Khai mạc triển lãm Thay hình đổi mặt-QĐND

http://hnv2.qdnd.vn/van-hoa-the-thao/khai-mac-trien-lam-thay-hinh-doi-mat-473176

QĐND Online – Chiều ngày 23-9, triển lãm “Thay hình đổi mặt” của hai nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế đã được khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace), số 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đến với không gian của “Thay hình đổi mặt”, khán giả không chỉ có được một cái nhìn đa chiều về những thay đổi trên mặt tiền của các khu tập thể cũ từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, mà còn được lắng lại để suy ngẫm và tìm về “kí ức tập thể” của Hà Nội ngày hôm qua.

Với những người đã từng sống ở các khu nhà tập thể của thời kỳ bao cấp, hẳn không ai có thể quên kỷ niệm gắn liền với những cánh cửa gỗ sơn xanh, những bức tường vàng, hay những cầu thang nhỏ hẹp. “Nhà tập thể” đã xuất hiện như một biểu tượng cho cuộc sống mới, cho bộ mặt hiện đại, nếp sống của người dân Hà Nội trong suốt gần một nửa thế kỷ qua với bao đổi thay về hình dạng, cấu trúc qua từng thời kì lịch sử và phát triển của không gian đô thị.

Đặc biệt, dù là một triển lãm nghệ thuật thị giác, nhưng sự kiện này không chỉ dành cho người sáng mắt mà còn dành cho cả người khiếm thị. Các nghệ sĩ đã khéo léo sắp đặt những mô hình nổi của từng khu nhà ở ngay bên dưới những tác phẩm trưng bày giúp cho người xem khiếm thính có thể dễ dàng “quan sát” được bằng cảm nhận của từng ngón tay.

Sau các triển lãm như “Nhà Tây biến hình”, hay “Hà Nội – một bảo tàng sống”, hoạt động lần này là phần tiếp nối của một dự án mà nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và các đồng nghiệp đang theo đuổi, trong nỗ lực đi tìm kiếm những dấu tích biến đổi trên mặt tiền của đô thị ngày nay. Bằng các phương thức thể hiện khác nhau như hội họa, nhiếp ảnh hay nghệ thuật sắp đặt, họ đã đã bóc tách từng lớp lịch sử đô thị, cho khán giả hiểu hơn về số phận của mỗi ngôi nhà, góc phố thủ đô.  Nguyễn Thế Sơn cho biết anh quan niệm rằng ký ức của người dân đều lưu trữ rất nhiều trên mặt tiền của những khu tập thể. Anh nghĩ rằng việc tách từng lớp trong bức ảnh như “chuồng cọp”, “điều hòa”…, và cố gắng tìm ra cấu trúc nguyên bản của khu nhà, cũng giống như việc mình được học lại lịch sử thay đổi của chính khu tập thể đó.

Báo Quân đội nhân dân Điện tử trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số hình ảnh tại buổi khai mạc triển lãm.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (thứ hai từ phải qua) và nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế (thứ nhất từ phải qua) tại buổi khai mạc triển lãm.
Không gian mặt tiền của những khu nhà tập thể được các nghệ sĩ tái hiện một cách sinh động giúp người xem có cảm giác giống như đang đứng trước một khu nhà thực sự.
Từng chi tiết những chiếc xe máy hay bộ bàn ghế trên vỉa hè trước một quán cà phê cũng được các nghệ sĩ cắt ghép tỉ mỉ.
Dây điện “giăng tơ”, nét đặc trưng thường thấy ở những khu tập thể cũ cũng được tái hiện trong một tác phẩm.
“Nhà tập thể” từng được coi như một biểu tượng cho cuộc sống mới, cho bộ mặt hiện đại, nếp sống đầy tự hào của người dân Hà Nội gần một nửa thế kỷ qua.
Em Phùng Văn Minh, học sinh Lớp 11A8 – Trường THPT Trần Nhân Tông, cảm thấy rất vui vì lần đầu tiên được tham dự một triển lãm nghệ thuật thị giác dành cho người khiếm thị.
Cánh cửa sổ cũ của một ngôi nhà tập thể được tái hiện trong không gian triển lãm thu hút sự tò mò của một em nhỏ.

Comments are closed.

Contact

×