Photo Hanoi’23: Những không gian được gợi mở từ Hà Nội, thành phố trong nhiếp ảnh-VOV5
https://vovworld.vn/vi-VN/tap-chi-van-nghe/photo-hanoi23-nhung-khong-gian-duoc-goi-mo-tu-ha-noi-thanh-pho-trong-nhiep-anh-1194458.vov#ref-https://l.facebook.com/
“Những hình ảnh về Hà Nội ở festival này là độc nhất và vô cùng đặc biệt”.
Diễn ra từ 21/4 đến 3/6, sự kiện Photo Hanoi’23 bao gồm hơn 100 nghệ sĩ thị giác, nhiếp ảnh gia, giám tuyển và các chuyên gia trong ngành đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Hơn 20 triển lãm tập thể và cá nhân tại 20 địa điểm khác nhau trên toàn thành phố Hà Nội cùng 20 hoạt động liên quan: trình chiếu phim, workshop, hội nghị bàn tròn, art tour vv…Photo Hanoi’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tếdo Viện Pháp tại Việt Nam khởi xướng dưới sự bảo trợ của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Pháp cùng sự hỗ trợ đến từ nhiều đối tác Việt Nam và quốc tế khác.
Quang cảnh buổi họp báo Photo Hanoi’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế |
Chương trình đặc biệt dành riêng cho trưng bày và thực hành nghệ thuật nhiếp ảnh lần này hướng tới mục tiêu tổ chức nhiều hoạt động ở nhiều địa điểm. Đây là cơ hội cho đông đảo công chúng làm quen với tác phẩm của các nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế thông qua các hoạt động nhiều hoạt động, được trải nghiệm thực hành nhiếp ảnh thể nghiệm hay nhiếp ảnh nghệ thuật, được gặp gỡ các nhiếp ảnh gia và giám tuyển triển lãm để thưởng lãm tác phẩm nhiếp ảnh qua một lăng kính khác.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, Photo Hanoi’23 – Biennale nhiếp ảnh quốc tế là sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp. Những hoạt động này thể hiện cam kết mạnh mẽ của thành phố Hà Nội trong việc triển khai thực hiện các sáng kiến, dự án văn hoá trong khuôn khổ Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO thông qua tổ chức các sự kiện gắn với đa dạng hoá các loại hình sáng tạo nghệ thuật.
“Trong thời gian tới. Hà Nội sẽ cụ thể hóa các sáng kiến của thành phố sáng tạo với hồ sơ ứng cử với Unesco bằng các chương trình hành động kế hoạch cụ thể để nâng cao nhận thức gắn kết mọi người với nhịp đập văn hóa và sáng tạo của thành phố, đồng thời sẽ xây dựng những chương trình liên kết giữa Hà Nội với các thành phố sáng tạo trong khu vực và thế giới.” – Ông Đỗ Đình Hồng nói.
Tham tán phụ trách văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, bà Sophie Maysonnave khẳng định: “Chọn nhiếp ảnh làm chủ đề của một sự kiện quốc tế lớn, như vậy, trên hết là chọn văn hóa đương đại, là chọn cách nói với tất cả các thế hệ, đặc biệt là với giới trẻ vốn luôn khao khát nhìn thế giới, hiểu thế giới. Đó chính là lựa chọn đối thoại giữa các xã hội, khám phá các lãnh thổ mới và các nền văn hóa mới, tôn vinh di sản và đưa di sản hòa nhập vào xã hội hiện đại.”
Theo ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp Việt Nam tại Hà Nội, tổng điều phối của dự án cho biết, các triển lãm sẽ mở cửa được tổ chức dự kiến trên địa bàn 7 quận của thành phố Hà Nội, cho phép công chúng và các chuyên gia khám phá sự phong phú của nhiếp ảnh đương đại cũng như các tác phẩm mang tính biểu tượng của nhiếp ảnh di sản.
Các dự án cũng giới thiệu những phương thức biểu đạt nghệ thuật khác nhau dựa trên các kỹ thuật thực hành nhiếp ảnh đa dạng, từ những bộ ảnh của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng đến các tác phẩm của những nhiếp ảnh gia trẻ lần đầu được ra mắt, thậm chí là các tác phẩm sử dụng nhiếp ảnh như một chất liệu của các nữ nhiếp ảnh gia/nghệ sĩ thị giác trẻ tài năng.
Nói về ý nghĩa của việc tổ chức sự kiện nhiếp ảnh quốc tế ở Hà Nội ông Thierry Vergon nhấn mạnh: “Những gì chúng tôi mong đợi chính là mang tới một diện mạo xứng tầm với những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Việc các nhiếp ảnh gia Việt Nam và công chúng Việt Nam được tiếp xúc với các tác phẩm quốc tế cũng là điều rất tốt, cho phép tạo lập một cuộc đối thoại giữa nghệ thuật Việt Nam và nghệ thuật thế giới. Đây cũng là cơ hội để hiểu hơn về các nền văn hóa khác biệt, giúp nhiếp ảnh Việt Nam trưởng thành hơn thông qua các ví dụ điển hình về những thành tựu của nhiếp ảnh thế giới, qua việc thể hiện nhiếp ảnh như một loại hình nghệ thuật cũng như qua cách thức quảng bá và trưng bày. Đây là những khía cạnh thực sự quan trọng. Hiện nay ở Việt Nam đang thiếu giám tuyển nhiếp ảnh, Biennale nhiếp ảnh quốc tế có thể sẽ góp phần thúc đẩy một số chuyên gia trong lĩnh vực này cố gắng tham gia nhiều hơn vào việc tổ chức các triển lãm ảnh.”
Nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Sebastien Laval , người từng gắn bó với Việt Nam từ thập niên 1990, và cũng có nhiều bức ảnh tuyệt vời về Hà Nội, cho biết: “Đây là dịp gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ hiếm có của giới nhiếp ảnh chúng tôi. Đối với công chúng, đây là dịp để khám phá công việc của các nghệ sĩ nhiếp ảnh từ khắp nơi trên thế giới với những phong cách và kỹ thuật chụp khác nhau. Ở festival này, chúng tôi chia sẻ cùng quý vị những bức ảnh chụp về Hà Nội rất khác biệt trên phương diện thời gian, ánh sáng và nhạy cảm cá nhân. Nhiếp ảnh được hình thành bởi ánh sáng, nó đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về mối liên hệ giữa bản thân và thời gian, không gian. Những hình ảnh về Hà Nội ở festival này là độc nhất và vô cùng đặc biệt”
Theo giám tuyển, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thế Sơn, các triển lãm tại Biennale lần này được trưng bày theo tiêu chuẩn về mỹ thuật phổ biến tại các gallery và bảo tàng nghệ thuật trên thế giới hiện nay nhưng vẫn còn rất thiếu hụt trong thực hành về nhiếp ảnh nghệ thuật/mỹ thuật ở Việt Nam. Như triển lãm tại 22 Hàng Buồm quy tụ 16 gương mặt nhiếp ảnh gia, hay 16 cách tiếp cận sử dụng nhiếp ảnh như một phương tiện nghệ thuật, 16 góc nhìn về đối tượng nghệ thuật Hà Nội. Triển lãm góp một tiếng nói trong chuỗi 20 không gian triển lãm về nhiếp ảnh khắp Hà Nội hi vọng sẽ mang tới cho công chúng một trải nghiệm khá tổng hợp về sự đa dạng trong biểu đạt của ngôn ngữ nhiếp ảnh trong đời sống nghệ thuật. Không có một Hà Nội nào trùng khít hay giống nhau qua các tác phẩm của các tác giả. Các tác phẩm là những sáng tác trải dài trong suốt nhiều năm, ở nhiều thời điểm khác nhau về Hà Nội, có bối cảnh Hà Nội trước năm 1954, Hà Nội thời “bao cấp”, Hà Nội thời “Mở cửa”, Hà Nội thời hội nhập toàn cầu…
“Thực tế đây là cơ hội rất tốt cho những người thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp, như trong triển lãm này chúng tôi mời đến để cố gắng đưa ra một góc nhìn, để có thể thấy nhiếp ảnh nghệ thuật thực sự rất đa dạng. Nghệ thuật nhiếp ảnh đã có lịch sử 200 năm, rất dài và phong phú, đồng hành cùng với lịch sử cuộc phát triển công nghiệp của thế giới, hiện tại đến giờ là 4.0. Chúng ta đang ở thời kỳ nở rộ của công nghệ, thì vai trò của nhiếp ảnh nằm ở đâu, trong khi công cụ của nhiếp ảnh trở nên quá phổ biến, đa dạng như thế này, liệu có trở thành một sự đe dọa cho sự phát triển của nhiếp ảnh nghệ thuật chân chính như là một thực hành nghệ thuật hay không?
Với triển lãm này tôi cũng cùng với các nghệ sĩ cố gắng mang tới những câu hỏi mở cho khán giả, đặc biệt là những người yêu mến Hà Nội. Đối với triển lãm “Hà Nội một thành phố trong nhiếp ảnh”, cũng rất vinh dự được trở thành triển lãm mở màn cho chuỗi các tác phẩm, các triển lãm ở đây. Nó chính là câu chuyện của sự đa dạng, rất tiếp cận các thế hệ nghệ sĩ cả Việt Nam lẫn quốc tế.” – Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn cho biết.
“Tôi hy vọng với triển lãm lần này với sự đa dạng trong cách tiếp cận nhiếp ảnh, chúng ta có thể có cái nhìn nhận cụ thể hơn về vai trò của nhiếp ảnh trong xã hội đương đại, khi mà nhiếp ảnh nghệ thuật có thể được triển lãm trong các Gallery nghệ thuật, triển lãm trong các bảo tàng nghệ thuật và ở trong một thiết chế nghệ thuật gọi là biennale, nghệ thuật quốc tế như thế này.
Có lẽ đây là lần đầu tiên mà Ban tổ chức cũng như các giám tuyển, các nghệ sĩ chúng tôi cố gắng đưa ra những thiết chế nghệ thuật bài bản ở trong một nền nghệ thuật mà nó cần thiết để có thể phát triển từ tác phẩm từ nghệ sĩ cho tới một thị trường nghệ thuật . Phải có thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp thì chúng ta mới có thể phát triển được nghệ thuật và các nghệ sĩ mới có thể tiếp tục có những năng lượng sáng tạo để cống hiến.” – Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định.
Khi được yêu cầu điểm qua một vài triển lãm, Giám đốc Viện Pháp Thierry Vergon cho biết: Như triển lãm của nhiếp ảnh gia người Pháp, Robert Doisneau, “người hoạt động rất tích cực vào khoảng những năm 1960, được coi là một trong những bố già của nhiếp ảnh Pháp. Tác phẩm của ông chưa bao giờ được trưng bày ở Việt Nam. Trong Photo Hanoi, chúng ta sẽ có cuộc triển lãm đầu tiên với 30 bức ảnh gốc của ông. Tôi hy vọng điều này sẽ góp phần mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử nhiếp ảnh cho khách tham quan”…
“Hoặc tại VCCA, trưng bày các tác phẩm phẩm của các nữ nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ thị giác, được một nữ giám tuyển của VCCA cùng một số nữ nhiếp ảnh gia Việt Nam và gốc Việt… đến từ nhiều quốc gia trên thế giới là một trong những khoảnh khắc rất được mong đợi của biennale lần này.” – Ông Thierry Vergon nói.Nhiếp ảnh gia người Mỹ William Crawford là một trong những nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên đến Việt Nam thời hậu chiến vào năm 1985 và quay trở lại rất nhiều lần trong 30 năm sau đó. Triển lãm “Hà Nội 1985 – 2015, những năm tháng bị lãng quên” bao gồm 18 bức ảnh đường phố được William Crawford chụp trong khoảng năm 1985 đến 2015 sẽ được trưng bày tựa như một cuốn nhật ký của dòng chảy thời gian ở không gian Nghệ thuật Manzi.
Tiếp đó, triển lãm “Xưa và Nay, đổi thay đường phố Hà Nội“ cũng tại đây với 8 tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu từ những bức ảnh mới chụp, như một lời hồi đáp của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn với 8 bức ảnh mặt tiền các ngôi nhà mà William Crawford đã chụp cách đây 20-30 năm. Cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa hai nghệ sỹ nhiếp ảnh sinh cách nhau 3 thập kỷ, một người thuộc thế hệ chiến tranh Việt-Mỹ, một người là người Việt Nam sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc, là một chiêm nghiệm sâu sắc sự tương phản quá khứ – hiện tại và những thay đổi kỳ diệu của thành phố cổ kính này…
Nhiếp ảnh giả Nguyễn Hữu Bảo cho rằng, hiệu quả của việc tổ chức biennale với quy mô rộng lớn như thế này, sẽ là động lực cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh tìm thấy Hà Nội ở những góc nhìn đa dạng, tạo ra sự sinh động về hình ảnh Hà Nội: “Tôi thấy là một cơ hội để nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã mở ra một không gian để thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh, những người tham gia và những người Hà Nội có thể có điều kiện hiểu sâu hơn về Hà Nội ở những góc độ khác nhau, đa dạng đa chiều và cả góc nhìn từ trong nước cũng như của người nước ngoài về Hà Nội. Và đưa cho chúng tôi một cách nhìn về Hà Nội sâu hơn, đa dạng hơn, hiểu thêm một tính cách Hà Nội.
Và con đường xa hơn của một biennale quốc tế về nhiếp ảnh mà Hà Nội cần tận dụng – như cách Huế đã tiếp nhận và phát triển Festival Huế thành công rực rỡ từ sáng kiến của Pháp – mà Giám đốc Viện Pháp Thierry Vergon chia sẻ: “Hà Nội cần tiếp tục đầu tư vào văn hóa bởi vì điều này cho phép thành phố trở nên giàu có hơn. Điều tôi hy vọng là biennale sẽ ngày càng được nhiều người biết đến, trước tiên là trong khu vực giữa các nước châu Á nhưng về lâu dài cũng có thể trở thành ví dụ điển hình cho các sự kiện nhiếp ảnh và nghệ thuật thị giác trên thế giới.
Nó có thể là một trong những điểm đến quan trọng nơi để gặp gỡ các nghệ sĩ và khám phá những sáng tạo mới và điều quan trọng là nhiếp ảnh vẫn là tiêu điểm của biennale này. Có một số thử nghiệm phối cảnh trong trưng bày nhiếp ảnh, có rất nhiều thử nghiệm có thể thực hiện được. Tôi hy vọng điều này sẽ thực sự thúc đẩy sự sáng tạo không chỉ trong nhiếp ảnh mà còn trong các lĩnh vực khác.
Tôi cũng hy vọng rằng các nhiếp ảnh gia Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn trên thị trường nghệ thuật thế giới và sẽ thực sự là một phần của thị trường nhiếp ảnh. Vì vậy, tôi hy vọng khi tôi trở lại sau 10 hoặc 14 năm nữa sẽ có một sự kiện lớn mang tên Photo Hanoi.” – Giám đốc Viện Pháp Thierry Vergon bày tỏ.