Khi nhà tập thể ‘thay hình đổi mặt’-Tiền phong

http://m.tienphong.vn/xa-hoi/khi-nha-tap-the-thay-hinh-doi-mat-1054437.tpo#ref-https://www.google.com/

TP – Những khu tập thể lạ mà quen, quen mà lạ được tái hiện sống động qua những tác phẩm phù điêu, những bản vẽ cầu kỳ trong triển lãm của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế. Ở đó, người già rưng rưng hồi tưởng quá khứ, còn người trẻ chợt thì giật mình: hóa ra, vẫn còn những khu tập thể đầy chất thơ như thế giữa cơn lốc cuồn cuộn của nhà cao tầng và chung cư.
Khi nhà tập thể 'thay hình đổi mặt'
Những ngôi nhà tập thể hiện lên sống động qua bàn tay của các nghệ sĩ. Ảnh: Nhã Khanh
“Bảo tàng sống” của người Hà Nội

Mô hình nhà tập thể đã hình thành và kéo dài suốt hơn nửa thế kỉ nay với bao đổi thay về hình dạng, cấu trúc qua từng thời kì lịch sử và phát triển của đô thị. Khi đến với không gian của “Thay hình đổi mặt”, công chúng sẽ được suy ngẫm và tìm về “kí ức tập thể” của Hà Nội ngày hôm qua.

Tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace, 10 tác phẩm phù điêu tái hiện theo nguyên mẫu nhiều căn nhà tập thể, đặc trưng và hiện vẫn đang còn tồn tại ở Hà Nội như khu Kim Liên, Thanh Nhàn, Thái Hà, Giảng Võ, Nguyên Hồng…

Để thể hiện những tác động của con người lên các khu tập thể, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã chụp ảnh rồi cắt lớp tạo những hình ảnh 3D sống động. Khi xem tác phẩm, người ta dễ dàng nhận ra dấu tích của việc cơi nới như “chuồng cọp”, “ba lô” ở các khu tập thể.

Triển lãm cũng trưng bày hai cửa sổ khá nát được nghệ sĩ Thế Sơn đưa về từ khu tập thể Văn Chương. Ngoài ra, anh còn dựng một “Bảng tin ký ức tập thể” với chiếc bảng đen quen thuộc tại các khu tập thể và trên đó treo những bức ảnh gia đình hạnh phúc đã cũ của những người dân sống trong các khu tập thể mà Thế Sơn đã xin được.

“Thay hình đổi mặt” được nghệ sĩ Thế Sơn và nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế chuẩn bị trong vòng 1 năm nay, gồm các công đoạn nghiên cứu, phỏng vấn, điều tra, chụp ảnh, thi công… “Mô hình nhà tập thể xuất phát từ Pháp. Đó cũng chính là lý do chúng tôi quyết định đưa dự án này triển lãm ở Trung tâm văn hóa L’Espace, biểu tượng của nước Pháp- nơi khởi nguồn của hình thái nhà tập thể” – Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế cho biết.

Trong ký ức của người Hà Nội xưa có tiếng tàu điện leng keng, hương hoa sữa nồng nàn, những tiếng rao đêm và cả những năm tháng thời bao cấp gắn liền với các khu tập thể. Ở đó, tuổi thơ của họ lớn lên yên bình với khoảng sân chung nho nhỏ, những bức tường loang lổ rêu phong và cầu thang đôi khi thiếu sáng.

“Tôi sinh ra, lớn lên, lập gia đình đều ở khu tập thể Thanh Nhàn, sau này, con cái có điều kiện đã mua cho vợ chồng tôi một căn chung cư hiện đại hơn nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những ngày tháng vất vả, cơ cực gắn bó với khu tập thể cũ kỹ ngày nào. Hôm nay đi xem triển lãm, tôi như được sống lại những kỷ niệm đó”- Ông Trần Văn Chiến (Thanh Xuân- Hà Nội) rơm rớm xúc động.

Có thể nói, “Thay hình đổi mặt” là sự kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và nghiên cứu xã hội học. Nguyễn Thế Sơn đã đi khảo sát, tiếp cận hàng chục nhân chứng đã từng gắn bó với nhà tập thể. Theo anh, lịch sử nằm ngay chính những câu chuyện của họ. Bản thân Thế Sơn và Yên Thế cũng đều sinh ra và lớn lên ở các khu tập thể nên cũng có những xúc cảm đặc biệt khi thực hiện dự án này.

“Chỉ cần một dự án mở đường hoặc lấp kênh, cư dân tập thể sẽ được/bị trở thành dân mặt phố. Tầng 1 cho thuê cửa hàng, buôn bán tấp nập. Tầng 2 trở lên kín cổng cao tường để tránh khói bụi, tiếng ồn. Sự đổi đời kéo theo hàng loạt đổi thay về kinh tế, văn hóa, xã hội của những người dân vốn vẫn quen với cuộc sống yên bình trước đó” – Nguyễn Thế Sơn không giấu vẻ nuối tiếc.

Còn với Trần Hậu Yên Thế, ký ức nhà tập thể trong anh là những sân chơi chung rộng rãi, tấp nập trẻ con, những buổi thăm hỏi người già, hay các gia đình cùng nhau nấu chung nồi bánh chưng, rất gắn bó, tình cảm. “Chính vì vậy, khi cuộc sống phát triển quá nhanh, khu tập thể không còn giữ được văn hóa chung nữa mà hầu như nhà nào biết nhà đó, xô bồ, phức tạp thì gia đình tôi đã quyết định chuyển đi chỗ khác sống”- Anh kể.

Không chỉ phải chống chọi với sự bào mòn thời gian, sự mai một của văn hóa, nhà tập thể còn đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn, thay vào đó là những tòa nhà chung cư hiện đại. Tuy nhiên, nghệ sĩ Thế Sơn lạc quan rằng rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Nga, người ta đã lưu trữ một số nhà tập thể điển hình như một bảo tàng sống để phát triển du lịch. Và Việt Nam hoàn toàn có thể làm điều đó.

Món quà cho người khiếm thị

Có lẽ, điều đặc biệt nhất ở triển lãm “Thay hình đổi mặt” là sự xuất hiện của rất nhiều người khiếm thị.

Bên cạnh những bức ảnh phù điêu của Nguyễn Thế Sơn là những bản vẽ kiến trúc thể hiện thiết kế nguyên thủy những khu nhà tập thể của Trần Hậu Yên Thế kèm những thông tin về năm xây dựng, tình trạng hiện nay… Tuy nhiên, anh đã kỳ công thể hiện các bản vẽ kiến trúc bằng “ngôn ngữ” dành cho những người khiếm thị.

Ý tưởng đến với anh khá bất chợt sau khi xem bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”. Trong đó, có cuộc sống của nghệ sĩ ghi ta mù Văn Vượng. Ông sống trong khu nhà tập thể và hằng ngày vẫn hát, vẫn đàn. Trần Hậu Yên Thế đã dành nửa năm trời qua lại với trường mù Nguyễn Đình Chiểu, Hội Người mù, trung tâm phục hồi chức năng tàn tật… để tìm hiểu cách làm chữ nổi.

“Đây là lần đầu tiên tôi đưa con gái đến tham dự một triển lãm thị giác nhưng không chỉ dành cho những người sáng mắt mà còn dành cho những người khiếm thị. Con bé có vẻ thích thú khi thông qua bản vẽ chữ nổi có thể tưởng tượng ra không gian của những ngôi nhà” – Chị Trịnh Thị Hương (Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ tay sang bé Hương Giang đang thích thú lần mò bản chữ nổi trước mặt.

Hai nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Thế Sơn đều từng có nhiều công trình nghiên cứu riêng và chung về những biến chuyển trong đời sống đô thị với những đổi thay về kiến trúc nhà ở, ví dụ các triển lãm “Nhà mặt phố”, “Nhà tây biến hình”, “Song xưa phố cũ”…

“Thay hình đổi mặt” là cái bắt tay tiếp tục dự án dài hơi ấy, giống như một bảo tàng, lưu trữ đầy đủ cả ký ức của quá khứ lẫn nhịp sống của hiện tại.

Thanh Hương

Comments are closed.