Photo Hanoi ‘23: Thúc đẩy hồ sơ sáng tạo và cơ hội tới thị trường quốc tế cho Hà Nội- Hanoigrapvine

https://hanoigrapevine.com/vi/2023/04/photo-hanoi-23-to-promote-hanois-international-creative-profile-and-market-opportunities/?fbclid=IwAR3jaM-nt-nKNR0du443bWKU5Gkhm466nC77hEZCPxsaBjr-XdhREx7nRjA

https://www.facebook.com/hello.photohanoi/videos/1411166259679782

liên hoan nhiếp ảnh quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, đang diễn ra tại các địa điểm ở 07 quận của Hà Nội từ ngày 21/4 đến ngày 3/6. Hơn 100 nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ, giám tuyển và chuyên gia tham gia trưng bày tác phẩm tại hơn 20 triển lãm và các buổi trò chuyện, tham quan nghệ thuật (art tour) và hội thảo cho cộng đồng khán giả nhiệt thành tại Hà Nội. Photo Hanoi Biennale do Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, thuộc chương trình nghị sự của thành phố nhằm ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Trong cuộc phỏng vấn với Hanoi Grapevine về Photo Hanoi ‘23, ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp (IFV), chia sẻ về nền tảng cho liên hoan này

Khi chúng tôi suy nghĩ về các chiến lược mới cho Bộ Văn hóa, chúng tôi nhận thấy rõ ràng là phải tổ chức, cùng với các cơ quan chức năng của Việt Nam, một sự kiện lớn để quảng bá một hoặc nhiều ngành văn hóa và sáng tạo.

Chúng tôi tham gia nhiều cuộc họp vào năm 2020 và 2021 với những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng như bối cảnh văn hóa của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, và chúng tôi quyết định rằng nhiếp ảnh là một đề tài hay bởi nhiều lý do, trong đó có việc nhiếp ảnh cũng là một phương tiện để thúc đẩy các hoạt động khác. hoạt động văn hóa. Thông qua nhiếp ảnh, bạn có thể nói về kiến trúc, thời trang, thiết kế, thậm chí là thể thao hoặc bất kỳ chủ đề nào khác liên quan. Vậy nên nhiếp ảnh là một trong những lĩnh vực đầu tiên mà chúng tôi muốn khám phá, và cũng bởi những nhiếp ảnh gia trẻ nhiếp ảnh gia đã thành danh tại Việt Nam đã tạo nên một bối cảnh rất thú vị.

Trong mùa đầu tiên (Photo Hanoi ‘21), chúng tôi đã tổ chức khoảng sáu, bảy triển lãm. Chúng tôi cũng lên lịch tổ chức một số hoạt động bên lề và nhận được phản hồi rất tốt từ công chúng tới tham quan và quan tâm tới sự kiện cũng như các đối tác văn hóa, do vậy chúng tôi quyết định thực hiện ý tưởng tổ chức một sự kiện hai năm một lần (biennale) dành riêng cho nhiếp ảnh.

Biennale hiện là một hình thức rất phổ biến để quảng bá nghệ thuật thị giác trên thế giới. Ví dụ, mọi người đều biết Venice Biennale, nhưng cũng có nhiều sự kiện quan trọng khác như sự kiện dành riêng cho nghệ thuật thị giác cũng như nghệ thuật biểu diễn, một vài sự kiện trong số đó tập trung vào nhiếp ảnh, chẳng hạn như sự kiện ở Bamako, Mali, được gọi là Rencontres de Bamako (Gặp gỡ Bamako). Tất nhiên còn có một số sự kiện khác dành riêng cho nhiếp ảnh trên thế giới và trong khu vực, như Objectifs ở Singapore, Photo Phnom Penh ở Campuchia và Kyotographie ở Nhật Bản.

Vậy nên chúng tôi cùng thành phố Hà Nội tổ chức Photo Hanoi ‘23, cũng là phiên bản chính thức đầu tiên của sự kiện biennale nhiếp ảnh quốc tế này.

Theo ông, biennale nhiếp ảnh này có ý nghĩa ngắn và dài hạn thế nào với thành phố Hà Nội? 

Tôi chỉ có thể so sánh ảnh hưởng của các sự kiện tương tự đối với các thành phố khác. Vậy nên có lẽ trước tiên, chúng ta hãy đối chiếu với Kyotographie, một sự kiện lớn đã có hơn 10 năm được tổ chức tại Kyoto, Nhật Bản. Sự kiện này hiện đang thu hút nhiều đông người tham gia hơn số cư dân của thành phố. Do vậy ta có thể thấy rằng đây là một điều tích cực cho ngành du lịch và nền kinh tế.

Vì vậy chúng tôi hy vọng có thể quảng bá những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Việc các nhiếp ảnh gia và công chúng Việt Nam được tiếp xúc với các tác phẩm quốc tế cũng là điều thuận lợi cho việc tạo ra những đối thoại giữa nghệ thuật Việt Nam và từ các nơi trên thế giới. Sự kiện cũng giúp tăng sự hiểu biết về văn hóa lẫn nhau và giúp cộng đồng trưởng thành hơn bằng cách đưa ra những ví dụ tiêu biểu về những gì đã được thực hiện trong lĩnh vực nhiếp ảnh trên thế giới, thể hiện nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật cũng như cách thức quảng bá và giới thiệu, đó là khía cạnh rất quan trọng. Ví dụ, ở Việt Nam hiện đang thiếu giám tuyển nhiếp ảnh, và sự kiện có lẽ sẽ có ích lợi với công việc của các chuyên gia thông qua việc cố gắng tham gia nhiều hơn vào việc tổ chức các triển lãm ảnh.

Khi công tác truyền thông được thực hiện bài bản và thành công thì với thành phố như Hà Nội, sự kiện sẽ là một công cụ rất quan trọng để thu hút du khách. Bởi vì văn hóa đã luôn là một công cụ mạnh mẽ để quảng bá một thành phố tới đông đảo công chúng bởi nó khoác lên thành phố một diện mạo mới trong mắt cộng đồng quốc tế. Ví dụ, Paris là điểm đến hàng đầu trên thế giới. Vậy lý do là gì? Chủ yếu là do Paris đã đầu tư rất nhiều vào văn hóa: bảo tàng, sự kiện, v.v. Rất nhiều người đến Paris có lẽ vì đây là kinh đô của sự lãng mạn, nhưng quan trọng hơn cả là vì ở đây có rất nhiều hoạt động văn hóa và triển lãm mà bạn có thể dành thời gian tham gia. Tôi việc một thành phố như Hà Nội theo đuổi hướng đi này là điều vô cùng quan trọng để phát triển các sự kiện lớn như Photo Hanoi cũng như và quảng bá các sự kiện hấp dẫn khác tới công chúng.

Theo ông, ai sẽ là đối tượng khán giả chính yếu? Và làm thế nào để thu hút sự chú ý của khán giả?

Còn hơi sớm để biết ai sẽ là đối tượng khán giả chính yếu, nhưng tôi nghĩ những khán giả đầu tiên tất nhiên là người dân Hà Nội. Chúng tôi chủ ý muốn triển lãm không chỉ ở trung tâm Hà Nội mà ở nhiều quận huyện, triển lãm và hoạt động sẽ diễn ra tại khoảng sáu khu vực khác nhau nhằm kết nối người dân Hà Nội với sự kiện này. Đối tượng công chúng đầu tiên mà chúng tôi nhắm tới thực sự là người dân Hà Nội. Chúng tôi cũng muốn tiếp cận người Việt Nam nói chung và hy vọng mọi người sẽ đến và tham dự các sự kiện của Photo Hanoi trong suốt một tháng triển lãm này. Chúng tôi cũng muốn khách du lịch đến. Điều quan trọng cần có là những hoạt động khác ngoài việc chỉ đi bộ trên đường phố và ngắm nhìn các căn nhà, v.v., và còn phải là hiểu biết về văn hóa Việt Nam thông qua nhiếp ảnh. Một đối tượng khán giả vô cùng quan trọng là những người quan tâm đến nghệ thuật thị giác và nhiếp ảnh vì lý do nghề nghiệp. Những người như nhiếp ảnh gia, giám tuyển, người mua tác phẩm và chủ sở hữu phòng trưng bày, rất nhiều cá nhân đa dạng trong ngành nghệ thuật thị giác. Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp và khiến họ quan tâm hơn đến sự kiện này.

Sự kiện không thể hình thành chỉ trong một mùa biennale, ở đây chúng tôi tổ chức mùa đầu tiên và rồi sau đó cứ hai năm một lần, chúng tôi sẽ có những mùa liên hoan tốt hơn, với cách tổ chức tốt hơn và các phiên bản thú vị hơn, và dần dần chúng tôi sẽ gây dựng được uy tín cho sự kiện này và hy vọng sẽ thu hút ngày càng nhiều người từ nhiều đối tượng khán giả hơn cũng như các chuyên gia.

Theo ông lễ hội này sẽ tạo ra cơ hội nghề nghiệp và thúc đẩy sự sáng tạo như thế nào?

Đối với các nhiếp ảnh gia mà tác phẩm tiếp cận được công chúng, dây là dịp để họ trình bày tác phẩm của mình. Không phải mọi nhiếp ảnh gia đều giới thiệu tác phẩm của mình ở Việt Nam bởi không có nhiều cơ hội để họ trưng bày tác phẩm của mình, và người Việt Nam thậm chí không có cơ hội để khám phá những tác phẩm ấy. Nhiệm vụ đầu tiên là tạo ra một sân chơi để họ trình bày tác phẩm gặp gỡ các nhiếp ảnh gia khác. Điều quan trọng là tạo ra một cái chung giữa các nhiếp ảnh gia mà họ có thể kết nối và tham gia.

Đây cũng là một khía cạnh hay nhằm tạo cho họ một mục tiêu. Họ sẽ biết rằng mỗi năm họ có thể tận dụng thời gian này để giới thiệu về những gì họ làm, kỹ thuật họ sử dụng, học hỏi những kỹ thuật mới và tham gia thảo luận.

Các sự kiện thảo luận được tổ chức nhằm giúp sinh viên, khán giả và nhiếp ảnh gia trao đổi và đưa ra quan điểm về những khả năng cũng như làm thế nào để hiểu hơn về những gì đang diễn ra trong ngành nhiếp ảnh toàn cầu, cũng như cách thức để xây dựng sự nghiệp của riêng mình trong tương quan với ngành nghề này.

Ta thường không dễ dàng tìm thấy tác phẩm nhiếp ảnh trong các phòng trưng bày, bởi phần lớn thời gian, phòng trưng bày sẽ triển lãm tranh, tác phẩm điêu khắc, sắp đặt hay video. Đôi khi tác phẩm nhiếp ảnh đôi khi sẽ xuất hiện trong các buổi trưng bày. Trong Photo Hanoi, triển lãm sẽ chỉ tập trung vào nhiếp ảnh. Đây là một cách để nâng tầm và quảng bá nhiếp ảnh như một ngành nghệ thuật, không chỉ là nghệ thuật thị giác mà còn là một bộ môn riêng biệt. Đây là một yếu tố quan trọng không chỉ đối với các nhiếp ảnh gia mà còn với những ai đang tìm tòi và rằng đây có thể là một lính vực thú vị đối với họ. Tôi biết thực tế là có một vài cá nhân tham gia giao dịch tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam, nhưng tôi không chắc họ thực sự quan tâm đến tác phẩm nhiếp ảnh; do đó, đây có thể là một cơ hội để phát triển thị trường cho nhiếp ảnh với tư cách một ngành nghệ thuật.

Đâu là những điểm nổi bật tại lễ hội lần này?

Thật khó để chỉ nói về một, hai hay ba cái tên. Tôi sẽ nói về nhiếp ảnh gia người Pháp Robert Doisneau, một người hoạt động rất tích cực vào khoảng những năm 1960 và được coi là một trong những nhân vật gạo cội của ngành nhiếp ảnh của Pháp. Tác phẩm của ông chưa bao giờ được trưng bày ở Việt Nam. Trong Photo Hanoi, buổi triển lãm đầu tiên sẽ trưng bày 30 tác phẩm gốc của ông. Tôi hy vọng rằng trưng bày này sẽ góp phần mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử nhiếp ảnh cho khách tham quan.

Tôi muốn nói về một nhân vật khác rất quan trọng trong giới nghệ thuật thị giác tại Việt Nam, và là người rất quan tâm đến Photo Hanoi, đó là anh Thế Sơn. Anh là giám tuyển cho một số triển lãm và cũng có tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày. Anh cũng tham gia sự kiện với tư cách là một chuyên gia, bởi vì tôi không phải là nhiếp ảnh gia nên cần có các chuyên gia vào cuộc và đưa ra lời khuyên về việc lựa chọn nghệ sĩ, cách tổ chức triển lãm và những điều thú vị ở Việt Nam, v…v… Vì vậy, anh ấy là một nhân vật rất quan trọng trong triển lãm.

Tôi cũng muốn đề cập tới hai triển lãm, thứ nhất là triển lãm khai mạc vào ngày 21/4, là một triển lãm nhóm do anh Thế Sơn phụ trách, diễn ra tại Trung tâm văn hóa 22 Hàng Buồm. Đây là một ví dụ rất thú vị về sự hợp tác giữa các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế. Chủ đề chung là: Hà Nội là thành phố của các nhiếp ảnh gia. Đây là điều vô cùng thú vị vì sẽ có đông đảo nhiếp ảnh gia giới thiệu cách nhìn của riêng họ về Hà Nội thông qua nhiếp ảnh. Tôi nghĩ sự kiện này rát thú vị, vì tất nhiên đây là một triển lãm nghệ thuật, đồng thời chạm tới lịch sử và xã hội học của Hà Nội với tư cách là một thành phố văn hóa và cũng là một thủ đô lớn ở châu Á. Đây sẽ là một khoảnh khắc đáng mong đợi trong lịch trình của Photo Hanoi.

Sự kiện thứ hai tôi muốn nhắc tới sẽ diễn ra tại VCCA, trưng bày tác phẩm của các nữ nhiếp ảnh gia. Chúng tôi muốn tổ chức một triển lãm dành riêng cho các nữ nhiếp ảnh gia. Nhiếp ảnh gia luôn gặp nhiều trắc trở trong quá trình gây dựng sự nghiệp, nhiếp ảnh gia nữ lại càng gặp nhiều khó khăn hơn, vậy nên chúng tôi rất muốn có trưng bày này. Ngay kể cả việc khó cũng không phải là không thể, và ta có những nhiếp ảnh gia rất xuất sắc. Triển lãm này được giám tuyển bởi một nữ giám tuyển của VCCA cùng một số nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam và gốc Việt đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi nghĩ đây cũng sẽ là một trong những khoảnh khắc rất được mong đợi tại liên hoan này.

Do đó, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng tất cả các triển lãm đều rất thú vị, bao gồm cả những triển lãm chưa được nhắc tới tại đây. Tất cả các nghệ sĩ tham gia chương trình này đều rất giỏi và có các tác phẩm hay. Vậy nên tôi khuyến khích mọi người theo dõi lịch trình và tới thăm mọi triển lãm trong khả năng của mình. Tôi nghĩ đây là cách duy nhất để thực sự hiểu được toàn bộ sự phong phú mà nhiếp ảnh có thể mang lại với tư cách là một loại hình nghệ thuật và là một hình thức biểu đạt.

Vậy còn các buổi workshop và thảo luận thì sao?

Tôi cũng không thể liệt kê tất cả các sự kiện, nhưng có một workshop thú vị về cyanotype. Đây là một kỹ thuật nhiếp ảnh rất khác so với các phương thức truyền thống. Tôi nghĩ chủ đề này rất hay vì nó giới thiệu cho khán giả, những người có thể chưa biết về kỹ thuật này, rằng có nhiều cách để chụp ảnh, không chỉ với máy ảnh mà còn với các công cụ khác.

Về các buổi thảo luận, có lẽ tôi sẽ đề cập tới một trong những các triển lãm bởi có thể đây là sự kiện có ý nghĩa đối với tương lai của ngành nhiếp ảnh tại Việt Nam. Chúng tôi dự định tổ chức một thảo luận xoay quanh giáo dục bậc đại học về nhiếp ảnh, đặc biệt là về nhiếp ảnh sáng tạo. Như mọi người đã biết, không có Khoa Nhiếp ảnh thực thụ trong các trường nghệ thuật ở Việt Nam, và chúng tôi đang suy ngẫm liệu đây có phải điều cần thiết hay không, liệu đây có phải là điều mà các nghệ sĩ hay nhiếp ảnh gia đang mong đợi hay không. Chúng tôi sẽ thảo luận với một số cá nhân đã tham gia giảng dạy nhiếp ảnh tại các trường nghệ thuật ở châu u và các nơi khác trên thế giới và chia sẻ kinh nghiệm của họ với các đối tác tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đang làm việc với một số đối tác, trong đó có ĐHQGHN, về vấn đề này và họ cũng đang băn khoăn liệu đây có phải là một ngành mà họ muốn phát triển trong tương lai hay không; một khóa học đặc biệt về nhiếp ảnh sáng tạo.

Ta cũng sẽ có một buỏi thảo luận về chính Photo Hanoi để nói về những ích lợi của sự kiện này. Chúng tôi sẽ cố gắng tập hợp một số cá nhân có tham gia chặt chẽ trong các sự kiện lớn khác trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Ví dụ như những người tham gia Objectifs Singapore hoặc Kyotographie chia sẻ cảm nhận của họ khi đến với Photo Hanoi trong tương quan với kiến thức họ có, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của họ về tác động của những sự kiện đó tới bối cảnh ngành nhiếp ảnh và đến các thành phố nơi sự kiện được tổ chức. Đây sẽ là buổi thảo luận rất thú vị cho cả công chúng, khán giả và cả những người dân Hà Nội ở đây, những người đang suy nghĩ sự kiện này sẽ như thế nào và có thể mang lại tác động gì cho thành phố.

Liên hoan sẽ thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc thế như thế nào?

Quy mô quốc tế của sự kiện này không chỉ có được nhờ những người được mời tham gia chương trình mà còn qua các đối tác góp sức vào liên hoan lần này. Đây không chỉ là hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Viện Pháp. Chúng tôi cũng đã và đang làm việc để điều phối các quan hệ đối tác quốc tế. Chúng tôi có sự hỗ trợ tổ chức triển lãm và hoạt động từ các quốc gia như Đức, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, Argentina, Nhật Bản, Hungary, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Bỉ. Đã có rất nhiều đối tác đồng ý đồng hành cùng chúng tôi trong suốt hành trình tổ chức liên hoan này. Do đó, các đối tác sẽ cùng quảng bá cho biennale trong mạng lưới của họ về biennale Photo Hanoi. Đây là bước đầu tiên trong công tác quảng bá sự kiện này tới cộng đồng quốc tế, thông qua mạng lưới của các đối tác. Tiếp đó, trong một vài trường hợp, nghệ sĩ quốc tế tham gia triển lãm là người Việt, do vậy, cách họ quảng bá tới bạn bè quốc tế có lẽ sẽ hạn chế hơn so với những người được mời tới từ các quốc gia khác nhau – những người có thể chuyển tải thông điệp và suy nghĩ của họ về trải nghiệm ở sự kiện… Và tất nhiên, chúng tôi hy vọng rằng khách mời cũng sẽ sẵn sàng tham gia quảng bá thông tin và mong muốn quay lại tham dự các mùa liên hoan tiếp theo.

Ông có kỳ vọng gì cho sự phát triển của biennale Photo Hanoi trong tương lai?

Trước hết, tôi mong muón rằng sau hai hoặc ba mùa liên hoan, Viện Pháp sẽ không còn là nhà đồng tổ chức và đối tác chính của liên hoan, và thành phố Hà Nội sẽ có một nhóm chuyên trách tổ chức biennale nhiép ảnh này. Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể để giúp nhóm nâng cao năng lực qua các chuyến đi thực tế tới các sự kiến lớn tương tự để họ có thể trao đổi kinh nghiệp với những người tổ chức các sự kiện nhiếp ảnh và biennale.

Tôi nghĩ điều quan trọng là sự kiện này không chỉ có người Pháp và người Việt mà sẽ trở thành một sự kiện của Hà Nội với các đối tác quốc tế. Viện chúng tôi tất nhiên sẽ tiếp tục là đối tác của sự kiện này.

Tôi muốn chia sẻ quá trình với Festival Huế. Ban đầu, đây là mọt chương trình do phía Pháp hợp tác tổ chức, và sau một vài năm với nhiều chương trình đào tạo và nâng cao năng lực, v.v., hiện nay Festival Huế 100% được tổ chức bởi Thừa Thiên Huế gồm một văn phòng chuyên trách mọi khâu tổ chức festival, và Đại sứ quán Pháp và Viện Pháp là hai trong số các đối tác quốc tế tham gia lễ hội. Theo tôi đây là phương án tốt nhất cho sự kiện này trong tương lai. Điều tôi hy vọng là, trước hết, thành phố sẽ có thể tìm đủ nguồn lực để phát triển dự án này và cam kết thực hiện lâu dài. Một sự kiện như vậy là khá tốn kém, tại đây, rất nhiều nguồn tài chính và nhân lực đến từ Viện Pháp, nhưng chúng tôi sẽ không thể tiếp tục dự án với mức độ cam kết này.

UBND Thành phố Hà Nội cần coi đây là dự án của họ và nhận thấy việc đầu tư tiền vào dự án này thực chất là đầu tư thực sự. Tôi nhớ có lần đã đọc được rằng thị trưởng của Lyon, một thành phố ở miền Trung nước Pháp cũng đang tổ chức một biennale, nói rằng cứ mỗi euro mà thành phố đầu tư vào sự kiện, thì thu được ba euro để làm giàu cho thành phố; thông qua du lịch, thông qua các khoản đầu tư khác từ các công ty, v.v. Ông ấy nói rằng với họ đó không phải là tiêu tiền mà là kiếm tiền.

Vì nên đây là điều rất quan trọng, đó là thành phố tiếp tục đầu tư vào văn hóa bởi điều đó cho phép thành phố trở nên trù phú hơn. Tất nhiên, điều tôi hy vọng là sự kiện sẽ ngày càng nổi tiếng hơn, trước tiên là trong khu vực giữa các nước châu Á, nhưng về lâu dài đây sẽ là tư liệu tham khảo cho các sự kiện nhiếp ảnh và nghệ thuật thị giác trên thế giới. Sự kiện có thể là một trong những địa điểm chủ chốt để mọi người tới tham dự, gặp gỡ các nghệ sĩ và khám phá về sáng tạo mới, và điều quan trọng là nhiếp ảnh tiếp tục là chủ đề chính của biennale này. Đã có một số thử nghiệm về phối cảnh (scenography) trong trưng bày nhiếp ảnh, và có rất nhiều thử nghiệm có thể thực hiện được. Tôi hy vọng đó sẽ là lực đẩy cho sự sáng tạo, không chỉ trong nhiếp ảnh mà còn trong các lĩnh vực khác. Tôi cũng hy vọng rằng các nhiếp ảnh gia Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng nghệ thuật trên thế giới và sẽ thực sự là một phần của thị trường nhiếp ảnh. Vì vậy, tôi hy vọng khi tôi trở lại đây sau 10 hay 14 năm nữa, thành phố sẽ có một sự kiện lớn mang tên Photo Hanoi. /

Comments are closed.