đồ nghệ thuật gắn kết trong những ngôi đình ở khu phố cổ” – họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết.
Giá trị mới gắn với mạch nguồn quá khứ
Theo thống kê, tại khu phố cổ hiện còn khoảng 60 ngôi đình trong tổng số 112 công trình tôn giáo tín ngưỡng từng có tại đây. Không chỉ là nơi thờ Thành hoàng làng, thờ nhân thần, phần lớn các ngôi đình được lập nên để thờ tổ nghề của các làng nghề lên kinh thành lập nghiệp. Có thể kể tên các ngôi đình thờ tổ nghề tiêu biểu: Đình Kim Ngân (thờ tổ nghề vàng bạc), đình Đồng Lạc (thờ tổ nghề nhuộm tơ lụa), đình Hàng Quạt (thờ tổ nghề quạt), đình Lò Rèn (thờ tổ nghề rèn), đình Hà Vĩ (thờ tổ nghề sơn), đình Tú Thị (thờ tổ nghề thêu)…
Cách đây hơn 10 năm, đình Kim Ngân tại 42 Hàng Bạc là một trong số ít ngôi đình tổ nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội được tu bổ và đưa vào sử dụng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân và khách tham quan. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghề, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ Hà Nội. Đình Đồng Lạc ở 38 Hàng Đào là nơi du khách có thể tìm hiểu về nghề nhuộm và dệt lụa truyền thống. Thực tế cho thấy, hoạt động văn hóa tại các đình tổ nghề phải gắn với việc phục dựng nghề truyền thống, gắn với việc xây dựng ý thức bảo tồn nghề cổ. Việc khôi phục các di tích đình thờ tổ nghề cùng với các hoạt động tôn vinh nghề truyền thống sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của khu phố cổ Hà Nội với du khách trong và ngoài nước.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, với các ngôi đình thờ tổ nghề trong khu phố cổ, trong đó nhiều ngôi đình có người dân sống trong di tích, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã tập trung vào việc di chuyển các hộ dân ra khỏi di tích để tiến hành tu bổ, tôn tạo.
“Đối với đình Thanh Hà (số 10 phố Ngõ Gạch), chúng tôi đã di chuyển các hộ dân trong khuôn viên di tích. Tháng 12-2023, chúng tôi sẽ khởi công tu bổ công trình này. Đối với các đình tổ nghề đã có không gian thuận lợi, chúng tôi sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu cho người dân hiểu về giá trị di sản; triển khai các map, app để phục vụ du lịch, giới thiệu nghệ thuật. Tiếp đến, chúng tôi sẽ khoanh vùng, xếp hạng các di tích này. Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang rất cần nguồn lực để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng cũng như tu bổ các di tích. Chúng tôi cần sự tham gia của cộng đồng trong việc gìn giữ các công trình di tích” – ông Phạm Tuấn Long nói.
Hoàn Kiếm là một trong 4 quận nội đô lịch sử, với những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của Thăng Long. Với sự đa dạng về điểm đến, Hoàn Kiếm là địa phương có lượng du khách nhiều nhất và cũng là nơi bán nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ các làng nghề. Bà Trần Thúy Lan, Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết: “Ngoài cảnh quan sẵn có tại các đình, cần thổi hồn cho di tích bằng những hoạt động văn hóa để tuyên truyền cho người dân nhận thức được giá trị của di tích, tinh hoa nghề thủ công truyền thống. Bảo tồn ở đây là bảo tồn cả giá trị vật thể và phi vật thể”.
Hy vọng, thông qua những hoạt động nghệ thuật, triển lãm, các nghệ sĩ trẻ sẽ cùng bồi thêm sức sống cho các ngôi đình thờ tổ nghề, gắn kết giá trị mới với mạch nguồn quá khứ. Theo thông tin từ họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, dự kiến, các triển lãm trong mỗi ngôi đình sẽ được thay mới mỗi quý và phát triển rộng khắp hàng chục ngôi đình trong khu phố cổ, gắn kết với những không gian di sản văn hóa nghệ thuật khác như Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hội quán Quảng Đông xưa), với các không gian nghệ thuật công cộng nổi tiếng thu hút nhiều du khách như Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, Phúc Tân… Quận Hoàn Kiếm sẽ dần trở thành “Quận nghệ thuật và di sản của Hà Nội”, góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội thực sự thành Thành phố sáng tạo.