Một góc nhìn, một tình yêu Hà Nội- Kinh tế & đô thị online

Khoảng chục năm nay, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn đã miệt mài thực hiện chuỗi dự án về sự biến đổi cảnh quan của đô thị Hà Nội.

Những triển lãm “Vinatree”, “Siêu truyền dẫn”, “Tầm cao mới”, “Nhà mặt phố”, “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”… và hiện tại là “Nhà Tây biến hình” (đang diễn ra tại Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội) là những minh chứng cho cái nhìn và tình yêu của anh với Thủ đô. Nguyễn Thế Sơn đã chia sẻ về sự đổi thay cảnh quan đô thị Hà Nội một cách đầy tâm huyết với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Ngay sau dự án “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” cùng với các nghệ sĩ trường ĐH Mỹ thuật trong triển lãm “Đối thoại với đình làng” tháng trước, anh lại “trình làng” triển lãm “Nhà Tây biến hình”. Dường như những dự án nghệ thuật anh thực hiện gần đây đều chung một chủ đề?

– Đúng vậy, chủ đề xuyên suốt, cũng là đề tài lớn tôi tâm huyết 10 năm nay là sự biến đổi cảnh quan đô thị. Năm 2003, tôi bắt đầu chuỗi dự án với triển lãm “Vinatree”, chụp những cây cột điện ở Hà Nội. Tôi nhận thấy, hệ thống cây cột điện, dây điện và cây xanh đan cài lẫn nhau một cách khủng khiếp mà chỉ Việt Nam mới có. Dây điện mắc nối nguy hiểm là thế, nhưng về mặt thị giác lại vô cùng “quyến rũ”. Sau đó, tôi thực hiện 2 dự án vẽ trên lụa, lần đầu là “Siêu truyền dẫn”, vẽ về hệ thống dây, cột điện với sự loằng ngoằng vốn có. Không đâu trên thế giới một cột điện treo khoảng chục hệ thống đường dây khác nhau, cộng thêm định kỳ hàng tháng treo băng rôn, khẩu hiệu… nên tôi đặt là “Siêu truyền dẫn”. Khi trưng bày ở nước ngoài, người xem rất thích thú với cột điện ở Việt Nam. Cũng với chất liệu tranh lụa truyền thống, tôi vẽ các toà nhà đang xây dựng có tên “Tầm cao mới”. Thường thì nghĩ đến tranh lụa người ta nghĩ đến những thứ nhẹ nhàng nhưng việc sử dụng chất liệu này vẽ những ngôi nhà cao tầng đang xây có treo những tấm bạt thủng lỗ chỗ đang bay trong gió lại đem đến hiệu quả bất ngờ. Tiếp đến là dự án “Nhà mặt phố” với những ngôi nhà ống trên các tuyến phố, vừa xây xong đã treo đậm đặc biển quảng cáo. Gần đây nhất là “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”, chụp lại hơn 70 ngôi đình ở khu phố cổ đã bị khai tử hoặc bị xâm lấn. Và bây giờ là “Nhà Tây biến hình”, chụp lại những ngôi biệt thự tại Hà Nội từ thời Pháp.

Mảnh ghép hiện tại - quá khứ cho ta thấy rõ sự biến đổi.

Mảnh ghép hiện tại – quá khứ cho ta thấy rõ sự biến đổi.

Qua quá trình theo đuổi ý tưởng về sự biến đổi cảnh quan đô thị Hà Nội, theo anh, cái được và mất của sự thay đổi ấy là gì?

– Cuộc sống hiện đại đòi hỏi cảnh quan đô thị phải thay đổi cho phù hợp. Không thể phủ nhận Hà Nội ngày càng khang trang hơn, nhưng theo cách nhìn của tôi, sự đổi thay ấy cái mất nhiều hơn cái được. Ví dụ, khi thực hiện triển lãm “Nhà Tây biến hình”, tôi nhận thấy người ta thích dùng đồ “nhái” hơn đồ thật. Những công trình của các cơ quan hay của tư nhân thường copy những họa tiết theo kiểu biệt thự khi xây dựng. Trong khi, “những viên ngọc” trong kiến trúc đô thị là các biệt thự được thiết kế kiểu Pháp, nguyên liệu nhập khẩu 100% từ Pháp xây dựng khoảng hơn 100 năm trước lại đang bị bỏ phí và không được quan tâm đúng mức. Hay câu chuyện những ngôi đình làng trong phố cổ bị “ngược đãi” cũng có nghĩa giá trị văn hóa trong đời sống đô thị đã thay đổi. Tôi nghĩ phát triển không phải là xây nhà cao, mà cần cân bằng với các giá trị văn hóa.

Theo anh, điều gì khiến cảnh quan đô thị Hà Nội đi “lạc hướng” như vậy?

– Đó là vì ứng xử chưa đúng của người Hà Nội với di sản, lối sống văn hóa của người Hà Nội có phần “biến dạng”. Nếu người Hà Nội tiếp tục đối xử với các di sản như 10 năm qua thì chúng ta, con cháu chúng ta sẽ phải luyến tiếc vì đã đánh mất những giá trị không thể mua lại hay gây dựng lại được.

Thực hiện chuỗi dự án dài hơi, tốn nhiều tiền và công sức như vậy, ngoài tình yêu Hà Nội hẳn anh muốn gửi gắm nhiều điều tới người xem?

– Thực hiện những dự án này, tôi muốn thể hiện tình yêu với Hà Nội, nơi tôi sinh ra, và cũng là cách tôi tìm hiểu chính lịch sử của gia đình mình một thời. Mặt khác, tôi muốn chia sẻ những giá trị văn hóa đến người xem để họ có cái nhìn nhân văn hơn với một đô thị tuyệt đẹp trong mắt người nước ngoài, mà chính những người đang sống ở đây không ý thức được hết. Tôi mong mỗi người Hà Nội có thêm những hành động tích cực để xây dựng cảnh quan đô thị đẹp hơn, xanh hơn, nhân văn hơn.

Xin cảm ơn anh!

Comments are closed.