“Người chở” – made in Vietnam và hành trình tới xứ sở bảy ngọn đồi- VNQĐ

http://vannghequandoi.com.vn/su-kien/van-nghe/nguoi-cho-made-in-vietnam-va-hanh-trinh-toi-xu-so-bay-ngon-doi_9081.html?fbclid=IwAR0QEWby8Fsxuq_XNZX8EA-C2nOQ7e37Df66lCS81QXFiuLfRvuIDHuEU-U

Tối 15/3/2019, tại AGOhub, 12 Hòa Mã, Hà Nộị đã diễn ra buổi khai mạc Triển lãm “Hành trình tới xứ sở bảy ngọn đồi” của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn.

Tiếp tục những cuộc chu du khi bước ra từ các tác phẩm phù điêu ảnh, mùa thu 2018, “những người chở” của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn từ Việt Nam đã có một chuyến đi rất xa nửa vòng trái đất sang tận xứ cờ hoa.

Trải qua hơn một tháng tham gia chương trình nghệ sĩ cư trú tại Bảo tàng nghệ thuật Worcester (Hoa Kì), nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã khai sinh hai mô hình “người chở” trong xưởng thực hành của Bảo tàng. Một chị gánh rong bán rau muống đến từ vỉa hè Hà Nội và một anh shipper (chở hàng) bằng xe Honda đến từ lòng đường Sài Gòn đã tượng hình rồi rong ruổi và tương tác trên khắp nẻo đường thành phố Worcester.

Công chúng sở tại thăm xưởng thực hành của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (chính giữa) tại Bảo tàng nghệ thuật Worceter  

Worcester là thành phố có cộng đồng người Việt sinh sống khá đông, họ chủ yếu đến đây sau những năm 1990 theo diện HO. Thành phố này thuộc bang Massachusetts – bang lớn thứ hai vùng New England sau Boston. Nằm ở vị trí gần như trung tâm của bang Massachusetts, Worcester được biết đến như là “Trái tim của Khối thịnh vượng chung” (do đó, hình trái tim cũng được lấy làm biểu tượng chính thức của thành phố).

Worcester cũng là thành phố có cái tên dân gian rất thơ mộng – “thành phố bảy ngọn đồi” với một địa hình nhiều đồi dốc lên xuống, không phù hợp với việc di chuyển dài bằng đôi chân. Chính vì thế đến ngày nay phương tiện di chuyển phổ biến nhất được thấy là ô tô, nhà nào cũng có ít nhất từ một đến vài chiếc ô tô, hầu như không mấy khi thấy sự xuất hiện của xe máy, xe đạp và cả người đi bộ trên đường.

Vậy nên, sự xuất hiện hình ảnh gánh gồng của hai “người chở” đến từ Việt Nam trên đường phố Worcester trở nên hết sức nổi bật trong bối cảnh đó. Một sự phi lí nên thơ đã mang lại tiếng cười sảng khoái và sự gắn kết chia sẻ của cộng đồng người Việt và cả những thị dân bản địa. “Người chở” như là hình ảnh xa mờ trong quá khứ nhọc nhằn của những người Việt xa xứ đến đây từ mấy chục năm trước, vừa như một hiện thực khác nhắc nhớ về một quê hương lam lũ vẫn còn đau đáu trong tim…

“Những người chở” made in Vietnam “rong ruổi” khắp nơi trong lòng thành phố Worcester mang đến nhiều bùi ngùi/ khoái thú cho người Việt đang sinh sống ở đây, cho khách du lịch và thị dân bản địa

Triển lãm “Hành trình tới xứ sở bảy ngọn đồi” trình xuất một phần kết quả lao động sáng tạo của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn trong đợt tham gia chương trình nghệ sĩ cư trú do Bảo tàng nghệ thuật Worcester tổ chức nói trên.

Tại buổi khai mạc, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn trình chiếu đoạn phim tư liệu phía sau hậu trường của dự án ảnh dàn dựng, trình chiếu ảnh và thuyết trình sinh động, hấp dẫn về chuyến đi, về chương trình nghệ sĩ cư trú, về hành trình tạo sinh và chu du của “những người chở”…

Buổi khai mạc triển lãm tại 12 Hoà Mã, Hà Nội hiện diện nhiều khách ngoại quốc

Giáo sư mĩ thuật, hoạ sĩ Nguyễn Xuân Thành phát biểu: “Tôi đánh giá cao tài năng, sự say mê hoạt động sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi và những dự án mà hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã thực hiện. Trong dự án Người chở, tác giả đem lại hình thức biểu đạt mới, ấn tượng và đã đạt được những tác động bước đầu vào tâm lí của cộng đồng người Việt ở Mĩ, của công chúng Mĩ, nơi tác giả thực hiện dự án này”.

Riêng về triển lãm, tiến sĩ vật lí, nhà nghiên cứu mĩ thuật Phạm Long nói: “Đây là một giao thoa thú vị giữa nghệ thuật nhiếp ảnh (photography) – nghệ thuật sắp đặt/thị giác (installation) – nghệ thuật diễn ngẫu (happening art) – phim tài liệu (documentary film). Cám ơn nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn với triển lãm nghệ-thuật-kết-nối-con-người”.

Hơn 10 năm nay, Nguyễn Thế Sơn là một cái tên nổi bật trong đời sống nghệ thuật đương đại. Với những dự án nghệ thuật thị giác như “Nhà mặt phố”, “Nhà Tây biến hình”, “Thay hình đổi mặt”, “Chở những người chở những người chở”, dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, dự án nghệ thuật trong đường hầm nhà Quốc hội…, Nguyễn Thế Sơn trở thành “một người kể chuyện nghệ thuật đương đại Việt rất biết cách kết nối nghệ sĩ với nghệ sĩ, và nghệ sĩ với cộng đồng”.

Comments are closed.