Nhà mặt phố – Một góc nhìn lạ về Hà Nội

(HNM) – Phối hợp giữa nhiếp ảnh và chế tác quảng cáo để đem được cái nhìn hiện thực nhất về một Hà Nội thời hội nhập, cuộc triển lãm “Nhà mặt phố” tại Hà Nội của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn đã thu hút sự chú ý của dư luận. Từ ngày 10-11 đến 10-12, anh tiếp tục mang 45 tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu “Nhà mặt phố” đến TP Hồ Chí Minh…

Nguyễn Thế Sơn là nhiếp ảnh trẻ sinh năm 1978 tại Hà Nội, hiện đang là giảng viên của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm “Nhà mặt phố” được xuất phát từ đề tài luận văn thạc sĩ của anh với tên gọi “Nhà mặt phố phong cách nhân tạo Việt Nam thời kỳ chuyển đổi”. Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Tôi đã mất gần hai năm nghiên cứu kể từ lúc lên ý tưởng đề tài đến khi cho ra sản phẩm mô hình cùng luận văn dài 1,5 vạn từ về sự biến đổi này. Trong công trình của mình, tôi phân tích nhiều về sự thay đổi của nhà mặt phố tại Hà Nội suốt 100 năm”.
Bộ sưu tập “Nhà mặt phố”.
Hà Nội với 36 phố phường xưa là nhà ống nhỏ, mặt tiền hẹp có chức năng ở và buôn bán nhỏ. Đến thời bao cấp sự thay đổi rõ rệt, ban công được tận dụng làm nhà tắm, nhà bếp, mổ xẻ nhà hình ống… Từ những năm 1986 trở đi nhà mặt phố phát triển theo chiều cao, bê tông hóa. Và những ngôi nhà bị triệt tiêu kiến trúc bằng biển quảng cáo chỉ từ khi Việt Nam gia nhập WTO, người ta tận dụng tối đa mặt tiền để làm quảng cáo, mà không cần đến kiến trúc, thẩm mỹ căn nhà.

Mỗi tác phẩm được Nguyễn Thế Sơn sáng tạo ra bằng cách dùng photoshop kết hợp nhiều tấm ảnh, nhiều lần chụp sau đó rồi thuê thợ quảng cáo hỗ trợ cắt, dán, tạo khối mô hình mặt tiền cho các ngôi nhà kích thước 0,5m×1,7m. Trên đó có khắc họa cây cối, dây điện, người tham gia giao thông, kiến trúc đồ vật nhà thành một tác phẩm sinh động. Phối hợp giữa nhiếp ảnh và chế tác quảng cáo để đem được cái nhìn hiện thực nhất về một Hà Nội chuyển qua thời thương mại hóa, biểu trưng bằng những tấm biển quảng cáo đại diện một Hà Nội thu nhỏ, tác phẩm của Sơn vừa mang tính báo chí vừa mang tính nghệ thuật cao. Những bức phù điêu nhà mặt phố Hà Nội đã được Sơn mang đi triển lãm trong nước và cả nước ngoài.

Trước khi mang tranh vào Nam triển lãm, Nguyễn Thế Sơn đã đến TP Hồ Chí Minh để ghi nhận sự biến đổi nhà mặt phố tại đây rồi làm 9 tác phẩm lớn mô tả nhà TP như tiệm áo cưới, nha khoa, thẩm mỹ viện… trưng bày bên cạnh “nhà mặt phố” Hà Nội để người xem tự so sánh. Tại cuộc triển lãm này Sơn sẽ tổ chức buổi nói chuyện cho các khán giả, các kiến trúc sư tại phòng tranh Cactus Gallery giới thiệu về nhiếp ảnh phù điêu và sự thay đổi của nhà mặt phố Hà Nội trong hơn 100 năm qua.

Ông Paul Weining, Viện trưởng Viện Goethe – tổ chức văn hóa của Cộng hòa Liên bang Đức tại TP Hồ Chí Minh, đơn vị trực tiếp tài trợ cho ” Nhà mặt phố” vào triển lãm, cho biết: “Tôi đã xem triển lãm của Sơn tại viện Goethe Hà Nội. Đây quả là một hiện tượng đặc biệt mà Châu Âu và rất nhiều nước trên thế giới không có. Sơn có góc nhìn lạ và sáng tạo nên một nghệ thuật mới mẻ. Mọi người xem có thể nhìn tác phẩm và đánh giá được sự lấn át của công nghệ quảng cáo lên kiến trúc mặt tiền ngôi nhà tại hai thành phố lớn Việt Nam”.

Kiến Lâm

Comments are closed.