Nhà mặt phố – Charming Vietnam

Kết thúc ngày khai mạc triển lãm Nhà mặt phố ở viện Goethe, Hà Nội, Nguyễn Thế Sơn vội vã lên đường về Học viện Mỹ thuật Trung Ương Bắc Kinh, nơi anh đang theo học Khoa nhiếp ảnh. Lúc đó anh hiểu rằng nghệ thuật của mình thực sự có ý nghĩa khi nó được sinh ra ở Việt Nam, mảnh đất mà anh đang gắn bó cuộc sống cá nhân với gia đình. Các tác phẩm Nhà mặt phố được Nguyễn Thế Sơn tập trung nghiên cứu khảo sát diện mạo đô thị Hà Nội trong quá trình thay đổi và phát triển với 2 chất liệu chính là lụa và nhiếp ảnh. Khi bắt tay vào thực hiện các tác phẩm đầu tiên, anh thử nghiệm với việc in ảnh trên giấy xuyến chỉ. “Lúc đầu, tôi chỉ quan tâm tới khả năng tối ưu của chất liệu trong tác phẩm của mình và tính biểu đạt của nó …”, anh nói. Nhưng điều khó khăn xảy ra trong quá trình thực hiện bởi anh quan tâm tới tính biểu đạt của ảnh “trông giống như một tấm phù điêu”.

Ban đầu, anh thử nghiệm xây dựng kết cấu tác phẩm với gỗ và thạch cao. Nhưng điều đó không giải quyết được khả năng tốt nhất của việc thể hiện bề mặt. Anh quyết định thay đổi sang vật liệu và cách thức làm biển hộp quảng cáo : “rẻ tiền, dễ thi công, dễ thực hiện”. Bối cảnh của ảnh chụp không thay đổi, chúng được thu nhỏ lại sao cho vừa với kích thước và sự đồng nhất ở các tác phẩm rồi được cắt laser cho mỗi chi tiết để tạo nên từng không gian chồng lấp. Ban đầu, anh chụp tổng thể toàn bộ phối cảnh, nhưng có một vấn đề nhỏ là kích thước ảnh chụp lớn khiến chất lượng toàn bộ tấm ảnh không đạt độ nét cao nhất. Anh chuyển qua phương pháp chụp panorama liền 7 tấm theo phương chiều dọc rồi xử lý hậu kì trên máy tính ghép chúng lại với nhau. Đây là cách tác giả tăng dung lượng ảnh chụp. Lớp ảnh dưới cùng khiến anh mất nhiều thời gian nhất. Phải chờ đợi cho đến khi con phố thật vắng bóng người qua lại, chỉ còn là cảnh tĩnh giống như một phim trường. Kế tiếp, anh sắp xếp các nhân vật tham gia giao thông ở bên dưới bằng cách chụp riêng từng nhân vật ở không gian, thời gian, bối cảnh khác nhau rồi ghép từng nhân vật lại. Nó như một trò chơi xếp hình mà ở đó Nguyễn Thế Sơn cho các nhân vật tự đối thoại với nhau trong một không gian cố định, như một lớp phông nền sân khấu theo từng ngụ ý và câu chuyện riêng phù hợp với từng tác phẩm độc lập.

Tiếp theo, anh và các trợ lý tách các chi tiết tấm theo từng lớp không gian, làm khối cho mỗi chi tiết và cấu trúc chúng lại theo hình chụp ban đầu, như trình tự hoàn thành một tấm biển hộp quảng cáo, sao cho hình chụp chi tiết biển hộp quảng cáo trong ảnh nổi nhất. Không gian cũng được sắp xếp theo chi tiết hình chụp gốc ban đầu và hướng bóng đổ ở các chi tiết có sẵn. Nếu như chỉ nhìn thoáng qua bề mặt ban đầu của các tấm nhiếp ảnh phù điêu Nhà mặt phố và tìm yếu tố nghệ thuật theo cách xem nhiếp ảnh thông thường sẽ khiến ta có đôi chút thất vọng vì chúng được mô phỏng quá hiện thực. Xem tác
phẩm lần này của Nguyễn Thế Sơn buộc ta phải thay đổi thói quen và phương pháp tiếp cận từ nhiếp ảnh truyền thống sang cách nhìn nhiếp ảnh ở một dạng khác. Không còn là những khoảnh khắc, góc nhìn, màu sắc và tính cá nhân trong nhiếp ảnh… mà là cuộc khảo sát toàn diện dựa trên các yếu tố lịch sử, văn hóa bản địa và môi trường tạo nên triển lãm. Và ẩn dưới chúng, các tựa đề quảng cáo rất kêu được anh dùng để đặt tên cho mỗi tác phẩm.
Sự trở về của các tấm biển quảng cáo được thực hiện dưới dạng nhiếp ảnh phù điêu của Nguyễn Thế Sơn được anh hoàn thành hình chụp ở nhiều nơi khác nhau xung quanh Hà Nội, được trưng bày ở Viện Goethe, trên con phố Nguyễn Thái Học, nơi mà các tấm biển quảng cáo từ đó sinh ra, nay quay trở về dưới dạng nghệ thuật bằng chính những phương pháp tạo nên các tấm biển quảng cáo trước khi nó ra đi.
Khi bạn bước ra khỏi môi trường mình sinh sống, thì lúc đó câu chuyện nghệ thuật của bạn đã bị gián đoạn. Đó là tính hoàn cảnh làm nên triển lãm Nhà mặt phố…

Hà Mạnh Thắng

Comments are closed.