Giá trị của đình làng trong khu phố cổ

Trong triển lãm “Đối thoại với đình làng ” do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vừa qua, tôi có tham gia một chuỗi khảo sát cá nhân thông qua dự án nhiếp ảnh “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”, đây là một dự án có đối tượng nghiên cứu là những ngôi đình trong khu phố cổ Hà nội. Nhân hội thảo về không gian văn hoá đình làng lần này, tôi cũng xin chia sẻ một số nhận định cũng như quan sát của mình đối với vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị đình làng.

Rất may là đề tài Đình làng phù hợp với những nghiên cứu khảo sát của tôi về sự biến đổi thị giác của cảnh quan đô thị mà tôi theo đuổi trong nhiều năm nay. Với dự án này tôi đã có thêm cơ hội tìm hiểu, tiếp cận một góc khuất ngay trong lòng đời sống đô thị hiện đại ngày nay với một tham chiếu về đời sống nông nghiệp làng xã từng hiện hữu tại Hà nội, theo tôi đây là một địa điểm còn in dấu đậm nét của quá trình vận động từ làng lên phố. Có thể nói văn hoá đình làng đã từng có một vị trí hết sức quan trọng trong cộng đồng của chốn Kinh kỳ Thăng long Kẻ chợ xưa kia.

Theo thống kê thì khu phố cổ hiện nay vẫn còn lưu giữ danh sách của gần 70 ngôi đình chiếm một tỷ lệ lớn trong số 112 công trình tôn giáo tín ngưỡng đã từng có tại đây. Khu phố cổ được hình thành từ một hệ thống các bến chợ được nằm xen lẫn với các làng nông nghiệp. Theo dấu vết của những bản đồ cổ về Hà nội có thể thấy rất nhiều ao hồ, kênh rạch, các công trình tín ngưỡng như đình, chùa, đền cũng đã được xây dựng rất nhiều xung quanh các hồ ao đó. Những ngôi đình làng trở thành một trung tâm không thể thiếu trong không gian của các cộng đồng làng nghề quần tụ với nhau trong suốt nhiều thế kỷ. Chức năng chính của các ngôi đình trong khu phố cổ là thờ thành hoàng – vị thần bảo hộ cho người dân trong khu vực. Có nhiều ngôi đình thờ chính các vị thần được tôn vinh là Thành hoàng của kinh thành Thăng Long như thần sông Tô Lịch, thần rừng Thiết Lâm.., lại có những ngôi đình thờ nhân thần là các vị vua, vị quan hay những người có công cai quản, trị vì đất nước như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, vua Lê Lơi, đại thần Nguyễn Trung Ngạn hay tướng quân Trần Lựu ở Đình Thanh Hà… Ngoài ra một phần rất lớn các ngôi đình được lập ra để thờ tổ nghề của các làng nghề tứ trấn lên đất kinh thành để lập nghiệp. Đến nay còn rất nhiều ngôi đình thờ tổ nghề nổi tiếng vẫn còn giữ được như Đình Hàng Quạt (thờ tổ nghề quạt), Đình Lò rèn (thờ tổ nghề rèn), Đình Kim Ngân (thờ tổ nghề vàng bạc), Đình Hoa Lộc thị (thờ tổ nghề nhuộm vải), Đình Hà Vĩ (thờ tổ nghề sơn), Đình Tú Thị (thờ tổ nghề thêu), Đình Trang Lâu (thờ tổ nghề mộc), Đình Hàng Thiếc (thờ tổ nghề thiếc), Đình Kiếm Hồ (thờ tổ nghề vôi), Đình Phả Trúc Lâm (thờ tổ nghề da), Đình Hài Tượng (thờ tổ nghề giấy), Đình Nhị Khê (thờ tổ nghề tiện)… Các ngôi đình thờ tổ nghề đó đã trở thành ngôi nhà chung, nơi kết nối hội tụ những người cùng họ tộc, cùng quê góp phần tăng thêm tính gắn kết của các mối quan hệ cộng đồng. Có thể thấy nhiều phường nghề từ khắp các làng quê Bắc Bộ đã tụ tập về đây như làng chạm khắc Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây), làng chế tác mây tre đan Giới Tế (Yên Phong, Bắc Ninh), làng mộc Hà Vĩ (Hà Tây), làng vàng bạc Châu Khê (Hải Dương)…

Tuy về mặt chức năng thì các ngôi đình trong khu phố cổ vẫn thờ thành hoàng, thờ tổ nghề, là nơi kết nối những giá trị truyền thống của cộng đồng nhưng cũng có thể nhận thấy về mặt vóc dáng qui hoạch kiến trúc cũng như cấu trúc không gian của những ngôi đình này lại có những đặc điểm hết sức khác biệt so với những ngôi đình truyền thống ở các vùng quê Bắc Bộ. Dễ nhận ra về cơ bản các ngôi đình đều không có hồ nước cũng như sân đình rộng rãi trước mặt. Do đặc điểm của đô thị nên các ngôi đình thường có hình ống đặc trưng, diện tích hạn chế với mặt tiền thường nhỏ hẹp đã làm biến đổi cấu trúc của ngôi đình truyền thống một cách đáng kể. Tuy vậy theo điều tra nghiên cứu, cũng như qua lời kể của những thủ từ trông giữ các ngôi đình thì nhiều ngôi đình đều có hướng quay mặt về các sông, hồ hay nguồn nước đã từng tồn tại trước kia.

Không những bị thu hẹp về qui mô, giản lược về cấu trúc mà nghệ thuật kiến trúc, trang trí của các ngôi đình làng trong phố cổ cũng không quá đặc sắc ở mức tuyệt tác như nhiều ngôi đình ở miền quê (như đình Bảng, đình Tây Đằng, Chu Quyến). Tuy nhiên các ngôi đình vẫn giữ được hồn cốt của nghệ thuật chạm khắc dân gian truyền thống. Sự khéo léo tinh xảo của các nghệ thuật chạm khắc dân gian vẫn còn lưu giữ rất nhiều trên các bức cửa võng, cuốn thư, hương án cũng như trên các chi tiết kết cấu mái gỗ của đình. Nhưng có lẽ chính sự hài hoà giữa tỷ lệ các công trình đình với kích thước của thế đất cũng như các công trình kiến trúc phố phường xung quanh đã tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn của khu phố cổ. Những ngôi đình cùng với các công trình kiến trúc truyền thống khác như chùa, đền đã tạo nên nhưng khoảng nghỉ vô cùng quý giá trong không gian đô thị ngày càng trở nên ngột ngạt.

Ngoài những giá trị về mặt kiến trúc cũng như những giá trị hữu hình về mặt vật thể còn có thể thấy được những giá trị phi vật thể quí giá từ những ngôi đình trong khu phố cổ. Đó là giá trị lịch sử của những ngôi đình này đã minh chứng cho sự hình thành và phát triển của một vùng đất Kinh kỳ sầm uất, trên bến dưới thuyền của kinh thành Thăng Long xưa. Những ngôi đình thờ tổ nghề còn mang một ý nghĩa văn hoá truyền thống độc đáo khi phản ánh được hầu hết các làng nghề thủ công xưa. Chúng như những gạch nối lịch sử hết sức quan trọng để chúng ta có thể hiểu được mối liên hệ từ quá khứ đến hiện tại, cho chúng ta có một cái nhìn toàn cảnh xuyên suốt chiều dài lịch sử của đô thị ngày hôm nay. Hơn thế nữa, những ngôi đình trong phố cổ còn mang một giá trị tâm linh khi trở thành một không gian gắn kết cộng đồng, gắn kết đời sống tinh thần của người dân trong khu vực. Mặc dù không có được qui mô hoành tráng, đầy đủ như những ngôi đình làng ở nông thôn song cái hồn của những ngôi đình trong phố cổ vẫn giữ được tinh thần là ngôi nhà chung cho cộng đồng. Ngoài ra, quần thể của những ngôi đình trong phố cổ còn mang một giá trị cảnh quan rất hấp dẫn. Chính tỷ lệ kiến trúc vừa phải đã tạo nên sự thân thiện với con người, phù hợp với cảnh quan phố xá trong phu phố cổ, tạo ra một không gian thu hút tham quan du lịch.

* Tình hình hiện trạng và các vấn đề về bảo tồn không gian đình trong phố cổ: Những giá trị vật thể và phi vật thể của những ngôi đình trong khu phố cổ quả thực là một điều vô cùng quý báu đối với Hà Nội- một đô thị cổ với một truyền thống văn hoá kết nối liên tục từ quá khứ đến hiện tại, minh chứng cho nét tinh hoa của mảnh đất Thăng Long-Kẻ chợ xưa. Tuy nhiên hiện nay trong quá trình đô thị đang phát triển một cách ồ ạt cũng như hệ quả từ những bất cập trong quản lý do nhiều nguyên nhân lịch sử để lại đã khiến cho việc duy trì và gìn giữ các không gian kiến trúc cổ cũng như chức năng gốc của những ngôi đình gặp không ít khó khăn. Một vấn đề lớn mà các công trình truyền thống đang phải đối mặt là sức ép về mặt dân số, nhu cầu về nhà ở, nhu cầu mở rộng kinh doanh của những cư dân trong phố cổ, đây là một bài toán không dễ giải. Chính lịch sử của khu phố cổ trải qua những biến cố của thời cuộc đã tạo nên sức ép lên việc cân bằng mối tương quan giữa việc duy trì bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống với sự phát triển đô thị trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay.

Qua thực tế tiếp xúc, phỏng vấn kết hợp với tra cứu các tài liệu liên quan, khi thực hiện dự án “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”, tôi đã thực hiện bộ ảnh ghi lại hiện trạng mặt tiền các ngôi đình trong khu phố cổ. Quá trình đó diễn ra trong một thời gian dài đã giúp tôi hiểu thêm được nhiều điều về câu chuyện của những ngôi đình và lịch sử của thành phố nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi đã chụp được hiện trạng của khoảng 70 ngôi đình trong phố cổ, trong đó còn một số ngôi đình thực sự còn rất đẹp và giữ được vẻ cổ kính xưa kia, còn phần lớn các ngôi đình đã bị biến đổi hình thù và công năng. Nhiều ngôi đình chỉ còn lại một phần trên tầng 2, nhiều ngôi đình chỉ còn lại phần hậu cung, nhiều ngôi đình đã bị gộp chung vào không gian của đền, chùa. Sự biến hình của những ngôi đình trong phố cổ có lẽ nếu không thực hiện dự án nghệ thuật này tôi cũng khó có thể hình dung ra được sự “phong phú” của chúng.

Nhưng bên cạnh đó tôi lại thấy được một số tín hiệu đáng mừng từ trong những khảo sát của mình, đó là các ngôi đình đã được trùng tu, cải tạo hết sức công phu như đình Kim Ngân, Đình Quán Đế… Được biết chính quyền thành phố Hà nội cùng với thành phố kết nghĩa Toulouse của Pháp đã lập kế hoạch cải tạo trùng tu phục hồi nguyên trạng các ngôi đình trong phố cổ. Không những thế những ngôi đình được trùng tu đó đã bắt đầu đưa vào những hoạt động văn hoá nghệ thuật như hát chầu văn, triển lãm thư pháp, triển lãm nghệ thuật sắp đặt… mang sắc thái vừa hiện đại vừa truyền thống làm cho không gian đình làng trở lại thành trung tâm văn hoá cộng đồng. Đình Quán Đế hiện giờ là trung tâm cung cấp thông tin về di sản trong phố cổ. Hoặc gần đây dưới sự hỗ trợ và giúp đỡ của thành phố Toulouse, chính quyền thành phố Hà nội đã cho xây dựng Trung tâm Di sản (Heritage Center) tại số 50 phố Đào Duy Từ dưới hình thức một bảo tàng mở kết hợp với triển lãm nghệ thuật liên quan đến những vấn đề về di sản văn hoá. Với các dự án hợp tác từ hơn 10 năm nay giữa 2 thành phố Hà nội và Toulouse, khu phố cổ đang được đầu tư giải quyết những vấn đề trong 2 lĩnh vực chính là “trùng tu các di sản kiến trúc và di sản đô thị” và “bảo tồn các di sản phi vật thể ”. Các chuyên gia người Pháp trong lĩnh vực kiến trúc, kinh tế, pháp lý và văn hoá xã hội đã, đang và sẽ hỗ trợ mọi phương diện nhằm tìm ra giải pháp cơ bản cho tương lai của khu phố cổ và cho những cư dân sinh sống tại đây.

Có lẽ đây là một số điểm sáng trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hoá trong đó có không gian văn hoá đình làng trong phố cổ. Hy vọng rằng cùng với những nỗ lực từ phía chính quyền cũng như từ ý thức của người dân, chúng ta sẽ có thể làm cho các không gian kiến trúc truyền thống được trở lại những giá trị quý báu vốn có của nó. Di sản văn hoá là do con người tạo ra, và chỉ có chúng ta bằng những nỗ lực hành động cụ thể ngày hôm nay mới có thể góp phần bảo vệ cũng như tiếp sức lan toả những giá trị của di sản văn hoá truyền thống cho thế hệ mai sau.

Nguyễn Thế Sơn

11/2013

Comments are closed.