Khán giả Sài Gòn “choáng” với Nhà mặt phố – TTVH 19 Nov 2012
Đó là những góc nhìn lạ về nhà mặt phố trong triển lãm của Nguyễn Thế Sơn đang diễn ra tại phòng tranh Cactus (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Bình Thạnh). Sau khi chu du ở nhiều nơi, Nhà mặt phố đã đến TP.HCM, giới thiệu những bộ tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu (photo relievo) rất độc đáo.
Tại lễ khai mạc, TS Paul Weinig (Viện trưởng Viện Goethe TP.HCM) có một câu đố vui làm khán giả giật mình: Đố các bạn đâu là sự khác nhau của nhà mặt phố Hà Nội và Sài Gòn? Mà gợi ý của ông này là hãy nhìn lên bầu trời. Với tốc độ phát triển chóng vánh và lượng khói thải nhiều vô kể, bầu trời Hà Nội trong các ảnh chụp của Nguyễn Thế Sơn phủ một màu xám xịt do ô nhiễm, bầu trời Sài Gòn dù ô nhiễm nhưng vẫn còn chút ít trong xanh, thoáng đãng. Có thể sự so kè này nằm ngoài chủ đích của Nguyễn Thế Sơn, vì họa sĩ này chú tâm vào việc “nghiên cứu sự phát triển của quảng cáo và phong cảnh đô thị với tất cả sự chính xác đầy thi vị như ta vẫn quen thuộc”. Thế nhưng, hiệu ứng tất yếu mà các tác phẩm mang lại cho người xem từ cuộc so kè này là điều khó tránh khỏi.
Hơn nữa, do quen với khung cảnh sống xung quanh của cư dân đô thị, chúng ta cứ tưởng nhà mặt phố là hiện thực tất yếu và phổ quát, hóa ra, chỉ có một vài nước với tốc độ phát triển lệch thì mới có như vậy. Rõ ràng từ sau đổi mới và sau khi gia nhập WTO, cảnh quang đô thị sẵn có của Việt Nam, với nhà hình ống đặc thù đã không “chịu nổi” sự tăng trưởng nhanh chóng của công nghệ quảng cáo và bán hàng ở tầm mức quốc tế. Phân tích về điều này, Nguyễn Thế Sơn viết: “Cùng với sự chuyển mình của nền kinh tế là sự xuất hiện của khái niệm “nhà mặt phố” và sự lên ngôi của nền kinh tế tư nhân khi chính thức được nhà nước công nhận. Giá trị của những ngôi nhà mặt phố tăng lên một cách nhanh chóng kéo theo một thời kỳ bùng nổ xây dựng bê tông hóa đô thị. Những căn nhà hình ống mặt tiền nhỏ hẹp đua nhau xây dựng cao vút trở thành một hình ảnh phổ biến lặp đi lặp lại tràn lan trên tất cả các đô thị lớn”.
“Tiếp theo đó sự bùng nổ của các công nghệ quảng cáo kéo theo sự phát triển rầm rộ xu hướng “bịt mặt” các nhà mặt phố bằng những tấm biển quảng cáo cỡ lớn. Tất cả các công nghệ quảng cáo mới nhất được đón nhận một cách hào hứng. Người ta bằng mọi cách tận dụng tối đa ưu thế vị trí của nhà mặt phố, biến nó thành những ngọn hải đăng hút ánh mắt của biển người đi đường càng nhiều càng tốt. Và thế là cuộc chạy đua cho những tấm biển quảng cáo diễn ra không ngừng nghỉ. Dần dần không gian riêng tư của mỗi gia đình biến thành không gian công cộng từ lúc nào không biết”, Nguyễn Thế Sơn cho biết thêm.
Một góc triển lãm Nhà mặt phố. Ảnh: N.V.N. |
Với kỹ thuật nhiếp ảnh phù điêu (photo relievo), hay nói nôm na là ảnh 3D, Nguyễn Thế Sơn đã phác họa sống động, chân thực diện mạo phố phường Hà Nội và Sài Gòn, nơi mà, khoảng cách giàu và nghèo, sung túc và tạm bợ là rất gần nhau. Nếu bên trên bảng hiệu là những nhãn hiệu thời trang cấp quốc tế, thì ngay dưới mặt đường là những dân nghèo mưu sinh với công việc đặc thù của thành phố, của địa phương. Nguyễn Thế Sơn dường như muốn hỏi người xem: “Ai quyết định tính năng động ẩn sau sự biến đổi xã hội ở Việt Nam?”; “Cái gì sẽ mất đi hoặc bị xóa sổ hoàn toàn trong quá trình phát triển vũ bão ấy?”; “Chúng ta sẽ thay đổi ra sao, sẽ đóng góp gì, sẽ chuyển dịch theo hướng nào?”
Nguyễn Thế Sơn sinh năm 1978 tại Hà Nội, anh đang theo học cao học nhiếp ảnh nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật trung ương Bắc Kinh, Trung Quốc. Ý tưởng và bộ ảnh Nhà mặt phố đã giúp anh nhận giải thưởng danh giá của học viện này.
Văn Bảy