“Những người chở” đến xứ bảy ngọn đồi- Người đô thị

https://nguoidothi.net.vn/nhung-nguoi-cho-den-xu-bay-ngon-doi-18351.html?fbclid=IwAR24TWk1LA0YZDstQhJ06yZj6YpdtaB_FktY2Dzqb6ek5ktYMxjK8JP48X4

Là câu chuyện của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (trong cuộc trưng bày của ông vừa diễn ra tại Agohub, Hà Nội) về chị gánh hàng rong đến từ vỉa hè Hà nội và anh shipper (chở hàng) bằng xe honda đến từ lòng đường Sài Gòn. Cả hai đã có dịp rong ruổi và tương tác trên khắp các nẻo đường thành phố Worcester (Mỹ).

Bảo tàng Nghệ thuật Worcester, nơi diễn ra cuộc triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (sau đó được mang ra đường phố) vốn là cung điện hoàng gia hoạt động với phương châm kết nối mọi người, kết nối cộng đồng, thông qua trải nghiệm với các nghệ sĩ.

Gợi những suy nghĩ

Nhân vật của họa sĩ được ông gọi là Những người chở làm bằng vật liệu picomat in 3D tại Hà Nội. Để vận chuyển chúng, ông Sơn phân thành những mảnh nhỏ, đóng thùng… rồi xuất cảnh “họ”, cách mà ông nói gợi sự liên tưởng tới cách ra đi của nhiều người Việt trong các điều kiện lịch sử khắc nghiệt. Sang tới thành phố Worcester, tại Bảo tàng Worcester “họ” được ráp lại, có thêm các khung gỗ, tham dự triển lãm, rồi cùng ông chu du khắp thành phố.

Dự án nghệ thuật kết nối cộng đồng kể câu chuyện về chuyến hành trình đưa “những nhân vật ý niệm đặc hữu” của Việt Nam: chị gánh hàng rong (ảnh dưới), anh chở hàng tới nước Mỹ

Ông Sơn mô tả địa hình thành phố Worcester rất thơ mộng. Worcester còn có tên như cổ tích là “thành phố bảy ngọn đồi”, nơi người dân hàng ngày đi lại bằng ô tô trên những con đường dốc lên, xuống liên tiếp, nên “những người chở” của ông, sẽ lập tức tạo được sự chú ý. Đây cũng là nơi phần lớn người trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa đi theo diện HO (sau những năm 1990) cư trú, do thế sự xuất hiện của hai nhân vật chị gánh rong, anh xe thồ hàng hẳn tạo nên những hiệu ứng thú vị.

Ông cho biết tại đây các nhân vật của ông đồng thời như tạo nên một bối cảnh cho các cuộc gặp gỡ giữa người Việt với nhau, những người cùng cội gốc, cùng tầng lớp lao động, dẫu họ sinh sống tại những phương trời cách nhau nửa quả đất. Cuộc gặp gỡ của họ mang lại những soi chiếu về cuộc sống, về thân phận xã hội trong tâm tưởng mỗi người Việt, điều mà ông gọi là: “Một sự phi lý nên thơ đã mang lại tiếng cười sảng khoái và sự gắn kết chia sẻ của cộng đồng người Việt và cả những người địa phương ở thành phố. Nó như hình ảnh xa mờ trong quá khứ nhọc nhằn của những người Việt xa xứ đến đây từ mấy chục năm trước, vừa như một hiện thực khác nhắc nhớ về một quê hương lam lũ vẫn còn đau đáu trong tim họ…”. Tại không gian trưng bày những tác phẩm in 3D, khách đến và tương tác liên tục, như trẻ em có thể scan hình âm bản, rồi sáng tác theo trí tưởng tượng khác nhau của chúng với những mô hình nhân vật Việt Nam mini.

Những hình ảnh tác phẩm tương tác trên đường phố, nhiều người đi qua không biết và chỉ giật mình ngỡ ngàng thú vị khi đến gần

Hồi sinh thành phố bằng nghệ thuật

Chia sẻ về bối cảnh hoạt động của Bảo tàng nghệ thuật Worcester, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: Worcester là thành phố vệ tinh của thành phố Boston (với một vị trí gần như trung tâm của bang Massachusetts, Worcester được biết đến như “Trái tim của Khối thịnh vượng chung” do đó, hình trái tim được lấy làm biểu tượng chính thức của thành phố). Nó nằm trong tình trạng chung có rất nhiều nhà máy bị bỏ hoang (do chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp của chính phủ Trung Quốc). Chính quyền Boston buộc phải nghĩ ra các cách thu hút những người trẻ đến sinh sống để cứu thành phố, mà phát triển nghệ thuật đương đại là một phương cách tích cực.

Tại không gian trưng bày những tác phẩm in 3D, khách đến và tương tác liên tục, như trẻ em có thể scan hình âm bản, rồi sáng tác theo trí tưởng tượng với những mô hình nhân vật Việt Nam mini

Họ cho phép các nghệ sĩ sử dụng các không gian nhà máy bỏ hoang, biến nó thành studio, nhiều nghệ sĩ được chuyển vào sinh sống mở xưởng ở đó. Bước đi khôn khéo này nhanh chóng biến Worcester thành một trong những đô thị đứng đầu thế giới về sự đổi mới.

Câu chuyện sử dụng nghệ thuật công cộng đã biến các thành phố có nhiều công trình công nghiệp hoang phế trở nên tràn đầy sức sống là một “đặc sản” tại Boston. Rất nhiều studio gửi thư mời các nghệ sĩ lớn đến Boston cho các dự án nghệ thuật. Họ mời những họa sĩ đến vẽ những bức bích họa lớn trên mặt ngoài tường nhà máy, các công trình công cộng, với thời gian sáng tác khoảng một tháng, chu cấp  đi lại, ăn ở. Những tác phẩm khổ lớn đó sẽ được trưng bày trong ba năm, đã có nhiều tác phẩm truyền tải những thông điệp lớn, có tính chất nghệ thuật cao, có thể dễ dàng nhận ra dấu ấn cá nhân nghệ sĩ trên đó.

Rất nhiều studio gửi thư mời các nghệ sĩ lớn đến Boston cho các dự án nghệ thuật. Những tác phẩm khổ lớn sẽ được trưng bày trong ba năm

Đương nhiên đó phải là những tác phẩm nghệ thuật đương đại tương tác được với bối cảnh một cách khéo léo. Chẳng hạn tác phẩm tương tác với họng thoát gió của máy điều hòa, những bức khác tương tác với bản thể công trình như bức bích họa và sắp đặt bảng chữ đặt ở thư viện, hoặc tác phẩm những nhân viên bàn tính được đặt trên bức tường văn phòng chuyển đổi từ một nhà máy cũ, có tác phẩm mô tả những đứa bé vùi mình trong sách vở ngoài bức tường trường học…

Người dân Worcester vốn không xa lạ với nghệ thuật đường phố, nhưng họ bất ngờ trước sự xuất hiện một cách vui vẻ của các nhân vật chị gánh hàng rong đến từ Hà Nội và anh shipper bằng honda đến từ Sài Gòn

Tóm lại, thành phố là nơi để nghệ thuật vận động tạo nên các tác phẩm độc đáo và tươi trẻ, thành phố là sân khấu lớn cho những nghệ sĩ chuyên về truyền tải thông điệp trên những bức tường mặt ngoài công trình.

Ông Sơn cho biết ngay sau sự kiện Art on the Street, Bảo tàng Worcester đã tổ chức tiếp Art on the Station. Câu chuyện nghệ thuật luôn được tiếp nối ở nơi đây. Sinh năm 1978 tại Hà Nội, Nguyễn Thế Sơn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2002, hoàn thành thạc sĩ tại Học viện Mỹ thuật Trung ương (CAFA), Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 2012. Từ đó đến nay ông làm giảng viên tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã có nhiều triển lãm cá nhân, cũng như tham gia nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam và thế giới. Họa sĩ làm giám tuyển cho nhiều dự án nghệ thuật, như dự án nghệ thuật tại tầng hầm Quốc hội, Hà Nội (2019), dự án nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn ở Hà Nội (2018)…

ẨN NGHĨA HAI NHÂN VẬT

Phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi thêm với họa sĩ Nguyễn Thế Sơn về những ẩn nghĩa thú vị của Những người chở.

Thưa, tại sao tác giả xây dựng nhân vật lại là cô gánh hàng rong người Bắc, anh xe ôm người Nam, mà không phải ngược lại?

Thứ nhất, đây là ấn tượng của tôi đã xây dựng mà tình cờ thu hút được nhiều người xem chú ý trong tác phẩm Nhà mặt phố và Nhà tây biến hình (đã trưng bày tại Hà Nội). Thứ hai, trong thực tế, hình ảnh phụ nữ gánh hàng rong ngoài Bắc cũng quen thuộc hơn (cụ thể ở đây là gánh rau muống). Hình ảnh đó có thể còn ẩn dụ về các không gian, hay đời sống các hộ nông dân đông đúc xung quanh Hà Nội, nó nhấn mạnh đến vai trò các nữ tiểu thương đang nuôi sống thành phố này. Còn người đàn ông chở hàng bằng xe honda cũ (có cải tiến để thích dụng) thì cực kỳ phổ biến ở Sài Gòn.

Dường như tại Worcester đã có hai phần trưng bày được thực hiện, là không gian trong bảo tàng và trên đường phố?

Đúng vậy. Nhưng phần quan trọng là phần trưng bày được sắp đặt ở ngoài đường, những nơi thuộc về công cộng, để nhân vật tăng khả năng tiếp cận công chúng, khiến mọi người thích thú. Người dân Worcester vốn không xa lạ với nghệ thuật đường phố, nhưng họ đều bất ngờ trước sự xuất hiện một cách vui vẻ của các nhân vật. Việc làm này còn đóng vai trò như cầu nối cho sự kiện lớn hơn việc làm quảng cáo cho triển lãm trong bảo tàng.

Ông đã nhận được những câu hỏi của người xem là gì, và phản ứng của họ có khác mường tượng của ông trước khi cho các nhân vật của mình ra phố?

Câu hỏi cơ bản này luôn được đặt ra với các tác giả, kiểu như tác phẩm từ đâu tới? Cách làm ra nó như thế nào?… 

Còn về phản ứng của công chúng, thì nhìn chung tôi đã hình dung được. Có những khán giả lớn tuổi thực sự không tin vào mắt mình trước hình ảnh chị gánh rong quá thực. Họ đã phải chạy đến để kiểm chứng về hình tượng hiện hữu đã quá lâu họ không được đối diện.

Hoặc những cô học sinh gốc Việt học cấp hai (sinh ra ở Mỹ) khi tới xem trưng bày tại Art on the Street, bảo tôi rằng họ chỉ mới nghe qua lời ông bà, cha mẹ về quá khứ vất vả đói nghèo, giờ mới có cơ hội đến gần hơn những hình ảnh thế này. Nhiều người trong số họ nằng nặc đòi tôi để lại đây cho họ, để đến những dịp Tết, dịp trung thu sẽ bày tại những trung tâm dạỵ tiếng Việt, dạy văn hóa Việt Nam…

Chính vì vậy tôi đã quyết định tặng hai nhân vật Những người chở cho một tổ chức NGO của Việt Nam tại thành phố Boston để dùng làm đạo cụ trong những dịp sinh hoạt văn hóa Việt Nam tại đây.

Thưa, ông đưa Những người chở tới bao nhiêu địa điểm, và khi đặt họ tại những không gian xa lạ với không gian họ thuộc về, như bên trong một sảnh nhà ga ở Mỹ chẳng hạn, hiệu ứng nào đã xảy ra?

Các tác phẩm xuất hiện ở vài chục địa điểm đã được tôi nghiên cứu từ trước khi đi. Trong số các địa điểm đó, tôi thích những không gian mang nhiều đặc điểm bản địa (như những đường đồi dốc, những tác phẩm public art…). Sự xuất hiện tương phản như thế (ở bên trong nhà ga) dường như làm rõ nét thêm cuộc đối thoại của hai nhân vật ở hai miền khác nhau, cũng như để cho hai nhân vật Việt Nam đối thoại với chính kiến trúc ở đó, tôi gọi là cuộc gặp của những tác phẩm công cộng. 

Các không gian điểm đến là một phần trong nội dung truyền tải. Trong mục tiêu đưa nghệ thuật vào cuộc sống thì quá trình đưa tác phẩm trải qua chuyến hành trình dài như thế nào, sẽ tương tác ra sao với những con người thuộc về các nền văn hóa khác nhau và trong những bối cảnh khác nhau, mới quan trọng.

Phương Linh thực hiện – Ảnh: NVCC

Comments are closed.