Ký ức nhà tập thể-Thanh niên
Đã hơn ba chục năm từ khi tiến sĩ vật lý Phạm Long có trong tay con tem hình một tòa nhà tập thể. Con tem này nằm trong bộ sưu tập tem vẽ về các biểu tượng của chủ nghĩa xã hội hồi những năm 1980, được ông gìn giữ như báu vật.
Con tem của ông Long về nhà tập thể có mặt trong triển lãm Thay hình đổi mặt do hai nghệ sĩ, cũng là nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Thế Sơn thực hiện, diễn ra từ 23.9 – 5.11 tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace, Hà Nội. Bản thân triển lãm, bên cạnh việc là một dự án mỹ thuật, cũng là một dự án nghiên cứu nhân học. “Chúng tôi muốn người xem quan tâm đến không gian sống và những ký ức về nó. Vì thế, bên cạnh các tác phẩm ảnh và tranh vẽ nhà tập thể, chúng tôi còn treo các cánh cửa của các căn hộ tập thể”, ông Thế nói.
Trong triển lãm, Nguyễn Thế Sơn sử dụng thủ pháp “nhiếp ảnh phù điêu” để thể hiện con người đã làm gì khiến các khu tập thể thay hình đổi mặt. Chẳng hạn, Sơn chụp ảnh rồi tạo độ nổi bằng những ảnh đó, để người xem thấy rõ những khu nhà tập thể cũ đã được cơi nới ra sao. Ở Hà Nội, việc cơi nới đó rất nhiều, và người ta dùng một từ để nói về điều đó là “làm chuồng cọp”. Chuồng cọp đầu tiên xuất hiện vào khoảng những năm 1980, thoạt tiên chỉ để lấy chỗ phơi quần áo, dần dần đã có diện tích lớn hơn rất nhiều. Sau đó, khi nó quá lớn, người ta thậm chí còn gọi diện tích nhô ra này là “đeo ba lô” cho nhà tập thể. Mới đây, Bộ Xây dựng đã nghiêm cấm các hành vi này để bảo đảm an toàn cho các khu nhà.
Trần Hậu Yên Thế lại hướng tới hình hài nguyên thủy của các khu tập thể. Đó là những mẫu hình xây dựng hạnh phúc mà nhiều cán bộ hồi năm 1980 hướng tới. Trong các tác phẩm này, Yên Thế sử dụng thủ pháp “tranh nổi” dành cho người khiếm thị. Ý tưởng này đến với Yên Thế khi xem phim Hà Nội trong mắt ai. Trong đó, có cuộc sống của nghệ sĩ ghi ta mù Văn Vượng. Ông sống trong khu nhà tập thể và hằng ngày vẫn hát, vẫn đàn.
Di sản kiến trúc hiện đại
Theo các nghệ sĩ thực hiện triển lãm, nhà tập thể cũng chính là một di sản kiến trúc, một di sản ký ức của người Hà Nội. Điều này có vẻ rất gần với quan điểm của GS Lê Văn Lân, người đã thiết kế nhiều công trình kiến trúc của những năm đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa như Cung thiếu nhi Hà Nội, Nhà bưu điện Hà Nội. Theo ông Lân, bản thân những không gian sống thời đó là một phần di sản kiến trúc hiện đại. Chính vì thế, nếu có thể giữ được, nên giữ nó. “Các chuyên gia Triều Tiên đã mang nó đến đây. Và khi các nhà tập thể thời đầu đang xuống cấp, chúng tôi càng muốn giữ ký ức về nó”, ông Thế cho biết.
Dịch giả Nguyễn Đình Thành, trong một chia sẻ, thậm chí đã cho rằng bên cạnh việc phá đi xây lại các khu tập thể cũ cũng nên khoanh vùng giữ lại một vài tòa nhà để trở thành bảo tàng bao cấp. Khu tập thể khi đó ông Thành đề nghị chính là khu Kim Liên. Cụ thể hơn, ông muốn giữ lại tòa nhà, trong đó có rất nhiều nhà khoa học VN như GS Trần Quốc Vượng, GS Trần Đức Thảo đã sống và làm việc. Ở đó, theo ông Thành, nên tái hiện cả bếp dầu, giá sách… những vật dụng như thuở các nhà nghiên cứu đó sử dụng những năm 1980. Còn nhớ, trong cuốn Ba phút sự thật, nhà văn Phùng Quán đã kể chuyện, những căn hộ giống hệt nhau này đã khiến GS Trần Đức Thảo nhầm nhà. Ông đã vào nhà người khác mà cứ nghĩ là nhà của mình. Nếu có thể tái hiện, có lẽ cũng nên để cho thế hệ sau biết những câu chuyện nhà tập thể thú vị như vậy.
Tập thể mà !
Nhà tập thể là sự thay đổi lần thứ tư về nhà ở Hà Nội, từ nhà lá, sang nhà ống, đến nhà có kiến trúc Pháp. Tuy nhiên nhà tập thể không chỉ là nơi để ở mà nó là vật chất hóa một cách rõ nhất của chủ nghĩa tập thể, nơi cá nhân nhường chỗ cho cái chung.
Diện tích 1 căn hộ chỉ rộng hơn 20 m2. Ai có gia đình được phân 1 căn hộ, những ai chưa lập ra đình thì 2, 3 người ở chung 1 căn, chẳng may anh nào lấy vợ thì chỉ còn cách ngăn tấm cót. Chả tiện tí nào cho vợ chồng mới cưới, lại khổ những ông bạn chưa vợ nhưng biết làm sao? Khi các gia đình sinh con, phiền toái xuất hiện nhiều hơn. Cha mẹ không có chỗ riêng tư, con cái ngủ sàn nhà và mùa đông lạnh giá thì thêm manh chiếu. Nhà nào đông con, bữa ăn phải chia làm 2 lần vì không có chỗ ngồi. Ở khu Nguyễn Công Trứ, vì nhà xây gạch nên người ta làm gác xép, do chiều cao căn phòng thấp, nên gác xép chỉ cách trần chừng nửa mét. Vợ chồng mâu thuẫn chỉ nằm cãi nhau, ai nóng nảy ngồi dậy lập tức biêu đầu. Còn các khu lắp ghép bằng tấm bê tông, họ ”phá rào” làm chuồng cọp. Thời sinh viên tôi thường đàn đúm với nghệ sĩ Trọng Trinh, hai đứa đi chơi đêm về muộn phải nhẹ nhàng đặt chân vào khe hở mới ra được chuồng cọp. Thấy nhà Trọng Trinh ”tam đại đồng đường” trong căn hộ hơn 20 m2, nhạc sĩ Trần Hoàn ở tầng 1 thương tình cho chôn 4 cột bê tông làm phòng riêng cho nghệ sĩ.
Ở khu Nguyễn Công Trứ, Kim Liên C và B là những nơi xây đầu tiên thì hành lang chung, 2 nhà chung 1 bếp, 1 nhà vệ sinh và một nhà tắm. Buổi sáng, người nọ chờ người kia, đi ra đi vào vờ ho đánh tiếng không khác gì dân phố cổ. Nhưng cái bếp chung lại có cái hay. Nhà này ăn gì nhà kia biết và ngược lại nhà kia ăn gì nhà này cũng biết. Nếu ăn ngon liên tục có thể bị hàng xóm báo cáo cho tổ chức cơ quan. Như thế bị ghi một dấu hỏi nên không ai dám nhận quà biếu hay tham nhũng.
Ở khu Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công… xây sau bằng cách lắp ghép các tấm bê tông theo phương châm ”thích dụng, tiết kiệm, vững chắc, hợp với mỹ quan trong điều kiện có thể”, cho nên những khối nhà giống hệt nhau về bố cục, không gian đơn điệu thường chỉ dùng kiểu sắp xếp song song, chạy dọc theo các đường trục. Xây dựng, kiến trúc dường như cũng nhất quán triệt để nguyên tắc công bằng, nên diện tích các căn phòng đều bằng nhau. Dù căn hộ đã được tổ chức hợp lý hơn với diện tích phòng ở tương đối thích hợp, có bếp và nhà vệ sinh riêng, tuy nhiên những nhà ở tầng trên có tang đành phải để quan tài ở sân chung tầng một vì cửa quá bé không thể khiêng được quan tài.
Sau năm 1975, nhiều người đi miền Nam mua được xe máy, đi thì sướng nhưng đêm về muộn thật phiền toái. Không biết gửi ở đâu, vì không ai làm dịch vụ cho gửi xe, dắt lên thì nặng, cho nổ máy hàng xóm phê bình, thế nên có đi đâu cũng mau chóng về sớm.
Khổ nhất là nước sinh hoạt. Những tháng năm thiếu nước sạch, dân các khu tập thể nhà nào cũng mua máy bơm để bơm từ bể lên. Mỗi lần bơm nước như đánh trận, người ở trên tầng, người ở dưới hò hét nếu không nhịp nhàng là cháy máy bơm đi toi mấy chỉ vàng. Thời kỳ khó khăn, nhiều nhà dồn chỗ ở để nuôi lợn. Lợn ốm lo hơn người ốm. Mùi phân nồng nặc căn phòng, song lâu cũng quen. Những thứ lợn thải ra, cám ăn không hết họ tống cả xuống ống thoát nước. Cống tắc, chẳng sao, tập thể mà!
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
|
Trinh Nguyễn