Lưu giữ quá khứ cho tương lai- Hanoimoi
(HNMO) – Không nhiều về số lượng nhưng có thể nói là khá tiêu biểu cho đời sống hội họa đương đại và mang nhiều giá trị về thông điệp nghệ thuật, triển lãm “Không mây, không mưa” đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt) là một điểm nhấn của Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020.
Triển lãm “Không mây, không mưa” vừa được chọn là sự kiện khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2020 do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và một số đối tác tổ chức tối 7-11 vừa qua.
Sử dụng cụm từ “không mây, không mưa” với ý nghĩa: Nếu không có sự tồn tại của các di sản hay quá khứ thì cũng sẽ không có tương lai, như cách một cơn mưa cần những đám mây, triển lãm mang đến cho người xem những tác phẩm hội họa đương đại thể hiện rõ sự kết nối với các di sản từ quá khứ.
Triển lãm trưng bày 32 tác phẩm của 22 nghệ sĩ, trong đó có những tên tuổi quen thuộc với công chúng như: Nguyễn Nghĩa Cương, Nguyễn Thế Sơn, Đinh Công Đạt, Tạ Minh Đức…
“Không mây, không mưa” xoay quanh các câu chuyện đa chiều về ký ức và căn tính, các suy ngẫm về sự lưu giữ và quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam, về sự tương tác giữa bản sắc truyền thống và cuộc sống đô thị… Điều này có thể thấy rõ trong hầu hết các tác phẩm được trưng bày tại đây.
Có thể là chút hoài niệm với đời sống thông qua hình ảnh chiếc chạn bát trong tranh Phạm Khắc Quang, có thể cách người ta suy ngẫm về quá khứ và hiện tại trong chùm tranh vẽ vỏ lon nước ngọt có trang trí những hình ảnh xưa cũ của Bùi Công Khánh, có thể là một căn nhà trên phố Nguyễn Hữu Huân được tái hiện chi tiết, chân thực đến mức như muốn găm sâu vào nhận thức người xem trong tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn…
Điều đặc biệt mà triển lãm mong muốn gửi đến người xem đó là đánh thức nhận thức về vấn đề bảo tồn. Tiến sĩ Emma Duester, giám tuyển của triển lãm, đồng thời là giảng viên khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ: “Triển lãm cho thấy vai trò của các bộ sưu tập nghệ thuật đối với việc gìn giữ và quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam, cũng như mối tương quan giữa truyền thống và cuộc sống đô thị”.
Yếu tố bảo tồn thường được hiểu như việc lưu giữ các giá trị nghệ thuật của quá khứ cho hiện tại và tương lai. Song, thông qua những tác phẩm, người xem có thể cảm nhận được mong muốn rộng hơn, được lưu giữ những giá trị tinh thần, không gian sống, hay những ấn tượng trong cách tư duy, những mơ ước… để truyền lại cho thế hệ sau.
Triển lãm sẽ mở cửa tới ngày 15-11.