Into Thin Air – Dự án Nghệ thuật công cộng của Manzi

Into Thin Air  là một dự án nghệ thuật dành cho cộng đồng do Manzi Art Space thực hiện, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 19/4/2016. Với sự trợ giúp của một tấm bản đồ hoặc ứng dụng riêng của dự án trên điện thoại, công chúng có thể tìm thấy 10 tác phẩm nghệ thuật đương đại được ẩn giấu khắp nơi trong lòng thành phố Hà Nội. Những nghệ sĩ tham gia dự án đã kết nối ý tưởng sáng tạo của mình trong tương tác với không gian công cộng xung quanh. Hãy cùng Barcode tìm hiểu thêm về sự kiện nghệ thuật mới mẻ này qua cuộc trò chuyện với anh Bill Nguyễn, một trong hai nhà sáng lập Manzi Art Space và giám tuyển của dự án Into Thin Airlần này.

Bản đồ của dự án Into Thin Air

Bản đồ của dự án Into Thin Air

1. Nếu được chọn 5 từ để giới thiệu về  Into Thin Air, anh sẽ chọn những từ nào? 

– Tham vọng: 10 nghệ sĩ tham gia đồng nghĩa với 10 dự án nhỏ hơn được thực hiện trong khuôn khổ của Into Thin Air. Vì thế, khối lượng công việc, thời gian, cũng như concept chung có thể nói khá là tham vọng.

– Mới mẻ: ở cách thức tổ chức và vận hành dự án.

– Tự do: khi tác phẩm nghệ thuật không bị giới hạn bởi không gian phòng tranh hay không gian triển lãm.

– Tương tác: người xem không bị giới hạn bởi quy luật ứng xử trong phòng tranh.

– Phiêu lưu: bởi phần lớn các tác phẩm nói riêng và dự án nói chung đã và đang diễn ra khá “ngầm”.

2. Tình yêu Hà Nội có phải là nguồn cảm hứng lớn nhất để Manzi tiến hành dự án này không? Ngoài ra còn điều gì khác không?

Tình yêu với thành phố, cuộc sống/lối sống (cả tiêu cực và tích cực) trong thành phố, năng lượng của con người thành thị, của bản thân thành phố… là một trong những nguồn cảm hứng của Manzi.Nhưng tình yêu này không nhất thiết chỉ dành riêng cho Hà Nội. Ngược lại, nó bắt nguồn từ đời sống thành thị, nhịp sống phố phường nói chung, cũng như mối quan tâm đặc biệt của Manzi tới khái niệm và công năng của “không gian công cộng” ở tất cả các thành phố ở Việt Nam.

Nguồn cảm hứng khác còn đến từ mong muốn đưa nghệ thuật ra khỏi “đền điện” của nó (không gian triển lãm, phòng tranh, bảo tàng,…) và đặt nó vào một ngữ cảnh rộng hơn, bất ổn định hơn, down-to-earth (đời thường) hơn. Công-chúng-nói chung (the public) phản ứng rất khác so với công-chúng-nghệ-thuật (art crowd) khi xem tác phẩm, vì vậy nên nghệ sĩ và tác phẩm của họ sẽ luôn ở thế bị/được chất vấn, bị/được thử thách, bị/được thay đổi.

3. Khi mới nghe qua, cái tên của dự án gợi lên một điều gì đó rất mong manh và khó định hình. Thậm chí, cái tên này còn gợi cho tôi cảm giác muốn biến mất. Cái gì muốn biến mất thì phải phản xã hội lắm, hoặc ít nhất thì cũng quay lưng lại với xã hội. Tuy nhiên, dự án này thì  hoàn toàn ngược lại, được đem ra công chúng và còn “bắt” công chúng đi tìm nó. Vậy đâu là cách hiểu đúng và lý do cho cái tên này? 

Cách phiên dịch của bạn… tôi không phủ nhận. Nhưng “phản xã hội” hay “quay lưng với xã hội” không phải mụch đích của Into Thin Air.  “Into Thin Air” trong tiếng Việt có thể được hiểu là “Biến mất vào hư vô”. Ở đây bạn có thể đặt ra những câu hỏi như: Cái gì biến mất? Tại sao nó biến mất? Ai khiến nó biến mất? Chúng tôi muốn nói tới tình trạng, trạng thái và điều kiện tồn tại của nghệ thuật ở Việt Nam: Công chúng/xã hội đón nhận nghệ thuật như thế nào? Nó được tìm hiểu, thấu cảm và nuôi dưỡng như thế nào? Nó bị hiểu lầm, phê phán, định kiến ra sao? Và bởi ai?

Đồng thời, chúng tôi cũng chất vấn chính nghệ sĩ, tác phẩm và việc thực hành nghệ thuật của họ. Họ sáng tạo vì cái gì? Cho ai? Nếu và khi họ không được đón nhận bởi công chúng, liệu họ/tác phẩm của họ có vấn đề? Hay công chúng có vấn đề? Và có phải trong trường hợp như vậy, họ sẽ chẳng còn gì nữa ngoài “biến mất vào hư vô?”

Into Thin Air – Dự án Nghệ thuật công cộng của Manzi

Tác phẩm ‘Cửa’ – Interactive Video Installation của Lê Thanh Tùng (Tùng Khỉ)

4. Manzi đã gặp gỡ và lựa chọn các nghệ sĩ tham gia Into Thin Air như thế nào? Có dựa theo tiêu chí gì cụ thể không? Phản ứng đầu tiên của các nghệ sĩ khi nghe nói về dự án là gì?

Khi chúng tôi trình bày ý tưởng chung của dự án và mời các nghệ sĩ tham gia, họ đều rất háo hức.  Vì đây là phiên bản đầu tiên của Into Thin Air, Manzi đã lựa chọn nghệ sĩ dựa trên hiểu biết và cảm xúc của chính chúng tôi. Chúng tôi đã làm việc cùng với những nghệ sĩ mà mình đã từng cộng tác, hiểu và tin tưởng. Họ là đồng nghiệp và cũng là những người bạn lâu năm. Với những phiên bản tiếp theo, quy trình lựa chọn sẽ khác. Chúng tôi có thể sẽ gửi lời mời tham dự cho tất cả nghệ sĩ ở các ngành nghệ thuật và văn hoá khác nhau, sau đó lựa chọn dựa trên chất lượng và tính khả thi của những dự án mà nghệ sĩ gửi nộp.

Into Thin Air – Dự án Nghệ thuật công cộng của Manzi

5. Các tác phẩm được trưng bày tại các không gian công cộng (đường phố, công viên…) Theo anh, cái được và mất khi lựa chọn những địa điểm mang tính rủi ro cao cho tác phẩm như thế này? Các anh đã tính đến các phương án bảo quản tác phẩm rồi chứ?

Tác phẩm sống sót hay tồn tại được bao lâu; liệu nó có bị kiểm duyệt, di dời, phá bỏ như thế nào và bởi ai… tất cả những suy nghĩ, lo ngại và rủi ro này đều nằm trong chất vấn của chúng tôi về tình trạng, trạng thái và điều kiện tồn tại của nghệ thuật ở Việt Nam như đã trả lời ở trên.  Cái được có thể là cái mất , và ngược lại, cái mất có khi sẽ là cái được khi chúng tôi lựa chọn sẽ “phiêu lưu” với nghệ thuật bằng cách đặt nó vào ngữ cảnh công cộng.

Tình nguyện viên của dự án đều có mặt ở các địa điểm nơi tác phẩm được trưng bày từ 10h đến 20h hàng ngày. Một vài địa điểm có bảo vệ 24/24 do tác phẩm được đặt ở những không gian nửa-công cộng (vỉa hè, sân vườn của một doanh nghiệp chẳng hạn).

Dự án Into Thin Air

Tác phẩm ‘Phượt’ của Nguyễn Mạnh Hùng

6. Theo anh, giai đoạn nào quan trọng nhất trong dự án này? Lúc hình thành ý tưởng, hay khi kêu gọi các nghệ sỹ đóng góp những tác phẩm nghệ thuật của mình, hay kết quả? 

Tất cả các quá trình bạn nói đều quan trọng như nhau, chúng nắm giữ sự sống còn cũng như nuôi dưỡng các tác phẩm cá nhân cũng như cả dự án nói chung.  Nhưng có lẽ quá trình tôi quan tâm tới nhiều nhất là phản ứng của người xem với tác phẩm – những “đoạn gãy” trong đời sống thường nhật của họ, va chạm với nhận thức của họ, khiến họ đặt những câu hỏi tương tự như:  Tôi đang nhìn/xem cái gì? Tại sao nó có mặt ở đây? Nó có ý nghĩa gì với bản thân tôi? Nó vô nghĩa như thế nào với bản thân tôi?

7. Công chúng cần làm gì để trở thành người đồng sáng tạo cùng dự án?

Công chúng là những người sẽ đi và tìm ra tác phẩm. Tác phẩm sẽ chỉ sống nếu như nó được nhìn, xem, hiểu, đặt câu hỏi bởi công chúng. Nghệ thuật không tồn tại nếu nó không về/cho/vì con người. Vì vậy, người xem luôn luôn là người đồng sáng tạo của dự án.

Dự án Into Thin Air

Tác phẩm ‘…chở những người chở những người chở…’ của Nguyễn Thế Sơn

8. Tại sao Manzi lại định hướng cho Into Thin Air trở thành một dự án đa phương tiện?

Chúng tôi không định hướng hay quảng cáo Into Thin Air là dự án đa dạng phương tiện. Bằng một cách tự nhiên, nó trở thành dự án đa phương tiện do sự lựa chọn về chất liệu của các nghệ sĩ tham gia. Lựa chọn chất liệu là quá trình được quyết định cuối cùng bởi nghệ sĩ. Chúng tôi chỉ làm việc với nghệ sĩ ở các giai đoạn như hình thành ý tưởng, thử nghiệm chất liệu, sản xuất các bản nháp ban đầu…

9. Theo tôi hiểu, dự án này mang tính công cộng rất cao. Vậy anh có kế hoạch gì để duy trì dự án lâu dài không?

Công cộng hay công chúng sẽ là người quyết định tính bền vững của dự án. Họ có thích dự án không? Hay họ ghét nó? Họ có muốn dự án được tiếp tục? Hay họ coi nó là một sự lãng phí?… Tìm câu trả lời (thông qua các bảng câu hỏi khảo sát) sẽ là bước tiếp theo khi dự án kết thúc.

Dự án Into Thin Air

Tác phẩm ‘Cam kết văn hoá’ của Bùi Công Khánh

10. Đối với cá nhân anh, dự án được coi là thành công khi…?

Khi Into Thin Air không “biến mất vào hư vô” mà sẽ sống trong nhiều năm tiếp theo.

Cảm ơn anh về cuộc nói chuyện này và chúc dự án sẽ ngày càng được công chúng yêu mến và đón nhận.

http://www.barcodemagazine.vn/article/lifestyle/145/into-thin-air-%E2%80%93-du-an-nghe-thuat-cong-cong-cua-manzi-272.html

Comments are closed.