Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và những góc nhìn phản biện về cuộc sống (CAND)-7 June 2012

 http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/cuocsong/tamguongcs/2012/3/183527.cand
Gội đầu, Câu chuyện của nước, Siêu truyền dẫn, Dự cảm sông, Nhà mặt phố, những câu chuyện biến đổi của xã hội đương đại đi vào thế giới của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tự nhiên và gần gụi như đời sống.Lần đầu tiên, một góc nhìn cận cảnh về xã hội được Nguyễn Thế Sơn dựng lại bằng nghệ thuật nhiếp ảnh, sống động, về những vỉa tầng khác nhau của đời sống, đằng sau sự xa hoa, phồn thị của phố xá.Cái đẹp từ trong đau thương, mất mát

Thoạt nhìn, không dễ nhận ra Nguyễn Thế Sơn giữa đám đông bạn bè. Trông Sơn giống một thầy giáo chỉn chu, nghiêm ngắn, với cặp kính cận và ăn mặc như một công chức nhà nước. Nhưng nói chuyện với Sơn, dễ bị hút vào những câu chuyện của anh, về một thế hệ nghệ sĩ trẻ đương đại, ưa tìm tòi, và có cái nhìn phản biện trước cuộc sống.

Điều Sơn cuốn hút tôi, không phải vì Sơn là một họa sĩ, giảng viên của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Bởi ở xứ ta, giờ nghệ sĩ đông như kiến cỏ. Mà bởi, Nguyễn Thế Sơn có một góc nhìn lạ về cuộc sống, mang tính chất báo chí, nhưng được truyền tải dưới hình thức nghệ thuật đương đại. Với Nguyễn Thế Sơn, nghệ thuật không phải đóng khung trong tháp ngà mà là cuộc sống ngồn ngộn những vấn đề. Đó là những góc nhìn giản dị về đời sống, cái đẹp từ đau thương, mất mát. Thì đấy, những dự án Sơn làm từ năm 2003, đều đi ra từ đời sống. Thậm chí có những thứ gai góc, từ góc nhìn của một nhà báo, tôi nghĩ, mình đã có cả một kho đề tài.

Lấy chất liệu từ những vấn đề của đời sống đương đại, những tác phẩm của Sơn thường là chuỗi các dự án khảo sát các hiện tượng trong xã hội, chất liệu và ngôn ngữ tùy biến vào điều kiện, hoàn cảnh và tính chất của từng vấn đề trong mỗi dự án, lúc là nhiếp ảnh, lúc là tranh lụa truyền thống, lúc lại là sắp đặt hoặc video art, lúc lại là tổng hợp các phương thức tiến hành khác nhau. Sơn nói: “Tôi thích sử dụng những chất liệu và cách làm phổ biến để tạo nên những hình ảnh, những sản phẩm trái với quy luật thông thường của thị giác”.

Nhà mặt phố ngày.

Học về lụa, giảng cho sinh viên về lụa, nhưng Nguyễn Thế Sơn lại theo đuổi những dự án nhiếp ảnh nghệ thuật mang tính xã hội. Nhiếp ảnh nghệ thuật hiện đại, trong góc nhìn của Sơn, hoàn toàn khác với cách mà các nghệ sĩ Việt Nam đang theo đuổi. Nhiều nghệ sĩ đương đại nổi loạn bằng những ý tưởng siêu thực, khiến nghệ thuật của họ trở nên xa lạ với đời sống. Sơn thì không. Anh đi con đường riêng của mình trên cái nền của truyền thống. Sơn sử dụng những chất liệu truyền thống như lụa, sơn mài, cách chụp ảnh đen trắng để nói một câu chuyện mới, của đời sống đương đại.

Những góc nhìn phản biện

Những đề tài của Sơn, tưởng là những đề tài của báo chí, như Gội đầu, Dự cảm sông, Nhà mặt phố… nhưng nó được sáng tạo bằng sự nỗ lực không ngừng làm mới mình của người nghệ sĩ. Triển lãm sắp đặt đầu tiên của Sơn có cái tên rất đơn giản, Câu chuyện của nước.

Sau hai tháng lang thang khắp các con sông ở Hà Nội bị ô nhiễm, có trong tay một khối lượng ảnh, Sơn dựng một  bục gỗ vuông có thiết kế một vòi nước chảy tuần hoàn vào một chậu nước, sau đó bỏ hàng trăm tấm ảnh đã chụp được vào phủ kín bề mặt chậu nước. Các tấm ảnh nổi lên, nước chảy xuống. Cứ như vậy một tuần, khi hết thời gian triển lãm, toàn bộ các bức ảnh bị tróc ra, chậu nước trở nên đen ngòm, bẩn thỉu, mùi rất khó chịu, giống y như nước cống thật. Một câu chuyện hiển nhiên đang tồn tại ở những đô thị lớn về sự ô nhiễm môi trường sống. Nước bẩn, liệu có làm sạch được không?

Gội đầu là một trình diễn sắp đặt thú vị, biến galary thành một cửa hàng gội đầu. Không phải là gội đầu truyền thống, mà ở đó, mỗi người đều có cơ hội được nhìn lại mình từ phía sau. Sơn mời tất cả mọi người, từ anh xe ôm, chị lao công, đến các công chức nhà nước, dùng phương pháp chụp ảnh truyền thống, tráng phim trong buồng tối, và cho ảnh vào chậu nước. Và một con số khảo sát rất thú vị, hơn 80% người không nhận ra phía sau của mình… Dự án đó, Sơn làm với ý thức thử nghiệm, nhưng không hiểu sao, Sơn càng đi càng bị hút vào thế giới đó.

Nhưng Nguyễn Thế Sơn thực sự thăng hoa trong một triển lãm ấn tượng, Nhà mặt phố vào tháng 3 năm 2012. Đó là sự cộng hưởng của nhiếp ảnh nghệ thuật và phù điêu. Câu chuyện Nhà mặt phố là những trải nghiệm của Nguyễn Thế Sơn qua những biến động của đời sống. Câu chuyện của một cá nhân, hơn thế, một gia đình, phản ánh câu chuyện của xã hội hơn 100 năm qua. Ông nội Sơn xa xưa là một tiểu thương giàu có, có 4 cái nhà mặt phố trên phố cổ, qua những biến thiên, thời cuộc đổi thay, gia đình Sơn chỉ còn vẻn vẹn 8m2 ở Phố Huế. Nhà mặt phố là câu chuyện về sự thay đổi của đô thị Việt Nam.

Làm thế nào để trả Honda về cho Nhật Bản.

Hơn 2 năm, Sơn lang thang ở các con phố Hà Nội, khảo sát và chụp lại hiện trạng những ngôi nhà cao tầng mặt phố bị bịt kín bởi những tấm biển quảng cáo quá khổ. Tác phẩm là sự chồng đè của nhiều lớp lang như biển quảng cáo cỡ lớn, của văn hóa giao thông, của thương mại hóa hình ảnh phụ nữ, của sự sính ngoại (hoàn toàn không xuất hiện hình ảnh phụ nữ Việt Nam), của những câu slogen khoa trương, và tràn ngập karaoke và dịch vụ mát xa trá hình về đêm… Tất cả các hiện tượng đó chồng đè lên nhau, tạo nên một văn hóa đường phố, một cuộc sống thu nhỏ của đô thị Việt Nam ngày và đêm.

Câu chuyện Nhà mặt phố thể hiện khuôn mặt của đô thị thời kỳ hậu WTO. Có lẽ, chưa bao giờ ở Việt Nam, nhà mặt phố lại phát huy sức mạnh của nó như lúc này, khi một xã hội đang nhốn nháo chạy theo đồng tiền. Khuôn mặt đô thị nhà mặt phố ngày là những tấm biển quảng cáo choán hết cả tầm nhìn, không gian sống bị bịt kín bởi những tấm biển quảng cáo. Con người tự đóng kín mình trong bốn bức tường của im lặng và bóng tối. Nhà mặt phố của đêm là một đô thị của ngập tràn những ánh đèn Karaoke, tưởng phồn hoa đấy, nhưng ngẫm mà chua xót về sự xuống cấp của văn hóa.

Sự tương phản của những bức phù điêu được dựng lại bằng chữ nổi, hình nổi, và những con người bé nhỏ, bên cạnh những cống nước rác thải bẩn thỉu, những con người mưu sinh nhọc nhằn trên phố. Sự tương phản về ánh sáng, hình ảnh, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ cho người xem, về câu chuyện hài hước của xã hội hiện đại. “Tôi không cố diễn giải nội dung hay bản chất những hiện tượng đó, tôi chỉ tái tạo hiện tượng một cách trung thực, khách quan và sinh động nhất có thể, chủ động lôi kéo người xem vào một trò chơi thị giác, nội dung lý giải ý nghĩa cho tác phẩm hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người xem”. Sơn nói.

Sự thâm thúy trong từng bức ảnh của Sơn còn được cộng hưởng bởi câu nói cửa miệng, Nhà mặt phố-Bố làm to. Câu chuyện chỉ xảy ra sau những năm 1986, khi xã hội phát triển và xuất hiện hình thức tư hữu, mọi tầng lớp đều nhận thấy giá trị của việc bám trụ mặt đường. Và nhà mặt phố thể hiện một thứ quyền lực, của đồng tiền và quyền lực chính trị song hành cùng nhau.

Hành trình không đơn độc

Nguyễn Thế Sơn vẫn đang đi trên hành trình của mình bằng những dự án mới. Một hành trình khá đơn độc. Bởi điều cốt lõi trong các tác phẩm của Sơn đã chạm đến căn bệnh trầm kha của thời đại, đó là vấn đề của Tầm nhìn. Những tầm nhìn ngắn hạn đã để lại những hệ lụy xót xa trong một xã hội hiện đại quá trọng hình thức, chạy theo đồng tiền.

“Vấn đề của các tác phẩm nghệ thuật thường rơi vào những thứ cao sang. Còn tôi cố gắng làm những thứ giản dị, không phải với mục đích đánh đố mà giải quyết những vấn đề của con người, của xã hội, buộc mọi người phải tự chất vấn chính mình, đóng vai người ngoài cuộc để nhìn lại cuộc sống của mình”. Đó là con mắt của một người ngoài cuộc, đi du lịch trong chính cuộc sống của mình. Bởi lẽ, mọi sự sáng tạo đều nhặt ra từ đời sống, chỉ từ đời sống, nghệ thuật mới có sức sống lâu bền.

Sơn đang có nhiều dự định. Một Nhà mặt phố sẽ tham dự triển lãm ở Hồng Kông, bởi đó không chỉ là câu chuyện của đô thị Việt. Và Sơn sẽ tiếp tuc với series Nhà mặt phố trong khoảng 10 năm tới, để có một cái nhìn dài hơi hơn.

Một dự án Làm cách nào để trả Honda về Nhật Bản, là câu chuyện của văn hóa giao thông Việt Nam, câu chuyện của những cuộc mưu sinh nhọc nhằn… Câu chuyện đó sẽ được chụp lại từ hình ảnh người Việt trên chiếc xe honda và dựng thành những mô hình. Sơn sẽ mang sang Nhật Bản, đặt vào nơi sinh ra xe Honđa, tạo nên bức tranh đối lập của hai xã hội.

Nguyễn Thế Sơn, lặng lẽ trong hành trình của mình, đang cố gắng giải mã cho những giá trị thật bị che phủ sau khuôn mặt phù phiếm, xa hoa của xã hội. Người nghệ sĩ trẻ phải dấn thân vào những vấn đề nỏng hổi của đời sống, kinh tế, chính trị bằng góc nhìn phản biện của mình. Hành trình đó, có thể đơn độc, khó khăn, nhưng tôi tin, Sơn sẽ thành công. Và Sơn không hề đơn độc, bởi anh luôn có công chúng đang đứng đợi mình.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn sinh năm 1978, con trai của họa sĩ Nguyễn Thế Thiện, thế hệ đầu tiên của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Nhà mặt phố là triển lãm gây nhiều chú ý của Sơn trong thời gian qua. Đó cũng là tác phẩm tốt nghiệp được đánh giá xuất sắc nhất tại Học viện Mỹ Thuật Bắc Kinh, nơi anh đang theo học thạc sĩ. 
  Khánh Linh

Comments are closed.