Kết nối nghệ thuật đương đại và cộng đồng- Văn nghệ quân đội

Nghệ thuật không thể tự tìm đến với người xem, và công chúng chỉ có thể tìm đến với những tác phẩm nghệ thuật nếu có những kết nối đa chiều. Hoạ sĩ, giảng viên Nguyễn Thế Sơn có buổi chia sẻ về sự kết nối này trong toạ đàm diễn ra chiều 14/5 tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Anh là một trong những người đi đầu trong việc đưa nghệ thuật đương đại lại gần với cộng đồng.

Diễn giả tại tọa đàm

Kết nối nghệ thuật thị giác với các không gian xã hội

Nếu trước đây, trưng bày các tác phẩm chủ yếu ở các không gian nghệ thuật cụ thể như bảo tàng, phòng tranh thì hiện nay, người ta chú ý nhiều hơn đến các không gian cộng đồng. Và chủ đề của các tác phẩm cũng xuất phát từ các góc khác nhau của đời sống.

Một ví dụ rõ nhất là không gian nghệ thuật trên phố Phùng Hưng (Hà Nội). Tất cả các tác phẩm ở đây đều có thể tương tác với người xem và mang kí ức, lịch sử của chính phố Phùng Hưng và phố cổ. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn sau khi ra mắt, các tác phẩm đều bị thay đổi hoặc hỏng hóc vì sự nhiệt tình hưởng ứng của người xem. Một cách khách quan, trong một năm ra mắt, các tác phẩm đã tạo một làn sóng lan toả trong cộng đồng qua các tác phẩm của hoạ sĩ Triệu Minh Hải, Dương Mạnh Quyết, Cấn Văn Ân… Như vậy, có thể thấy rằng tính tương tác và gần gũi của mỗi tác phẩm nghệ thuật cũng mang tính rủi ro nhất định.

Những tác phẩm nghệ thuật không bị gói trọn và quây kín trong khung trưng bày mà còn được bày ở chính các quán cafe vỉa hè. Bởi đó chính là những bức tranh trên mặt bàn cafe: là chiếc bàn để bàn chuyện mọi chuyện từ thị phi, riêng tư đến chính trị xã hội. Điều đó được hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn thực hiện qua việc mang 16 chiếc bàn làm từ tranh sơn mài kết hợp cùng nghệ thuật thư pháp ra đến đường phố.

Hay như đường hầm của tòa nhà Quốc hội, nơi trưng bày các tác phẩm thuộc dự án “Hành trình lịch sử” cũng thoát ra ngoài không gian triển lãm để đưa người xem “làm quen” với nghệ thuật trước khi vào thăm quan Bảo tàng cổ vật Thăng Long và Bảo tàng cổ vật Đại La.

Một phần trưng bày “Hành trình lịch sử” tại đường hầm của tòa nhà Quốc hội – Ảnh: nguyentheson.com

Dùng nghệ thuật hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn cùng các cộng sự của mình đã tiến hành nhiều dự án quay phim, chụp ảnh để ghi lại cuộc sống của cộng đồng LGBT, những người bị bạo hành, lạm dụng tình dục… rồi tái hiện lại qua các trưng bày để truyền tải lại với cộng đồng.

Một trong số đó là dự án 8m2 – dựng lại thực tế của các căn nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp. Những người thực hiện đã đi khảo sát nhiều khu công nghiệp và ghi lại những căn phòng nhỏ có không gian 2,5×3,2m. Và sản phẩm trưng bày không đơn thuần là nghệ thuật thị giác, người xem còn có thể nghe các đoạn phỏng vấn công nhân đang sinh sống tại chính những căn phòng đó, sờ vào những trưng bày sống động. Hay trong một dự án kết nối kí ức cộng đồng qua hình ảnh của các khu tập thể cũ, các hoạ sĩ cũng dùng cả hệ thống chữ nổi để chú thích cho các tác phẩm của mình.

Photovoice – phương pháp trao máy ảnh cho các nhân vật chụp lại cuộc sống, góc nhìn của họ về các vấn đề xã hội đang được các nghệ sĩ sử dụng khá nhiều. Bởi thông qua các góc máy nghiệp dư nhưng am hiểu về chính cuộc sống của mình, các tác phẩm sẽ chứa đựng nhiều câu chuyện gợi mở hơn. Như vậy, có thể thấy rằng nghệ thuật không chỉ đến gần với người xem từ những trưng bày mà bất kì ai cũng có thể là người tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.

Tác giả Nguyễn Thế Sơn (bên trái ảnh) bên tác phẩm “Máy nước công cộng”. Dự án nghệ thuật cộng đồng trưng bày trên phố Phùng Hưng được thực hiện trên tinh thần tình nguyện của các nghệ sĩ. Dự án nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” năm 2018 – Ảnh: nguyentheson.com

Trách nhiệm kết nối

Đứng từ phía nghệ sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, việc kết nối giữa các tác phẩm đương đại và cộng đồng không phải trách nhiệm của riêng ai. Điều đó phải thuộc về những nghệ sĩ thực hành dám dấn thân, những nhà quản lí chấp nhận thay đổi và công chúng đón nhận các tác phẩm. Tất cả cùng thống nhất sẽ tiến tới xã hội văn minh, dân chủ và có nhiều khác biệt.

Về công chúng, diễn giả nói thêm rằng sự đón nhận còn cần có thêm cả sự hiểu biết để cảm nhận và trân trọng tác phẩm. Ví dụ như các tác phẩm trên phố Phùng Hưng. Mọi người đến đây chụp ảnh để check-in là chủ yếu chứ không mấy ai đọc bảng chú thích đặt cạnh các tác phẩm hoặc coi đó là tác phẩm nghệ thuật có tương tác. Chính vì thế, việc đón nhận này phụ thuộc khá nhiều vào thế hệ trẻ, lớp người có nhiều tư duy mới về các tác phẩm nghệ thuật.

Comments are closed.