“Làm mới” tranh Hàng Trống trên chất liệu “xưa cũ”- QĐND online

https://hanoi-cdn.qdnd.vn/van-hoa-the-thao/lam-moi-tranh-hang-trong-tren-chat-lieu-xua-cu-479030

QĐND Online – Những tinh hoa mỹ thuật đặc sắc của dòng tranh dân gian Hàng Trống đã trở nên tươi mới hơn bằng các chất liệu truyền thống khác trong nền hội họa Việt Nam, đó là sơn mài và lụa.

Thời gian qua, thầy và trò trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã thực hiện dự án “Từ truyền thống tới truyền thống” với hy vọng kế thừa tranh Hàng Trống, kết hợp với sức sáng tạo của tuổi trẻ để bảo tồn, phát huy biểu tượng văn hóa xứ kinh kỳ. Một số tác phẩm hiện đang được trưng bày tại đình Nam Hương, số 75 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tranh Hàng Trống từ lâu đã được biết đến là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của dân tộc Việt Nam. Tranh được được sản xuất tại phố Hàng Trống, Hàng Nón và Hàng Quạt của huyện Thọ Xương xưa kia. Không giống với tranh Đông Hồ hay tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống sử dụng giấy có chiều dài, rộng và nền trơn để họa sĩ có thể dễ dàng trong việc vẽ tranh. Tranh sau khi được in và in ván gỗ thì người nghệ nhân sẽ tiếp tục bồi giấy nhằm giúp bức tranh nổi bật với những nét vẽ đậm và rõ ràng hơn. Sau khi hồ khô, người nghệ nhân sẽ vẽ thêm màu lại một lần nữa. Thông thường, những bức tranh thành phẩm cần phải mất từ 3-4 ngày. Bức tranh sau khi được hoàn thành sẽ được lồng trục vào hai đầu để treo trên tường.

Khách tham quan triển lãm là những người có tình yêu với tranh Hàng Trống và giá trị nghệ thuật dân gian nói chung.

Ngày nay, không nhiều người còn biết đến giá trị của tranh Hàng Trống cũng như các dòng tranh khác, khiến chúng đang phải đối mặt với tình trạng mai một. Dòng tranh mang hồn bản sắc dân tộc ấy lại đang lùi dần vào quá khứ. Hiện tranh Hàng Trống chỉ thường được lưu giữ trong bảo tàng và trong sự nỗ lực của những nhà sưu tầm tranh. Đây là lý do mà một nhóm sinh viên chuyên ngành lụa và sơn mài, dưới sự hướng dẫn của hai giảng viên-họa sĩ Triệu Khắc Tiến và Nguyễn Thế Sơn, tại Khoa Hội họa, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, quyết định lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống để viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống này bằng sơn mài và lụa.

Để cho ra được 25 tác phẩm bao gồm tranh và tác phẩm sắp đặt trên sơn mài và lụa trong triển lãm, trong vòng 1 tháng, các bạn sinh viên tham gia dự án đã tiếp thu, khám phá trực tiếp từ những trải nghiệm thực tế với nghệ nhân Lê Đình Nghiên- nghệ nhân cuối cùng của tranh Hàng Trống; cũng như đề xuất những phương án sáng tạo tới các tác phẩm lấy cảm hứng từ chính tranh Hàng Trống và có thể sáng tác ngay trong chính không gian ngôi đình Nam Hương tọa lạc trên phố Hàng Trống.

Một số tác phẩm sơn mài tại triển lãm.

Mỗi tác phẩm của các bạn sinh viên đều là những phương án ứng tác, từ những tác phẩm mang xu hướng thiết kế, cho đến những tác phẩm mang tính thử nghiệm có khả năng tương tác cao chứa đựng những suy tư về giá trị di sản của văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại. Đến với triển lãm, người xem có thể thấy “Cô Ba”-một trong những tác phẩm tiêu biểu của tranh Hàng Trống được đặt bên cạnh một “Cô Ba” bằng chất liệu sơn mài lạ mắt. Hay bức “Cá chép vượt vũ môn” của tranh Hàng Trống lại trở nên nổi bật trên nền mành lụa treo ở cửa ra vào của không gian trưng bày.

Họa sĩ Triệu Khắc Tiến cho biết, tranh Hàng Trống từ lâu đã được đánh giá rất cao về chất lượng, sự mềm mại, tinh vi và rất mảnh mai. Giữa tranh Hàng Trống với nghệ thuật sơn mài, vẽ lụa cũng như nghệ thuật đương đại có nhiều điểm tương đồng có thể phát triển. Đặc biệt, tranh Hàng Trống sử dụng các nét rất tinh tế thì cũng giống với kỹ thuật đi nét của tranh sơn mài. Với tinh thần muốn đem đến cho mọi người hiểu thêm về “những điều xưa cũ mới mẻ”, nhóm thực hiện muốn bảo tồn, phát huy giá trị tranh Hàng Trống trong xã hội hiện đại.

Một số tác phẩm lụa lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống.

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, dự án lấy cảm hứng từ chính tranh Hàng Trống và đình Nam Hương nằm ở phố Hàng Trống-nơi đã sản sinh ra dòng tranh này. Cũng chính tại nơi đây, tranh Hàng Trống đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần. Từ ý tưởng đó, anh và đồng nghiệp Triệu Khắc Tiến đã xây dựng dự án bảo tồn di sản tranh Hàng Trống “Từ truyền thống tới truyền thống” với mong muốn lịch sử dòng tranh này được viết tiếp bởi các thế hệ họa sĩ trẻ. 

Với Nguyễn Trang, thành viên của nhóm, dự án này là một nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị của tranh Hàng Trống trong xã hội hiện đại. “Chúng tôi lựa chọn hình ảnh từ tranh Hàng Trống rồi đặt trong bối cảnh mới trên chất liệu sơn mài và lụa. Đó là một nỗ lực nhỏ bé để góp phần quảng bá, bảo tồn dòng tranh của người dân Hà thành xưa và Hà Nội ngày nay”, Nguyễn Trang chia sẻ.

Tác phẩm sách sơn mài của hai sinh viên Hoài Giang và Nguyễn Trang. Các tác giả đã ghép những loại thực vật xuất hiện trong các tranh Hàng Trống để tạo thành “một khu vườn”. 

Không phải là “dân chuyên” mỹ thuật nhưng bạn Nguyễn Anh Khoa, sinh viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cũng cho rằng những tác phẩm này chính là một góc nhìn mới về tranh Hàng Trống được những người trẻ đưa lên những chất liệu khác nhau. “Không chỉ riêng ngành mỹ thuật, giá trị của tranh Hàng Trống còn có thể được khai thác trong ngành thiết kế, kiến trúc. Mình là một người yêu nghệ thuật truyền thống và chắc chắc sau này mình cũng sẽ có những sản phẩm lấy cảm hứng từ chính tranh Hàng Trống và nhiều tinh hoa mỹ thuật khác của dân tộc”, Nguyễn Anh Khoa khẳng định.

Diễn ra trong gần 2 tháng (đến hết ngày 20-12), triển lãm lần này được kỳ vọng có thể kích thích sự quan tâm của giới trẻ và cộng đồng trước những vấn đề sống còn của các giá trị di sản văn hóa nói chung, cũng như của nghệ thuật tranh Hàng Trống nói riêng. Sự kiện lần này còn là dịp để cổ vũ và tôn vinh những sáng tạo cá nhân của những sinh viên, những nghệ sĩ trẻ trên con đường sáng tác độc lập phía trước. Đây cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản một cách có tính sáng tạo hơn.

Bài và ảnh: MINH ANH

Comments are closed.