Người kể chuyện mới của nghệ thuật đương đại- thanh nien.vn

https://thanhnien.vn/van-hoa/nguoi-ke-chuyen-moi-cua-nghe-thuat-duong-dai-1052111.html

Chèo lái nhiều dự án nghệ thuật đương đại, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đã giúp những thực hành nghệ thuật này gần gũi hơn với công chúng và trở thành cầu nối văn hóa.

Một Việt kiều ở Mỹ rất quyến luyến với hình ảnh người phụ nữ gánh rau muống mang bán /// Ảnh: NVCC

Một Việt kiều ở Mỹ rất quyến luyến với hình ảnh người phụ nữ gánh rau muống mang bánẢNH: NVCC

Màu âm thanh, dáng hình đô thị

Nhiều người nghĩ chúng tôi làm những việc vô bổ, nhất là khi các tác phẩm cứ phơi ra ngoài đường. Tuy nhiên, đến lúc xong thì mọi người càng đến chơi càng thấy giá trị. Đến giờ, nếu muốn bỏ đi thì chính những người ở quanh sẽ phản đối đầu tiên.

Tiếng nhạc mảnh như sợi lụa vang ra từ chiếc loa phường cao tít trong tranh. Là bolero. Là nhạc vàng… Cạnh đó trên tường gắn nhiều chiếc đĩa, nhiều tấm hình nghệ sĩ Sài Gòn xưa, những người đã hát bolero trong nhiều năm. Đó đều là những hình ảnh được Nguyễn Thế Sơn sưu tầm và tái hiện lại trong dự án nghệ thuật sắp đặt Màu của âm nhạc. Trong đó, áo dài của những “cô ba Sài Gòn” nổi bật trên nền hồ thủy – màu rất mốt thời đó. Những chiếc đĩa nhựa đen tròn xếp cạnh nhau…Những dự án nghệ thuật đương đại của Nguyễn Thế Sơn thường mang trong mình những câu hỏi từ đời sống xã hội như thế. Chẳng hạn, trong dự án Ký ức đô thị, Sơn thực hiện các tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu khu tập thể. Những khu tập thể Hà Nội được chụp hình, rồi dựng 3D từ chính những ảnh đó chính xác đến từng quán bia rộn ràng tiếng chạm cốc, tiếng thịt cá xèo xèo trong chảo lửa nhiệt cực cao. Có cả những tấm biển bán thời trang chạy suốt mặt tiền tầng một. Đúng như cựu đại sứ Pháp tại VN, ông Jean Noel Poirier nói: “Người dân lao ra trái, lao ra phải, lao ra không trung. Chỗ nào lao ra được là họ lao ra. Khu tập thể chính là nơi có nhiều quán ăn nhất. Chắc các KTS Nga (những người thiết kế) khi quay lại cũng khó có thể nhận ra được tác phẩm của mình”.Tuy nhiên, tác phẩm được Thế Sơn tay xách nách mang tới nhiều nơi nhất là hai hình người gồng gánh và người chở hàng. Tác phẩm được làm bằng bìa cứng, in trên đó chính xác đến từng chi tiết từ ảnh. Một người đang chở hàng bằng xe máy. Người còn lại lưng gánh rau xanh đi khắp đô thị để bán rong. Họ vừa lam lũ, vừa là một phần của đô thị vẫn mang bóng dáng nông thôn. Nhưng hơn thế, họ là một phần của văn hóa thường ngày. “Tôi đã mang triển lãm di động này đi khắp nơi. Đó là những người nông dân loanh quanh đô thị lớn ở Hà Nội hay shipper trong TP.HCM. Họ không được gọi là người thất nghiệp ở VN, nhưng họ tha phương cầu thực, hoàn toàn không có bảo hiểm”, Thế Sơn nói. Mới đây nhất, Sơn đã mang hai hình người này sang Mỹ, để tương tác với bối cảnh xã hội Mỹ.

Nguyễn Thế Sơn

Hai hình người này đã được bày tại triển lãm mỹ thuật đương đại ở Boston, Mỹ. Một hoạt động bên lề là đối thoại với người dân địa phương tại đó. “Họ hỏi tôi đó là gì. Tôi kể cho họ về những thay đổi của thành phố, về tác động của lịch sử với đô thị hóa. Chẳng hạn, chung cư Hellios nơi tôi ở trở thành tòa nhà 1.000 lá cờ như thế nào vào ngày lễ tết. Tôi cũng nói hai mô hình này cho thấy nhiều người vẫn gồng gánh mưu sinh, vô hình trong xã hội dù họ đóng góp sinh lực cho nó”, Sơn nhớ lại.

Kể chuyện cộng đồng, cho cộng đồng

Hai hình người này trước đó cũng đã được trưng bày tại phố bích họa Phùng Hưng – một dự án nghệ thuật công cộng có yếu tố quốc tế do Chương trình định cư con người Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) tài trợ. Bằng dự án đó, các nghệ sĩ và tổ chức liên quan muốn thúc đẩy những không gian văn hóa chung cho cộng đồng, ở đó các vấn đề đô thị được chia sẻ, trao đổi. Một cách khác, nó tạo được đối thoại về các vấn đề của cộng đồng, kết nối được người dân.

Người kể chuyện mới của nghệ thuật đương đại - ảnh 4

Người dân địa phương Mỹ thích thú với hình ảnh người lái xe ôm chở cồng kềnh ở đô thị Việt NamCả phố bích họa gồm các sắp đặt liên kết của nhiều người, còn Sơn là người lên kế hoạch tổng thể. Trong đó, họ nhấn đến ký ức của Hà Nội xưa. Ở đó, có những điều giờ không còn nữa, nhưng vẫn nằm sâu đâu đó trong ký ức chờ đánh thức dậy. Đó là vòi nước công cộng nơi cả phố vẫn ra lấy nước về nấu nướng và giặt giũ. Đó là chiếc xe Honda cup kim vàng giọt lệ – nó đáng giá cả một gia tài. Những cuộc múa lân xưa thật xưa… “Nhiều người nghĩ chúng tôi làm những việc vô bổ, nhất là khi các tác phẩm cứ phơi ra ngoài đường. Tuy nhiên, đến lúc xong thì mọi người càng đến chơi càng thấy giá trị. Đến giờ, nếu muốn bỏ đi thì chính những người ở quanh sẽ phản đối đầu tiên. Nó làm cuộc sống của họ dễ chịu hơn và buôn bán cũng đông hơn”, ông Sơn nói. Cũng phải nói thêm, nhóm của ông Sơn khi đó làm dự án này hoàn toàn miễn phí.Không gian phố bích họa Phùng Hưng này sau đó cũng đón một vị khách rất đặc biệt là bà Maimunah Modh Sharrif, Tổng giám đốc UN-Habitat. Con phố khi đó cũng có thêm những buổi biểu diễn âm nhạc nhạc dân tộc và trở thành điểm đến cuối tuần. Thử chơi một nhạc cụ, vị khách cũng rất vui khi cộng đồng nhiều lứa tuổi đã tham gia nhiệt tình và yêu mến dự án bích họa này để gần gũi nhau hơn. Bà cho biết, về lâu dài sẽ tiếp tục hỗ trợ Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) mở rộng phố bích họa. “Việc cộng đồng tham gia tương tác là một yếu tố quan trọng trong việc phát huy các giá trị di sản văn hóa của một thành phố”, bà nói về phố bích họa Phùng Hưng.

Người kể chuyện mới của nghệ thuật đương đại - ảnh 5

Một trích đoạn tác phẩm ở phố bích họa Phùng Hưng gợi nhớ quá khứNhưng chưa hết, dự án Phùng Hưng còn mở ra cơ hội thực hành nghệ thuật đương đại khác. “Khi chúng tôi làm dự án nghệ thuật đương đại dưới đường hầm nhà Quốc hội (QH), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân có nói, bà ấn tượng với Phùng Hưng. Do đó, bà gợi ý về việc hầm nhà QH có những tác phẩm đương đại kể chuyện lịch sử”, Thế Sơn cho biết. Dự án này, một lần nữa lại chứng minh khả năng “tổng chỉ huy” thực hành nghệ thuật đương đại của Sơn.Chỉ có 3 tháng thực hiện, dự án nghệ thuật đương đại ở hầm nhà QH do Sơn chỉ huy có sự tham gia của 15 nghệ sĩ, hơn 100 trợ lý kỹ thuật. Cụm tác phẩm sắp đặt không gian kích thước lớn này phủ kín hơn 500 m dài trong hầm nhà QH. Những câu chuyện lịch sử văn hóa cứ thế nối theo nhau, với nhiều ẩn dụ nghệ thuật và cách thức thể hiện sáng tạo. Chẳng hạn, tranh Vinh hoa phú quý xưa vẫn giữ nguyên hình ảnh cậu bé. Tuy nhiên, thay vì ôm gà vịt, các cậu bé đương đại này ôm những vật liệu kiến trúc thời Lý như mảng ngói lá đề. Đặt trong không gian của nhà QH và Hoàng thành Thăng Long, bức tranh dân gian mới này cho thấy sự khăng khít giữa thế hệ mới và vốn văn hóa dân tộc. Một sắp đặt khác gồm 240 bức tranh sơn mài nhỏ đã mô tả lại các hoa văn kiến trúc tìm thấy trên hiện vật của Hoàng thành Thăng Long. Một tác phẩm khác là tấm gương soi tạo hình giống bia Văn Miếu có gắn các hoa văn mỹ thuật cổ lại mang ẩn ý hãy soi mình vào lịch sử để thấy mình là ai.“Điều tôi muốn nhất là tổng thể. Vì thế, các nghệ sĩ được chọn dựa trên thế mạnh và họ cũng được yêu cầu liên kết”, Thế Sơn nhớ lại. Các nghệ sĩ do đó được mời và sắp việc theo đúng sở trường. Với Trần Công Dũng, sự tài khéo khi làm sơn mài đã được chọn lựa. Cùng lúc, ông Dũng cũng được yêu cầu vẽ những cánh cửa thời Pháp xưa – một đề tài ông theo đuổi hơn mười năm. Hoặc ông Trần Hậu Yên Thế lại làm về câu chuyện “hiền tài nguyên khí quốc gia” – một di tích ông nghiên cứu sâu. Xuân Lam lại thực hiện nhóm họa tiết hoa trên tranh sơn mài cỡ nhỏ. Việc này cũng gần với dự án sưu tập họa tiết dân gian rồi biến thành sản phẩm hiện đại anh đang theo.

Giờ đây, khi cụm tác phẩm đương đại này hoàn thành, nó đánh dấu một mốc quan trọng của nghệ thuật đương đại VN. Đó là việc lần đầu tiên, nó xuất hiện chính thức trong một không gian văn hóa chính trị đậm đặc như hầm nhà QH.Trên danh nghĩa, cụm tác phẩm là quà của UBND TP.Hà Nội tặng QH. Danh nghĩa này xác lập vị thế văn hóa chính trị cho thực hành nghệ thuật đương đại. Còn Nguyễn Thế Sơn trở thành một người kể chuyện nghệ thuật đương đại Việt rất biết cách kết nối nghệ sĩ với nghệ sĩ, và nghệ sĩ với cộng đồng.

Comments are closed.