LỐ NHỐ MẶT TIỀN- Tạp chí nghiên cứu Mỹ Thuật số 42 – 2012

Thị dân, các thương nhân đã sống ở Hà Nội từ nhiều thế kỷ trước. Vì vốn dĩ Thăng Long là đất Kẻ Chợ. Dẫu vậy, trong xã hội mang mầu sắc Nho giáo phong kiến, tầng lớp thương gia không có vị thế chính trị, địa vị xã hội nào đáng kể. Thêm nữa, hoạt động thương mại, đặc biệt là ngoại thương trong kinh tế thời phong kiến chủ yếu nằm trong tay ngoại kiều. Các vua chúa Đại Việt thành lập các thương điếm kiểu phố Hiến, Vân Đồn, Hội An.., không cho phép họ thâm nhập sâu vào nội địa. Chỉ từ khi Thăng Long đổi tên thành Hà Nội và chính thức trở thành thủ phủ của xứ Đông Dương, thời đại của thị dân chính thức bắt đầu.

1. Nhà mặt phố – Hành trình của sự tha hóa

Cái ý nghĩa mặt tiền là tiền mặt từ đây được ý thức một cách rõ nét. Các cửa hàng mặt phố viết thẳng lên trên tường, trên trán nhà không chỉ tên tuổi mình mà còn cả nội dung quảng cáo các mặt hàng kinh doanh, dịch vụ. Đây là điều mà chỉ vài trăm năm trước người Việt không thể hình dung nổi. Sự tha hóa bắt đầu từ đây.

Khái niệm tha hóa [ Entfremdung ] trong bài viết này được khởi nguồn từ cuốn sách Quan niệm của Các Mác về tha hóa và ý nghĩa của quan niệm đó Đối với phát triển con người Việt Nam hiện nay của TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền (NXB Chính trị quốc gia)[1]. Sự tha hóa cảnh quan Hà Nội hôm nay có liên quan đến hoạt động thương mại và sâu xa chính là quy hoạch đô thị.

Thực ra đây không phải lần đầu tiên, những ngôi nhà không hoàn toàn chỉ dành cho việc ở, cũng không phải lần đầu tiên người Hà Nội sử dụng mặt tiền cho hoạt động kinh doanh.

Tại số nhà 63 trên phố Phùng Hưng (cuối phố Nguyễn Văn Tố hiện nay, trên mặt tiền đắp nổi dòng chữ Hán:  Tân Hoa Đại Tửu Điếm, phía dưới ghi bằng tiếng Pháp: HSING HWA HOTEL RESTAURAN. Ở vị trí khá đắc địa và quy mô của ngôi nhà ba tầng này cho ta hình dung thời hoàng kim của nó. Cách gọi tên cho thấy đây là ngôi nhà của người Hoa. Kinh doanh lĩnh vực ăn uống, giải trí vốn là sở trường của người Hoa. Các tửu điếm của người Hoa có khắp nơi trên thế giới. Ở phía đầu Cửa Nam, hiện nay là ngôi nhà số 73A, vốn là cửa hàng kinh doanh vàng bạc. Phần đắp nổi ở tầng hai là dòng chữ còn được thấy một phần của hàng chữ HIỆU BÁN ĐỒ VÀNG BẠC, có hai con rồng đắp nổi hai bên, ở phía trên là THANH MY (có thể là THANH MỸ, chữ không dấu).

Tại ngã tư Hàng Bông cắt Quán Sứ, có một cửa hiệu hớt tóc và nhà tắm của Phạm Ngọc Phúc. Thật thú vị, có lẽ đây là một trong những cửa hiệu cắt tóc và tắm gội nổi tiếng bậc nhất thời đó, chí ít cũng đủ để chủ nhân của nó viết lên tường to tướng tên cúng cơm của mình. Nhà tắm công cộng và cửa hiệu cắt tóc là kết quả của du nhập văn minh phương Tây. Hiện nay phía dưới tầng một ngôi nhà này – là con cháu của doanh nhân Phạm Ngọc Phúc vẫn còn duy trì cửa hiệu cắt tóc, nhưng quy mô khiêm tốn hơn nhiều. Ở số nhà 94 Lê Duẩn hiện nay vốn là cơ sở hãng Nam Sơn, chuyên bán vôi và gạch ngói. Hàng chữ NAM SƠN bằng chữ Quốc ngữ, hai chữ  và  nằm ở hai bên. Phía dưới là hàng chữ Tuiles mescaniques & Chaux. . Một nhà tư sản khác cũng liền ngay đấy dựng hai chữ DONG BICH (Đông Bích) đầy kiêu hãnh. Có thể thấy rõ sự đan xen ba loại văn tự Quốc Ngữ – Pháp ngữ – Hán ngữ xuất hiện trên các biển báo quảng cáo có liên quan đến sự phức tạp của bối cảnh mưa Âu gió Á này. Mặc dù chữ Hán đã bị chấm dứt sử dụng từ năm 1919, chữ Quốc ngữ được dùng chính thức từ năm 1882 nhưng giá trị thẩm mỹ của chữ Hán vẫn không gì thay thế được. Rất nhiều chữ Hán đại tự vẫn xuất hiện nhiều trên những ngôi nhà mặt phố. Những chữ Hán mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, thể hiện sự mong ước của gia chủ như thường thấy các chữ Phúc Thái, Thiên Nhiên, Đức Vượng, Vĩnh An

Nhưng tất cả những dòng chữ ấy, dù to đến đâu cũng không choán hết các ô cửa sổ, các ban công. Đồng tiền vẫn không thể chia cắt, tách rời con người khỏi thiên nhiên. Đồng tiền cũng không phủ lấp diện mạo thân phận, nhân cách của họ – vị thế của những người chủ. Đó là điều rất khác của những ngôi nhà mặt phố Hà Nội 100 năm về trước.

Trong suốt thời gian dài sau hòa bình lập lại ở miền Bắc đến trước thời kỳ Đổi mới, những ngôi nhà mặt phố bình yên hơn bao giờ hết. Hà Nội nghèo khó nhưng thanh bình như lời bài hát Hà Nội một trái tim hồng của nhạc sỹ, họa sỹ Nguyễn Đức Toàn ‘những ánh đèn qua ô cửa sổ, bầu trời đêm cháy bỏng tình yêu’. Đổi mới mở cửa đã tạo nên sự sôi động cho thành phố. Nhưng quá trình mở cửa này lại nhanh chóng bịt lại những ô cửa sổ, những tầm nhìn lãng mạn ở các ban công. Nó là trầm trọng hơn nữa những căn nhà hình ống. Hãy hình dung một căn phố như vậy về đêm.

2. Gương mặt thành phố soi chiếu vào nghệ thuật

Tiếng nói của nghệ thuật Việt Nam với cảnh quan đô thị, phần nhiều là sự thở dài tiếc nuối những quá khứ êm đềm. Từ góc nhìn nhân học về hiện tượng này, bài viết Tranh vẽ về Hà Nội: sự nuối tiếc quá khứ trong các bức tranh phong cảnh đô thị Việt Nam đương đại của Lisa B.W. Drummond. Trong nghiên cứu này, Lisa mong mỏi có nhiều hơn những nghệ sỹ dám trực diện với những vấn đề mới của văn hóa đô thị như “vai trò ngày càng gia tăng mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong đời sống xã hội”, “sự trống rỗng và sức mạnh tàn nhẫn của nhu cầu của xã hội tư bản[2]. Nguyễn Thế Sơn là một nghệ sỹ trẻ dám đối mặt với những vấn đề đương đại của đô thị Việt Nam. Triển lãm Nhà mặt phố của anh tại Viện Goethe ngày 8/3/2012 vừa qua thực sự đã phơi bày hiện tượng tha hóa cảnh quan đường phố – mà thủ đô Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu.

Các tấm biển quảng cáo thương mại là nhiệt kế cho sự năng động của thành phố. Thế Sơn đã phơi bày một diện mạo mới, những khuôn mặt thành phố bị mù lòa bởi chính những đôi mắt mỹ nhân mở to đầy gợi cảm trên các biển quảng cáo, chán nản với những thông điệp và những thương hiệu nhan nhản khắp nơi như diễu nhại tình cảnh tắc đường, kẹt xe giờ tan tầm.

Những con người sống trong những ngôi nhà có mặt tiền hướng ra phố đang đối mặt với một áp lực của đồng tiền – mặt tiền, tiền liền với mặt. K.Marx là người đầu tiên nhận ra và phân tích sự tha hóa của con người trước cám dỗ của đồng tiền, sự sung bái vật chất. Là họa sỹ trẻ trong những năm gần đây, Thế Sơn tập trung vào các vấn đề của đô thị. Sự chuyển biến từ việc vẽ, chụp ảnh các ngôi nhà mặt phố đang trong quá trình xây dựng (triển lãm Tầm cao mới, 2009) sang những ngôi nhà thành cột quảng cáo là sự tập trung vào quá trình tha hóa kiến trúc đô thị. Người Việt coi ở nhà Tây là một trong những tiêu chuẩn của ‘sung sướng’([3]). Những ngôi nhà với những ban công và ô cửa lớn từ tầng hai nhìn ra phố đã là một trong những biến đổi quan trọng nhất của diện mạo đô thị Việt Nam đầu thế kỷ XX [4]. Cũng khoảng 100 năm sau, một quá trình bịt lại những tầm nhìn này cũng diễn ra mạnh mẽ ở các khu phố mới ở các đô thị chúng ta. Triển lãm tại Viện Goethe trên một con phố nổi tiếng không chỉ có Bảo tàng Mỹ thuật mà còn là con phố của các cửa hiệu quảng cáo. Liệu NMP (nhà mặt phố) có liên quan gì tới bố làm to? – Đó là câu hỏi mơ hồ mà triển lãm Nhà mặt phố dành cho chúng ta[5]. Dẫu sao, NMP đích thực là một máy ATM, nhanh chóng, chính xác, an toàn và hiệu quả.

Vào tháng Ba nhưng năm năm về trước (năm 2007) cũng tại Viện Goethe, nhiếp ảnh gia Thanh Long đem đến một triển lãm cái tên rất lạ Homeless at Home (tạm dịch là tha phương trên chính quê nhà). Một tâm trạng chung là sự bất ổn, xa lánh, cô đơn ngay với cả quê hương mình. Nhưng với Thanh Long, chúng ta có thể hình dung được thân phận của một đứa trẻ đi từ một miền quê Việt Nam nhập cư vào châu Âu. Còn với Thế Sơn, cái tâm trạng bơ vơ, xa lạ trên chính mảnh đất mình đang sống, trên chính quê hương mình sau mỗi lần trở về từ nước ngoài đã làm người nghệ sỹ trăn trở và suy ngẫm về giá trị của những đổi thay hôm nay

Trần Hậu Yên Thế


[1] Ban đầu người viết chọn chữ Dị hóa vì thuật ngữ [ Entfremdung ] chuyển ngữ sang tiếng Trung là Dị hóa. Nhưng tha hóa có một nghĩa mà dị hóa không có là sự xê dịch khỏi vị trí ban đầu, chẳng hạn như tha phương, tha hương, tha thẩn. Người Nhật dịch là Sơ ngoại    cũng gần với cách chuyển ngữ của các học giả Việt Nam nhưng có lẽ người Việt dịch sát nghĩa hơn. Tha hóa cũng khác dị hóa ở chỗ: dị hóa thường làm ta liên tưởng tới cái gì đó xấu xí, nhưng tha hóa của đôi khi lại mang những bộ mặt mỹ miều và khả ái. Tha hóa cũng không giống lão hóa. Chẳng hạn những công trình kiến trúc khoác một màu thời gian rêu phong cổ kính,  có thể một số cấu kiện kiến trúc bị mối mọt, lung lay – đó là hiện tượng lão hóa tự nhiên của một công trình. Nhưng một ngôi nhà vừa mới xây xong với đầy đủ ban công, cửa sổ, phào nẹp trang trí đầy đủ, bỗng một ngày kia bị bịt lại kín mít thành một cột quảng cáo sáng choang, để mặc cho phía sau sự tối tăm, oi bức, thì đó là một quá trình biến đổi về công năng – đấy chính sự tha hóa.

[2] (Consuming Urban Culture in contemporary Vietnam, edited by Lisa B.W. Drummond and Mandy Thomas, RoutledgeCurzon, 2003) – tài liệu chuyển ngữ do Bùi Hoài Sơn cung cấp.

[3] Ăn cơm Tầu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, trong ba cái sung sướng ấy, nhà Tây là một mong ước về một không gian sống tiện ích, văn minh.

[4] Trần Hậu Yên Thế (2010), Ban công Hà Nội, di sản một tầm nhìn. Bài tham gia Hội thảo Bản sắc Văn hóa Hà Nội trong văn học nghệ thuật thế kỷ XX.

[5] Nhà mặt phố bố làm to là thành ngữ hiện đại. Trong giai đoạn trước Đổi mới, bố làm to chưa chắc đã ở nhà mặt phố. Hiện tượng mặt phố kín mít quảng cáo tập trung ở các khu phố mới mở rộng ở Hà Nội như Thái Hà, Kim Liên, Trần Duy Hưng, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu…và căn bệnh này đang nhanh chóng lây lan sang các thành phố khác.

Comments are closed.