Một thoáng Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022- nguoidothi

https://nguoidothi.net.vn/mot-thoang-le-hoi-thiet-ke-sang-tao-ha-noi-2022-37445.html

Tuần lễ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đã mang lại cho công chúng Hà Nội một bữa tiệc thị giác đa sắc màu, đa chiều kích mãn nhãn, hài hòa giữa truyền thống và đương đại, nhưng đồng thời, cũng xác định rõ định hướng phát triển Hà Nội với tư cách là thành phố sáng tạo về thiết kế…

Với việc chính thức trở thành một thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) từ năm 2019, Hà Nội nỗ lực khẳng định vị thế thành phố sáng tạo về thiết kế của mình thông qua Tuần lễ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, chủ đề Thiết kế & Công nghệ, diễn ra từ 11-18.11.2022.

22 Hàng Buồm ngày trở lại…

Hội quán Quảng Đông, nay là Trung tâm văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm, đã thực sự thay hình đổi dạng. Cùng vào thời điểm này của một năm trước, địa chỉ ngủ quên này mới đang dần hoàn tất những bước cuối cùng trong công cuộc đánh thức một không gian văn hóa – sáng tạo mới dành cho Hà Nội.

Người viết vẫn hồi niệm cảm giác ngạc nhiên lẫn hiếu kỳ, khi lần đầu bước vào một không gian tôn nghiêm trải rộng, lắng đọng, đã trải qua nhiều diễn biến thăng trầm của lịch sử. Mọi thứ thật mới, đôi chỗ vẫn còn vôi ve ngổn ngang, những hiện vật cũ còn đang tạm được tập kết (sau này đã được nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn tích hợp vào không gian trưng bày Ký ức 22 Hàng Buồm).

Không gian Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn

Một số tác phẩm trưng bày tại 22 Hàng Buồm.  Ảnh: Nguyễn Thế Sơn


Ít ai biết nơi chốn này đã 40 năm lặng thinh giữa lòng phố cổ, bị thay đổi hoàn toàn về công năng sử dụng.[1] Với sự quan tâm của các cấp quản lý, và đặc biệt là nỗ lực phục dựng của các kiến trúc sư cũng như các nghệ sĩ đương đại, Hội quán không những đã được trả lại cái tên cho riêng mình, mà còn trở thành một nơi chốn đặc biệt, là tiếp điểm gặp gỡ giữa truyền thống và hiện đại, giữa phát huy bảo tồn di sản và tích hợp nghệ thuật đương đại, và thậm chí, hướng tới trở thành một trung tâm sáng tạo (creative hub).

Khoảng một năm sau khi diễn ra Tuần lễ Khơi nguồn sáng tạo 2021, thời điểm còn tương đối bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thì tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022, không gian văn hóa 22 Hàng Buồm không chỉ đơn thuần là một viên ngọc quý giữa lòng phố cổ nữa, mà trở thành một viên ngọc đỉnh vòm của toàn bộ chuỗi địa điểm diễn ra sự kiện.

Một số tác phẩm trưng bày tại 22 Hàng Buồm.  Ảnh: Phạm Minh Quân

Một góc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ảnh: Phạm Minh Quân

Một tác phẩm được trưng bày tại 22 Hàng Buồm. Ảnh: Phạm Minh Quân


Rất nhiều sự kiện trọng tâm của Tuần lễ 2022 như các tọa đàm Tinh hoa văn hóa Việt – hình tượng tiên nữHoạt động thúc đẩy cộng đồng sáng tạo và chế tác trẻ Hà Nội qua ứng dụng công nghệ số,… các hội thảo như Chia sẻ kinh nghiệm thiết kế phát triển sản phẩmTừ Di sản đến Thiết kế Nghệ thuật… và hàng loạt các đối thoại tác giả – tác phẩm với các nghệ sĩ như Quang Lâm, Tuấn Ngọc, Francois Bibonne, Nguyễn Thế Sơn, Trần Hậu Yên Thế, các kiến trúc sư như Nguyễn Hồng Quang, Nhâm Chí Kiên, Lê Quang Thạch… đã diễn ra tại đây.

Không thể không kể đến vai trò như một không gian trình diễn – trưng bày nghệ thuật của 22 Hàng Buồm, khi lần này với sự giám tuyển của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã mang đến một dạ yến ngoạn mục về thị giác. Một chuỗi các tác phẩm nghệ thuật, từ các chất liệu truyền thống như sơn mài, giấy dó, lụa… cho tới sắp đặt, 3D đã được trưng bày và giới thiệu.

Nếu Mơ Tiên đưa công chúng đến với tác phẩm của các nghệ sĩ kỳ cựu như Vũ Dân Tân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, thì Tiên – Rồng lại thổi hồn suối nguồn tươi trẻ với tác phẩm đa chất liệu của các nghệ sĩ trẻ. Một sự đối thoại thú vị, không chỉ giữa truyền thống và đương đại, giữa quá khứ và hiện tại, mà còn giữa các thế hệ nghệ sĩ Việt.

Công chúng đồng sáng tạo trong tác phẩm Tả Thanh Thiên. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn


Lãng đãng bờ Hồ

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đặt trọng tâm vào chủ đề Thiết kế & Công nghệ có gần 50 hoạt động, sự kiện, ngoài diễn ra ở không gian 22 Hàng Buồm còn trải rộng ở nhiều địa điểm khác nhau như khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và một số không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Rời 22 Hàng Buồm, chúng ta hướng về phía hồ Gươm. Đến Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đập vào mắt chúng ta là một kết cấu đỏ đầy ấn tượng mang tên Cổng Sáng tạo. Đây là một công trình kiến trúc theo dạng Pavilion, mang tính biểu tượng của Tuần lễ Thiết kế sáng tạo 2022, được thiết kế bởi kiến trúc sư Lê Quang Thạch/Avalo Interior Design.

Cổng Sáng tạo Nguồn Facebook Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022.

Con đường EuroTile. Ảnh: Phạm Minh Quân


Cách đó không xa là không gian trưng bày số 2 Lê Thái Tổ. Tâm điểm là Tả Thanh Thiên, một tác phẩm triển lãm nhiếp ảnh mang tính chất sắp đặt và trình diễn của nghệ sĩ Nguyễn Kim Long. Người xem được làm quen với Cyanotype (in đơn sắc xanh), một kỹ thuật in ảnh lâu đời và rất đỗi độc đáo có từ giữa thế kỷ XIX, có khả năng tùy biến có thể in trên nhiều bề mặt như giấy, vải canvas, vải cotton, vải lụa, len và gỗ. Và thậm chí, còn được tham gia cùng nghệ sĩ thực hiện một tác phẩm cyanotype trên lụa dài tới 11m, bằng các nguyên liệu “tại chỗ” là mẫu vật hoa lá xung quanh hồ Gươm.

Tác phẩm thể hiện tinh thần đặc trưng của nghệ thuật đương đại, đó là khán giả tương tác và đồng sáng tạo.

Tác phẩm Tả Thanh Thiên của nghệ sĩ Nguyễn Kim Long. Ảnh: Dương Gia Media


Và còn rất nhiều không gian nữa, như “Không gian Hội nhập” với hệ mái dài được nâng đỡ bởi một tổ hợp 96 cây gỗ tà vẹt lấy cảm hứng từ chân cột cầu Thê Húc, trong đó trưng bày các phương án thiết kế được giải Cuộc thi Thiết kế Ngôi nhà Mơ ước 2022 do Tạp chí Kiến trúc và Câu lạc bộ Kiến túc sư Trẻ tổ chức; Hay không gian trải nghiệm sáng tạo mang tên “Khoe Chơi” với các trò chơi trải nghiệm nghệ thuật như in tranh Hàng Trống, chơi cùng dàn nhạc tái chế, chơi ghép cặp, ký họa chân dung đường phố, không gian triển lãm “Con đường Eurotile”… biến không gian phố đi bộ hồ Gươm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật đương đại quy mô lớn thu hút.  

Ego – Người

Tuần lễ 2022 không chỉ giới hạn ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Chiều ngày 18.11 năm 2022, tại Bảo tàng Hà Nội cũng đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Ego – Người của họa sĩ Ngô Xuân Bính, một hoạt động nằm trong Tuần lễ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022. Triển lãm đánh dấu sự trở lại của họa sĩ Ngô Xuân Bính sau hai triển lãm Du & Dội năm 2017 và Niệm năm 2019.

Một khác biệt so với hai triển lãm lần trước thuần túy trưng bày các tác phẩm hội họa chất liệu sơn mài tổng hợp, là tại triển lãm Ego – Người lần này, họa sĩ Ngô Xuân Bính mang đến các tác phẩm điêu khắc hướng đến nghệ thuật công cộng, biến điêu khắc không chỉ là tác phẩm độc lập có giá trị tự thân, mà còn trở thành một thành tố của không gian kiến trúc và quy hoạch đô thị. Ego ở đây không còn đơn thuần là bản ngã cá nhân nữa, mà hướng tới bản ngã cộng đồng.

Các tác phẩm tại triển lãm Ego – Người của họa sĩ Ngô Xuân Bính tại Bảo tàng Hà Nội.

Một góc triển lãm Ego. Ảnh: Phạm Minh Quân


Ego – Người giới thiệu hơn 200 tác phẩm hội họa sơn mài, sơn dầu và hơn 100 tượng điêu khắc với các chất liệu như đồng, đá, gỗ của họa sĩ Ngô Xuân Bính. Một trong những tác phẩm lớn nhất được trưng bày được làm bằng chất liệu gỗ, nặng hơn 4,5 tấn.

Ngoài không gian trưng bày các tác phẩm vật lý, vốn thể hiện trường năng lượng dồi dào của nghệ sĩ, còn có một không gian sắp đặt ánh sáng và kỹ thuật số, trình chiếu tác phẩm hội họa với kích cỡ lớn, giúp khán giả có thể tương tác với không gian đa chiều.   

Tuần lễ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 đã mang lại cho công chúng Hà Nội một bữa tiệc thị giác đa sắc màu, đa chiều kích mãn nhãn, hài hòa giữa truyền thống và đương đại, nhưng đồng thời, cũng xác định rõ định hướng phát triển Hà Nội với tư cách là thành phố sáng tạo về thiết kế. Bởi, thành phố sáng tạo không chỉ là một danh hiệu trao tặng đơn thuần, mà như trên thế giới đã cho thấy, hay đặc biệt các thành phố sáng tạo thiết kế láng giềng như Bangkok (Thái Lan), Singapore, Cebu (Philippin), Bandung (Indonesia), văn hóa và sáng tạo phải được đặt ra như là mấu chốt của sự phát triển đô thị hướng tới đô thị sáng tạo.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

Comments are closed.