NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM VÀ VAI TRÒ CỦA NGHỆ SỸ TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
Trong mấy chục năm trở lại đây, nghệ thuật đương đại trên thế giới đã phát triển và vận động không ngừng nghỉ, liên tục tạo ra những cách thức tiếp cận mới, các nghệ sỹ luôn cố gắng phá bỏ ranh giới giữa các phương tiện cũng như không ngừng tự tách khỏi những đặc trưng phong cách. Nghệ thuật đương đại Việt nam tuy sinh sau đẻ muộn nhưng cũng không thoát khỏi những ảnh hưởng có tính toàn cầu hóa phổ quát này.
Việc nhận diện những trào lưu nghệ thuật để phân loại phong cách dựa vào phương pháp phân loại chất liệu cũng ngày càng trở nên không còn ý nghĩa. Ranh giới giữa các thể loại nghệ thuật dần bị rút gọn và giảm thiểu tối đa. Thêm vào đó năng lực tay nghề thủ công của nghệ sỹ không còn là ưu thế đặc quyền trong việc hoàn thiện tác phẩm nữa khi mà càng ngày càng có sự hỗ trợ của công nghệ cũng như các xưởng chế tác có khả năng đảm nhận những công việc theo yêu cầu của người nghệ sỹ. Dần dần người nghệ sỹ có xu hướng trở thành người thiết kế ra những ý tưởng nghệ thuật hay những dự án nghệ thuật. Khi mà sự phân loại các phong cách, xu hướng của nghệ thuật đương đại không còn nhiều ý nghĩa khi dựa trên chất liệu và phương tiện thì có lẽ việc dựa vào những chiến thuật mà các nghệ sỹ sử dụng để phân loại các thủ pháp nghệ thuật xem ra là một cứu cánh cho việc khái quát sự khác biệt trong các hình thức biểu hiện của nghệ thuật đương đại.
Theo nhận định của nhà phê bình nghệ thuật Tibb Briegleb thì có 10 thủ pháp, nghệ thuật mà các nghệ sỹ đương đại hay sử dụng, đó là thủ pháp kích thích (Irritation), thủ pháp khiêu khích (Provocation), thủ pháp tham dự (Participation), thủ pháp điều tra (Inspection), thủ pháp dàn dựng, thủ pháp biến đổi (Transformation), thủ pháp trích ghép (collage), thủ pháp tự sự (Narration), thủ pháp phủ nhận và châm biếm (Ironical). 10 phương pháp kể trên như 10 chiến thuật được các nghệ sỹ sử dụng một cách linh hoạt, có khi là sự kết hợp của nhiều chiến thuật trong cùng một tác phẩm nghệ thuật.
Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến một thủ pháp được sử dụng khá nhiều gần đây, đặc biệt thủ pháp này có liên quan đến các thực hành nghệ thuật thử nghiệm của cá nhân tôi- đó là thủ pháp điều tra. Đây là một phương pháp dựa trên việc sử dụng các chuỗi sự kiện, hiện tượng. Khi tiến hành điều tra, người nghệ sỹ giống như người thợ săn hay một nhà sưu tập, sử dụng những chuỗi hình ảnh, thông tin, hệ thống dị bản và văn kiện nhằm tìm kiếm một hệ thống làm sáng tỏ bản chất của hiện tượng. Nói cách khác là với một kho hình ảnh và dữ kiện thu thập được, người nghệ sỹ trình bày một cách nghệ thuật để cố gắng đưa đến cho người xem những nhận định gần với chân lý của hiện tượng nhất. Mục tiêu cũng như phương pháp tiến hành của chiến thuật điều tra này hết sức đa dạng. Khởi thủy của chiến thuật này có thể xuất phát từ những seri ảnh đầu tiên của Augusr Sander (1876-1964) – một nhiếp ảnh gia người Đức. Với loạt ảnh “con người thế kỷ 20” ông đã thực hiện một dự án ảnh vĩ đại, phong cách nhiếp ảnh của ông được xếp vào nhóm “khách quan mới”. Hoặc có thể bắt đầu từ nhiếp ảnh gia người Đức Karl Blossfeld (1865-1932) khi ông chụp thực vật một cách kỹ càng, ông tìm ra những cấu trúc kiến trúc hết sức trừu tượng ngay trong sự sắp xếp kì diệu của tạo hóa trên những cây cỏ hoa lá mà ông chụp lại. Tuy nhiên lúc đó việc coi điều tra là một hình thức nghệ thuật đã được hiểu như một phương pháp phổ thông thuộc thế giới quan. Có lẽ phải một thời gian sau, khi nghệ thuật chuyển sang một giai đoạn khác, khi những lý thuyết về nghệ thuật hậu hiện đại và chủ nghĩa giải cấu trúc trở nên phổ biến hơn, cộng với sự phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng của các ngành khoa học xã hội học từ sau thế chiến thứ hai, đã đưa đến sự phát triển mới cho phương pháp “điều tra” trong nghệ thuật.
Một số dự án nghệ thuật sử dụng chiến thuật “điều tra” thú vị gần đây:
– Các dự án sử dụng phương pháp vẽ trực họa bằng sơn dầu của nghệ sỹ Liu Xiao Dong. Ông có một cách thực hành “điều tra” bằng chính hình thức nghệ thuật trực họa đã xuất hiện từ rất lâu. Liu Xiao Dong thực hiện dự án tranh sơn dầu của mình bằng cách tổ chức thành những chuyến đi đến những địa điểm cần khảo sát điều tra rồi đặt giá căng toan ngay tại hiện trường và vẽ trực tiếp. Mỗi một hình ảnh, một nhân vật xuất hiện trong những bức tranh của ông như một phần của cuốn nhật ký, ghi lại về cảm nhận của ông từ sự trải nghiệm qua mỗi chuyến đi. Ví dụ như dự án tranh “Đập Tam Hiệp” nổi tiếng hay gần đây là dự án “Trở về Tân Thành” năm 2010 khi ông quay trở về quê cũ để gặp mặt những người bạn cũ và vẽ lại họ trong khung cảnh cuộc sống mới của chính họ. Qua dự án đó, câu chuyện về quá trình mở cửa cải cách kinh tế của đất nước Trung Quốc cũng hiện ra một cách rõ rệt. Cùng với những bức tranh sơn dầu khổ lớn vẽ ngay tại hiện trường là những trang nhật ký về từng bức tranh của ông cũng như trình chiếu một bộ phim tư liệu quay lại toàn bộ quá trình “điều tra” của nghệ sỹ. Năm 2012, ông cùng đội cộng sự làm một dự án nghệ thuật đi tới vùng Hoa Điền dưới chân núi Côn Lôn ở Tân Cương để vẽ những bức tranh sơn dầu chân dung hoành tráng cho những người thợ khai quặng ngọc ở địa phương này. Suốt trong quá trình trải nghiệm thực tế, từ khảo sát, tiếp cận người dân địa phương đến khi đặt giá vẽ tại chỗ luôn được cộng sự của ông ghi lại thành một bộ phim tư liệu. Qua dự án này, Liu Xiao Dong muốn tự mình trải nghiệm và khảo sát một truyền thống thích ngọc của vua chúa ngày xưa và của người giàu trong xã hội ngày nay đã tác động thế nào đến con người và cảnh vật của một vùng đất nổi tiếng về ngọc. Cả quá trình điều tra thâm nhập thực tế của ông chính là một trải nghiệm xã hội, và quá trình đó quan trọng hơn nhiều tác phẩm cuối cùng. Như vậy có thể thấy Liu Xiao Dong đã thổi một tinh thần thực hành nghệ thuật đương đại vào ngay chính phương pháp trực họa trước kia. Việc vẽ tranh lúc này chỉ như một hành vi điều tra khảo sát trong tổng thể cả một dự án nghệ thuật.
– Một tác giả trẻ gần đây ở Bắc Kinh là Gao Rong Guo cũng gây nhiều sự chú ý với một dự án rất thú vị mang tên “Sinh đôi”. Gao Rong Guo đã bỏ ra khoảng hơn một năm trời đi khảo sát, phỏng vấn và thuyết phục được hơn 50 cặp song sinh ở tỉnh Sơn Đông cho chụp ảnh. Bộ ảnh các cặp song sinh đã thực sự bộc lộ được rất nhiều vấn đề của xã hội Trung Quốc. Dự án được tiến hành như một nghiên cứu xã hội học tạo ra rất nhiều tác động và nhận thức của người xem.
– Hay như trong dự án “Phong cảnh sông nước biến đổi” do Viện Gớt tổ chức, nghệ sỹ trẻ Godie người Philippin đã dành nhiều tháng trời đi khảo sát, điều tra bằng cách lấy mẫu nước ở các con sông bị ô nhiễm ở Manila rồi tìm cách chế biến chúng thành nước hoa. Trong khi trưng bày triển lãm cô đã cho nước hoa chiết xuất từ các mẫu nước bị ô nhiễm vào những lọ thủy tinh màu sắc sặc sỡ do cô tự thổi, sau đó đặt chúng vào những chiếc tủ gỗ sang trọng quý phái và kêu gọi người xem tương tác bằng cách ngửi những mẫu nước hoa đó.
Rõ ràng chúng ta có thể thấy chiến thuật “điều tra” xã hội học ngày càng trở thành thủ pháp được ưa dùng như một vũ khí lợi hại trong việc tiếp cận một hiện thực khách quan cho các tác phẩm nghệ thuật. Có vẻ như những thẩm mỹ thị giác đơn thuần không còn là xuất phát điểm cho các dự án nghệ thuật đương đại nữa mà chính những trải nghiệm thực tế từ những nghiên cứu, khảo sát, điều tra mang tính xã hội học lại trở thành yếu tố then chốt quyết định nên cấu trúc của một tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm.
Những dự án cá nhân thực hành nghệ thuật thử nghiệm:
Với cá nhân tôi, hành trình để đi đến nghệ thuật thử nghiệm là một quá trình đặt câu hỏi và gạt bỏ những định kiến có sẵn từ khi bắt đầu tiếp xúc với nghệ thuật. Những định kiến về quan niệm sử dụng chất liệu đến cả những vấn đề về phương pháp luận trong việc xác định cấu trúc của một tác phẩm nghệ thuật. Từ khi có được sự giải thoát về quan niệm sử dụng chất liệu cũng như ý thức được tầm quan trọng của quá trình trải nghiệm thực tế trong môi trường đời sống xã hội, tôi đã dần định hình được phương pháp xây dựng cấu trúc cho các dự án nghệ thuật của mình.
Ngay cả trước đây, khi chưa học khoa nghệ thuật thử nghiệm tại Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh thì những dự án của tôi có lẽ cũng mang nhiều dấu ấn của thủ pháp điều tra. Một cách gần như theo cảm tính nhưng tôi sớm đã có cảm giác rằng chỉ có tập hợp nhiều trạng thái của cùng một hiện tượng được quan sát một cách có hệ thống mới có thể dần tiếp cận được bản chất của nó. Chính vì thế, từ những dự án đầu tiên như “Bóng lá”, “câu chuyện của nước”, “Headwash” hay “Vinatree”, tôi luôn cố gắng dành một thời gian đi trải nghiệm thực tế và ghi chép lại bằng phương tiện nhiếp ảnh. Với những bộ ảnh được ra đời sau mỗi lần trải nghiệm đó là kết quả thu được từ quá trình khảo sát, nghiên cứu, điều tra. Sau này, trong những dự án nghệ thuật tiếp theo, sau những năm 2008 khi tôi theo học thạc sỹ tại Bắc Kinh- Trung Quốc, được tiếp xúc bài bản với phương pháp luận rõ ràng thì có thể nói quan điểm đặt nghệ thuật thị giác có mối liên quan chặt chẽ với các bộ môn nghiên cứu của ngành khoa học xã hội nhân văn đã thực sự giúp tôi hệ thống hóa được những phương pháp thực hành nghệ thuật thử nghiệm của mình. Dần dần tôi càng hiểu rõ và nhận thức được tầm quan trọng của nền tảng nghiên cứu, điều tra xã hội học, tâm lý học có ảnh hưởng và tác động như thế nào đến cấu trúc của một tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm. Cũng từ đó, với những dự án như “Núi liền núi, sông liền sông”, “Nhà mặt phố”, “Tôi đi tìm ngôi nhà chung”, “Nhà Tây biến hình”, tôi đã có một phương pháp lấy nghiên cứu điều tra khảo sát làm nền tảng cho việc thực hành các tác phẩm thử nghiệm của mình. Với dự án “ Núi liền núi, sông liền sông” tôi đã tiến hành 1 cuộc hành trình ngược dòng với sông Hồng từ khu vực chảy qua Hà nội đến khu vực Lào cai nơi con sông Hồng chảy từ phía bên kia bên giới. Dọc hành trình trong hơn 1 tháng trời là những ghi chép cảm nhận bằng hình ảnh ghi lại dọc bên bờ sông và từ những lời bộc bạch của những người dân sống bám theo dòng nước. Cụ thể hơn với dự án “ Nhà mặt phố” tôi đã tiến hành trên nền tảng một dự án nghiên cứu và khảo sát lại quá trình biến đổi công năng sử dụng của nó trong suốt 100 năm trải qua các thời kỳ lịch sử, cũng như nghiên cứu lại những thay đổi về những biểu tượng cũng như những tín hiệu thị giác, xu hướng tâm lý… đã thay đổi ra sao qua suốt quá trình hình thành, phát triển và biến dạng của nhà hình ống ở đô thị Việt nam. Toàn bộ những hiện tượng thị giác diễn ra trên bề mặt của những ngôi nhà mặt phố đã được tôi ghi lại một cách cẩn thận bằng phương pháp nhiếp ảnh kiến trúc, rồi sau đó được cắt rời các chi tiết bằng phương pháp cắt laze như một thao tác giải cấu trúc toàn bộ hiện thực của những ngôi nhà, cuối cùng là công đoạn lắp ghép các chi tiết lại thành những mô hình tỉ lệ thu nhỏ tái hiện một hiện thực đời sống vừa giống vừa khác hiện thực trần trụi bên ngoài dòng chảy của cuộc sống xã hội Việt nam. Cũng với phương pháp khảo sát, năm vừa qua tôi đã tiến hành dự án “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” khi tự mình đi tìm hiểu xâm nhập thực tế sử dụng các phương pháp từ nhiếp ảnh đến phỏng vấn …để tìm hiểu câu chuyện của những ngôi Đình làng trong khu vực phố cổ, câu chuyện của quá trình Đình từ Làng lên Phố. Sau gần một năm điền dã cũng như tra cứu cộng với sự giúp đỡ hỗ trợ của những người còn trông giữ Đình tôi đã chụp lại được hiện trạng một số lượng lớn những ngôi Đình trong phố cổ dấu tích của những ngôi Đình thờ tổ nghề của 1 Kinh thành Thăng Long nhộn nhịp xưa kia. Hình ảnh những ngôi Đình còn sót lại chen lẫn với hình ảnh những ngôi Đình bị biến dạng và biến mất đã tạo nên 1 tác phẩm sắp đặt ảnh đưa người xem trở lại 1 cuộc hành trình về với những giá trị của văn hoá của dân tộc cũng như gợi cho người xem những trải nghiệm cá nhân về tác động của con người trong những biến thiên của lịch sử dân tộc. Gần đây nhất trong dự án “Nhà Tây biến hình” vừa ra mắt cách đây không lâu, tôi đã đẩy 1 bước xa hơn trong quá trình kết hợp dự án nghệ thuật thử nghiệm với 1 dự án nghiên cứu xã hội học khi cùng hợp tác với nghệ sĩ nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế để đưa dự án có 1 bề sâu của nghiên cứu. Với mỗi bức ảnh phù điêu đựng lại hiện trạng 1 ngôi Nhà Tây bị biến hình tôi đã cùng anh Thế cố gắng tiếp cận phỏng vấn các chủ nhân còn sót lại trong các ngôi nhà để cố gắng tìm hiểu về lịch sử hồ sơ của từng căn nhà đồng thời tiến hành việc “phục dựng” lại bản vẽ hiện trạng chúng từ những ký ức của gia chủ kết hợp với những suy luận trên những chi tiết hoa văn hoạ tiết còn sót lại chút ít trên mặt tiền. Có lẽ với cách làm này tôi đã đưa đưa được 1 dự án nghệ thuật mở những cánh cửa sang những câu chuyện khác- câu chuyện của những số phận người trong cuộc xoay vần của lịch sử.
Nguyễn Thế Sơn
Tháng 11/2013