Nhà Mặt Phố – Tha hóa hay Lớp sơn mới? Thanh tra Viet nam-13Mar2012

Đâu là ranh giới giữa Tiến triển và Mất mát, giữa Tiến tới và Lãng quên? Loạt tác phẩm mới nhất của Nguyễn Thế Sơn, Nhà Mặt Phố không chỉ đem lại cho ta câu trả lời. Bên cạnh đó còn là sự nhắn nhủ đến người xem, hãy ngắm nhìn Hà Nội của hôm nay mà đừng tách rời quá khứ, và hãy xem đó là một thành phố đang tiếp tục phát triển trong nỗ lực hướng đến tương lai mới và qua đó tích cực góp tay kiến tạo chính tương lai đó.

Tiếng nói của nghệ thuật đương đại với cảnh quan đô thị, phần nhiều là sự thở dài tiếc nuối những quá khứ êm đềm. Nguyễn Thế Sơn là một nghệ sỹ trẻ dám đối mặt với những vấn đề đương đại của đô thị Việt Nam. Triển lãm Nhà mặt phố của anh tại Viện Goethe vừa qua thật sự đã phơi bày hiện tượng tha hóa cảnh quan đường phố – mà thủ đô Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu.

Dự án nghệ thuật của Thế Sơn chính là quá trình khảo sát sự biến đổi từ công năng ở sang công năng quảng cáo ở các ngôi nhà mặt phố. Thực ra đây khôngphải lần đầu tiên, những ngôi nhà không hoàn toàn chỉ dành cho việc ở, cũng không phải lần đầu tiên người Hà Nội sử dụng mặt tiền cho hoạt động kinh doanh.

 

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (bên phải). Ảnh: Thu Hiền.

Cái ý nghĩa mặt tiền là tiền mặt được ý thức một cách rõ nét. Các cửa hàng mặt phố viết thẳng lên trên tường, trên trán nhà không chỉ tên tuổi mình mà còn có nội dung quảng cáo các mặt hàng kinh doanh, dịch vụ. Đây là điều mà chỉ vài trăm năm trước người Việt không thể hình dung nổi.

Công cuộc đổi mới đã tạo nên sự sôi động cho thành phố từ sau năm 1986. Các tấm biển quảng cáo thương mại dường như chính là nhiệt kế cho sự năng động của thành phố. Nhưng quá trình mở cửa này lại nhanh chóng bịt lại những ô cửa sổ, những tầm nhìn lãng mạn ở các ban công. Nó làm trầm trọng hơn nữa những căn nhà hình ống cao ngất ngưởng. Hãy hình dung một căn phố như vậy về đêm, còn đâu nữa những ánh đèn hắt ra từ ô cửa sổ như lời bài hát Hà Nội một trái tim hồng của Nguyễn Đức Toàn. Thế Sơn đã phơi bày một diện mạo mới, những khuôn mặt thành phố bị mù lòa bởi chính những đôi mắt mỹ nhân mở to đầy gợi cảm trên các biển quảng cáo, chán nản với những thông điệp và những thương hiệu nhan nhản khắp nơi.

 
 

 Triển lãm Nhà Mặt Phố. Ảnh: Thu Hiền.


Những con người sống trong những ngôi nhà có mặt tiền hướng ra phố đang đối mặt với một áp lực của đồng tiền – mặt tiền, tiền liền với mặt. Người Việt coi ở nhà Tây là một trong những tiêu chuẩn của “sung sướng”. Những ngôi nhà với những ban công và ô cửa lớn từ tầng hai nhìn ra phố đã là một trong những biến đổi quan trọng nhất của diện mạo đô thị Việt Nam đầu thế kỷ XX. Cũng khoảng 100 năm sau, một quá trình bịt lại những tầm nhìn này cũng diễn ra mạnh mẽ ở các khu phố mới tại các đô thị của chúng ta. Triển lãm tại Viện Goethe trên một con phố nổi tiếng không chỉ có Bảo tàng Mỹ thuật mà còn là con phố của các cửa hiệu chuyên làm biển quảng cáo. Như vậy, xét về thiên thời, địa lợi thì triển lãm Nhà mặt phố rất trúng thời điểm và cũng rất đúng địa điểm.

 
 

Giao lưu cùng nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn. Ảnh: Thu Hiền.

Comments are closed.