“Nhà Tây biến hình” – tiếng kêu cứu của những di sản văn hóa bị bóp méo
(Dân trí)- “Nhà Tây” là những kiến trúc của người Pháp được xây dựng cho tầng lớp trung lưu và thương gia ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Tuy nhiên số phận của những ngôi “Nhà Tây” lại chứa đựng những câu chuyện thăng trầm như lịch sử của chính mảnh đất này.
Số phận những ngôi nhà Tây bị “bóp méo”
Tiếp nối chủ đề của “Nhà mặt phố”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn kết hợp cùng nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế tiếp tục những khám phá của mình với những ngôi “Nhà Tây” nhưng đã bị “biến hình” qua nhiều thăng trầm, biến đổi. Với việc trưng bày 20 tác phẩm sử dụng thủ pháp “nhiếp ảnh phù điêu”, Thế Sơn đã chỉ ra rõ sự biến đổi rõ rệt ở những ngôi nhà Tây tại Hà Nội.
“Nhà Tây” đó là những ngôi nhà xinh đẹp và thoáng mát, được người Pháp xây dựng, đại diện cho tất cả những nét ngoại lai đẹp đẽ và lãng mạn của phương Tây trên đất Việt. Mỗi ngôi nhà là sự pha trộn giữa kiến trúc Đông và Tây để tạo nên một không gian sống mà mọi người đều mơ ước.
Tuy nhiên với sự thay đổi và phát triển không ngừng của phố phường, đô thị, những ngôi nhà ấy không chỉ bị đổi chủ mà còn “biến dạng” đến mức không còn nhận ra. Ngôi nhà 126,128,130 phố Nguyễn Thái Học được xây dựng từ năm 20 của thế kỉ XX không còn là những ngôi biệt thự “đắt đỏ” mà nay bị phủ kín bởi những biển quảng cáo dày đặc; Ngôi nhà số 10, Lý Quốc Sư của chủ nhà tên Nghiêm Xuân Thức – một chủ hiệu ảnh lớn ở Hà thành lúc bấy giờ cũng trở thành “Hợp tác xã” rồi là quán “Phở 10 Lý Quốc Sư” như hiện tại; Ngôi nhà số 484 phố Bạch Mai cũng không còn nguyên vẹn là kiến trúc đồ sộ mang phong cách tân cổ điển của thập niên 30, thế kỉ XX nữa mà trở nên sứt mẻ và lẫn trong biển quảng cáo áo quần…
Xót xa trước những di sản văn hóa bị phá vỡ
Là người trong nghề, hơn ai hết Nguyễn Thế Sơn phải thừa nhận đây là những công trình kiến trúc không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, thẩm mĩ và còn có tính tiện ích cao. Anh cho biết: “Khi chúng tôi đi khảo sát và có những cuộc nói chuyện với chủ của những ngôi nhà này, ai cũng phải thừa nhận không gian sống của nó rất tuyệt vời vì ấm vào mùa đông và mát về mùa hè”.
Tuy nhiên vì những lí do khách quan và chủ quan, những công trình kiến trúc này chỉ còn tồn tại dưới dạng những mảnh ghép mờ nhạt mà ít ai nhận ra. Sử dụng thủ pháp “nhiếp ảnh phù điêu” tác giả đã thử nghiệm khái niệm “chụp cắt lớp” kiến trúc,bóc tách các lớp lịch sử đã hình thành và chồng đè lên nhau trong suốt 100 năm qua. Với cách làm này, Thế Sơn ví nó như một “Phương pháp chụp X – quang xuyên thời gian, để qua đó cố gắng đọc, hiểu và lắng nghe tiếng thở than của những ngôi nhà hay nói đúng hơn là số phận của những ngôi nhà, số phận của những gia đình trải qua những trắc trở biến thiên của thời cuộc”.
Tiếng kêu cứu, ai tỏ?
100 năm đã đi qua, những ngôi nhà Tây thực sự đã biến dạng, biến hình rồi sẽ biến mất trong sự tiếc nuối của những người ở lại. Với mong muốn nghiên cứu để phục dựng nguyên trạng những ngôi nhà, 20 bản vẽ được hai tác giả thực hiện dựa trên kí ức của các chủ nhân ngôi nhà và các nguồn tư liệu sách vở.
20 bản vẽ với tên gọi “Nhà Tây biến hình” được chính thức ra mắt công chúng từ ngày 10/10 đến hết ngày 29/10 tại Manzi art space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội.
Một số hình ảnh tại triển lãm “Nhà Tây biến hình”
Phạm Oanh