Nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc- mười năm phơi sáng

Triển lãm “Nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc – mười năm phơi sáng” diễn ra vào tháng 11 năm 2010 tại Bảo tàng Học viện Mỹ thuật Trung Ương Bắc Kinh.

Mười năm có thể là ngắn so với một chặng đường phát triển của một đất nước, song mười năm cũng có thể là đủ để hình thành và đưa đến sự phát triển vượt bậc của một nền nhiếp ảnh đương đại. Với tiêu đề “Nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc – mười năm phơi sáng”, cuộc triển lãm diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật CAFA thuộc Học viện Mỹ Thuật Trung Ương Bắc kinh đã phần nào vẽ nên bức tranh toàn cảnh về diện mạo của nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc hình thành và phát triển gần như từ không đến có trong suốt 10 năm qua.

Quang cảnh triển lãm trong Bảo tàng nghệ thuật CAFA

Qua những bài nghiên cứu trước đây tôi đã rút ra được những nhận định về sự thay đổi về nội dung cũng như quy mô phát triển của nghệ thuật đương đại Trung Quốc nói chung sau mỗi chặng đường 10 năm.

Giai đoạn thứ nhất từ 1979 đến 1989 (giai đoạn sau Cách mạng văn hóa đến trước sự kiện Thiên An Môn), các sáng tác chịu ảnh hưởng nhiều từ những hậu quả của Cách mạng văn hóa, các tác phẩm thường thể hiện sự đấu tranh giằng xé giữa các giá trị đối lập trong xã hội, trong hệ tư tưởng, trong lối sống, trong quan niệm, mâu thuẫn giữa cái cũ và cái mới, giữa phương Đông và phương Tây.

Giai đoạn thứ hai từ 1989 đến 1999, (giai đoạn hậu Thiên An Môn đến năm bản lề 2000), các tác phẩm nở rộ về nội dung cũng như hình thức biểu đạt. Vẫn tiếp tục phản ánh các vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, nhiều sáng tác đã lấy hình tượng liên quan đến chính trị như Mao, áo đại cán… làm chủ đề. Những vấn đề cá nhân trong tác động của xã hội hiện đại cũng được các nghệ sĩ khai thác rất nhiều.

Giai đoạn thứ ba từ sau năm 2000 đến nay chính là giai đoạn có bối cảnh quan trọng cho nội dung đề cập tới trong bài viết này. Ở giai đoạn này cùng với làn sóng mở cửa chào đón các nghệ sĩ, trí thức Hoa kiều nổi tiếng quay trở về Đại lục là sự công nhận chính thức của nhà nước đối với sự tồn tại và đóng góp của các hình thức nghệ thuật thể nghiệm, đa phương tiện đối với nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Nhiếp ảnh cũng như video art, sắp đặt, trình diễn, hoạt hình, nghệ thuật khái niệm… những thứ mà chỉ trước đó không lâu đều nằm ở ngoài lề của các Học viện thì giờ đây đã được chính thức công nhận như những hình thức chất liệu chuyên ngành chính thống. Chính sự mở cửa về kinh tế, chính sách và môi trường học thuật đã mang đến sự phát triển vượt bậc cho nhiếp ảnh đương đại và nghệ thuật đa phương tiện của Trung Quốc. Đề tài cũng như các phương pháp tiến hành của các tác phẩm Nhiếp ảnh đa phương tiện thời kỳ này chứng kiến sự trưởng thành nhanh chóng của các nghệ sĩ luôn bám sát những trào lưu xu hướng tiền phong trên thế giới.

Tác phẩm của Liu Bolin

Có thể nói nhiếp ảnh thử nghiệm Trung Quốc được manh nha từ rất sớm, nếu như ở nước ngoài thời điểm đầu những năm 80, nghệ sĩ Ai Wei Wei (Ngải Vị Vị) khi đang theo học ở thành phố Brooklyn (Mỹ) đã bắt đầu thực hành nhiếp ảnh thể nghiệm thì ở trong nước các nghệ sĩ Trung Quốc cũng đã dùng máy ảnh để ghi lại các sự kiện nghệ thuật, các thực hành nghệ thuật rất sơ khai trong những hoạt động của “phong trào 85”. Quả thực là nhiếp ảnh đã đi vào các hoạt động trong đời sống nghệ thuật của các nghệ sĩ một cách rất tự nhiên. Lúc đầu phần lớn chỉ ý thức dừng lại ở việc ghi chép tài liệu cho các tác phẩm trình diễn và sắp đặt, dần dần có những nghệ sĩ đã phát hiện và sử dụng nhiếp ảnh như một hình thức độc lập để thể nghiệm các tác phẩm của mình. Họ dùng ảnh chụp để tiến hành thực hiện các tác phẩm ảnh dàn dựng từ đơn giản đến công phu.

Cang Xin trong dự án “Nếm”

Những nghệ sĩ tiên phong của trào lưu này không thể không nhắc tới Wang Qing Song hay Zhang Huan, Zhang Da Li. Nếu như Zhang Huan đã gắn liền nhiếp ảnh với những tác phẩm trình diễn từ đầu những năm 90, đưa tên tuổi của mình vượt xa khỏi biên giới Trung Quốc thì Wang Qing Song đã kết hợp những ý tưởng trình diễn và sắp đặt vào với công nghệ kỹ thuật số để rồi cuối những năm 90 đã mang đến một loạt các sêri ảnh dàn dựng công phu hoành tráng đầu tiên, tạo nên thương hiệu nhiếp ảnh dàn dựng nổi tiếng trong giới nghệ thuật trên thế giới.

Tác phẩm thử nghiệm của Zhang Huan

Ngoài ra còn phải kể đến Zhang Nian, Liu Zheng , Hu Jie Ming, Miao Xiao Chun… những người đã thử nghiệm từ rất sớm những khái niệm mới trong nhiếp ảnh. Có một đặc điểm chung là các tác giả nổi danh này đều có nguồn gốc xuất thân là họa sĩ, họ luôn nỗ lực muốn phá bỏ những giới hạn của nghệ thuật tạo hình truyền thống, cố gắng sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện để thực hiện nghệ thuật hành vi, nghệ thuật khái niệm. Chính sự dấn thân, tìm tòi, thử nghiệm từ rất sớm của các nghệ sĩ thị giác đã là những tiền đề hết sức quan trọng để đưa đến những bước tiến dài của nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc những năm về sau.

Tác phẩm in kính độc bản của Liu Zheng

Sau năm 2000, có thể nói nghệ thuật đương đại Trung Quốc nói chung và nhiếp ảnh đa phương tiện Trung Quốc nói riêng đã chứng kiến những thay đổi căn bản về cả nội dung lẫn quy mô phát triển. Đồng loạt hệ thống 8 Học viện nghệ thuật lớn nhất Trung quốc (Bát đại Học viện) đều thành lập khoa nhiếp ảnh đa phương tiện, chính thức đưa vào giảng dạy, kêu gọi một loạt các nghệ sĩ Hoa kiều nổi tiếng về chuẩn hóa giáo trình và đội ngũ giáo sư giảng dạy với một nỗ lực đưa nhiếp ảnh đa phương tiện trở thành một mũi nhọn chủ chốt của giảng dạy nghệ thuật đương đại trong nhà trường. Với một hiệu ứng đồng thanh tương ứng, môi trường thực hành nghệ thuật trong và ngoài Học viện đã có những hoạt động lớn mạnh không ngừng. Xuất hiện liên tiếp các tên tuổi mới với những phương pháp thực hành độc đáo đã đưa nhiếp ảnh đa phương tiện trở thành mảng triển lãm không thể thiếu trong các kỳ triển lãm nghệ thuật uy tín thế giới trong các Biennial, Triennial cũng như các gallery, các bảo tàng nghệ thuật lớn.

Khách xem triển lãm

 

Với tiến trình lớn mạnh không ngừng của nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc như vậy thì triển lãm Nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc – mười năm phơi sáng được diễn ra như một lẽ tất nhiên nhằm mục đích tổng kết, điểm lại những gương mặt quan trọng của nhiếp ảnh Trung Quốc trong 10 năm đầu thế kỷ 21. Triển lãm được giám tuyển và tổ chức bởi khoa nhiếp ảnh đa phương tiện của Học viện Mỹ thuật Trung Ương Bắc Kinh (CAFA) – một cầu nối quan trọng trong đào tạo nghệ thuật đương đại Trung Quốc. Triển lãm đã tập hợp tác phẩm của hơn 30 nghệ sĩ, được chia làm 2 triển lãm, triển lãm chính có tên là Thời đại không ký ức (Beyond memory), gồm các tác giả đã thành danh và có những đóng góp cũng như ảnh hưởng quan trọng đối với nền Nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc. Triển lãm thứ 2 có tên là Tôi thay đổi vì thế nên tôi tồn tại (I change therefore I am), đây là triển lãm dành riêng cho các tác giả trẻ, những nghệ sĩ mới nổi có nguồn gốc được đào tạo từ khoa nhiếp ảnh đa phương tiện của Học viện nghệ thuật.

Triển lãm chính Thời đại không ký ức bao gồm các tác phẩm mới nhất của 19 nghệ sĩ nổi danh như Zhang Da Li, người nổi tiếng với nhiếp ảnh trình diễn thời kỳ đầu lần này mang đến 2 tác phẩm được phơi sáng bằng thủ pháp truyền thống độc đáo (in monotone màu xanh) với ký ức về hình ảnh xe đạp Bắc Kinh.

Tác phẩm in độc bản truyền thống của Zhang Da Li

 

Liu Zheng với seri ảnh in phim kính độc bản dựng lại những tích cổ.

Tác phẩm in phim kính độc bản của Liu Zheng.

 

Qiu Zhi Jie –giáo sư khoa Nghệ thuật thực nghiệm với 1 tác phẩm sắp đặt video. Ma Gang – Viện trưởng Học viện Thiết kế CAFA với 2 tác phẩm ảnh khái niệm. Wang Chuan – Viện phó học viện Thiết kế CAFA với dự án ảnh Refocus (Lấy nét lại) tập trung khảo cứu ký ức hình ảnh Rồng trong đời sống thường nhật.

Dự án ảnh “Refocus” (Lấy nét lại) của Wang Chuan – Viện phó học viện Thiết kế CAFA

Yao Lu – Giáo sư khoa nhiếp ảnh học viện CAFA mang đến 1 seri ảnh phong cách theo lối tranh Trung Quốc họa truyền thống nhưng không phải là núi non sơn thủy hữu tình mà là những bức tranh được làm từ rác xây dựng.

Tác phẩm của Yao Lu

Miao Xiao Chun – Giáo sư trưởng khoa Nhiếp ảnh mang đến 2 tác phẩm video art hoạt hình 3D, mỗi video dài hơn 10 phút thực hiện trong vòng 2 năm với sự trợ giúp của 20 trợ thủ.

Tác phẩm video art hoạt hình 3D của Miao Xiao Chun

Wang Qing Song mang đến triển lãm 1 tác phẩm nhiếp ảnh dài 42 mét cao 1,25 mét, có tên Tượng đài lịch sử, tác phẩm được thực hiện với 200 người mẫu.

Hậu trường tác phẩm “Tượng đài lịch sử” của Wang Qing Song

 

Trích đoạn tác phẩm “Tượng đài lịch sử” của Wang Qing Song

 

Tác phẩm “Tượng đài lịch sử” của Wang Qing Song, dài 42m

 

Ngoài ra còn có các tác phẩm nhiếp ảnh và đa phương tiện khác của các nghệ sĩ Hu Jie Ming, Huang Ya, Jiang Zhi, Jin Jiang Bo, Lin Tong, Liu Wei, Qiu An Xiong, Wang Long Jiang, Yang Fu Dong… Các tác phẩm tham dự đều là những dự án nghệ thuật được tiến hành dài hơi và công phu của các nghệ sĩ khi khảo cứu các giá trị lịch sử xã hội với một nhãn quan khác biệt tạo nên một triển lãm hết sức hoành tráng và ấn tượng.

Tác phẩm “Tremble”, 2009 của Jiang Zhi

 

Tác phẩm hoạt hình video art của Jin-Jiang-Bo

 

“The Dragons”, 2010, Wang Chuang

 

Triển lãm thứ 2 Tôi thay đổi vì thế nên tôi tồn tại tập hợp tác phẩm của 14 tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, các nghệ sĩ trẻ đều mới tốt nghiệp hoặc vẫn còn đang theo học trong Học viện. Các tác phẩm mang lại một không khí hết sức mới mẻ, hiện đại, không còn vương vấn “ký ức” nhiều như các nghệ sĩ đàn anh. Các tác phẩm là những vận động trăn trở của một thế hệ trẻ Trung Quốc khi đối mặt với cuộc sống hiện đại nhưng ẩn chứa nhiều bất trắc và thử thách, nhất là trong thời đại số hóa đầy biến ảo và nhiều cạm bẫy. Nhiều tác giả trẻ tuổi nhưng đã khá thành danh trong nền Nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc, tiêu biểu như Chen Man, Chi Peng, Liu Ren…

Tác phẩm của Chen Man

 

Tác phẩm của Chi Peng

Hai triển lãm tạo nên một bộ mặt của Nhiếp ảnh đương đại Trung Quốc trong 10 năm. Tuy không thể bao quát được hết tất cả các tác giả nhưng có thể nói với triển lãm này, người xem có thể hình dung phần nào được chặng đường phát triển cũng như những xu hướng tiếp theo khi nhiếp ảnh đa phương tiện được đưa vào môi trường Học viện dựa trên nền tảng kỹ thuật bài bản chuyên nghiệp cộng với tư duy học thuật nghiêm túc. Triển lãm cũng một lần nữa khẳng định sự xóa nhòa ranh giới giữa môi trường đào tạo trong và ngoài Học viện. Giờ đây chỉ còn một tiêu chuẩn duy nhất đó là sự làm việc chuyên nghiệp, có bài bản với một tư duy rõ ràng. Với chặng đường “mười năm phơi sáng” đã mang lại cho nhiếp ảnh đương đại của Trung Quốc một diện mạo khác hẳn trước đây để hoàn toàn có thể tự tin hòa nhập với các trung tâm sáng tạo nghệ thuật trên khắp thế giới .

Nguyễn Thế Sơn (10/2012)

Comments are closed.