Tiếng vọng từ quá khứ và dấu ấn của nghệ thuật đương đại- QDND online

http://hanoi.qdnd.vn/van-hoa-the-thao/tieng-vong-tu-qua-khu-va-dau-an-cua-nghe-thuat-duong-dai-476205 

QĐND Online – Một không gian nghệ thuật mang đậm tính ứng tác với các thực hành của nghệ thuật đương đại đã làm biến đổi hoàn toàn đường hầm sẵn có của nhà Quốc hội.

Đây là kết quả của “Dự án nghệ thuật đường hầm nhà Quốc hội” với sự tham gia của 15 nghệ sĩ và hơn 100 trợ lý kỹ thuật cùng những người thợ lành nghề ở hơn 10 xưởng rải rác trong khắp Hà Nội, Thái Bình và cả cố đô Huế. Công trình nghệ thuật đương đại này là món quà ý nghĩa của Thành phố Hà Nội tặng Quốc hội. Đáng chú ý, đây cũng là 1 trong 10 sự kiện mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm tiêu biểu năm 2018.

 Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Kết nối quá khứ và hiện tại

Sau 3 tháng ròng rã, miệt mài, cuối tháng 11-2018, cụm tác phẩm nghệ thuật đương đại đặt trong không gian thuộc 3 khu vực đường hầm nhà Quốc hội đã được hoàn tất. Từ khu vực đường hầm nhỏ, đường hầm lớn đến lối hầm nhà để xe, công chúng không khỏi ngỡ ngàng với các tác phẩm thuộc nhiều chất liệu. Nào sơn mài truyền thống, sơn dầu, đồ họa, nhiếp ảnh phù điêu; nào sắp đặt đa phương tiện, sắp đặt video art trên lụa, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác và cả các sắp đặt sắt hàn chuyển động…

Chủ nhân của tác phẩm ấy là 15 nghệ sĩ, đến từ nhiều vùng miền và thuộc nhiều lứa tuổi. Mỗi tác phẩm của họ như một dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, từ lịch sử thuở hồng hoang đến cảnh trí rõ ràng tươi mới trong cuộc sống hôm nay. Lịch sử ấy hiện hữu trong các tác phẩm “Cội nguồn dân tộc Việt”, “Hội nghị Diên Hồng”, “Hành trình lịch sử”, “Cây đa Tân Trào”… Nếu huyền thoại Âu Cơ – Lạc Long Quân đẻ ra trăm trứng là nguồn cảm hứng để Triệu Khắc Tiến thể hiện tác phẩm gồm 100 quả trứng bằng chất liệu sơn mài với các họa tiết, hoa văn trang trí gửi gắm khối trầm tích văn hóa Việt thì hình ảnh của hàng trăm bô lão hô vang lời quyết đánh trước vua Trần Thánh Tông và các tướng lĩnh cũng trở thành chất xúc tác để Nguyễn Khắc Quang và Vũ Xuân Đông sáng tạo ra bức tranh kết hợp độc đáo giữa tranh khắc mộc bản và phù điêu chạm trổ thời Trần.

Với thủ pháp nhiếp ảnh phù điêu, Nguyễn Thế Sơn đã dựng lại hình ảnh của Nhà hát Lớn, Ngọ môn Huế, Bưu điện trung tâm thành phố – những công trình kiến trúc tiêu biểu với sự đồng hiện của các nhân vật trong những lớp thời gian khác nhau. Tác phẩm như một tấm phông sân khấu lịch sử khắc họa nên những biến động của thành phố, của con người trong suốt dòng chảy của lịch sử.

Đông đảo khán giả xem “Dự án nghệ thuật đường hầm nhà Quốc hội”.

Và không chỉ là những công trình, những sự kiện, chiều dài lịch sử còn vang vọng trong bóng dáng của “Thềm bậc điện Kính Thiên” (Lê Đăng Ninh), “Lịch sử soi chiếu” (Trần Hậu Yên Thế), “Ba Đình dấu cũ/ Hội nước là đây” (Oanh Phi Phi), “Hóa thạch sống” (Vương Văn Thạo), “Mảnh ghép thời gian” (Nguyễn Xuân Lam), “Vọng niệm” (Phan Hải Bằng)…; trong những khung cảnh giản dị, đời thường của “Những cánh cửa xưa cũ” (Trần Công Dũng), “Những không gian thu nhỏ” (Vũ Kim Thư), rồi “Món quà” (Cấn Văn Ân)… Người xem bắt gặp ở đó một Hà Nội thân quen trong những thềm bậc của điện Kính Thiên, bia Tiến sĩ ở Văn Miếu, sông Tô, phố cổ…. Những hoa văn hóa tiết thời xưa đan cài trong các bức sơn mài, đồ họa trúc chỉ, chạm khắc… như một sự trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật truyền thống.

Bóng dáng của một bảo tàng nghệ thuật đương đại

“Dự án nghệ thuật đường hầm nhà Quốc hội” xuất phát từ ý tưởng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, với sự góp mặt của 15 nghệ sĩ đương đại tên tuổi cùng trên 100 trợ lý kỹ thuật, những người thợ lành nghề đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Trong thời gian 3 tháng, để có tác phẩm phủ kín 500 mét hành lang hầm nhà Quốc quả là một thách thức không nhỏ đối với các tác giả. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn – Giám tuyển nghệ thuật của dự án chia sẻ: “Vẽ ra một ý tưởng xuyên suốt cho một không gian kéo dài hơn một nửa cây số không phải là dễ, nhất là đây lại là không gian chính trị văn hóa quan trọng của quốc gia. Thêm nữa với thời gian 3 tháng để hoàn thiện dự án cũng là một thách thức không nhỏ với các tác giả”. Thế nhưng, thách thức đã được “nhạc trưởng” của dự án hóa giải: “Khi nhận lời thực hiện dự án, tôi lựa chọn những người đã thực hành những tác phẩm từ trước đó. Đây là những người mà tôi đã dõi theo và hoàn toàn có thể yên tâm về tay nghề, kỹ thuật cũng như trách nhiệm. Họ là những gương mặt nổi trội với những nhận diện riêng của nghệ thuật, thế nên khi giao “đề bài” là họ có thể bắt tay vào làm ngay”.

Nhà nhiên cứu Trần Hậu Yên Thế – một trong 15 tác giả tham gia dự án bày tỏ: “Đặc thù là một không gian chính trị và văn hóa quan trọng của quốc gia nên các tác phẩm không chỉ đòi hỏi tính nghệ thuật mà còn cả giá trị tư tưởng cao. Đó là một thách thức và cũng tạo cho các nghệ sĩ những cảm hứng lớn lao, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Việc lựa chọn thời gian là chủ đề xuyên suốt cho các tác phẩm xoay quanh các vấn đề như di sản, ký ức, truyền thống đã được giám tuyển Nguyễn Thế Sơn yêu cầu mang tính định hướng cho các nghệ sĩ. Chính chủ đề thời gian tương tác và ứng tác với không gian rất đặc biệt hàm chứa những giá trị đặc biệt – nhà Quốc hội đã góp phần làm nên thành công của dự án”.

Có thể nói, với một dự án mang những đặc thù riêng, việc lựa chọn chất liệu, hình thức, cách thức sắp đặt, bố trí không gian cho tác phẩm sao cho hài hòa giữa cái chung và cái riêng không phải là một điều dễ dàng. Tuy nhiên với tất cả nỗ lực, sự sáng tạo và tâm huyết; với những thể nghiệm của các loại hình nghệ thuật đương đại, các nghệ sĩ đã đem đến cho không gian của đường hầm tòa nhà Quốc hội một dấu ấn riêng không khác gì một bảo tàng nghệ thuật đương đại. Có lẽ đây là không gian nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam có một bộ sưu tập cố định với đa dạng các loại hình, chất liệu và tác phẩm được thiết kế để dành riêng cho một không gian chuyên biệt. Một không gian thể hiện cách nhìn về di sản qua các thực hành của nghệ thuật đương đại này cũng tạo nên một sự kết nối lý tưởng với hai không gian Bảo tàng cổ vật Thăng Long và Tiền Thăng Long dưới chân tòa nhà Quốc hộị. Nói như giám tuyển Nguyễn Thế Sơn thì: “Sự tương tác kết nối từ không gian gian cổ đại đến đương đại này chắc chắn sẽ mang lại cho người xem một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, giống như một chuyến du hành kết nối mạch nguồn cảm hứng từ những địa tầng lịch sử huy hoàng trong quá khứ tới những cách nhìn đầy sáng tạo của những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại hôm nay”.

Bài, ảnh: GIA PHÚ

Comments are closed.

Contact

×