Lòe loẹt, hớn hở, cuồng loạn, nghẹt thở với Nhà mặt phố- Giáo dục thời đại

http://www.baomoi.com/Loe-loet–hon-ho-cuong-loan–nghet-tho-voi-Nha-mat-pho/52/11837851.epi

(GD&TĐ) – Lòe loẹt, hớn hở, trăm hoa đua nở như những chiếc mặt nạ, để ẩn giấu bên trong một sự cuồng loạn và nghẹt thở, như đang chờ một cuộc đại phẫu… Đó là những cảm nhận về Dự án “Nhà mặt phố” của tác giả Nguyễn Thế Sơn – dự án được thai nghén trong 2 năm tác giả mục sở thị sự đổi thay đô thị lớn Việt Nam.

Những góc nhìn lạ của Nguyễn Thế Sơn về nhà mặt phố, với kỹ thuật nhiếp ảnh phù điêu (photo relievo) – hay nói nôm na là ảnh 3D – đã phác họa sống động, chân thực diện mạo phố phường Hà Nội và Sài Gòn.
Nguyễn Thế Sơn đã chia sẻ, tâm sự về ý tưởng, quá trình hình thành dự án “Nhà mặt phố” với GD&TĐ:
“Tôi là một người trẻ trong xã hội Việt Nam hiện đại, là thế hệ chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới, bản thân tôi chỉ còn dính líu chút ít ký ức tuổi thơ với những thứ của thời bao cấp trước đổi mới. Với một sự phát triển không ngừng nghỉ, va chạm các giá trị trong sự hòa nhập với thế giới là điều khó tránh khỏi. Các giá trị mới luôn xuất hiện với tần suất chóng mặt.
Quá trình mở cửa đã tạo nên sự sôi động cho thành phố, các tấm biển quảng cáo thương mại là nhiệt kế cho sự năng động của thành phố. Nhưng quá trình mở này lại nhanh chóng bịt lại những ô cửa sổ, những tầm nhìn lãng mạn ở các ban công, chốt những ngôi Nhà Mặt Phố từ bên trong lẫn bên ngoài. Nó làm trầm trọng hơn nữa những căn nhà hình ống cao ngất ngưởng.
Nói cách khác nó là sự chấm hết của kiến trúc. Một diện mạo mới của thành phố dần được hình thành, những khuôn mặt thành phố bị mù lòa bởi chính những đôi mắt mỹ nhân mở to đầy gợi cảm trên các tấm biển quảng cáo, chán nản với những thông điệp và những thương hiệu nhan nhản khắp nơi. Để đến khi màn đêm buông xuống thay vì những ánh đèn hắt ra từ các ô cửa sổ, các con phố lại trở nên kỳ ảo với những hệ thống đèn led chạy lên chạy xuống, dọc ngang của các tấm biển nhà hàng karaoke đủ loại.
Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2006 khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, tham gia vào sân chơi chung của kinh tế toàn cầu hóa, cùng với sự bùng nổ của công nghệ quảng cáo thì cũng là lúc phát triển rầm rộ xu hướng “bịt mặt” các “Nhà Mặt Phố” bằng những tấm biển quảng cáo quá cỡ.
Mỗi ngày cả thành phố lại xuất hiện thêm hàng trăm tấm biển quảng cáo mới, cái sau to hơn cái trước, cái sau cao hơn cái trước, hiện đại hơn, bắt mắt hơn. Tất cả các công nghệ quảng cáo mới nhất được du nhập với 1 tốc độ chóng mặt. Mặt tiền ngôi nhà là mặt duy nhất để ánh sáng và gió tự nhiên đi vào thì luôn bị đóng chặt cửa hoặc bị bọc kín bởi các tấm biển quảng cáo cỡ lớn.
Lý do được đưa ra là vì đường phố quá bụi và ồn ào, đồng thời là vì lợi ích kinh tế nên cần phải quảng cáo, phải thu hút càng nhiều sự chú ý càng tốt. Cảnh phố phường Hà Nội với những ngôi nhà và ban công thoáng đãng từ lâu đã nhường chỗ cho một khung cảnh tấp nập, ồn ào cùng với đó là những tấm quảng cáo lớn, đầy màu sắc đang che lấp đi những gì là tự nhiên để nhường chỗ cho một bộ mặt mới hào nhoáng hơn.
Và dần dần không gian riêng tư của mỗi gia đình biến thành không gian công cộng từ lúc nào không biết. Những cánh cửa sổ vốn là đôi mắt của ngôi nhà, mà đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thì nay những đôi mắt ấy bị bịt kín lại, bị hy sinh cho những mục đích khác thực dụng hơn. Hiện tượng điển hình này của “Nhà Mặt Phố” mới ở Việt Nam đã là một hiện tượng được mã hóa, hàm chứa rât nhiều mối quan hệ chồng chéo, phức tạp về chính trị, xã hội, kinh tế…
Để giải mã được nó là vấn đề không hề đơn giản. Nếu dùng tư duy logic của chủ nghĩa hiện đại để quy nạp hóa, điển hình hóa nó rồi vội vã đưa ra kết luận chắc chắn khó có thể bao quát được hết. Chính vì vậy tôi đã tiến hành theo quan điểm tư duy của chủ nghĩa hậu hiện đại khi chuyển sự lý giải cho người xem, người xem sẽ có quyền quyết định, họ sẽ hoàn thiện nốt tác phẩm.
Vai trò của người nghệ sỹ lúc này chỉ là đưa ra một câu chuyện, một hiện tượng thị giác nhằm thúc đẩy sự giải mã của người xem. Tôi không có kết luận mà chỉ đưa ra một hiện tượng. Tôi không cố gắng giải thích nội dung, tôi chỉ đóng vai trò của một người biên sử cho thời đại mà tôi đang sống thông qua cách kể chuyện sinh động hơn bằng những mô hình…”

Nguyễn Thế Sơn sinh năm 1978 tại Hà Nội.

Cử nhân ngoại ngữ tiếng Trung Quốc tại ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (nay là ĐH Hà Nội); Cử nhân ĐH Mỹ thuật Hà Nội; Thạc sỹ nhiếp ảnh nghệ thuật tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc). Ý tưởng và bộ ảnh Nhà mặt phố đã giúp anh nhận giải thưởng danh giá của học viện này.

Hiện là giảng viên tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam.

Một số hình ảnh trong dự án “Nhà Mặt Phố” của tác giả Nguyễn Thế Sơn – đã từng được trưng bày tại Viện Goethe – cuối năm 2012:

PV

Comments are closed.