Luận văn tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật khoa Hội họa Đại học Mỹ thuật Hà nội 2002

Những khuôn mặt mới

trong sơn dầu Trung Quốc thời kỳ sau mở cửa

MỞ ĐẦU

Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc – một cuộc cách mạng diễn ra trong suốt 10 năm với tính chất quá tả đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lịch sử phát triển xã hội Trung Quốc. Ngày nay khi nhìn nhận lại cuộc đại cách mạng văn hóa này chúng ta không thể phủ nhận được một số những đóng góp tích cực của nó hay nói như quan điểm của Kogat Rahke: “Mỗi thời đại đều lý thú và tự nó có ý nghĩa hệ trọng, điều đó không phụ thuộc vào mối liên hệ của nó với quá trình tiếp theo của lịch sử”, song chúng ta cũng không thể phủ nhận được đó là một giai đoạn mà Trung Quốc hoàn toàn đóng cửa với thế giới bên ngoài, chỉ xoay trần với những hành động đấu tố tàn sát lẫn nhau dẫn đến sự đói nghèo và điêu tàn. Tình hình bi đát đó chỉ thực sự được thay đổi từ khi chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời, tứ nhân bang bị bắt và bị đưa ra xét xử, Trung Quốc bắt đầu có những biến đổi về chính trị, kinh tế và xã hội. Ở đây tôi không muốn đề cập nhiều đến vấn đề chính trị mà chỉ muốn xem nó như một bối cảnh lịch sử đã đưa giai đoạn nền hội họa Trung Quốc nói chung và tranh sơn dầu Trung Quốc nói riêng bộc lộ được trọn vẹn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống nghệ thuật và cả những thăng trầm lịch sử đầy biến động.

Đây là một thời kỳ mà tiếng nói và thái độ cá nhân của người nghệ sỹ được bộc lộ một cách rõ nét với nhiều diện mạo hướng thẳng tới số phận con người, tới những thăng trầm của đời sống xã hội Trung Quốc đương đại, mở ra những giá trị nhân văn mới trong nghệ thuật. Những quan điểm sáng tác, những thủ pháp mới của họ đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật sau này.

  1. Phần I: Khái quát nghệ thuật đương đại Trung Quốc

Bối cảnh: Sau một thời gian dài Trung Quốc bị chìm trong những cuộc khủng hoảng bê bối của cách mạng văn hóa, Đặng Tiểu Bình đã tiến hành cuộc cải cách lớn có ý nghĩa như một bước ngoặt trong lịch sử phát triển cảu đất nước. Đặng Tiểu Bình đã đưa kinh tế thị trường vào Trung Quốc và mở toang cánh cửa văn hóa ra thế giới.

Từ sau khi tiến hành cải cách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã hoàn toàn khởi sắc. Các thành phần kinh tế đua nhau phát triển, tận dụng mọi cơ hội đầu tư của nước ngoài về vốn cũng như công nghệ kỹ thuật để thúc đẩy cỗ máy kinh tế cồng kềnh với gánh nặng hơn 1 tỷ dân. Chỉ sau 10 năm, từ một đất nước Trung Hoa điêu tàn sau cách mạng văn hóa giờ đây đã hồi sinh và có nhiều bước đột phá mạnh mẽ.

Cùng với sự khởi sắc về kinh tế, một thời đại nghệ thuật mới đã ra đời- thời đại sáng tác và thể hiện những ý tưởng, mong muốn khẳng định mình. Chính những khát khao đi tìm tự do đó đã dẫn đến một sự chuyển mình, một sự lột xác cả về nội dung lẫn hình thức trong nghệ thuật. Rất nhiều khuynh hướng trào lưu mới đã xuất hiện do ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại phương Tây như “readymades”, “performance”, “instalation”, “land art”… Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn bàn đến khía cạnh hội họa giá vẽ, cụ thể là sơn dầu.

Nửa đầu thế kỷ này, tranh sơn dầu Trung Quốc chưa thực sự tìm được tiếng nói riêng, chưa bộc lộ được mình cũng như chưa đóng góp gì cho sự phát triển của lịch sử sơn dầu thế giới. Thời kỳ đầu khi mới du nhập vào Trung Quốc, tranh sơn dầu chỉ là loại tranh thương phẩm nhằm quảng cáo cho các loại hàng lưu niệm của khách du lịch, hàng hóa của thương nhân ngoại quốc. Tranh vẽ chân dung các bức Thánh được lưu hành rộng rãi ở Thượng Hải. Đây là những loại hình tranh sơn dầu thử nghiệm ban đầu ở Trung Quốc. Thời kỳ này xuất hiện một số họa sỹ tiêu biểu như Từ Bi Hồng, Hương Ngọc Lương, Ngọc Đại Mao, họ là những lưu học sinh du học ở nước ngoài về, tiếp thu được phong cách sơn dầu phương Tây, dần dần biến đổi sang phong cách mang màu sắc Trung Quốc, định hình một loại hình nghệ thuật hoàn hảo, thể hiện được quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Thế nhưng, từ sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, những tiếng nói non trẻ của các họa sỹ mới manh nha tìm được hướng đi trong sáng tác nghệ thuật đã lại phải hy sinh bản sắc của mình cho những mục đích tuyên truyền chính trị. Sau những năm 50, do tình hình chính trị thế giới phân chia thành 2 phe chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, trào lưu sơn dầu của Pháp hay Nhật Bản không còn phù hợp với thời đại nữa. Từ đây toàn bộ nền mỹ thuật Trung Quốc đã chuyển hướng sang phong cách mỹ thuật Liên xô, từ tư tưởng nghệ thuật đến tư duy sáng tác và cả nội dung thể hiện đều chịu ảnh hưởng nặng nề của hội họa Xô viết, trong đó rõ nét nhất là sơn dầu.

Vào thời kỳ này với phương châm “Ngay hôm nay của Liên xô chính là ngày mai của chúng ta”, giới họa sỹ Trung Quốc đã lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm tư tưởng chủ đạo duy nhất. Cũng chính vì vậy mà thời gian đó quốc họa cổ của Trung Quốc cũng bị đem ra phê phán, đồng thời một số trường phái hội họa mới của phương Tây như chủ nghĩa ấn tượng cũng bị coi như một sự xâm lược về văn hóa của chủ nghĩa đế quốc. Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, vì thế người họa sỹ cũng phải thể hiện được tư tưởng của xã hội đương đại. Tranh của họa sỹ Trung Quốc giai đoạn này rất qui mô, hoành tráng, khoa trương, mang màu sắc của trào lưu cực tả song lại rất hiếm thấy một sự sáng tạo mới nào và thật khó phát hiện ra phong cách riêng của từng họa sỹ trong giai đoạn này. Nhân vật trogn tranh của họ thường mang tính siêu hình, thoạt nhìn thì thấy các họa sỹ rất cố gắng chú ý khai thác những trạng thái, diễn biến tâm ly của nhân vật song xét về tổng thể thì các nhân vật này lại giống hệt nhau như những bản sao. Có lẽ họ được các họa sỹ dựng lên như những mẫu người lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Dường như tính giai cấp, đạo đức chính trị, tinh thần đấu tranh cách mạng là những chuẩn mực thước đo giá trị nghệ thuật của giai đoạn này. Vì thế các nhân vật thường được xây dựng theo 2 motip điển hình: hoặc ở trạng thái căm hờn hoặc ở trạng thái hớn hở. Nếu vẽ về đề tài chiến tranh thì có những khuôn mặt luôn sục sôi ý chí chiến đấu, còn khi vẽ về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội thì sẽ là những vẻ mặt hớn hở và tinh thần hăng say. “Yêu, căm, chiến, mạn” là 4 tiêu chí cơ bản của tranh thời kỳ này. (Yêu là yêu nước, căm là căm thù giặc, chiến là chiến đấu, mạn là lãng mạn)

Tính chất siêu hình của các nhân vật được xây dựng trên cơ sở những thủ pháp đơn điệu và phiến diện. Theo “Nhân loại học” thì con người khác con vật ở chỗ không chỉ biết lao động mà còn có trí tuệ, biết vui chơi giải trí và có tôn giáo riêng. Công nhân, nông dân, trí thức chỉ là sự phân loại căn bản trên công cụ lao động mà thôi, về cơ bản đã là con người thì phải có biết bao nhu cầu, biết bao khát vọng và biết bao trạng thái tâm lý vô cùng phức tạp, phong phú. Bởi mỗi con người là 1 cuộc sống, không ai giống ai cả.

Một đặc điểm nữa của tranh giai đoạn này là người họa sỹ không tạo nên được tính cách cá biệt cho nhân vật của mình cho nên các hình tượng trong giai đoạn này thiếu tính nhân văn, không có diện mạo riêng. Chỉ có duy nhất một nhân vật được phép tồn tại, đó là lãnh tụ, nhưng rồi chính hình tượng lãnh tụ cũng trở nên siêu hình như một vị thánh, không có thực. Chính vì vậy số tranh vẽ về đề tài lãnh tụ tuy nhiều không kể xiết nhưng thành công thì thật khiêm tốn.

Mặt khác tranh thời kỳ này lảng tránh yếu tố con người nên rất ít gặp những bức tranh khỏa thân hay tranh vẽ về những con người cô độc. Người ta sợ phải đối diện với những trạng thái cũng như những nhu cầu thật nhất của con người. Nếu nhìn một cách toàn diện thì đây không chỉ là hạn chế của từng giai đoạn mà là hạn chể mang tính lịch sử. Cái tôi đã bị hòa lẫn với cái ta. Thế rồi cái tôi mỏng manh ấy lại tiếp tục bị hy sinh cho cái gọi là chủ nghĩa tập thể giáo điều của Trung Quốc. Điều này trái hẳn với truyền thống văn hóa phương Tây, một truyền thống văn hóa mà trước hết luôn nhấn mạnh ý thức cá nhân, “tôi tư duy tức là tôi tồn tại”.

Sau cải cách mở cửa, hội họa Trung Quốc như đón nhận một luồng gió mới và bừng tỉnh dậy. Hơn bao giờ hết, cái tôi, cái cá nhân được các họa sỹ ý thức một cách sâu sắc và tiếp thu nhanh chóng. Một lớp họa sỹ thứ 3 ra đời sau cách mạng văn hóa, họ sinh ra vào những năm 60, tốt nghiệp vào những năm 80, trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, khi chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới, họ đã trưởng thành và có những ưu điểm khác biệt trong tư tưởng và thái độ so với thế hệ trước. Trào lưu hiện đại của phương Tây xâm nhập mạnh mẽ đã ảnh hưởng đến tư tưởng của họ. Giờ đây, các họa sỹ trẻ đã có cơ hội học hỏi thêm nhiều cái mới trong nghệ thuật. Điều đó khiến cho họ, những lớp họa sỹ trẻ của thời đại dốc lòng theo đuổi trào lưu nghệ thuật mới một cách sôi động. Với trào lưu đại diện cho xu thế sáng tác mới này, các trường phái nghệ thuật riêng của từng họa sỹ được đặc biệt coi trọng. Trào lưu này không những tác động mạnh mẽ vào nghệ thuật hội họa mà còn tác động vào nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như trong điện ảnh, người ta có thể nhận thấy rất rõ số phận của con người đặc biệt là người phụ nữ với đầy đủ những sắc thái vui buồn được lột tả qua các tác phẩm điện ảnh tầm cỡ thế giới như “đèn lồng đỏ treo cao”, “cao lương đỏ”, “phải sống”… của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Những đề tài mà đạo diễn khai thác chính là những chất liệu từ cuộc sống. Sự chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống về số phận con người cũng đã được rất nhiều nhà văn đương đại Trung Quốc thể hiện qua ngòi bút của mình. Có thể kể đến một tác giả tiêu biểu là Giả Bình Ao, các tác phẩm truyện ngắn cũng như tản văn của ông đã khai thác từ những góc nhỏ trong đời sống và đẩy chúng lên thành những bài học mang đậm nét nhân văn và triết lý. Những truyện “Bố con”, “Nhìn người”, “Phỉnh nịnh”… là như vậy.

Từ đó có thể thấy rằng trong các lĩnh vực nghệ thuật nói chung và trong hội họa nói riêng giai đoạn này, thái độ cá nhân của người nghệ sỹ được bộc lộ tương đối rõ nét dẫn đến hình thành một xu hướng chung của nghệ thuật đương đại Trung Quốc.

Một số khuynh hướng và suy nghĩ của các họa sỹ Trung Quốc đương đại: Cải cách mở cửa làm cho kinh tế phát triển, kỹ thuật hiện đại cũng phát triển theo, các họa sỹ đã áp dụng nhiều phương pháp mới vào hội họa như video, nhiếp ảnh, kỹ thuật số… Họ mong muốn dựa vào các ưu thế đó để có khả năng chinh phục hiện thực, để có thể thỏa sức truyền tải vào các tác phẩm của mình những cách nhìn mới và bộc lộ khát khao nghệ thuật.

Chính trong hoàn cảnh đó những trào lưu sáng tác mới như pop art, siêu thực, cực thực của phương Tây ùa vào mang đến cho họ ngôn ngữ thể hiện mới mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn, ấn tượng hơn. Những họa sỹ trẻ đã háo hức đón nhận làn gió đó và thổi vào nó hơi thở của cuộc sống Trung Quốc đương đại. Cùng với sự đổi mới vè tư tưởng và quan niệm, nhiều họa sỹ sử dụng một số thủ pháp tạo hình phổ biến để khắc họa nên những nét văn hóa của một thời kỳ nghệ thuật. Có thể tạm liệt kê ra 3 thủ pháp đặc trưng của hội họa Trung Quốc: thủ pháp lặp lại, thủ pháp dùng những khuôn mặt cười, thủ pháp khai thác sinh hoạt đời thường.

Thủ pháp lặp lại: Đây là một thủ pháp thuộc trường phái pop art, sử dụng nhiều lần một hình ảnh nhằm gây hiệu quả đột ngột về thị giác hoặc gây cảm giác mạnh cho người xem.

Thủ pháp dùng những khuôn mặt cười: Đây là một hiện tượng khá phổ biến cho phong cách nghệ thuật giai đoạn này. Những khuôn mặt hớn hở, lạc quan trước đây được đẩy lên thành trạng thái cười toe toét. Cùng là cười cả song giờ đây là những nụ cười hóm hỉnh mang tính trào lộng.

Thủ pháp khai thác những sinh hoạt đời thường (hay còn gọi là hội họa thông tục): Nhân vật trong tranh là những con người bình dị trong xã hội, họ là công nhân, nông dân, trí thức nhưng không phải trong trạng thái hăng say lao động mà là trong trạng thái tĩnh. Họ như không biết đang làm gì, đang nghĩ gì. Bề ngoài họ có vẻ câm lặng nhưng trái lại bên trong là sự xáo động, trăn trở. Nó hàm chứa thái độ cá nhân của người họa sỹ đối với cuộc sống và thân phận con người. Đây là một thủ pháp hướng nội, đi vào chiều sâu tâm hồn của tác phẩm. Ngay cả trong mảng tranh tĩnh vật cũng vậy, các vật thể chính là cái cớ để cho cả thế giới nội tâm đầy trắc ẩn của người nghệ sỹ được bộc bạch một cách kín đáo. Mỗi bức tranh tĩnh vật dường như cũng có cuộc sống riêng của nó, cũng có tâm tư tình cảm và truyền đạt được thái độ của người họa sỹ.

2. Phần II: Một số tác phẩm tiêu biểu cho hai khuynh hướng trong hội họa giá vẽ đương đại Trung Quốc

Trái hẳn với 2 khuynh hướng cơ bản của giai đoạn trước là “hớn hở” và “căm hờn” thì ở giai đoạn này 2 khuynh hướng là “toe toét” và “câm lặng” khá phổ biến. Sở dĩ như vậy là vì nó đã đi sâu khai thác được thái độ cá nhân của người nghệ sỹ, đây là điều mà các lớp họa sỹ trước không có điều kiện để làm.

Khuynh hướng những khuôn mặt cười toe toét: Khuynh hướng này là sự kết hợp giữa 2 thủ pháp những khuôn mặt cười và thủ pháp lặp lại, nó cũng chịu ảnh hưởng của trường phái pop art ở phương Tây. Đại diện cho khuynh hướng này không thể không kể đến Nhạc Mẫn Quân- một người dẫn đầu về kỷ lục số người cười trong tranh. Nhạc Mẫn Quân tốt nghiệp trường đại học mỹ thuật Hà Bắc vào những năm 80, nằm trong lớp họa sỹ thế hệ thứ 3 của Trung Quốc. Trong bối cảnh xã hội đương đại, cũng giống như nhiều họa sỹ khác cùng thế hệ, anh cũng có những khát khao được thỏa sức phát huy tính sáng tạo của mình. Trong hàng loạt trào lưu sáng tác nghệ thuật mới đó, họa sỹ đã tìm thấy sự đồng cảm ở pop art, một phong cách nghệ thuật khoáng đạt, gần gũi, truyền tải được tư tưởng cũng như thái độ cá nhân của họa sỹ. Ngôn ngữ trong tranh Nhạc Mẫn Quân thường là xếp hàng loạt các khuôn mặt cười ngoác miệng vừa giống nhau lại vừa ngờ nghệch tạo nên một hình ảnh tượng trưng mang tính biểu hiện mạnh mẽ. Những khuôn mặt cười đó thường được kết hợp với nền trời xanh mây trắng trên quảng trường Thiên An Môn, càng miêu tả rõ nét hơn chân dung cuộc sống xã hội Trung Quốc đương đại. Một số bức khác anh lại đảo sự sắp xếp đó tạo cho người xem một cảm giác bất ổn định, buộc người xem phải suy nghĩ và dần dần như bị cuốn mình vào thế giới những khuôn mặt cười toe toét của anh.

Những suy nghĩ và thái độ trong sáng tác của Nhạc Mẫn Quân đã được bộc bạch trong cuốn “Những khuôn mặt sau tấm mành tre” xuất bản năm 1994 tại Hồng Kông như sau: “Hiện thực cách chúng ta ngày càng xa vời, nhưng tin tức và hình ảnh trên báo chí truyền hình chính là những hiện thực gần nhất. Tôi muốn tìm kiếm một hiện thực mới, hiện thực tuyệt đối của tôi. Ở bất cứ nơi nào trên thế giới bạn sẽ luôn bắt gặp những khuôn mặt, miễn là mặt người, trong trí óc của tôi toàn là những khuôn mặt. Có lúc trong một mớ những khuôn mặt đó, tôi cũng không phân biệt được đâu là khuôn mặt của mình. Tôi không thể vẽ được các khuôn mặt vói sắc thái khác nhau, trong tôi tất cả đều trở thành một khuôn mặt duy nhất. Tôi hy vọng hình tượng những khuôn mặt cười này sẽ được nhìn thấy ở mọi nơi và gây được tiếng cười, bởi cuộc sống không thể thiếu tiếng cười. Nếu tất cả mọi người đều cười xuất phát thực sự từ trái tim họ thì thế giới này sẽ  tốt đẹp biết bao. Tôi cảm thấy cười là một việc không làm cho người ta ghét. Tôi vẽ người cười, cười thành tiếng, cười điên dại, cười khi đối mặt với cái chết, có khi cười chẳng vì cái gì. Giờ đây chính là thời đại mà người ta nên cười, cười chính là thái độ cá nhân đối với sự việc, đối với cuộc sống.

Qua những lời tự sự của tác giả có thể thấy được tư tưởng, thái độ cá nhân cũng như thông điệp của tác giả muốn gửi tới người xem là cười, có rất nhiều kiểu cười nhưng đây là một cái cười trào lộng nửa như chua xót, nửa như bất cần, thể hiện một thái độ mạnh mẽ với xã hội. Tuy nó không phải là đại diện cho cả nền mỹ thuật đương đại song nó đã đóng góp được một trào lưu sáng tác nghệ thuật ở Trung Quốc, nó đã mở ra một trường phái và hơn thế nữa nó đã đưa nền hội họa Trung Quốc theo kịp với hội họa thế giới. Xét về một khía cạnh khác, dường như hình tượng khuôn mặt cười của Nhạc Mẫn Quân lại có nét gì đó đồng điệu với tranh dân gian cổ của Trung Quốc, cũng vẽ về những con người vui vẻ cười đùa, tràn đầy tình yêu cuộc sống. Phải chăng nó cũng được bắt nguồn từ cảm hứng lấy tiếng cười làm phương tiện thể hiện đời sống xã hội. Nó cũng như nhân vật AQ trong AQ chính truyện của Lỗ Tấn, một nhân vật khiến người ta phải bật cười, một cái cười chua xót nhưng lại đậm tính nhân văn.

Khuynh hướng những khuôn mặt “câm lặng” : Đây là một phong cách mà bút pháp thể hiện của nó được phát triển từ hội họa sơn dầu truyền thống. Nó là sự kết hợp hội họa hiện thực với một chút tính chất siêu thực, một chút cực thực, diễn tả thế giới nội tâm xáo động ẩn sau vẻ bề ngoài như câm lặng. Về mặt hình thức, khuynh hướng này xem ra có vẻ trái ngược hẳn với khuynh hướng những khuôn mặt cười toe toét. Một cái lấy động để tả tĩnh, còn một cái lại lấy tĩnh để tả động, song cả hai cách đều có một điểm chung đó là xuất phát từ một lòng trắc ẩn, từ một tình cảm thật sự của người nghệ sỹ đối với cuộc sống, đối với số phận của con người. Đây cũng là một xu hướng phát triển rầm rộ ở Trung Quốc đương đại. Trước kia khi nhân vật trong trạng thái căm hờn thì vẻ mặt luôn căng thẳng, sôi sục ý chí chiến đấu, còn bây giờ các nhân vật như chùng xuống đến hết độ, đến mức như thất thần vô định. Con người trong tranh giai đoạn này được trở về với trạng thái tự nhiên nhất, nó giống như thiền, nhưng là thiền động, không biết nhân vật đang làm gì, đang nghĩ gì. Các nhà phê bình Trung Quốc gọi trạng thái này là “động bất tác”. Người xem có cảm giác rất gần gũi, rất đời thường nhưng lại rất hàm ẩn và sâu lắng. Một thành viên của khuynh hướng này có thể kể đến là Quách Nhuận Văn-phó giáo sự khoa sơn dầu Học viện mỹ thuật Quảng Châu. Ông thuộc lớp họa sỹ thứ 3 nhưng không chịu ảnh hưởng trực tiếp một phong cách nào cả. Ở tranh của ông vẫn là một kỹ pháp điêu luyện về sơn dầu kinh điển song lại kết hợp với hiện thực để truyền tải được những ý niệm cá nhân. Nhân vật của ông thường là phụ nữ và họ ở những trạng thái rất tự nhiên, khi thì đang ngủ, khi thì chống tay lên bàn nhìn vào khoảng không vô định. Tất cả họ đều câm lặng, tĩnh tại. Mỗi bức tranh đều có tiếng nói, vừa như có sự khát khao vừa như suy tư hoài niệm. Tranh của Quách Nhuận văn đã góp một tiếng nói trong nền hội họa đương đại của Trung Quốc bằng cách đi sâu khai thác những giá trị nhân văn tiềm ẩn trong mỗi con người.

3. Phần III: Nhận xét đánh giá của bản thân về những quan điểm sáng tác mới trong tranh sơn dầu đương đại Trung Quốc

Hội họa Trung Quốc trong những năm gần đây nhất là từ sau khi cải cách mở cửa đã thực sự có được bước chuyển mình to lớn. Ngay trong chất liệu sơn dầu đã có sự thay đổi hẳn về phong cách sáng tác cũng như quan niệm nghệ thuật. Là một người học cơ bản và đang trong giai đoạn tiếp cận các trào lưu nghệ thuật mới, tôi thấy hội họa Trung Quốc đương đại đã là được một điều mà trước đó chưa làm được, đó là tạo được sân chơi bình đẳng cho nhiều thái độ nghệ thuật hết sức phong phú và đa dạng. Thành công và giá trị của nó đến mức nào chỉ có thời gian mới trả lời được song chí ít là nó đã có những đóng góp to lớn trong việc thúc đẩy sáng tạo nghệ thuật ở Trung Quốc. Có một điều không thể phủ nhận là thái độ cá nhân của người nghệ sỹ đối với đời sống xã hội, đối với con người được bộc lộ một cách thẳng thắn. Nghệ thuật chân chính phải bắt nguồn ngay từ cuộc sống và hội họa Trung Quốc đã làm được điều đó.

Với những tác phẩm của Nhạc Mẫn Quân và Quách Nhuận Văn, ta có thể chúng minh một điều: Dù đi theo trường phái nào, hiện đại như pop art hay kinh điển như trong thời kỳ ánh sáng thì sơn dầu Trung Quốc vẫn luôn dung hòa được với bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, để từ đó tác phẩm toát lên được tinh thần rất Trung Quốc. Học hỏi những thủ pháp nghệ thuật mới, những ngôn ngữ biểu hiện mang tính sáng tạo là điều nên làm nhất là trong bối cảnh giao lưu toàn cầu hóa, song quan trọng là phải vận dụng nó như thế nào. Nếu cứ bệ nguyên cái của người khác thành cái của mình thì không những không bằng họ mà còn tự đánh mất đi bản sắc của chính mình.

Theo quan điểm cá nhân tôi, chỉ là một nghệ sỹ thì không thể làm được điều gì thay đổi trực tiếp vào xã hội, thế nhưng lại có thể tác động gián tiếp thông qua các tác phẩm của mình, làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, con người sống có tình hơn. Đó chính là chức năng cao quý của nghệ thuật chân chính. Muốn làm được điều đó trước hết đòi hỏi người nghệ sỹ phải có cái nhìn nhân văn và phải biểu đạt bằng thái độ chân thật của mình. Trong quá trình hội nhập giao lưu có rất nhiều họa sỹ đã tiếp thu được tinh hoa của thế giới song cũng có một số họa sỹ đã quá mải mê dấn mình vào những thủ pháp technic. Đành rằng tranh thì phải gây được hiệu quả về thị giác nhưng muốn nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật đích thực thì như vậy là chưa đủ. Nó còn phải xuất phát từ tình cảm và thái độ cá nhân của người nghệ sỹ. Muốn tìm được sự sáng tạo mới trong thể hiện thì trước hết phải tìm trong chính bản thân người nghệ sỹ, nhu cầu đến đâu thì làm đến đó, tiếp sau là tìm trong những giá trị nhân văn của đời sống xã hội, có như vậy mới bền lâu và không bao giờ cạn.

 KẾT LUẬN

Tóm lại, từ sau khi mở cửa với thế giới, diện mạo của nền hội họa Trung Quốc đã có nhiều thay đổi to lớn cả về hình thức lẫn nội dung, trở thành nền hội họa mang màu sắc Trung Quốc. Những làn sóng nghệ thuật mới du nhập vào Trung Quốc thực chất chỉ là nhân tố khách quan bên ngoài tác động vào xã hội như một cú hích để nó bung ra và phát triển mạnh mẽ. Nội lực đó không phải từ đâu mang lại mà chính là do bề dày lịch sử văn hóa cộng với tố chất thông minh của con người Trung Quốc tạo nên. Đó chẳng qua là những tư tưởng, những khát vọng của người nghệ sỹ đã gặp được ngôn ngữ thể hiện tương đồng và những thủ pháp phù hợp. Nó như một cuộc đính ước từ trước giữa người họa sỹ và nghệ thuật, sự giao thoa đó chính là yếu tố nhân văn trong nghệ thuật. Chính nó tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật mang đậm bản sắc Trung Quốc. Những khuynh hướng nghệ thuật đương đại đó đã góp phàn vạch ra hướng đi đúng cho sự phát triển hội họa Trung Quốc, nó vừa mang tính thời đại bắt kịp với nghệ thuật hiện đại thế giới , vừa kết hợp được tinh thần dân tộc Trung Hoa. Muốn phát huy được điều này có lẽ không còn cách nào khác là phải dựa vào tính sáng tạo cũng như thái độ cá nhân của người nghệ sỹ. Tuy nhiên trong quá trình tiếp xúc, do đặc thù của bối cảnh văn hóa nên không phải trào lưu nghệ thuật nào của thế giới cũng được chấp nhận, song có thể nói Trung Quốc đang dần tự khẳng định vị trí của mình trên vũ đài nghệ thuật thế giới với những định hướng phát triển rõ rệt- đó là tính phổ thông, tính đa dạng và tính cá nhân.

Tháng 5/2002

Nguyễn Thế Sơn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nghệ thuật và hội họa Trung Quốc thế kỷ 20
  2. Hội họa Trung Quốc thời kỳ 1949-1983
  3. Nghệ thuật sơn dầu Quách Nhuận Văn -1996
  4. Những khuôn mặt phía sau tấm mành tre -1994

Comments are closed.