Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Nguyễn Thế Sơn Và Tác Phẩm Mang Âm Sắc Bản Địa Tại Wink-The Dot Magazine
“Ranh giới giữa cuộc sống và nghệ thuật chưa bao giờ gần nhau đến thế trong không gian của khách sạn Wink.” Nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật kiêm giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, anh Thế Sơn, tiết lộ những khác biệt độc đáo tại Wink Hotel Saigon Center. Là một người thực hành nghệ thuật lâu năm cùng những tác phẩm để đời lấy cảm hứng từ hơi thở cuộc sống con người, Thế Sơn đã góp phần đem nét riêng biệt đầy cảm hứng sáng tạo trên nền tảng văn hoá bản địa của Sài Gòn thân thương đến với những vị khách tương lai của Wink.
Read on in English
Richie Fawcett, hoạ sĩ thiết kế đã từng xuất hiện trên mặt báo của Wink Hotels từ những ngày đầu tiên, đã xuất sắc biến thủ pháp vẽ minh họa bằng bút sắt trở thành một ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo. Đó là một cách phản ánh cái nhìn đậm tinh thần ghi chép cuộc sống nhộn nhịp của Sài Gòn từ trên cao. “Cách thức sáng tạo của tôi và anh tuy ở hai điểm nhìn khác biệt – anh từ trên cao và tôi bám sát mặt đất, bám sát bối cảnh con người trên đường phố,” Thế Sơn so sánh phong cách sáng tạo nghệ thuật của mình và Richie Fawcett “nhưng chúng tôi đều có một điểm chung là đều kích thích, khơi gợi cảm thức nơi chốn cũng như tình yêu với thành phố này cho những du khách có dịp ghé thăm Wink Hotel Saigon Center.”
“Tiểu sử” của nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật Thế Sơn
Tốt nghiệp Khoa Hội Họa trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội năm 2002, 10 năm sau đó, anh hoàn thành nghiên cứu sinh thạc sỹ chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc. Nền tảng kỹ năng nghiên cứu độc lập được hình thành từ đó, giúp anh hiện thực hóa những dự án nghệ thuật đầy ấn tượng mang đậm màu sắc của cuộc sống xã hội Việt Nam, giới thiệu đến bạn bè khắp năm châu. “Đằng sau những tác phẩm của tôi luôn phảng phất bóng dáng thân phận của con người Việt luôn biết ước mơ và luôn chấp nhận chung sống với thực tại.” Thế Sơn giãi bày về những đứa con tinh thần của mình.
Làm ra một tác phẩm nghệ thuật, những nghệ sĩ khác chắc ai cũng mong chúng được trân trọng và trưng bày ở những nơi chuyên nghiệp tầm cỡ thế giới. Thế nhưng, Thế Sơn lại mong muốn được trưng bày trước hết ở ngay trong nước, ngay trong những không gian nghệ thuật, bảo tàng… để công chúng Việt có thể được tiếp cận trước. “Người Việt rất thiệt thòi, tôi mong một ngày người Việt dần ý thức được vị trí và vai trò của nghệ thuật trong đời sống.” Ước nguyện ấy khiến anh liên tục trưng bày miễn phí những tác phẩm của mình cho khán giả địa phương.
Nhiếp ảnh phù điêu – Ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt của Thế Sơn
Sau nhiều năm sáng tạo nghệ thuật, Thế Sơn đã thử nghiệm và khám phá một ngôn ngữ nghệ thuật với tên gọi “Nhiếp ảnh phù điêu” cho riêng mình. “Nhiếp ảnh phù điêu” được sinh ra từ dự án nghiên cứu sự biến đổi cấu trúc hình dạng mặt tiền đô thị Hà Nội qua các thời kỳ chuyển đổi “Nhà Mặt Phố”. “Tôi muốn tìm ra một ngôn ngữ nghệ thuật có khả năng khắc hoạ và gợi mở tinh thần của một đô thị Hà Nội ngổn ngang vật vã giữa cái cũ và cái mới, giữa các lớp biển quảng cáo mới dần che lấp các ô cửa sổ, ban công, và những nét kiến trúc cổ còn sót lại của một quá trình “hiện đại hoá” đô thị đang diễn ra mạnh mẽ.” Thế Sơn giãi bày,
Ngôn ngữ “phù điêu ảnh” cho phép tái hiện một mô hình cuộc sống thu nhỏ gợi mở sự giải mã từ phía người xem. Ngôn ngữ “phù điêu ảnh” cũng được Thế Sơn lấy cảm hứng từ chính quá trình điền dã khảo sát các cửa hàng làm biển quảng cáo trên đường phố. Xu hướng 3D hoá các loại biển quảng cáo đã trở thành một xu thế tràn lan cộng hưởng cùng với lối kiến trúc hết sức lổn nhổn và không có quy hoạch ở đô thị đã tạo ra những tấm “phù điêu mặt tiền” lồi lõm khổng lồ trên đường phố. Những lớp hình ảnh được cắt rời chồng lớp lên nhau nó cũng gợi nên những lớp thời gian chồng chéo lớp sau che khuất lớp trước trên “mặt tiền” đô thị.
“Với ngôn ngữ này tôi cũng muốn đặt ra những chất vấn về chất liệu sử dụng trong nghệ thuật.” Thế Sơn tiếp tục. “Liệu những chất liệu “tầm thường” của đời sống có tạo nên được những tác phẩm có giá trị hay không? Hay nói cách khác tôi cũng muốn góp một tiếng nói vào việc mở rộng quan niệm về sử dụng chất liệu trong thực hành nghệ thuật đương đại cũng như trong nhiếp ảnh nghệ thuật.”
Dấu ấn nghệ thuật của Thế Sơn tại Wink Hotel Saigon Center
Quả thật, Thế Sơn sử dụng ngôn ngữ độc nhất của riêng anh để giao tiếp với những vị khách tương lai của Wink Hotels. “Ngay từ thuở sơ khai, tôi đã rất ấn tượng với ý tưởng về chuỗi khách sạn này,” Thế Sơn chia sẻ. “Mô hình kinh doanh sáng tạo và hiện đại này tôi đã có dịp trải nghiệm trong những lần đi triển lãm hoặc công tái tại hệ thống IBIS Hotel, Anh hay hệ thống Best Western Hotels Châu Âu. Song điều đặc biệt là Wink là một thương hiệu từ Việt Nam, lấy cảm hứng từ cuộc sống đô thị và văn hoá bản địa của từng thành phố. Trải nghiệm năm sao được tiếp cận với mức giá hấp dẫn, hướng tới giới trẻ ưa dịch chuyển.”
Mối nhân duyên của Wink Hotels và nghệ sĩ Thế Sơn sớm đã được định sẵn, khi kể từ năm 2012 với dự án “Nhà Mặt Phố”, anh đã luôn hứng thú với chủ đề “Đô thị và ký ức”, còn Wink lại đặc biệt chú trọng thể hiện sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới trong văn hoá xã hội Việt. “Ở dự án Wink Hotel Saigon Center 75 Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi đã tiến hành những ba đợt khảo sát quanh khu vực Quận 1 và chụp các ngôi nhà mặt phố cũng như sự biến đổi của chúng,” Thế Sơn thích thú tường thuật lại quá trình hoàn thiện những dấu ấn nghệ thuật của tại khách sạn Wink đầu tiên.
“Tôi đặc biệt chú ý đến ngôi Đình Tân An toạ lạc ngay đối diện với khách sạn. Một ngôi Đình có tuổi đời hơn 100 năm từ thời nhà Nguyễn, gắn bó với lịch sử đổi thay của thành phố cũng như của chính khu vực này. Tôi đã quyết định đưa hình ảnh ngôi Đình như một nhân vật trung tâm trong bức phù điêu liên hoàn dài bốn mét của mình.”
Cùng với việc ghi lại hình ảnh của những ngôi nhà phố với những tấm biến quảng cáo đậm chất Sài Gòn theo ngôn ngữ nhiếp ảnh kiến trúc, Thế Sơn còn chụp “đóng băng” những lớp người đi đường – những người lao động bình thường vật lộn trên đường phố Sài gòn đồng hiện đan xen cùng với những con người và xe cộ được anh sưu tập từ trước năm 75.
“Tác phẩm của tôi tại Wink Hotel Saigon Center như một tấm gương phản chiếu xuyên thời gian và không gian về con người và cuộc sống quanh khu vực này. Nó giống như một mô hình cuộc sống thu nhỏ, một trò chơi thị giác kích thích sự giải mã và trải nghiệm của mỗi người xem. Nó chính là đời sống và đời sống chính là nghệ thuật của tạo hoá. Tôi hy vọng nó khiến người xem thêm yêu cuộc sống, trân trọng từng phút giây và cảm nhận rõ nét hơn về giá trị nơi chốn mà chúng ta gắn bó.”
Toàn bộ quá trình từ khảo sát nghiên cứu, chụp ảnh, in ấn, tạo tác 3D cho đến hoàn thiện khung hộp cho tác phẩm phù điêu ảnh được diễn ra trong vòng hơn nửa năm từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2020. Tác phẩm hoàn thiện ở Wink Hotel Saigon Center giống như một miếng ghép tiếp theo bổ sung vào dự án dài hơi “Đô thị và ký ức” của nghệ sĩ Thế Sơn đã diễn ra hơn mười năm nay.
Wink Hotel Saigon Center tại 75 Nguyễn Bỉnh Khiêm, với không gian vừa riêng tư vừa rộng mở, phản ánh đời sống đầy năng lượng của Sài Gòn đang dần hình thành. Một cuộc cách mạng trong ngành khách sạn ở Việt Nam.
Ảnh chụp bởi Nghia Ngo.