Nghệ thuật đương đại kiến tạo không gian công cộng – Cảm nhận từ bờ vở Phúc Tân
Buổi Lễ trao giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 13 (2020) tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Số 5 – Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đông người tham dự hơn thường lệ. Dường như chưa bao giờ trong lịch sử của giải thưởng này, có đông các nghệ sĩ Đương đại đến như vậy, trong số họ có cả nghệ sĩ Úc và Tây Ban Nha. Đó là các nghệ sĩ tham gia Dự án Nghệ thuật Công cộng Phúc Tân. Có thể nói đó là “vương miện” đầu tiên dành cho Nghệ thuật Đương đại ở Việt Nam. Đó là kết quả một chặng đường dài của con đường Nghệ thuật Đương đại đến với cộng đồng, một hành trình cống hiến của nghệ thuật công cộng cho không gian sống tốt đẹp hơn. Trong bài viết này, với tư cách là nghệ sĩ tham gia dự án này đồng thời cũng là nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, xin được chia sẻ một viễn cảnh của nghệ thuật công cộng có sự đóng góp của Nghệ thuật Đương đại.
Vài ghi chú về Nghệ thuật Đương đại
Theo Ian Chilvers, John Glaves-Smith (2010), mặc dù có nhiều mốc để xác định mốc thời gian khởi đầu cho Nghệ thuật Đương đại, nhưng có thể coi bước ngoặt khởi đầu của Nghệ thuật khái niệm vào cuối những năm 1960 có ý nghĩa thay đổi hoàn toàn quỹ đạo nghệ thuật toàn cầu là điểm mốc quan trọng có giá trị học thuật. Đây là quan điểm mang tính lịch sử nghệ thuật, không phụ thuộc vào từng quốc gia riêng biệt, vào hoàn cảnh nghệ thuật cụ thể.
Khác với các trào lưu của Nghệ thuật Hiện đại, Nghệ thuật Đương đại không những là cuộc cách mạng nghệ thuật thị giác, mà còn là cuộc cách mạng tư tưởng nghệ thuật. Cống hiến lớn nhất của Nghệ thuật Đương đại là gợi cho con người xem lại một cách triệt để bản thân nghệ thuật cũng như nền chính trị, kinh tế và văn hóa mà nó tồn tại trong đó. Hơn nữa, nó còn vượt ra ngoài khuôn khổ nghệ thuật, khuyến khích công chúng xem lại nền văn hóa hiện đại, suy ngẫm về quá khứ và hiện tại của loài người. Với phương pháp tư tưởng mới, từ góc nhìn mới, đặc điểm nổi trội của nền Nghệ thuật Đương đại là quan niệm mà nghệ sĩ muốn thể hiện, từ lâu đã vượt lên trên mọi hình thức. Thực sự xét về bản chất, hoạt động Contemporary Art đã vượt ra khỏi khuôn khổ “Mỹ thuật” và thậm chí là cả “Nghệ thuật”. Việc sử dụng thuật ngữ Mỹ thuật đương đại như hiện nay ở Việt Nam dù xét ở nghĩa rộng và hẹp cũng không thực sự thỏa đáng.
Các nghệ sĩ đương đại như Joseph Beuys (1921–1986) coi lao động nghệ thuật trên thực tế là tiến hành cải tạo xã hội, làm trong sạch nhân tâm. Ông cũng biến nghệ thuật gia thành một nhà hoạt động xã hội, một sứ giả, một nhà cách mạng, gánh vác trọng trách cải tạo thế giới.
Tuy rất đa dạng về hình thức thể hiện, nhưng Nghệ thuật Đương đại lại tập trung vào những luận đề. Các triển lãm Nghệ thuật Đương đại thường được xây dựng từ những luận đề lớn. Cuốn sách Themes of Contemporary Art: Visual Art After 1980 (Chủ đề của Nghệ thuật Đương đại: Nghệ thuật Thị giác, từ sau năm 1980) do Craig McDaniel và Jean Robertson đã xác định được luận đề lớn như: Căn tính, Cơ thể, Thời gian, Ký ức, Địa điểm, Ngôn ngữ, Khoa học, Tâm linh…
Nghệ thuật Đương đại giờ đây không còn bó hẹp trong không gian bảo tàng và các phòng tranh nghệ thuật. Những không gian công cộng và không gian ảo trên internet đang trở thành một lãnh địa quan trọng của Nghệ thuật Đương đại. Những lý thuyết ảnh hưởng tới các thực hành Nghệ thuật Đương đại là thuyết Hậu Hiện đại (Postmodernism), Hậu thuộc địa (Postcolonialism), Giới tính xã hội (Gender), Nhân học nghệ thuật (Anthropology of art) và không thể không kể đến Mỹ học vị quan hệ (relational aesthetics) của Nicolas Bourriaud. Mỹ học vị quan hệ thúc đẩy Nghệ thuật Đương đại đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các không gian công cộng. Ở Việt Nam, Mỹ học Vị quan hệ vẫn còn mới mẻ, nhưng đã có những sự kiện nghệ thuật và học thuật liên quan đến vấn đề này. Năm 2006, Rirkrit Tiravanija – một trong những nghệ sĩ thị giác tiêu biểu cho Nghệ thuật Đương đại theo mỹ học Vị quan hệ đã tới Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội để giới thiệu cho Dự án quốc tế Sài Gòn – TP mở. Ngày 6/1/2012 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giám tuyển Nguyễn Như Huy có buổi giới thiệu về Mỹ học Vị quan hệ.
Nghệ thuật Đương đại ở Việt Nam
Nghệ thuật Đương đại ở Việt Nam gắn liền với quá trình hội nhập quốc tế, với chính sách Đổi mới từ sau năm 1986. Các chương trình giao lưu nghệ thuật, các hoạt động của những trung tâm văn hóa nước ngoài ở Hà Nội, TP HCM như: Trung tâm ngôn ngữ – văn minh Pháp, Viện Goethe, Hội đồng Anh, Quỹ phát triển và trao đổi văn hóa Đan Mạch – Việt Nam và các kỳ Festival Huế… đã góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của Nghệ thuật Đương đại ở Việt Nam. Năm 2000, Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại do nghệ sĩ Trần Lương làm giám đốc. Nghệ thuật Đương đại Việt Nam sau hơn 30 năm phát triển đã dần khẳng định được vị trí trong nước và trên trường quốc tế. Năm 2018, không gian Nghệ thuật Đương đại chính thức ra mắt ở Tòa nhà Quốc hội với các loại hình video art, phù điêu nhiếp ảnh, đồ họa mở, sắp đặt tương tác… của 15 nghệ sĩ, do nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển. Đây là không gian trưng bày các tác phẩm Nghệ thuật Đương đại chính thức đầu tiên ở Việt Nam. Dẫu rằng, Nghệ thuật Đương đại đã được chính thức thừa nhận nhưng ở Hà Nội vẫn chưa có một không gian công cộng nào có sự trưng bày cố định của Nghệ thuật Đương đại. Hay nói đúng hơn, chưa có một dự án nghệ thuật công cộng nào ở Hà Nội có sự tham dự của Nghệ thuật Đương đại. Với vai trò đồng giám tuyển cho dự án Nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã đưa Nghệ thuật Đương đại đóng vai trò chủ lực trong việc kiến tạo một không gian nghệ thuật mở, gắn kết tác phẩm với ký ức di sản của chính người dân nơi đây. Giờ đây, đoạn phố Phùng Hưng đã trở thành một không gian tiêu biểu cho sự hiện diện của mỹ học vị quan hệ ở Hà Nội. Những tác phẩm kích thích giao tiếp xã hội, đưa mọi người đến gần với nhau quanh những trải nghiệm trở về quá khứ, với chiếc máy nước công cộng, chiếc xe máy cũ hay bậc thềm bên song cửa xưa…
Sứ mệnh của Nghệ thuật Đương đại trong không gian công cộng
Trong tác phẩm “The structural transformation of the public sphere” xuất bản năm 1962, của triết gia Đức Jrgen Habermas đã nhấn mạnh đến không gian công cộng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, là điều kiện để thiết lập nền dân chủ. Dân chủ theo cách cắt nghĩa đơn giản của Hồ Chí Minh: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng”. Dân chủ làng xã xưa kia có sân đình. Cho đến nay, đó vẫn là không gian công cộng chuẩn mực về chất lượng của nghệ thuật đóng vai trò kiến tạo các quan hệ xã hội.
Sau hơn 30 năm Đổi mới, Hà Nội đã thay đổi rất nhiều, bên cạnh những thành tựu đạt được về tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Nhưng một bức tranh đáng buồn về không gian công cộng đang bị xuống cấp. Công viên bị các nhà hàng, khách sạn bủa vây, cấu xé. Vỉa hè bị lấn chiếm. Các khu tập thể cũ từng là niềm kiêu hãnh một thời nay đã xuống cấp, sân chơi, vườn hoa bị lấn chiếm. Ngay cả đến lối lên xuống ở các cầu thang ở đây cũng trở thành quán nước, quán bia, quầy tạp hóa…
Ngày hôm nay, người Hà Nội đã thừa ăn, thừa mặc, bật tivi lên là xem đủ loại phim, từ phim cổ trang Trung Quốc, tâm lý Hàn Quốc, hành động Hoa Kỳ…nhưng rất thiếu chỗ chơi, thiếu chỗ trò chuyện, tán gẫu, tóm lại là thiếu không gian công cộng. Quy hoạch các khu đô thị cao cấp, siêu cao cấp, khu ngoại kiều dẫn đến những nhóm cộng đồng sống với nhau dựa trên thu nhập. Điều này rất khác với các cư dân tập thể xưa. Ở các khu cao cấp này cũng có vườn hoa, công viên, nhưng là dành riêng cho cộng đồng cư dân đó. Chẳng hạn khu vườn Nhật Bản ở Vinhomes Smart City chỉ dành riêng cho cư dân ở đây – Đó là cấu trúc phân tầng dân cư ngầm chứa những bất bình đẳng xã hội.
Trong não trạng của truyền thông và không ít các nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật công cộng chỉ chủ yếu là nghệ thuật bích họa. Điều dẫn đến sự bùng nổ, lạm phát về tranh tường khắp phố phường ngõ xóm. Hiện tượng thái quá này cũng tạo ra một sự ô nhiễm thị giác. Các bức tranh quẩn quanh với Tháp Rùa, Cầu Long Biên, Khuê Văn Các, đồng lúa, đồng hoa… theo cách vẽ tô màu xanh xanh đỏ đỏ.
Năm 2019, tiếp tục hướng đến cộng đồng, kiến tạo các không gian công cộng, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sỹ (phần lớn từ dự án Nghệ thuật công cộng Phùng Hưng) đã bắt tay vào dự án nghệ thuật ở bờ vở Phúc Tân. Bờ vở là một con đường ven sông Hồng ở phường Phúc Tân. Những tác phẩm của nghệ sĩ Cấn Văn Ân, Lê Đăng Ninh là những tác phẩm đặc biệt tặng bó với ký ức người dân đất bãi. Một bộ phận không nhỏ dân cư Phúc Tân từng có cuộc sống nay đây mai đó, họ lênh đênh trên những con thuyền buôn bán, ngược xuôi đánh bắt cá của dân vạn đò, hình ảnh nhà nổi của những cư dân du cư trong thành phố – Họ sống trên vùng bãi bồi giữa lòng sông, khi mùa nước về họ lại trôi đi, tới mùa nước cạn, họ trở về. Một cuộc sống không điện không nước sạch, không hộ khẩu nằm khuất giữa bóng tối của lòng sông. Tác phẩm của Lê Đăng Ninh khắc họa lại những khoảnh khắc cuộc sống đời thường của họ trên những chiếc thùng phi, là vật dụng tạo nên những chiếc lều nổi. Từ những năm 1990 về trước, những trận lũ hàng năm, khiến cho vùng đất bãi ven sông ngập chìm trong nước, nhà nào cũng phải có một chiếc thuyền – Nghèo thì thuyền nan, giàu hơn thì thuyền tôn. Tác phẩm của Cấn Văn Ân lấy chiếc thuyền gắn kín những mảnh gương nhỏ bên trong lòng, gợi nên những mảnh ký ức lấp lánh cùng hiện tại.
Những tác phẩm này dù rất mới lạ nhưng lại không có gì là kiểu cách. Nó chạm vào ký ức, làm xúc động người dân nơi đây vì kể lại những câu chuyện về chính cuộc đời của họ. Nghệ thuật chen vào cuộc sống một cách tự nhiên nhất, như cách nghệ sĩ Úc George Burchett làm một con voi sắt bên một bức tường rêu ẩm vốn có, mọc đầy dương xỉ. Đây cũng là chỗ trẻ con hay ra vui chơi. Những câu chuyện về dòng sông, về thuyền bè, về người gồng gồng gánh gánh trong các tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn, Vũ Xuân Đông là câu chuyện quá khứ luôn được các bạn trẻ yêu thích vì là những thử nghiệm mới của chất liệu đèn led inox.
Tác phẩm “Rồng của dòng sông” của nghệ sĩ Diego như là giấc mơ kỳ ảo hòa trộn quá khứ và tương lai. Anh đã nhận về cho mình phần khó khăn nhất: Đây là đoạn đường tối tăm, bẩn thỉu nhất, luôn sặc mùi phóng uế. Anh và các nghệ sĩ khiếm thính đã biến đoạn đường này thành khúc nhạc dạo đầu rực rỡ nhất của con đường nghệ thuật Phúc Tân. Vào ngày 20/3 vừa qua, tại đây đã có buổi trình diễn thời trang áo dài đặc biệt của thương hiệu Chula do chính anh thiết kế. Điều đặc biệt là cùng tham gia với những người mẫu chuyên nghiệp còn có người dân địa phương.
Thay cho lời kết
Một tổn thất to lớn cho cộng đồng sáng tạo Hà Nội, là nghệ sĩ Diego Cortizas đã đột ngột ra đi khi đang ở độ tuổi sáng tạo sung sức nhất (hưởng dương 49 tuổi). Nhân 49 ngày mất của Diego, nhóm nghệ sỹ Phúc Tân đã làm 1 tác phẩm để tưởng nhớ một người bạn nhân hậu, một người nghệ sỹ, nhà thiết kế tài ba trong nhóm, đã cống hiến và đóng góp cho Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân, cũng như đóng góp cho sự giàu có của văn hóa sáng tạo Hà Nội và Việt Nam suốt gần 20 năm qua. Tác phẩm “Con đường Chula” có hình thái của 1 tấm biển chỉ đường, một tấm biển chỉ dấu văn hóa, tri ân một con người có tâm hồn nghệ sỹ đầy nhân văn, luôn nặng lòng và trân quý những giá trị văn hóa bản địa và con người Hà Nội. Ý tưởng tác phẩm là biển phố Chula vì Chula trong tiếng Tây Ban Nha là Đẹp – “Dẫu rằng, giờ đây, bạn đã thành những đám mây trắng nhẹ trôi trên châu thổ sông Hồng, trên mảnh đất Việt này, nhưng chúng tôi biết rằng, bạn sẽ luôn đồng hành, luôn tỏa bóng mát cho chúng tôi trên con đường phụng sự cái Đẹp cho cuộc đời này” (Trích statement của tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế).
HS Trần Hậu Yên Thế